16/02/2018 16:04 GMT+7

Tết ở nơi nào là 'chốn trầm ngâm'?

NGỌC HÙNG (HUẾ)
NGỌC HÙNG (HUẾ)

TTO - "Chốn trầm ngâm" là tên gọi riêng của tôi đặt cho Trại tạm giam Thành phố Huế. Trong một lần theo chân họ hàng đến thăm người thân sau song sắt nhà giam, tôi nhận ra cái tên ấy quá hợp với nơi đây.

Tết ở nơi nào là chốn trầm ngâm? - Ảnh 1.

Ảnh: Gia Tiến

Những ánh mắt trầm tư, muộn phiền. Những bước chân nặng nhọc lê từng bước về khu nhà chờ. Những bờ vai trĩu xuống cùng tay xách nách mang.

Thỉnh thoảng mới bắt gặp những nụ cười. Nhưng xót xa vô cùng khi nó lại là cười gượng, cười buồn, cười méo xệch, cười với đôi mắt ầng ậng nước.

"Chốn trầm ngâm" cũng có Tết. Tết bên ngoài rộn ràng mười phần thì Tết nơi đây cũng xôn cao đôi ba phần. Chẳng ai đoạn tuyệt được tình máu mủ, không phải ai cũng dễ dàng dứt bỏ nghĩa vợ chồng, rồi quan hệ họ hàng, quan hệ bạn bè… kéo người ta đến thăm nuôi nhiều hơn.

Năm hết Tết đến, để người chồng, người cha, đứa con, thằng bạn…đỡ tủi, lắm người tự nhủ phải dành một buổi thăm nuôi. Năm hết Tết đến, hầu như ai cũng cố gắng vun vén thêm gói thức ăn ngon, thêm tấm áo mới cho nặng trịch túi hàng gửi vào thăm nuôi.

Quà Tết đủ đầy, phong phú hơn ngày thường rất nhiều. Bánh chưng xanh, đòn chả lụa, gói mứt gừng, dăm ba túi hạt dưa… Quà Tết cũng sực nức mùi thịt quay, hương thịt dầm…

Có món quà dễ dàng sắm sửa khi mở ví rút vài tờ polyme. Có món quà phải đổi lại bằng những ngày công vất vả bán buôn, tăng ca dịp Tết.

Người mẹ trẻ ấy tầm bốn mươi tuổi mới đến thăm nuôi con lần đầu, cứ liên tục hỏi cái này cái kia và dấm dúi chùi vội dòng nước mắt. Chị kể thằng nhỏ mới mười mấy tuổi theo bạn xấu đi hút chích vừa bị bắt vào đây. Chị cũng bới, cũng xách cho con bì này túi nọ nhưng bộ quần áo nhàu nhĩ, cũ mèn và đôi dép tổ ong mòn gót đã nói lên hết cái nghèo, cái khổ của một người mẹ có con lỡ dại, lầm lỗi.

Vừa mua hàng ở căng tin nhà tạm giam, chị vừa thút thít khóc. Cô quản lý căng tin vừa mắng vừa khuyên: "Khóc gì cho nó? Khóc cho mình kìa. Tụi nó ở trong nớ rảnh rang hát hò ăn ngủ tối ngày. Mình chạy vạy ngược xuôi tất tả lo cho con nó nào có biết?". Lời mắng ấy thấm thía vô cùng. Thấm đến mức xát muối vào lòng những người đang ngồi ở hàng ghế đợi nơi đây.

Sau một vài lần đầu tiên đến thăm nuôi, người mẹ trẻ ấy sẽ nhanh chóng nhập vào đoàn người trầm ngâm nơi đây. Khi cảm xúc đã bắt đầu bớt vỡ òa, nỗi hốt hoảng đã vơi dần đi thì còn lại là sự trầm ngâm đến triền miên.

Nhớ về quá khứ lầm lạc của người sau song sắt ư? Nghĩ về hiện tại đầy khốn khó của cả thân ta và số người ư? Tính toán tương lai sao cho bớt trắc trở, chông chênh ư? Có lẽ tất cả mỗi bận tâm ấy hiện diện, xoắn lấy suy nghĩ và cảm xúc con người đầy đủ cả. Có lẽ vì thế mà người ta dường như trầm ngâm hơn, nhất là Tết đang cận kề.

"Chốn trầm ngâm" cũng có lúc xôn xao, náo nhiệt vô cùng, đó là lúc người thăm nuôi được gặp mặt phạm nhân. Người khóc ròng, kẻ cười buồn nhìn nhau qua tấm kính ngăn cách. Người ta cố nói thật to để đối phương có thể nghe, có thể hiểu nỗi nhớ nhung, sự cô đơn, cơn buồn bã…

Một đứa trẻ tầm ba tuổi nhón người trên đôi tay mẹ để thơm vào má người cha sau tấm kính. Câu nói hồn nhiên to rõ của con làm mọi người chú ý: "Cu Tin được mẹ mua áo mới rồi. Ba nhớ lần sau đừng uống rượu nữa nghe. Tết không có ba cu Tin buồn". Mọi người cười xòa với câu nói ấy, còn một người lại ngượng ngùng và người kia mắt đỏ hoe.

Một thanh niên lưng dài vai rộng khúm núm trong chiếc áo số kẻ sọc cầm điện thoại áp vào tai. Một người cha đầu tóc muối tiêu ở đầu dây bên này luôn miệng nói ú ớ không thành tiếng: "…a …ó …ửi …o …on …ánh …ưng …ịt …ầm…". Người chú bên cạnh xoay sang bảo để chú ấy nói giúp: "Ba con nói có gửi cho con bánh chưng, thịt dầm. Con ăn nhiều vô, nhớ giữ gìn sức khỏe. Mồng hai Tết mọi người lên thăm con lại". Người chú nói đến đâu, người cha gật đầu đến đấy. Ôi, cái tình của một người cha khiếm khuyết vẫn thương con vô bờ bến làm mọi người trong phòng rưng rưng khóe mắt…

Sau khoảng thời gian thăm gặp ngắn ngủi, khi cánh cửa nối phía bên kia khóa trái lại, cả khu thăm nuôi lại trở về với trạng thái trầm ngâm. Ai chưa gửi quà ngồi tư lự chờ gọi tên. Ai gửi quà xong cứ thế lặng thinh ra về với cõi lòng nặng trĩu.

Tết này có những mái nhà vắng bóng người thân, niềm vui không trọn vẹn.

Tết này có bao nhiêu người mải khắc khoải nhớ về "chốn trầm ngâm"? Nhiều lắm…

Mời bạn tham gia viết bài 'Tết của tôi'

Cứ mỗi độ xuân về, kỷ niệm về cái Tết lại ùa về trong mỗi chúng ta. Tết trong tôi là hương của chiếc áo mới. Tết của bạn là những những bao lì xì. Tết của những ai xa quê là mong về đoàn tụ bên gia đình, người thân...

Những thứ ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, không cần hồi tưởng, nó vẫn cứ ùa về trong nỗi nhớ miên man.

Tết, cũng có thể không chỉ là kỷ niệm, mà còn là những chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, những điều cần làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên.

Xuân Mậu Tuất sắp đến, nhằm ghi lại những ký ức đẹp và chia sẻ những suy nghĩ, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Tết của tôi 'cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ... có độ dài tối đa 1200 từ (có thể kèm theo clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.

Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: tetcuatoi@tuoitre.com.vn. Thông tin bạn đọc, số tài khoản xin... ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!



NGỌC HÙNG (HUẾ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên