11/02/2018 15:31 GMT+7

Nỗi lòng người đón tết xa nhà

A LỘC - XUÂN AN
A LỘC - XUÂN AN

TTO - Trong khi nhiều gia đình rộn ràng về quê đón tết thì một số công nhân phải ăn tết xa quê trong nỗi nhớ nhà da diết.

Nỗi lòng người đón tết xa nhà - Ảnh 1.

Chị Phạm Thị Huệ (quê ở Hải Phòng), hiện trú tại khu nhà Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai), chuẩn bị đón tết xa quê - Ảnh: A LỘC

Trong căn phòng trọ chỉ gần 20m2 nằm sâu trong một con hẻm tại phường Thuận Giao (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), anh Nguyễn Thành Hậu (31 tuổi, quê An Giang) tâm sự: 

"Hai vợ chồng từ miền Tây lên Bình Dương làm công nhân, tổng thu nhập khoảng 8 triệu đồng một tháng. Giờ tết tới nơi rồi mà vẫn không dư ra đồng nào nên đành phải ở lại phòng trọ ăn tết".

Anh Hậu cho biết đây là cái tết thứ hai anh chưa về quê để đón tết. Anh Hậu đi làm nhân viên phục vụ cho một bệnh viện tư nhân tại thị xã Thuận An, còn vợ là chị Nguyễn Thị Mai Thi (23 tuổi, cùng quê An Giang) thì xin làm nhân viên bán hàng cho một siêu thị. 

Với mức thu nhập không cao, sau khi trả tiền ở trọ, tiền ăn rồi tiền này tiền nọ thì chừng nửa tháng là nhẵn túi.

Theo anh Hậu, ở quê anh còn mẹ già và em nhỏ rất mong ngóng hai vợ chồng về sum họp cùng gia đình. Nhưng với thu nhập hiện tại, không biết đến khi nào mới có cái tết trọn vẹn. 

"Ở lại đất khách xứ người là rất chạnh lòng nhưng biết làm sao được, không có tiền thì phải chấp nhận thôi" - anh Hậu buồn buồn nói.

Cùng hoàn cảnh đón tết xa quê như anh Hậu, chị Nguyễn Thị Hằng (34 tuổi, quê Hà Tĩnh) cho biết chị vừa đến công ty đăng ký làm thêm trong những ngày tết. 

Sau 5 năm từ quê vào Bình Dương làm công nhân, chị Hằng tằn tiện mua cho mình được một căn hộ 20m2 trong khu nhà ở xã hội bằng hình thức trả góp. Cho nên tết chị phải ở lại để có thêm tiền trả nợ mua nhà.

Tính đến nay, có tới 5 cái tết chị Hằng chưa về quê, một phần do đồng lương ít ỏi, một phần bởi đường sá xa xôi, đi lại tốn kém. 

"Ai mà không nhớ quê nhưng điều kiện không cho phép thì phải chấp nhận. Ở lại đây lâu rồi quen dần, xem đây như là quê hương thứ hai" - chị Hằng chia sẻ.

Tại khu nhà ở công nhân Khu công nghiệp Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), vợ chồng anh Vũ Hữu Bắc (quê Thái Bình) cũng là một trong số ít gia đình không về quê đón tết. 

Anh Bắc cho biết vừa chuyển đến làm tại Công ty TNHH LS Cable Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) được hơn tháng nay. 4 năm nay hai vợ chồng anh chưa biết "mùi" tết quê là gì. 

"Rất muốn đưa con về thăm ông bà, nhưng ngặt tiền vé xe mắc quá. Nhìn người ta xách balô về lòng rộn ràng lắm mà đành chịu. Tết này chỉ gửi được ít tiền cho bố mẹ mua sắm đón tết, đợi khi nào có điều kiện sẽ ráng đưa con về thăm ông bà sau" - anh Bắc bộc bạch.

Chị Trương Thị Hoa (quê Hải Dương, hiện trú ở xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) cho biết vào Đồng Nai làm công nhân 20 năm nay. 6 năm rồi vợ chồng chị chưa có dịp đón tết ở quê nhà. 

"Thấy bà con chộn rộn mình nôn nao lắm, muốn đưa hai đứa nhỏ về quê để thấy được không khí tết của ngoài Bắc, hiểu được phần nào truyền thống dân tộc qua việc đi chúc tết người thân, hàng xóm láng giềng nhưng đành phải gác lại" - chị Hoa chia sẻ.

Theo chị Hoa, phần lớn hàng xóm của chị đều là công nhân người Bắc hoặc người miền Trung vào lập nghiệp. Đồng cảnh ngộ xa xứ nên mọi người sống rất gần gũi. 

Chỉ vào nắm chìa khóa, chị Hoa cho biết đây là chìa khóa của ba nhà hàng xóm vừa gửi chị trông nhà giúp để về quê ăn tết.

"Dù còn vài gia đình ở lại, nhưng tết đến mọi người thường dẫn con cháu sang chúc tết nhau. Làm vậy để bọn trẻ lưu giữ truyền thống của dân tộc" - chị Hoa nói.

A LỘC - XUÂN AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên