06/09/2020 11:01 GMT+7

Trung Quốc lo đánh không lại đặc nhiệm người Tạng vào mùa đông lạnh cóng

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Tờ Hoàn Cầu Thời Báo cảnh báo quân đội Trung Quốc nên chuẩn bị tình huống xấu nhất vào mùa đông tới khi binh sĩ Ấn Độ tiếp tục đồn trú ở biên giới trong lúc lính Trung Quốc lui về sau vì chịu không nổi lạnh.

Trung Quốc lo đánh không lại đặc nhiệm người Tạng vào mùa đông lạnh cóng - Ảnh 1.

Binh sĩ Ấn Độ tuần tra khu vực Ladakh vào mùa đông - Ảnh: AFP

Sự xuất hiện của một lực lượng "đặc biệt tinh nhuệ" là những người Tạng lưu vong ở Ấn Độ đã khiến Trung Quốc đặc biệt chú ý. 

Họ được tập hợp trong Lực lượng đặc nhiệm biên phòng (SFF) - một lực lượng đã nằm trong bí mật suốt nhiều năm vì thiếu sự xác nhận của chính quyền New Delhi.

Việc ngầm thừa nhận SFF đã tham gia các cuộc đối đầu gần đây với quân đội Trung Quốc là một tín hiệu Ấn Độ muốn gởi tới Trung Quốc. 

Theo truyền thông Ấn Độ, SFF đã được huy động cho chiến dịch "tiên phát chế nhân" dài 3 ngày ở hồ Pangong Tso và thung lũng Chushul thuộc khu vực Ladakh, nhờ đó ngăn chặn được âm mưu kiểm soát toàn bộ hồ Pangong Tso của Trung Quốc. 

"Nếu không kịp kiểm soát các điểm cao xung quanh, Trung Quốc có lẽ đã chiếm toàn bộ khu vực", một quan chức quốc phòng Ấn Độ giấu tên nói với tờ Hindustan Times.

Ngoài thái độ không thiện cảm với chính quyền Bắc Kinh, những người Tạng trong SFF còn có sức khỏe vượt trội so với lính người Hán khi chiến đấu ở địa hình cao. 

Với độ cao trung bình trên 3.000m so với mực nước biển, địa hình Ladakh là một thách thức lớn với quân đội Trung Quốc.

"Mùa đông sẽ tới Ladakh vào cuối tháng 9, nhiệt độ có thể sẽ xuống -25 độ C. Ấn Độ đã triển khai tới 40.000 lính trong khu vực này", tờ Hoàn Cầu Thời Báo nêu số liệu.

Theo truyền thông Trung Quốc, SFF lần đầu thành lập vào năm 1960, ngay sau "cuộc nổi dậy Tây Tạng" dưới sự giúp đỡ của Mỹ. Khu vực hoạt động ưa thích của lực lượng này là các địa hình cao như dãy Himalaya, nơi không khí đặc biệt loãng.

"Trung Quốc cần thận trọng và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, vì Ấn Độ vẫn có thể ra lệnh cho lính biên phòng ở lại khu vực trong mùa đông khó khăn ngay cả khi điều đó gây ra thương vong không phải do chiến đấu", tờ báo của chính quyền Trung Quốc viết theo kiểu vừa cảnh báo vừa chê bai Ấn Độ.

Trung Quốc lo đánh không lại đặc nhiệm người Tạng vào mùa đông lạnh cóng - Ảnh 2.

Hồ Pangong Tso - nơi diễn ra đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc vào đêm 29 và 30-8 - Ảnh: AP

Các "chuyên gia" của Hoàn Cầu Thời Báo lập luận con số 40.000 lính ở Ladakh vượt quá khả năng hậu cần của Ấn Độ. "Quân số của SFF chưa tới 1.000 và chỉ được Ấn Độ sử dụng như làm bia đỡ đạn cho người Ấn", tờ báo có quan điểm cứng rắn chỉ trích.

Ông Qian Feng, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), chứng minh cho luận điểm này bằng việc chỉ ra một chỉ huy của SFF đã bị thương trong cuộc đụng độ mới nhất. 

"Một chết và một bị thương trong hoạt động quân sự phi chiến tranh cho thấy SFF chẳng đặc biệt và tinh nhuệ gì. Họ chỉ là bia đỡ đạn", ông này lập luận.

Chính quyền Bắc Kinh xem Tây Tạng là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và tiếp tục giữ yêu sách Nam Tạng, vốn là bang Arunachal Pradesh do Ấn Độ kiểm soát nằm giáp với Tây Tạng.

Tờ Hindustan Times dẫn một số nguồn thạo tin quân sự cho biết Trung Quốc đang dụng kế "vây Ngụy cứu Triệu" khi điều động một số lượng lớn binh sĩ và vũ khí tới biên giới Bhutan - đồng minh của Ấn Độ trong khu vực.

Truyền thông Trung Quốc dường như đang cố gắng bao biện cho việc đánh mất lợi thế ở Ladakh dù đã triển khai cấp tập các vũ khí hạng nặng tới khu vực. 

Các chuyên gia của Hoàn Cầu Thời Báo cho rằng việc Ấn Độ thúc đẩy các giải pháp ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng là dấu hiệu cho thấy New Delhi đang ở thế bất lợi, phải đi xin bằng đường ngoại giao.

Lập luận này khá lạ, bởi trong lịch sử không ít cuộc đàm phán đã bị đảo ngược bằng các chiến thắng quân sự.

Trung Quốc chọc ngoáy Bhutan để lấy lại Trung Quốc chọc ngoáy Bhutan để lấy lại 'Nam Tạng' từ tay Ấn Độ?

TTO - Yêu sách gây sốc được Trung Quốc đưa ra trong một hội nghị về... bảo tồn thiên nhiên. Bộ Ngoại giao nước này đưa ra một câu trả lời mập mờ khi được hỏi về vùng đất nằm sâu trong lãnh thổ Bhutan và không giáp biên giới Trung Quốc.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên