Quan hệ Philippines - Mỹ: Những liên kết mới trên Thái Bình Dương

DANH ĐỨC 04/05/2024 09:46 GMT+7

TTCT - Từ ngày 22-4, hơn 16.000 binh sĩ Philippines và Mỹ đã tham gia cuộc tập trận Balikatan với sự tham dự lần đầu tiên của một chiến hạm của hải quân Pháp.

Cũng khoảng thời gian này, nhiều thao diễn quân sự khác diễn ra - một dạng hợp tác "nhẹ nhàng" hơn các cấu trúc cũ.

Cuộc tập trận Balikatan diễn ra hằng năm. Ảnh: Wikipedia

Cuộc tập trận Balikatan diễn ra hằng năm. Ảnh: Wikipedia

Cuộc tập trận Balikatan (nghĩa là "Vai kề vai") năm nay, lần thứ 39, bao gồm một loạt thao diễn phức tạp về an ninh hàng hải, nhận diện và nhắm mục tiêu, phòng không và tên lửa, chủ động tấn công bằng tên lửa, phòng thủ mạng và các hoạt động thông tin... Tất cả phản ánh quan ngại của giới quân sự trong tình hình mới sau cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Những hệ quả của có hiệp ước và không hiệp ước

Những diễn tập cũng thể hiện mối quan hệ đồng minh gắn bó lâu dài giữa Mỹ và Philippines, vốn từng liên kết với nhau bởi Hiệp ước Phòng thủ hỗ tương (MDT) ký kết năm 1951. Theo đó, "các bên giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau, duy trì và phát triển năng lực cá nhân và tập thể để chống lại cuộc tấn công vũ trang" (điều 2). 

Quan hệ đồng minh này tất nhiên là có quá khứ lâu đời, từ thời Philippines còn là thuộc địa của Mỹ, rồi tới Thế chiến II, khi thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ đánh đuổi quân đội Thiên hoàng (Nhật Bản) chiếm đóng. Nghĩa trang quân đội Mỹ rộng 60 ha ở ngoại ô Manila với 16.859 mộ phần là một minh họa cho sự keo sơn này.

Điểm đặc biệt của MDT là việc lượng giá tình hình không phải do Bộ Quốc phòng hay giới chức quân sự đưa ra, mà là các bộ trưởng ngoại giao: 

"Các bên, thông qua bộ trưởng ngoại giao hoặc cấp phó của mình, sẽ thỉnh thoảng trao đổi với nhau về việc thực hiện hiệp ước bất cứ khi nào một trong hai bên cho rằng sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh của một trong hai bên bị đe dọa tấn công từ bên ngoài ở Thái Bình Dương" (điều 3). 

Tất nhiên, quyết định đầu tiên của hai bên là báo cáo với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (điều 4), chớ không tự tiện "ra tay".

Trên thực tế, từ sau khi Philippines được giải phóng khỏi quân phiệt Nhật, hai bên đã ký kết từ năm 1947 Thỏa thuận Căn cứ quân sự (MBA) mà đến năm 1966 được tu sửa cắt thời gian Mỹ đóng quân xuống còn 25 năm, hết hạn vào năm 1991, và lẽ ra cần gia hạn. 

Song, hôm 16-9-1991, 12 nghị sĩ Philippines đã làm nên lịch sử khi bỏ phiếu không gia hạn. Họ vịn lẽ cho thuê căn cứ là làm mất chủ quyền, và số tiền thuê mà phía Mỹ đưa ra, 203 triệu USD/năm, không bõ bèn gì. 

Hơn nữa, vụ núi lửa Pinatubo phun trào giữa tháng 6-1991 - bụi bay sang tận Việt Nam - khiến phía Mỹ cảm thấy cũng có lý do để rời bỏ các căn cứ không quân Clark và hải quân Subic.

Căn cứ Subic. Ảnh chụp năm 1983. Ảnh: Wikipedia

Căn cứ Subic. Ảnh chụp năm 1983. Ảnh: Wikipedia

Việc Thượng viện Philippines, chớ không phải Thượng viện Mỹ, khởi xướng quy trình lập pháp nhằm tống tiễn quân đội Mỹ vào cuối năm 1991 đã dẫn tới một số hậu quả nghiêm trọng, mà điển hình là vụ Trung Quốc lấn chiếm dải đá ngầm Mischief (đá Vành Khăn) vào năm 1995.

Lý lẽ này do chính cựu bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin N. Lorenzana đưa ra trong bài viết nhân kỷ niệm 70 năm MDT: "Sự yếu kém về năng lực phòng thủ của Philippines bộc lộ rõ ràng khi các căn cứ của Mỹ đóng cửa vào năm 1992. 

Với việc đóng cửa các căn cứ Mỹ, nguồn cung cấp phụ tùng để bảo trì trang thiết bị cạn kiệt và một số lượng lớn tàu, máy bay, trực thăng, xe tải không còn hoạt động được. Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi Mischief vào năm 1995, chỉ ba năm sau khi các căn cứ (Mỹ) đóng cửa".

Mối quan hệ nhiều trúc trắc

Nhận ra vấn đề, Philippines cùng Mỹ thảo luận và thông qua Thỏa thuận thăm viếng quân sự (VFA) ký kết ngày 27-5-1999. Thỏa thuận này tạo nền tảng pháp lý cho binh sĩ Mỹ đến Philippines để tập trận và đóng quân tạm thời. 

Năm 2014, Mỹ và Philippines ký tiếp Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) cho phép quân đội Mỹ đến các căn cứ và vị trí chiến lược của Philippines để huấn luyện chung và xây dựng các hạ tầng như đường băng, kho chứa nhiên liệu và nhà ở. (EDCA được mở rộng vào năm 2023, cho phép Hoa Kỳ tiếp cận 9 địa điểm, so với 5 trước đó).

Nhưng quan hệ song phương trở nên căng thẳng sau cuộc bầu cử tổng thống Philippines năm 2016 với chiến thắng của ông Rodrigo Duterte. Ông Duterte khởi đầu nhiệm kỳ bằng chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 10-2016 và thể hiện mong muốn "xoay trục". 

Ở Bắc Kinh, ông tuyên bố trước cử tọa gồm lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc: "Mỹ đã thua... Tôi đã tự đặt mình lại trong dòng tư tưởng của các bạn". 

Rời Bắc Kinh, ông Duterte mang theo về Manila các cam kết trị giá 24 tỉ USD thuộc Sáng kiến Vành đai con đường. (Tiếc là theo Cơ quan Phát triển kinh tế quốc gia Philippines, chỉ một phần rất nhỏ các cam kết được triển khai trên thực tế, theo Reuters 29-11-2023).

Quá trình "tách rời" với Mỹ của ông Duterte lên đến đỉnh điểm vào đầu năm 2020 sau khi Hoa Kỳ hủy thị thực của thượng nghị sĩ Ronald "Bato" de la Rosa, người lãnh đạo cuộc chiến ma túy của ông Duterte với cương vị tư lệnh cảnh sát quốc gia. 

Tháng 2-2020, ông Duterte thông báo cho Washington về ý định chấm dứt VFA trong vòng 180 ngày. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khiến ông phải "quay xe" lần nữa. Trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 30-7-2021 ở đỉnh dịch, ông Duterte nói sẵn sàng khôi phục đầy đủ VFA với điều kiện Mỹ phải cung cấp vắc xin. 

Rốt cuộc, tính đến tháng 3-2022, Mỹ đã giúp Philippines 38 triệu USD tiền mặt và 32 triệu liều vắc xin (trên tổng số 69 triệu liều trong Cơ chế Covax).

Quan hệ Mỹ - Philippines, vì vậy, giống như một "cuộc tình xuyên thế kỷ", với đầy đủ những hỉ, nộ, ái, ố và thăng trầm.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (áo vest) trong một chuyến thăm Philippines. Ảnh: Getty

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (áo vest) trong một chuyến thăm Philippines. Ảnh: Getty

ASEAN: Những nỗ lực tập hợp bất thành

Nói cho ngay, việc phân nửa Thượng viện Philippines vào năm 1991 ráo riết đòi kết liễu Thỏa thuận căn cứ quân sự với Mỹ cũng có lý do chính đáng. Việc giương cao ngọn cờ độc lập không có gì là đáng trách.

Leszek Buszynski, tác giả của nghiên cứu "Chủ nghĩa thực tế, Chủ nghĩa thể chế, và nền an ninh Philippines", đặt vấn đề: "Liệu một nhà nước có thể giao phó an ninh của mình cho một định chế an ninh đa phương không?". 

Theo tác giả, đây thực sự là vấn đề sống còn với nhiều quốc gia phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: nên dựa vào quan điểm an ninh phòng thủ truyền thống, hình thành liên minh và cân bằng; hay hướng đến các thể chế đa phương, nhấn mạnh đối thoại và ngoại giao phòng ngừa.

Tác giả đã nghiên cứu trường hợp các nghị sĩ đối lập và giới trí thức Philippines phản đối các căn cứ Mỹ ở nước này. Trong các thảo luận, họ thường xuyên giả định rằng sau chiến tranh lạnh, căn cứ quân sự Mỹ không còn cần thiết trong môi trường không còn mối đe dọa trực tiếp với an ninh quốc gia.

Họ cáo buộc chính quyền sử dụng chiêu bài an ninh để biện minh cho sự hiện diện của Hoa Kỳ hoặc khuất phục trước áp lực của Mỹ. 

Chủ tịch Thượng viện Philippines khi đó là Jovito Salonga đã đưa ra tầm nhìn chiến lược về một đất nước không có căn cứ Mỹ, kêu gọi hiện thực hóa Khu vực Tự do hòa bình và trung lập (ZOPFAN) do ASEAN đề xuất. 

Thượng nghị sĩ Juan Ponce Enrile thì muốn kết thúc liên minh quân sự với Hoa Kỳ, đồng thời ký kết hiệp ước bất tương xâm với Trung Quốc, Nhật Bản, Liên Xô và các nước láng giềng khác.

Fidel Ramos, tổng thống Philippines khi đó, cũng kêu gọi ASEAN đảm nhận vai trò ngăn chặn xung đột ở Biển Đông và khẳng định "cân bằng quyền lực chính trị và kinh tế trong nội bộ [ASEAN] là đủ để đảm bảo hòa bình và ổn định chung". 

Nhưng nghiên cứu của Buszynzki kết luận: "Nỗ lực của Philippines nhằm kêu gọi sự hỗ trợ của các thể chế khu vực với sự cố đá Vành Khăn, ở ASEAN và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) là một phép thử với các tổ chức này".

Hai tàu Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu Philippines trong sự cố mới nhất giữa hai nước ở gần bãi cạn Scarborough. Ảnh: Philippines Coast Guard 

Hai tàu Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu Philippines trong sự cố mới nhất giữa hai nước ở gần bãi cạn Scarborough. Ảnh: Philippines Coast Guard

Lúc bấy giờ, không chỉ Philippines tin tưởng nơi sức mạnh của ASEAN. Trong tinh thần hậu chiến tranh lạnh phấn khởi, Ngoại trưởng Malaysia Abdullah Ahmed Badawi tuyên bố an ninh không còn có thể được bảo đảm "bằng phương pháp răn đe cũ của vũ lực đối kháng"; thay vì vậy, "an ninh và sự thịnh vượng của chúng ta sẽ phải được chia sẻ thông qua tăng cường hợp tác, minh bạch và hiểu biết".

Trên cơ sở đó, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã khai mạc ARF, tổ chức lần đầu tại Bangkok vào tháng 7-1994 như một diễn đàn an ninh, gồm 18 thành viên. 

Nhưng ngay từ đầu đã có những bất đồng về chức năng và vai trò của ARF. Từ quan điểm của Hoa Kỳ, Canada và Úc, ARF phải góp phần giải quyết các xung đột hiện tại ở châu Á - Thái Bình Dương bằng một cơ cấu chính thức.

 Nhưng Trung Quốc lo ngại sẽ trở thành mục tiêu nếu điều đó xảy ra, nên nhấn mạnh rằng ARF cần tập trung vào thảo luận hơn là phân xử hay giải quyết xung đột. 

Rốt cuộc thì những giằng xé đã khiến quan điểm "trung lập, đối thoại" ngày một phi thực tế, và một cơ chế bảo đảm an ninh thực thụ của ASEAN đã không thể hình thành, sau rất nhiều cuộc họp đủ mọi cấp độ trải bao năm tháng.

Thực tế không thể phủ nhận là tình hình an ninh khu vực hiện giờ so với hơn 30 năm trước, khi Philippines chấm dứt thỏa thuận quốc phòng với Mỹ, không tốt hơn một cách rõ ràng. Những điểm nóng có nguy cơ xung đột vẫn còn nguyên, thậm chí thêm phần gay gắt. 

Nhiều mối đe dọa an ninh mới xuất hiện, đòi hỏi các bên chủ yếu phải tự thân vận động và tự đặt ra câu hỏi khó tránh về tính chất của hoạt động "tự phòng vệ" và liên minh.

Tất cả cho thấy một nước nhỏ nhất thiết không nên gắn chặt mình với chỉ một liên minh truyền thống, trên cơ sở những ân huệ cũ, một khi tình hình đã thay đổi. ■

Philippines không chỉ có thỏa thuận VFA với Mỹ, mà cả với Úc (SOVFA), từ năm 2012. Rút kinh nghiệm những trục trặc trước đó, SOVFA đảm bảo "tôn trọng và củng cố pháp luật nước tiếp đón" với bộ quy tắc rõ ràng cho binh lính Úc ở Philippines quy định "hành vi phạm tội sẽ bị trừng phạt theo luật của cả hai nước tiếp đón và gửi quân". Mới nhất, Philippines và Pháp đang thảo luận về VFA cho phép binh sĩ nước này tập trận trên lãnh thổ nước kia; Philippines và Nhật Bản cũng đã tổ chức đàm phán Thỏa thuận Tiếp cận đối ứng (RAA) với mục đích tương tự, mà hai bên dự kiến sẽ ký kết vào cuối năm 2024.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận