Nguyễn Huy Sơn là người địa phương, 34 tuổi, chưa lập gia đình vì sở thích du lịch nay đây mai đó. Giới làm du lịch quanh vùng cũng như "dân phượt" gọi anh là "Sơn biển đảo".

Sơn bảo, Vân Đồn từ lâu đã được biết đến như một địa điểm du lịch biển đảo đặc sắc, được thiên nhiên ưu đãi nhiều đặc ân, có những "nguyên liệu" quan trọng để phát triển du lịch biển đảo. "Vân Đồn được ví là vùng đất Rồng, và có thể một ngày không xa huyện đảo này sẽ hóa rồng thực sự, bất kể có được công nhận là đặc khu kinh tế hay không", Sơn nhận định.

Là một huyện đảo nằm trong vùng vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn có tổng diện tích hơn 2.170 km2 (trong đó diện tích đất tự nhiên trên 550 km2), bao gồm 600 hòn đảo lớn, nhỏ. Mỗi hòn đảo đều chứa đựng những giá trị độc đáo, riêng biệt, rất có giá trị về phát triển du lịch.
Vân Đồn - khát vọng vươn lên của vùng đất Rồng - Ảnh 1.
Vân Đồn - khát vọng vươn lên của vùng đất Rồng - Ảnh 2.
Vân Đồn - khát vọng vươn lên của vùng đất Rồng - Ảnh 3.
Vân Đồn - khát vọng vươn lên của vùng đất Rồng - Ảnh 4.

Tiềm năng và khát vọng phát triển mạnh mẽ của vùng đất Vân Đồn - Video: HẢI TRIỀU - THƯ TRẦN

Ngoài những giá trị to lớn về lịch sử của một vùng thương cảng sầm uất xưa, Vân Đồn còn được thiên nhiên ban tặng những giá trị ít nơi nào có được. Đó là nơi có phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình của những hòn đảo đẹp, nổi tiếng như Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng… cùng các di tích gắn liền với lịch sử hào hùng.

Điểm độc đáo của các đảo là thiên nhiên trong lành, hoang sơ. Các bãi cát trắng trải dài đã khiến nơi đây là điểm đến không thể thiếu của du khách trong các dịp hè. Thậm chí, nơi đây còn được ví là "thiên đường du lịch".
Vân Đồn - khát vọng vươn lên của vùng đất Rồng - Ảnh 6.
Với những tiềm năng sẵn có, Quảng Ninh và huyện Vân Đồn đã, đang biến những tiềm năng phát triển du lịch của đảo này thành hiện thực.

Tháng 9-2018, cầu Bạch Đằng nối Hải Phòng với Quảng Ninh được khánh thành, cũng là "cây cầu" nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, giúp rút ngắn quãng đường từ thủ đô đi TP.Hạ Long từ 180 km xuống còn 130 km (và rút ngắn quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng từ 75km xuống còn 25km), giảm thời gian đi ô tô từ Hà Nội về Hạ Long còn khoảng 100 phút.
Cuối tháng 12-2018, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài gần 60 km cũng chính thức thông xe, giúp quãng đường từ Hà Nội đến Vân Đồn chỉ còn hơn 2 giờ đồng hồ.

"Bây giờ, mọi người có thể ăn sáng ở Hà Nội lúc 6h, uống cà phê tại thành phố Cảng Hải Phòng lúc hơn 7h và ngoài 8h một chút là tới Vân Đồn để làm việc. Vân Đồn giờ đã gần lắm rồi!" - ông Tô Xuân Thao, Bí thư huyện ủy huyện Vân Đồn vui vẻ nói về sự tiện lợi khi đến với Vân Đồn.

Cùng ngày thông xe cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, chuyến bay thương mại đầu tiên từ TP.HCM cũng đã đáp xuống sân bay quốc tế Vân Đồn. Chỉ thời gian ngắn, hàng loạt chuyến bay nội địa và cả quốc tế (Trung Quốc) đã được nối đến sân bay hiện đại nhất nhì Việt Nam này.
Vân Đồn - khát vọng vươn lên của vùng đất Rồng - Ảnh 7.
Vân Đồn - khát vọng vươn lên của vùng đất Rồng - Ảnh 8.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn kể: "Từ xa xưa, Vân Đồn đã có những đột phá trong cách nghĩ, cách làm để nhằm phát triển kinh tế biển đảo. Năm 1986, đảng bộ huyện đã lần đầu tiên đưa vào nghị quyết nội dung phát triển kinh tế biển - đảo".

Những năm 1970 trở về trước, việc đi lại tới Vân Đồn cực kì khó khăn. Từ huyện muốn vào đất liền là phải qua mấy lần đò, mỗi lần đò là một đảo, và mỗi chuyến đò như thế phải mất cả tiếng. Đến năm 1973 thì có phà, và đến sau những năm 2000 mới có cầu đường bộ".

Vân Đồn tự lực, những năm 1960, huyện đã thành lập các hợp tác xã đánh bắt thủy sản. Thời gian này như là hoàng kim của Vân Đồn trong phát triển sản xuất thủy sản, có lẽ vì thế mà Bác Hồ rồi các lãnh đạo cấp cao khác như Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn... về thăm.

Theo ông Hà, huyện đảo Vân Đồn trở mình, đột phá mạnh nhất thời những năm 1980-1990. Thời điểm đó, Vân Đồn đã chủ động đi học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế biển, trong đó có du lịch dịch vụ.

Để phát triển kinh tế, Vân Đồn đã đột phá táo bạo với chủ trương đổi đất lấy hạ tầng. Khi đó, huyện xin chủ trương, và cho phép một đơn vị ngoài tỉnh đầu tư đắp một con đường dài khoảng 1,5km từ trung tâm huyện ra cảng (con đường Lý Anh Tông hôm nay dẫn từ bưu điện huyện ra cảng Cái Rồng). Doanh nghiệp đắp đường xong được hút cát, cạp đất tôn tạo 2 bên con đường đó, mỗi bên sâu 30m để họ xây dựng, kinh doanh…
Từ đây, du khách có thể xuống tàu đi các xã đảo.
Vân Đồn - khát vọng vươn lên của vùng đất Rồng - Ảnh 9.

Bà Nguyễn Vũ Vân Anh, Giám đốc Trung tâm truyền thông và văn hóa, cho biết hiện Vân Đồn đang có nhiều dự án khủng về du lịch nhằm biến du lịch Vân Đồn thành địa chỉ du lịch sang trọng và đẳng cấp.

Bãi biển Sơn Hào (xã đảo Quan Lạn) nằm ven bờ biển đảo Quan Lạn có dải cát "thủy tinh" dài tới 3km, vốn là nơi chốn hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. Một doanh nghiệp đang bắt tay triển khai dự án khu du lịch sinh thái cao cấp tại một trong 10 bãi biển đẹp nhất Việt Nam này, với tổng diện tích 75 ha.
Theo bà Vân Anh, ngoài resort cao cấp đang triển khai tại Quan Lạn, ngay tại trung tâm huyện, tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế cũng đang gấp rút xây dựng. Tổ hợp du lịch này có diện tích 100 ha với tổng mức đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng, được thiết kế gồm 5 phân khu chức năng như tổ hợp khách sạn 5.000 phòng, hệ thống trung tâm thương mại cao cấp, spa, gym, bến tàu, bãi biển...

Cùng với sân bay quốc tế Vân Đồn, nhiều tập đoàn lớn cũng đã triển khai rất nhiều dự án nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tại huyện đảo, như: dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn 1 (4.800 tỷ đồng), dự án khu dịch vụ, hậu cần cảng hàng không, dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn với tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD (trong đó có hạng mục Casino). 

Xã đảo Ngọc Vừng, Vạn Cảnh dự kiến được đầu tư với tổng số vốn lên đến 2 tỉ USD để xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị quốc tế, casino, sân golf, vườn thú safari, bảo tàng, khu làng nông nghiệp cộng đồng, thư viện...

Đây có thể nói là những lợi thế vượt trội và khác biệt của huyện đảo này.
Vân Đồn - khát vọng vươn lên của vùng đất Rồng - Ảnh 10.
Vân Đồn - khát vọng vươn lên của vùng đất Rồng - Ảnh 11.
Bùi Thành Luân là một trong những người người trẻ ở Vân Đồn đã nắm bắt thời cơ, tranh thủ đón đầu để phát triển. Mới 29 tuổi, Luân đã có kinh nghiệm nhiều năm làm du lịch tại xã đảo Quan Lạn, và nay người con sinh ra và lớn lên tại Quan Lạn này đã có tài sản khiến không ít người phải thán phục: 1 khách sạn, 4 nhà nghỉ có thể tiếp nhận 160 khách cùng lúc, cùng hệ thống nhà hàng có thể phục vụ 500 khách/lượt. 

Luân cũng là một trong những tư nhân đầu tiên ở Quan Lạn tự bỏ tiền tỉ sắm cùng lúc 2 tàu cao tốc để chuyên chở khách của mình (mỗi tàu 35-40 khách).
Vân Đồn - khát vọng vươn lên của vùng đất Rồng - Ảnh 12.
Tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội năm 2011, Luân quyết định trở về để cùng gia đình phát triển dịch vụ du lịch.
"Khi đó điện lưới điện thoại, Internet cũng chưa ra đến đảo, việc đi lại trên đảo cũng như vào đất liền cực kì khó khăn, nhưng gia đình tôi đã có 1 khách sạn. Vì khó khăn về hạ tầng, hầu hết du khách ra đảo đều lưu trú và ăn uống tại khách sạn nhà tôi.

Năm 2014, khi có điện lưới quốc gia cũng là lúc gia đình giao tôi quản lí khách sạn. Tôi tập trung nhiều hơn cho việc thiết kế các tour, tuyến thăm quan xã đảo, tìm kiếm các loại hình du lịch trải nghiệm hấp dẫn như tour khám phá, tour một ngày làm ngư dân…".

Điều kiện xã đảo ngày một phát triển, du khách biết và đến Quan Lạn nhiều hơn, nhưng khó khăn nhất, bị động nhất vẫn là việc đi lại giữa huyện với xã. Đầu năm 2018 Luân mạnh dạn dồn tiền, vay vốn để mua cùng lúc 2 tàu cao tốc, chủ động trong việc đưa đón khách của mình. Cũng do có tàu, chủ động được đi lại, nên khách của Luân có nhiều phương án lựa chọn để tùy thích lưu lại xã đảo.

"Doanh thu năm 2018 tăng lên 2,5 tỉ đồng, và từ đầu năm 2019 đến hết mùa du lịch hè vừa qua, doanh thu của tôi đã đạt trên 4 tỉ đồng. Nếu trừ mọi chi phí, phần lãi cũng còn ít nhất 2 tỉ đồng", Luân hào hứng tiết lộ.
Vân Đồn - khát vọng vươn lên của vùng đất Rồng - Ảnh 13.
Cũng trẻ và mạnh dạn, dám nghĩ dám làm như Luân, Phạm Văn Toàn (29 tuổi, thị trấn Cái Rồng) cũng đang có những ý tưởng táo bạo để đẩy mạnh phát triển du lịch. Học xong Cao đẳng Hàng hải Hải Phòng, Toàn không theo nghề mà quyết định trở về huyện lập nghiệp.

Được gia đình hỗ trợ, năm 2017 Toàn xây khách sạn khá lớn ngay bến cảng Cái Rồng và đứng ra quản lí, điều hành, kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống, thiết kế các tour du lịch biển cho khách.

Do bố và anh trai có 10 ha mặt nước nuôi cá và hàu ở ngoài vịnh Bái Tử Long, được tư vấn của bạn là Nguyễn Huy Sơn ("Sơn biển đảo"), Toàn mở tour du lịch trải nghiệm thử làm ngư dân.

"Khách đến Vân Đồn, ngoài thăm danh thắng, ít có lựa chọn nào thú vị để có thể ở lại lâu hơn. Khi mở tour này, tôi đưa khách ra vịnh để họ vừa được thăm ngắm những cảnh đẹp của vịnh, lại vừa được tự do bắt ốc, câu cá, đánh lưới, vớt hàu. Khách tự do chế biến sản phẩm mà họ câu, bắt được", Toàn tâm sự.

Một ngày trải nghiệm vịnh Bái Tử Long - Video: HẢI TRIỀU - THƯ TRẦN

Vân Đồn - khát vọng vươn lên của vùng đất Rồng - Ảnh 15.

12 huyện đảo Việt Nam

Miền Bắc: Bạch Long Vĩ, Cát Hải (Hải Phòng), Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh)

Miền Trung: Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Hoàng Sa (Đà Nẵng), Trường Sa (Khánh Hòa)

Miền Nam: Côn Đảo (Vũng Tàu), Kiên Hải (Kiên Giang), Phú Quốc (Kiên Giang)

Vân Đồn - khát vọng vươn lên của vùng đất Rồng - Ảnh 17.
Vân Đồn - khát vọng vươn lên của vùng đất Rồng - Ảnh 18.
Vân Đồn - khát vọng vươn lên của vùng đất Rồng - Ảnh 19.

ĐỨC BÌNH
NGUYỄN KHÁNH
HẢI TRIỀU - THƯ TRẦN
KIỀU NHI
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0