17/02/2018 11:50 GMT+7

Chơi hoa Tết, chọn những loài hoa phóng khoáng tự nhiên

NGUYỄN BÁ THÍNH.
NGUYỄN BÁ THÍNH.

TTO - Thú chơi hoa, mê hoa của tôi có lẽ bị ngấm từ máu của cha tôi từ xưa cho đến tận bây giờ, mỗi khi gần Tết đi sắm hoa thì những điều tưởng đã xa xăm song vẫn còn da diết về những kỷ niệm tuổi thơ ấy lại thức dậy trong tôi.

Chơi hoa Tết, chọn những loài hoa phóng khoáng tự nhiên - Ảnh 1.

Ảnh: Gia Tiến

Nói là hoa Tết, nhưng với cha tôi thì việc sắm hoa được bắt đầu ngay từ hôm Tết ông Công ông Táo kia. Ngay từ sáng sớm hôm ấy, cha tôi đã sai anh Cù chỗ con cháu người nhà giúp dọn dẹp sắm sửa, bởi tôi thì còn bé, các anh tôi người hoạt động thoát ly (chỉ người hoạt động cách mạng bí mật) người đi dạy học xa, các chị tôi thì chân yếu tay mềm với lại cha tôi bảo đàn bà con gái không được làm việc này.

Cha tôi thắp một nén hương trịnh trọng cắm lên bát hương trên bàn thờ rồi lâm râm khấn vái mấy câu gì đó. Cha tôi bảo khấn thế để xin phép tổ tiên được mang đồ thờ ra lau rửa chuẩn bị đón năm mới

Khấn xong, mọi thứ đồ thờ từ cỗ ỷ, mâm bồng, đài rượu v.v... bằng gỗ thì anh Cù nhẹ nhàng thận trọng hạ xuống, múc vào một thau nước sạch với chiếc khăn vải lau chùi từng li từng tí một.  Đến bộ tam sự gồm chiếc lư hương, đôi cây nến và đôi hạc thờ bằng đồng thì được đưa ra cầu ao đánh cho sáng bóng lên.

Vừa lúc ấy, ngoài ngõ có người đưa hoa đến. Những cây cúc đại đóa đào nguyên cả gốc được đưa vào trồng trong chậu sứ rồi phủ lên trên mặt đất một lớp trấu sau đó đặt lên trụ tường hoa. Cụm địa lan màu tím nhạt ở góc vườn cũng được bứng lên trồng vào chậu như thế. 

Những cây hoa hàng ngày lặng lẽ ở một góc vườn với những bông hoa chớm nở như chẳng ai để ý đến lúc này được nâng niu trồng vào đôi chậu sứ bỗng trở nên rực rỡ cao sang.

Thế là mảnh sân nhà đã rực lên màu sắc đầu tiên mang vẻ Tết. Những bông cúc đại đóa to như cái bát ăn cơm với những cánh hoa dài rũ xuống rồi lại vươn cong lên như cái móc câu mang vẻ lả lướt kiêu sa vàng rực cả một góc sân nổi bật lên trên nền trời xám và trong màn mưa phùn phây phất. 

Cha tôi ngồi trong nhà nhìn ra mấy chậu hoa cúc, tay nâng chén trà lên chưa uống vội mà gật gù ngâm mấy câu thơ chữ Hán: "Mạc tiếu tranh phương thời thái mãn. Tiên xuân khẳng nhượng nhất chi mai". Tôi nghe lõm bõm chỉ nhớ được mấy chữ "nhất chi mai". 

Mãi sau này khi lớn lên được học hành và tìm hiểu, nhớ lại chuyện này tôi mới biết đấy là hai câu thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với ý là: "Đừng giễu đua hương khi quá muộn. Trước xuân chỉ kém mỗi hoa mai" ý nói đừng cười hoa cúc đi đua hương muộn mằn khi mùa đông giá, thực ra vẻ đẹp của hoa cúc chỉ thua có mỗi hoa mai thôi.

Đến bây giờ đây, màn mưa ấy cùng sương khói mông lung của thời gian bao nhiêu năm trời che phủ vẫn không làm phai mờ bao ký ức trong tôi mà trái lại càng khiến tôi nhớ đến nôn nao những bông cúc vàng ấy trong tâm tưởng đến nỗi khi viết những dòng này, tôi như còn văng vẳng bên tai câu thơ ấy, phảng phất thấy cái mùi ngai ngái hăng hăng từ những cánh hoa ấy tỏa ra.

Giống hoa quý ấy giờ đâu sao không thấy nữa mà ở chợ hoa chỉ thấy rặt một thứ hoa cánh cứng đơ nói là giống Đà Lạt, Đài Loan gì đó năng suất cao hơn nên được thay cho cúc đại đóa ngày xưa khó trồng mà năng suất thấp.

Sau ngày Tết ông Công ông Táo trở đi, việc sắm hoa cũng tự nhiên hối hả hơn, gấp gáp hơn.

Quê tôi ngày ấy chợ rất ít bán hoa đào với lại người quê tôi trong đó có cha tôi không thích thứ hoa đào cành bị uốn gò bó lại mà các cụ ví như cái bu gà, mà ưng chơi thứ đào phai cành la đà phóng khoáng tự nhiên.

Thứ mỹ cảm ấy hình như không biết từ bao giờ cũng đã ngấm vào tôi với những ý nghĩ tương tự. Chả thế mà cho đến tận bây giờ, mặc dù sống giữa Thủ đô, cách xứ sở của bích đào như Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Nhật Tân không xa hay giữa chợ hoa đầy dẫy hoa bích đào các kiểu và rất hiếm đào phai với cành lá tự nhiên thì tôi cũng không bao giờ hoặc nói chính xác là rất ít khi mua bích đào mà tìm cho được cành đào phai về cắm Tết.

Thứ hoa đào ấy ở quê tôi ngày ấy mua ở chợ cũng có mà trong làng thế nào cũng một vài nhà có. Chừng 27 hoặc 28 Tết, khi nhà nhà mổ lợn gói bánh chưng thì ngoài đường cũng thấy có người í ới gọi nhau đi xin cành đào. Ngày ấy,Tết đến chốn thôn quê thật đơn sơ mộc mạc, người ta chia sẻ với nhau niềm vui như thế.  Nhà tôi cũng đến nhà người quen xin về một cành đào phai chi chít những nụ hoa đang phong nhụy.

Một thứ hoa nữa không thể thiếu là hoa cắm lên ống hương trên ban thờ. Ngày ấy, hoa giấy ở chợ quê không được đẹp và phong phú, đa dạng như bây giờ. Người ta ngâm lá đa, lá mít vào nước vôi cho rữa hết chất diệp lục trên mặt lá đi, chỉ còn lại gân lá màu trắng, đem phơi khô rồi nhuộm màu xanh để làm lá, các thứ lông gà lông chim cũng được nhuộm các màu như thế để làm hoa, sau đó quấn lên một thanh tre như nén hương thành từng cành lá xen hoa các màu, bày bán để mọi người mua về cắm lên ống hương. 

Chơi hoa Tết, chọn những loài hoa phóng khoáng tự nhiên - Ảnh 2.

Ảnh: Gia Tiến

Cha tôi không thích loại hoa ấy mà thích hoa hải đường. Mùa đông tháng giá, mọi thứ cây cỏ đều tàn úa trơ trụi, riêng cây hoa hải đường lá vẫn mướt xanh một màu xanh sẫm như không có thứ lá nào xanh bằng, giữa các kẽ lá vào dịp Tết nhú lên những nụ hoa tròn mẩy đỏ tươi. Mọi thứ hoa khác phải khi nở nhìn mới đẹp, riêng hoa hải đường thì ngay khi còn là nụ hoa đã rất ưa nhìn vì màu đỏ của hoa nổi bật lên trên nền lá xanh. Đến khi hoa hàm tiếu lộ ra một chút nhụy vàng lại càng rực rỡ. Hoa hải đường còn một ưu điểm nữa là tươi lâu không kém gì hoa đào, cắm vào lọ từ trước Tết có khi đến rằm tháng giêng hoa vẫn còn tươi.

Tôi còn thích hoa hải đường vì không hiểu từ lúc nào thấy nó gắn với câu Kiều mà cha tôi vẫn thường ngâm ngợi. Nào là: "Hải đường lả ngọn đông lân

                                  Giọt sương trĩu nặng cành xuân la đà"… Nào là:

                                 "Hải đường mơn mởn cành tơ

                                Chiều xuân càng gió, càng mưa càng nồng"… câu thơ càng làm cho loài hoa ấy bỗng như có hồn, gắn bó với lòng người. Bởi vậy, với tôi hoa hải đường trong ngày Tết đã từ lâu ăn sâu trong ký ức.

Mời bạn tham gia viết bài 'Tết của tôi'

Cứ mỗi độ xuân về, kỷ niệm về cái Tết lại ùa về trong mỗi chúng ta. Tết trong tôi là hương của chiếc áo mới. Tết của bạn là những những bao lì xì. Tết của những ai xa quê là mong về đoàn tụ bên gia đình, người thân...

Những thứ ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, không cần hồi tưởng, nó vẫn cứ ùa về trong nỗi nhớ miên man.

Tết, cũng có thể không chỉ là kỷ niệm, mà còn là những chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, những điều cần làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên.

Xuân Mậu Tuất sắp đến, nhằm ghi lại những ký ức đẹp và chia sẻ những suy nghĩ, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Tết của tôi 'cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ... có độ dài tối đa 1200 từ (có thể kèm theo clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.

Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: tetcuatoi@tuoitre.com.vn. Thông tin bạn đọc, số tài khoản xin... ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!

                                           

NGUYỄN BÁ THÍNH.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên