Việt Nam - miền đất hứa mới cho người mê chim

HUY THỌ 13/05/2024 09:39 GMT+7

TTCT - Trước đây, rừng Mã Đà là chốn riêng của những tay máy người Việt đam mê chụp chim, nhưng trong ba tháng sau Tết vừa qua, nơi đây thu hút hơn 100 khách quốc tế...

Chim tìm vịt tím (trái) và sả xanh, 2 loài chim thu hút người chụp ở Mã Đà. Ảnh: TUẤN ĐĂKLĂK

Chim tìm vịt tím (trái) và sả xanh, 2 loài chim thu hút người chụp ở Mã Đà. Ảnh: TUẤN ĐĂKLĂK

Chỉ cách TP.HCM 62km, xuyên qua những con đường rừng Mã Đà yên tĩnh tuyệt đẹp, là một điểm chụp chim được tổ chức hai năm nay. 

Trước đây, đó là chốn riêng của những tay máy người Việt đam mê chụp chim, nhưng trong ba tháng sau Tết vừa qua, nơi đây thu hút hơn 100 khách quốc tế...

"Họ đến từ khắp nơi, châu Âu châu Mỹ đủ cả, nhưng đông nhất là dân châu Á với Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, Singapore..." - Lam Jiang, một thành viên trong nhóm tạo dựng điểm chụp - ngắm chim ở Mã Đà, nói về những vị khách du lịch quốc tế.

"Con Giẻ cùi đẹp quá"...

"Đi chụp site" là cụm từ mà dân chụp chim nói ra là hiểu. Cội rễ của cụm từ này là từ... nỗi khó khăn của việc đi tìm chim để chụp. Cho dù trong rừng có nhiều chim đến mấy, cũng không dễ chụp nếu cứ vác máy khơi khơi đi tìm, vì chim luôn lẩn khuất trong bụi rậm, trên cây. 

Muốn chụp ảnh con chim, phải dụ cho nó ra - một việc cần tới những người có "nghề" này. Toby Trung - người được gọi là "Thánh chim" từng chia sẻ "Nếu trong khu vực ấy có một con trống non nhưng mình lại đi mở tiếng một con trống già thì không bao giờ nó dám ra!".

Những người mê ngắm-chụp chim phần lớn có nghề nghiệp riêng, có thể là bác sĩ, kiến trúc sư, giáo viên... nên cần tìm đến các site đã được các "chuyên gia" tạo nên, trả một mức phí tùy thuộc mỗi nơi (thông thường ở VN mức phí là 500.000 đồng/site/ngàychụp-ngắm).

Vũng nước nhỏ ở site Mã Đà giúp giẻ cùi giải khát. Ảnh: H.T.

Vũng nước nhỏ ở site Mã Đà giúp giẻ cùi giải khát. Ảnh: H.T.

Ở rừng Mã Đà có hai site. Vào mùa mưa, vị trí site là ven một con suối nhỏ. Mùa khô, con suối cạn sạch, nhưng theo thói quen, các loài chim vẫn tìm về đó. Những bạn trẻ yêu chim như Lương Dũng, Lam Jiang, Anh Khoa... đã đào hố nhỏ, trải bạt, đổ đầy nước vào. Vũng nước nhỏ thu hút hơn 20 loài chim trong những tháng nắng gay gắt vừa qua của miền Nam.

Mùa chụp site ở Mã Đà bắt đầu vào cuối năm và kéo dài đến tháng 5 năm sau. Lần đầu tôi đến chụp site Mã Đà là mùng 4 Tết Giáp Thìn, gặp được 7 tay máy toàn người Việt. Trong một ngày, tôi chụp được hơn chục loài như giẻ cùi xanh, Pitta đuôi cụt, mỏ rộng bạc, mỏ rộng đỏ đen, chim khách, chèo bẻo đuôi cờ. 

Vài ngày sau, thấy Lam Jiang đăng trên face cho biết nhiều loài rất đẹp mới xuất hiện, tôi gọi điện đặt chỗ nhưng Lam Jiang áy náy: "Bây giờ phải đăng ký trước cả tuần anh ơi, vì khách nước ngoài của các công ty gửi đến nhiều quá"!

Đầu tháng 4-2024, tôi mới đi được chuyến thứ hai. Hôm ấy tôi gặp một đôi vợ chồng đến từ Mexico. Anh chồng, Sergio Rivero Beneitez, là một giáo viên, sinh năm 1966, là một tay máy có hạng trong làng chụp chim khi có bộ sưu tập hơn ngàn loài. 

Sergio - NAG đến từ Mexico ở site Mã Đà. Ảnh: H.T.

Sergio - NAG đến từ Mexico ở site Mã Đà. Ảnh: H.T.

"Vợ tôi thích đi du lịch để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử hơn - Sergio kể - Thế là chúng tôi thỏa thuận chuyến đi du lịch 18 ngày đến VN sẽ gồm 9 ngày đầu ở các tỉnh phía Bắc cho cô ấy tìm hiểu thỏa thích theo ý riêng, 9 ngày sau là khoảng thời gian của tôi cho niềm đam mê chụp chim. Tôi tìm hiểu ở phía Nam Việt Nam có khá nhiều chim đẹp và quyết định đi ba điểm Mã Đà, Nam Cát Tiên (Đồng Nai) và Đà Lạt".

Nhưng hôm ấy, trong lúc Sergio say sưa bấm máy, vợ anh cũng không rời ống nhòm. Họ luôn miệng xuýt xoa "Con Cissa chinensis - giẻ cùi xanh - đẹp quá!".

Một hướng đi mới

5 năm trước, bài viết "Theo tiếng gọi chim hoang dã" của tác giả Quang Thi trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã kể về con chim đuôi cụt bụng vằn ở rừng Nam Cát Tiên thu hút khách quốc tế đến chụp và ngắm, mang lại tiền tỉ cho ngành du lịch. Hồi đó, đấy là một câu chuyện vô cùng hiếm hoi. Giờ thì đã khác. Các tour, tuyến bài bản dành riêng cho dân chụp chim đang dần mở ra nhiều hơn. 

Nếu tính cột mốc 2005 với sự xuất hiện công ty đầu tiên chuyên khai thác lĩnh vực chụp & ngắm chim của chuyên gia điểu học Nguyễn Hoài Bảo (Wildtour) cho tới công ty mới nhất, Vietnature Tour, của nhóm Lương Dũng, Lam Jiang, Anh Khoa vừa ra đời hôm 22-3-2024, ở VN đã có chừng 10 công ty chuyên lĩnh vực này.

Nguyễn Lương Dũng, giám đốc Vietnature Tour, học đại học ngành lâm nghiệp, từng làm việc ở Trung tâm du lịch vườn quốc gia Nam Cát Tiên và WWF (Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên hoang dã) và rồi quyết định khởi nghiệp với Vietnature Tour. 

"Tôi ấp ủ chuyện này từ hồi 2018, nhưng bị gia đình cản vì bố mẹ muốn tôi gắn với cơ quan nhà nước - anh nói - Nhưng giờ tôi thấy thời cơ đã chín muồi. Lĩnh vực du lịch gắn với thiên nhiên hoang dã đang có dấu hiệu khởi sắc và tôi luôn muốn góp sức mình vào việc thay đổi nhận thức của người Việt về thiên nhiên hoang dã. Vì vậy, công ty tôi còn tập trung xây dựng các tour phục vụ học sinh, nhóm gia đình vào rừng tìm hiểu về sinh thái, động - thực vật. Chúng tôi đã có những tour phục vụ gần 100 học sinh. Vừa rồi có trường đăng ký cho 600 học sinh nhưng chúng tôi không dám nhận vì nó vượt quá khả năng của mình. Tháng 4 vừa rồi, chúng tôi đã phục vụ một nhóm gia đình 15 người vào rừng. Tôi nghĩ đó là những tín hiệu lạc quan về sự thay đổi nhận thức theo hướng tích cực về thiên nhiên hoang dã của người Việt".

Mất gần 20 năm để một lối làm du lịch mới, ngắm-chụp chim nói riêng, về với thiên nhiên hoang dã nói chung được mở ra, nhưng những quả đầu mùa này mang lại nhiều hy vọng.

Một đôi chim mỏ rộng đỏ đen. Ảnh: H.T.

Một đôi chim mỏ rộng đỏ đen. Ảnh: H.T.

Chim mỏ rộng ngực bạc mái. Ảnh: H.T.

Chim mỏ rộng ngực bạc mái. Ảnh: H.T.

Mùa kết đôi của chim khách. Ảnh: H.T.

Mùa kết đôi của chim khách. Ảnh: H.T.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận