Kiên Hải - vịnh Hạ Long trên biển Tây Nam - Ảnh 1.
Kiên Hải - vịnh Hạ Long trên biển Tây Nam - Ảnh 2.

Kiên Hải - huyện đảo hoang sơ nhìn từ trên cao - Video: THẾ SẢY - QUANG ĐỊNH - THƯ TRẦN

Trong số 3 hòn đảo có đông dân cư sinh sống nhất của Kiên Hải, đảo Hòn Tre và Lại Sơn (còn gọi là hòn Củ Tron) đã có điện lưới quốc gia, điều kiện cơ sở vật chất không kém đất liền là bao.

Nhưng đó là chuyện hôm nay, còn thời gian trước rất khác. Ông Huỳnh Đức Mãnh (Út Mãnh, 58 tuổi, ngụ ấp Bãi Nhà, xã Lại Sơn) nhớ lại, tàu cao tốc từ đất liền ra Hòn Sơn chỉ mới có cách đây khoảng 4 năm. Trước khi có tàu cao tốc, hành trình vượt biển từ đảo vô đất liền rồi trở ra nhanh lắm cũng phải mất 2 ngày.

Theo ông Út Mãnh, trước đây trên đảo rất ít cư dân, chỉ trên dưới vài chục hộ dân và gần như tất cả đều bám biển mà sống. Thời gian đó biển rất nhiều hải sản. Chạy chiếc ghe (tàu đánh cá loại nhỏ) ra biển thả lưới chừng 1 buổi là đầy cá, mực, tôm. Dân chài chạy thẳng vô Rạch Giá bán lấy tiền mua những thứ cần thiết rồi trở về đảo.

Kiên Hải - vịnh Hạ Long trên biển Tây Nam - Ảnh 4.

Ngoài số ít dân cư sinh sống ven biển, trên đảo còn có các đơn vị bộ đội. Dân bám biển, còn bộ đội thường đóng trên núi. Và như một cách bù trừ, ngư dân đánh cá, bộ đội trồng rau, nuôi bò, nuôi heo.

"Mấy chú bộ đội ngày nào cũng gánh rau xuống núi để đổi cá. Còn cần heo thì thông báo trước vài ngày, bà con đặt mua đủ 1 con chừng 70-80kg, các chú làm rồi đem đi giao từng nhà", ông Út Mãnh kể.

Đêm xuống, nhà nghèo đốt đèn dầu, nhà khá hơn một chút thì kéo điện từ nhà đèn tư nhân về xài chỉ 1 bóng đèn tròn thắp sáng khoảng 4 tiếng đồng hồ, tiền điện khoán 1 tháng giá 10.000 đồng, tương đương 10kg gạo.

Ông Bảy Được, chủ quán cơm ở ấp Bãi Nhà, cho biết điều kiện sinh sống khó khăn thiếu thốn trăm bề là vậy, nhưng cả đảo chưa có ai nuôi ý định trở về đất liền.

"Cũng có người làm ăn khấm khá muốn vô bờ sống cho dễ, nhưng rồi ốm đau, bệnh tật lại trở ra đảo. Đất đảo linh thiêng lắm, ai mà ôm của bỏ đi là ông bà quở liền. Cái này không phải mê tín đâu nghen, mà giống truyền thống của dân đảo tụi tui từ hồi nào tới giờ", ông Được nói.

Kiên Hải - vịnh Hạ Long trên biển Tây Nam - Ảnh 5.
Kiên Hải - vịnh Hạ Long trên biển Tây Nam - Ảnh 6.

Khám phá những bãi biển tuyệt đẹp ở huyện đảo Kiên Hải - Video: THẾ SẢY - QUANG ĐỊNH - THƯ TRẦN

Nếu như ở đảo Phú Quốc có hàng trăm, hàng ngàn nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ hàng chục ngàn tỉ đồng ra để xây khách sạn, resort, nhà hàng, khu vui chơi cao cấp để làm du lịch, trên các đảo của huyện Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang), người dân địa phương tự đứng ra làm.

Tới Hòn Sơn, ngay từ cầu cảng dẫn lên đảo, du khách sẽ thấy có nhiều người mời chào thuê xe gắn máy, thuê nhà nghỉ, khách sạn… Họ đều là dân trên đảo chứ không phải "cò" chụp giật. Ai có xe thì mời khách thuê xe, ai có nhà nghỉ thì cử con cháu, nhân viên mời khách về thuê phòng.

Kiên Hải - vịnh Hạ Long trên biển Tây Nam - Ảnh 8.

Giá thuê phòng có máy lạnh ở cả Hòn Sơn lẫn Hòn Lớn đều khá mềm, chỉ từ 200.000-600.000 đồng/ngày đêm. Giá thuê xe gắn máy từ 200.000-250.000 đồng/ngày đêm tuỳ theo xe số hay xe tay ga.

Anh Cẩn, ngụ ấp Thiên Tuế, xã Lại Sơn, có 2 chiếc xe gắn máy chuyên để cho khách thuê, giải thích, giá thuê xe ở đây hơi cao hơn đất liền vì xe rất mau hư, do thời tiết và ảnh hưởng nước biển.

Đi du lịch tới những nơi mà người dân địa phương trực tiếp làm dịch vụ, du khách sẽ cảm nhận rất rõ "hồn cốt" của vùng đất mà mình đặt chân lên. Ở các xã đảo Lại Sơn, Nam Du, An Sơn của huyện Kiên Hải - một trong 12 huyện đảo Việt Nam, ngoài thưởng thức các món đặc sản như tôm biển, cá xanh xương, cá bống mú, cá bóp… với giá rẻ, du khách còn được nghe những câu chuyện đời thường cả xưa và nay, xen lẫn trong đó là những trăn trở của người dân về đất đảo.

Kiên Hải - vịnh Hạ Long trên biển Tây Nam - Ảnh 9.

Ông Năm (66 tuổi, chủ quán cơm Dì Năm Nương ở Hòn Lớn) cho biết, gia đình có 14 người đã 3 đời gắn liền với hòn đảo. Ngày còn trẻ, ông Năm ngày ngày ra biển, vợ con ở nhà sáng bán bún, hủ tíu, còn trưa, chiều thì bán cơm tấm cho bà con quanh xóm.

Dần dần biển ngày càng ít cá vì khai thác quá mức, ông Năm cùng nhiều bạn chài bán ghe gom góp vốn liếng xây phòng nghỉ cho du khách thuê. Cuộc sống hiện tại tốt hơn nhiều, dù không còn ra biển đánh cá.

"Tui ước chừng khoảng 80% dân đảo giờ chuyển qua làm du lịch. Ông trời cũng có cái hay, hết cá thì dân chài lên bờ làm kinh tế, rồi biển sẽ hồi sinh thôi", ông Năm bộc bạch.

Kiên Hải - vịnh Hạ Long trên biển Tây Nam - Ảnh 10.

Kiên Hải - vịnh Hạ Long trên biển Tây Nam - Ảnh 11.

Tới các đảo ở Kiên Hải, việc đầu tiên du khách nên làm là thuê xe máy để tự mình rong ruổi trên những cung đường quanh đảo, xuyên đảo đẹp mê hồn. Nhiều đoạn đường uốn lượn theo triền núi, có đoạn nhìn xuống thung lũng tầm mắt bao quát gần hết một nửa hòn đảo.

Những cung đường này không quá dài, như ở Hòn Sơn chỉ khoảng 14km, ở Hòn Lớn khoảng 10km, Hòn Tre khoảng 7km… Việc tự đi xe máy quanh đảo có cái thú là vừa cảm nhận không khí mát lạnh, mặn mòi từ biển thổi vào, vừa dừng lại chụp ảnh tuỳ thích tại những nơi có cảnh đẹp.

Kiên Hải - vịnh Hạ Long trên biển Tây Nam - Ảnh 12.

Du khách nên đi cùng gia đình, người yêu hoặc nhóm bạn là lý tưởng nhất để trải nghiệm toàn bộ quần đảo Nam Du (bao gồm 3 xã đảo: Lại Sơn (Hòn Sơn), An Sơn (Hòn Lớn) và Nam Du (Hòn Ngang).

Chặng đầu tiên, từ Rạch Giá du khách sẽ tới đảo Hòn Sơn với hành trình 1 tiếng 30 phút bằng tàu cao tốc. Hòn Sơn có các bãi biển có thể tắm là bãi Bàng và bãi Cây Dừa Nằm.

Tại chợ Hòn Sơn, du khách nên tìm đặt mua tôm, mực đánh từ biển, sẽ tươi ngon hơn loại đã ướp qua nước đá. Còn nếu vô quán, mức giá cho 1 bữa ăn với 4-6 người lớn gồm lẩu hải sản, cá kho, đồ xào thêm chút bia, nước ngọt khoảng 500.000-700.000 đồng.

Ban ngày, du khách nên dành thời gian leo núi lên đỉnh Ma Thiên Lãnh, với độ cao khoảng 500m so với mực nước biển. Có 2 con đường lên đỉnh núi này, 1 đường dài 2.200m dễ đi hơn và 1 đường 1.300m rất dốc chỉ thích hợp cho các bạn có sức khoẻ tốt. Tại đây, ngoài thưởng thức món gà ta nuôi thả trên sườn núi rất ngon, du khách còn được phóng tầm mắt bao quát toàn bộ vùng biển xung quanh đảo Hòn Sơn với khung cảnh không chê vào đâu được.

Kiên Hải - vịnh Hạ Long trên biển Tây Nam - Ảnh 13.

Đêm xuống, ở đảo Hòn Sơn, ngoài bãi Cây Dừa Nằm có nhà nghỉ sát bờ biển, những nhà nghỉ ở khu vực Bãi Nhà ngay cầu tàu lên đảo, cho du khách trải nghiệm 1 đêm đầy gió với tiếng sóng vỗ bờ rì rào không ngớt.

Hòn Lớn cách Hòn Sơn 40 phút đi tàu cao tốc, là trung tâm của xã An Sơn. Tại Hòn Lớn, ngoài đi vòng quanh đảo để ngắm cảnh, du khách cũng có thể tắm biển ở Bãi Cây Mến (dân địa phương gọi là Bãi Mến).

Từ Hòn Lớn, mỗi ngày sẽ có các tàu du lịch chở khách đi tham quan Hòn Ngang, Hòn Mấu… với giá chỉ 150.000 đồng/người (mùa cao điểm có thể tăng chút ít). Ngoài việc thoả thích câu cá, câu mực, lặn ngắm san hô, du khách còn được chủ tàu nấu đãi miễn phí 1 bữa cháo nhum (cầu gai), loài hải sản cùng với hàu được mệnh danh là "viagra thiên nhiên".

2 - 3 ngày nghỉ lễ hoặc nghỉ cuối tuần vừa đủ cho một tour du lịch đậm chất sinh thái với thiên nhiên hoang sơ vùng biển đảo Kiên Hải. Khi đã một lần bén duyên, du khách chắc chắn sẽ muốn quay lại bởi cái cách làm du lịch thấm đậm tình người của cư dân địa phương trên đảo.

12 huyện đảo Việt Nam

Miền Bắc: Bạch Long Vĩ, Cát Hải (Hải Phòng), Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh)

Miền Trung: Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Hoàng Sa (Đà Nẵng), Trường Sa (Khánh Hòa)

Miền Nam: Côn Đảo (Vũng Tàu), Kiên Hải (Kiên Giang), Phú Quốc (Kiên Giang)

Kiên Hải - Leo đỉnh Ma Thiên Lãnh ngắm biển Tây - Video: THẾ SẢY - QUANG ĐỊNH - THƯ TRẦN

Đời sống ngư dân nuôi cá lồng bè ở huyện đảo Kiên Hải - Video: THẾ SẢY - QUANG ĐỊNH - THƯ TRẦN

Kiên Hải - vịnh Hạ Long trên biển Tây Nam - Ảnh 18.

Ảnh: TRƯỜNG VŨ

Kiên Hải - vịnh Hạ Long trên biển Tây Nam - Ảnh 19.

Kiên Hải và vấn nạn rác - Video: THẾ SẢY - QUANG ĐỊNH - THƯ TRẦN

Kiên Hải - vịnh Hạ Long trên biển Tây Nam - Ảnh 21.
Kiên Hải - vịnh Hạ Long trên biển Tây Nam - Ảnh 22.

KHOA NAM
QUANG ĐỊNH
THẾ SẢY - QUANG ĐỊNH - THƯ TRẦN
KIỀU NHI
BẢO SUZU
25-10-2019
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0