09/08/2023 09:54 GMT+7

Nâng cao năng lực dự báo mưa lũ

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp đã chia sẻ cùng Tuổi Trẻ về bức tranh dự báo mùa bão, mưa lũ năm 2023.

Trung tâm xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái ngổn ngang đất đá, cây cối sau mưa lũ - Ảnh: CHÍ TUỆ

Trung tâm xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái ngổn ngang đất đá, cây cối sau mưa lũ - Ảnh: CHÍ TUỆ

Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, mùa bão năm nay ở Việt Nam nằm ở mức trung bình với khoảng 5-6 cơn bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. Tuy nhiên do tác động của El Nino nên bão, mưa lũ sẽ khó đoán định hơn, bão có thể không lớn nhưng mưa hoàn lưu sau bão sẽ rất khốc liệt.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp đã chia sẻ cùng Tuổi Trẻ về bức tranh dự báo mùa bão, mưa lũ năm 2023.

Dự báo gần vẫn còn khó khăn

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp

* Năng lực dự báo bão lũ của chúng ta hiện nay đáp ứng được yêu cầu chưa và đâu là bài học cho công tác dự báo trong mùa mưa bão năm nay, thưa ông?

- Hiện nay, trang thiết bị dự báo đã hiện đại hơn trước, nhân lực dự báo cũng khá hơn trước rất nhiều.

Tổng cục Khí tượng thủy văn đã liên kết trao đổi thông tin với nhiều cơ quan khí tượng lớn trên thế giới nên các mô hình dự báo được cập nhật thường xuyên. Như vậy, khả năng dự báo của Việt Nam đã tốt hơn trước đây, đặc biệt là khả năng dự báo xa trên biển.

Tuy nhiên, qua quan sát của tôi, việc dự báo gần, đặc biệt là dự báo lượng mưa còn khó khăn do trang thiết bị lắp đặt đo gió, đo mưa chưa đủ. Ví dụ, nếu dự báo lượng mưa không chuẩn thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành các hồ chứa, nhất là mưa lũ sau bão.

Thêm vào đó, dự báo các trận mưa cực đoan, bất thường cũng chưa tới. Ví dụ như đợt mưa kỷ lục ở Đà Nẵng năm 2022, mưa thực tế lên tới 1.500mm nhưng dự báo của mình chỉ bằng nửa thực tế. Nếu dự báo chính xác hơn thì công tác phòng chống thiên tai sẽ tốt hơn.

Chính phủ đã quan tâm đầu tư cho khâu dự báo nhưng tôi vẫn đề nghị ngành khí tượng cần nâng cao năng lực dự báo và đặc biệt quan tâm đến việc lắp đặt thêm trạm đo mưa, đo gió ở trên bờ để dự báo chi tiết, chính xác hơn.

* Với năng lực ứng phó bão, mưa lũ thì sao?

- Hiện nay các công trình, hạ tầng chống chịu được thiên tai càng ngày càng tốt hơn. Ví dụ như đê biển trước đây chỉ chịu được bão cấp 8 thì hiện nay đang được nâng cấp chịu được bão cấp 12.

Cùng với đó, nhận thức về kiến thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai của người dân cũng khá hơn trước. Nhận thức của các cấp lãnh đạo về hậu quả thiên tai ngày càng cao nên sự sẵn sàng của các cấp chính quyền trong ứng phó thiên tai cũng tốt hơn.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra hiện nay là lực lượng ứng phó tại chỗ đang yếu trong các khâu con người, trang thiết bị và ít được huấn luyện, do đó cần phải được nâng cao hơn.

Một điểm nữa, hiện thiệt hại về người trong bão rất ít nhưng thiệt hại sau bão vẫn diễn ra dù đã chỉ đạo rất nhiều.

Vấn đề ở đây không chỉ là ý thức của người dân nữa mà cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý của địa phương. Ví dụ các ngầm tràn cấm đi qua nhưng người dân vẫn qua thì chính quyền địa phương phải có người trực để cấm tuyệt đối.

Trạm y tế xã Hồ Bốn thiệt hại nặng nề do mưa lũ

Trạm y tế xã Hồ Bốn thiệt hại nặng nề do mưa lũ

Không được chủ quan với lũ lụt

* Từ thực tế cứu hộ cứu nạn trong phòng chống thiên tai vào các mùa mưa bão trước, theo ông phương tiện, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn, phòng chống thiên tai đã đáp ứng được yêu cầu chưa?

- Phải nói rất thật là trang thiết bị cứu hộ cứu nạn phòng chống thiên tai không đáp ứng được yêu cầu. Trang bị cứu hộ cứu nạn chưa phù hợp, chưa đảm bảo với những loại hình thiên tai thường xảy ra.

Cách đây bốn năm, có một trận lũ ở bản Sa Ná (Thanh Hóa), một người dân bị lũ cuốn và sau đó bám được vào một cây ở giữa suối. Lực lượng cứu hộ cứu nạn của chúng ta đứng hai bên bờ suối rất nhiều nhưng không có cách nào đưa người vào bờ được vì không có trang thiết bị.

Khi vào đó, tôi mới nghĩ ra là những người dân leo núi có súng bắn dây bắn xa cả trăm mét, vậy thì tại sao chúng ta không có súng bắn dây bắn ra đó để đưa người dân vào bờ.

Chúng ta không nên để người dân phải đứng giữa dòng lũ bảy tiếng đồng hồ và sau đó tự bơi được vào bờ. Rút kinh nghiệm từ câu chuyện này, Ban chỉ đạo đã yêu cầu các địa phương, các vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét phải trang bị súng bắn dây để xử lý khi có tình huống tương tự.

Hay cứu hộ tàu thuyền trên biển khi sóng to, gió lớn thì chưa có phương tiện phù hợp với thực tế nên việc cứu hộ, cứu nạn còn gặp khó khăn.

Ngoài ra, phòng chống thiên tai cũng chưa có lực lượng chuyên nghiệp, vẫn dựa vào nòng cốt là lực lượng vũ trang và lực lượng "4 tại chỗ".

Quốc lộ 32 đi qua xã Hồ Bốn, hướng về Lai Châu bị nước lũ “ngoạm” mất một đoạn, lực lượng chức năng rất khó khăn khi tiếp tế cho bà con - Ảnh: CHÍ TUỆ

Quốc lộ 32 đi qua xã Hồ Bốn, hướng về Lai Châu bị nước lũ “ngoạm” mất một đoạn, lực lượng chức năng rất khó khăn khi tiếp tế cho bà con - Ảnh: CHÍ TUỆ

* Việc ứng phó với bão thì chúng ta đã có những kịch bản vận hành khá tốt nhưng kịch bản ứng phó với ngập lụt đô thị có phải vẫn là điểm yếu ở các địa phương?

- Với lũ lụt, các kịch bản ứng phó cũng đầy đủ nhưng có hai vấn đề cần phải giải quyết. Đầu tiên là dự báo mưa nhiều thời điểm chưa sát thực tế nên bị động, bất ngờ.

Tuy nhiên điều chúng tôi lo lắng hơn là khi dự báo chuẩn mà vẫn bị ngập lụt vì không có giải pháp nào do hạ tầng không đáp ứng được.

Thêm vào đó, năng lực thoát nước ở các đô thị chưa được tính toán tổng thể và cách tiêu thoát không ổn. Nguyên tắc ngập đâu thoát đấy chứ không phải thoát từ cao xuống thấp thì chỗ thấp không bao giờ hết ngập, đây là điều mà các đô thị của Việt Nam đang mắc phải.

Chúng tôi đi kiểm tra cũng thấy nhiều tỉnh chủ quan vì chưa có lụt. Chúng ta không được chủ quan với lũ lụt vì thiệt hại khủng khiếp, ngập lụt Đà Nẵng năm 2022 là một ví dụ.

Để giảm thiểu ngập lụt đô thị, các địa phương phải xây dựng và triển khai các quy hoạch về thoát lũ và phải làm ngay, ví dụ như đầu tư xây lắp trạm bơm và các trang thiết bị phục vụ công tác chống ngập úng đô thị.

Một điểm nữa là chúng tôi đang chỉ đạo các địa phương phải tính toán mực nước ngập lịch sử và thông báo rõ cho người dân biết nguy cơ ngập đến đâu. Ví dụ mưa với lượng 500mm thì ngập 1,5m để thông tin đến người dân, cơ quan, công sở biết để kê cao tài sản, giảm thiểu thiệt hại.

Dân quân tự vệ đi mở đường và cứu trợ với các nhu yếu phẩm thiết yếu cho những hộ dân bị thiệt hại nặng do mưa lũ tại các bản thuộc xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải - Ảnh: C.TUỆ

Dân quân tự vệ đi mở đường và cứu trợ với các nhu yếu phẩm thiết yếu cho những hộ dân bị thiệt hại nặng do mưa lũ tại các bản thuộc xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải - Ảnh: C.TUỆ

Năng lực dự báo thế nào?

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, ngành khí tượng thủy văn đang từng bước đầu tư nâng cấp mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn hiện đại, đồng bộ, chuyển dần từ đo thủ công sang tự động, đan dày các trạm quan trắc ở vùng núi, vùng sâu.

Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn hiện nay đã phát huy được vai trò trong việc đảm bảo cung cấp số liệu phục vụ kịp thời cho công tác giám sát các hiện tượng khí tượng thủy văn phục vụ tốt cho công tác phòng, chống thiên tai. Trong đó:

- Mưa: có thể dự báo, cảnh báo mưa lớn diện rộng trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%. Đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn dông, cảnh báo trước từ 30 phút đến 2-3 giờ.

- Bão/áp thấp nhiệt đới: có thể dự báo trước 3 ngày, cảnh báo trước 5 ngày. Bản tin dự báo bão (vị trí và cường độ bão) của Việt Nam đã có độ chính xác dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, giảm sai số từ 250-300km trước những năm 2010 ở hạn dự báo 48 giờ xuống khoảng 120-150km trong những năm gần đây.

- Lũ quét, sạt lở đất: hiện chưa có khả năng dự báo được (mới cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng) do các sản phẩm dự báo chi tiết quá trình mưa, lũ còn hạn chế, thiếu dữ liệu về quan trắc, địa hình, thiếu thông tin số liệu về cấu trúc thảm phủ, lớp đất, tính chất cơ lý của đất.

Sự thay đổi về sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản, làm đường... cũng là những nhân tố gây khó khăn trong công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất.

Bắc Bộ vẫn mưa nhiều từ nay đến hết tháng 8

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết đến ngày 8-8, mưa lũ, sạt lở đất, ngập lụt ở miền núi phía Bắc đã làm 13 người chết và mất tích, 58 nhà bị sập, 297 nhà bị hư hại...

Đây là đợt mưa lớn với tổng lượng mưa từ 300-400mm, kéo dài nhiều ngày, đất ở trạng thái bão hòa nước gây lũ quét sạt lở đất tại nhiều điểm.

Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong khoảng 20 ngày cuối tháng 8, khu vực Bắc Bộ vẫn nằm trong giai đoạn mưa nhiều đan xen với 1-2 đợt nắng nóng.

Bản đồ nguy cơ sạt lở của Lâm Đồng phải chính xác từng điểm

Nhà dân ở cạnh hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) mới xây đã bị nứt toác, không thể ở được - Ảnh: M.V.

Nhà dân ở cạnh hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) mới xây đã bị nứt toác, không thể ở được - Ảnh: M.V.

Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp khi ông dẫn đầu đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về tình hình sạt lở đất ngày 8-8.

Sau khi nghiên cứu nhiều dữ liệu về địa chất khu vực, diễn tiến thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định nhất thiết phải có bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở cho toàn tỉnh Lâm Đồng.

Ông nhấn mạnh: "Cảnh báo sạt lở mà độ chính xác ở cấp độ xã là không đạt. Nó phải đúng ở từng hộ, vì khi có những biến động địa chất tức thời ta có thể di dời từng hộ dân để phòng ngừa thiệt hại nghiêm trọng. Di tản cả xã để phòng ngừa một nguy cơ là không khả thi".

Ông Nguyễn Ngọc Phúc - phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - đồng thuận với Thứ trưởng Hiệp về việc lập một bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở với độ chính xác cao sau khi làm việc với các chuyên gia trong lĩnh vực địa chất.

Ông cho biết tỉnh Lâm Đồng đang xây dựng dữ liệu sạt lở đất chính xác tới mức độ có thể khoanh thành từng điểm nhỏ trên bản đồ. Dữ liệu này có thể dùng cho việc phòng chống thiên tai, quản lý xây dựng, thiết kế công trình sau này.

Liên quan đến một số công trình bị sạt lở, nứt đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng Lâm Đồng đã xác định được 163 điểm có nguy cơ sạt lở thì phải phân loại theo nguy cơ để quản lý.

"Một số công trình bị nứt đất, sạt lở trong thời gian qua chúng ta nhìn nhận có ảnh hưởng của tai biến địa chất, ảnh hưởng mưa không lớn. Ví dụ, hồ chứa nước Đông Thanh (xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng - PV) nằm trong vành đai sạt trượt.

Ngay công trình là một vùng tụ thủy. Nếu chúng ta nắm được yếu tố địa chất này ngay từ đầu thì sẽ không để xảy ra hư hại công trình như hiện nay. May mắn, công trình này chưa tích nước nên còn xử lý để có thể vận hành lâu dài và ổn định" - thứ trưởng nhận định.

Nhà dân ở cạnh hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) mới xây đã bị nứt toác, không thể ở được - Ảnh: M.V.

Nhà dân ở cạnh hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) mới xây đã bị nứt toác, không thể ở được - Ảnh: M.V.

Mỗi địa phương cần có một bản đồ cảnh báo, dự báo

Nhà dân ở cạnh hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) mới xây đã bị nứt toác, không thể ở được - Ảnh: M.V.

Nhà dân ở cạnh hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) mới xây đã bị nứt toác, không thể ở được - Ảnh: M.V.

Yêu cầu này được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - nhấn mạnh tại cuộc họp về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các địa phương miền núi và trung du Bắc Bộ ngày 8-8.

Để ứng phó với mưa lũ trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chúng ta cần cách tiếp cận đồng bộ hơn từ phát huy nguồn lực địa phương, nguồn lực quốc gia.

Không lo thừa cảnh báo, lo mất cảnh giác

Theo bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan thường trực ban chỉ huy các tỉnh tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sạt lở, chủ động kiểm tra, rà soát, phát hiện các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá, lũ quét.

"Tôi đề nghị dừng các hoạt động lễ hội, không tập trung đông người để chia sẻ khó khăn của bà con, của những gia đình mất tích để tránh rủi ro" - ông Hoan nói.

Ông Hoan đề nghị các tổ chức, lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở.

"Trong 13 trường hợp chết và mất tích đợt mưa lũ này có những trường hợp do chủ quan dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Đề nghị làm sao phát huy mạng lưới truyền thông cơ sở nhắc đi nhắc lại, cảnh báo trước và trong mùa mưa" - ông Hoan nhấn mạnh.

Về công tác dự báo, ông Hoan yêu cầu cơ quan khí tượng thủy văn cần tăng cường tần suất các bản tin dự báo cảnh báo.

"Chúng ta không sợ thừa mà sợ bà con mất cảnh giác. Chính quyền mỗi địa phương cũng cần có một bản đồ cảnh báo, dự báo để xem khu vực nào có nguy cơ cao, khu vực nào có nguy cơ thấp, từ đó có sự quan tâm tập trung hơn" - ông Hoan nói.

Đi bộ bằng đường mòn để tiếp cận nơi cô lập

Ngày 8-8, Mù Cang Chải vẫn có mưa và lũ trên các suối lại dâng cao, xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở. Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên cho biết công tác tiếp cận các điểm bị thiệt hại do mưa lũ rất khó khăn.

Đến nay, quốc lộ 32 qua trung tâm huyện Mù Cang Chải để đến các xã Hồ Bốn, Khao Mang vẫn bị chia cắt do mưa lũ và xuất hiện thêm các điểm sạt lở mới. Các tuyến đường trục nối các bản, liên xã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Đặc biệt, toàn bộ xã Hồ Bốn và bản Đề Sủa, xã Lao Chải chưa thể tiếp cận bằng phương tiện cơ giới. Do vậy, huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo các lực lượng, cán bộ đi theo các đường mòn ven núi để tiếp cận hiện trường và vận chuyển lương thực, thực phẩm thiết yếu để hỗ trợ bà con, nhất là những nơi bị cách ly" - ông Yên nói.

Ngoài tập trung khắc phục hậu quả, huyện sẽ bố trí quỹ đất để ổn định dân cư với các hộ phải di dời khẩn cấp, hộ mất nhà cửa.

Nhà dân ở cạnh hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) mới xây đã bị nứt toác, không thể ở được - Ảnh: M.V.

Nhà dân ở cạnh hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) mới xây đã bị nứt toác, không thể ở được - Ảnh: M.V.

Mời chuyên gia khảo sát trước mỗi mùa mưa

Liên quan đến những vụ sạt lở đất xảy ra bất ngờ, trước đó không có một cảnh báo nào của cơ quan chức năng, PGS.TS Phạm Hữu Sy (Hội Địa chất công trình và Môi trường Việt Nam) cho rằng công trình đã sạt trượt thì sẽ còn sạt trượt.

Việc khắc phục để ổn định trong bao lâu cũng chỉ là tạm thời. Tôi đề nghị các tỉnh có nguy cơ sạt trượt cao cứ trước mỗi mùa mưa nên mời các chuyên gia đi khảo sát hàng loạt vị trí có nguy cơ, công trình trọng điểm.

Các chuyên gia sẽ dùng chuyên môn đánh giá các rủi ro sạt trượt đất để ngăn ngừa. Việc này đơn giản hơn rất nhiều so với việc khắc phục sạt lở đất.

Bộ trưởng Bộ   Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  Lê Minh Hoan kiểm tra tình trạng sạt lở bờ sông Thao đoạn qua huyện Lâm Thao (Phú Thọ) sáng 8-8 - Ảnh: TÙNG ĐINH

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan kiểm tra tình trạng sạt lở bờ sông Thao đoạn qua huyện Lâm Thao (Phú Thọ) sáng 8-8 - Ảnh: TÙNG ĐINH

Mù Cang Chải vẫn mưa, tạm dừng việc mở đường quốc lộ 32 để tiếp cận xã Hồ BốnMù Cang Chải vẫn mưa, tạm dừng việc mở đường quốc lộ 32 để tiếp cận xã Hồ Bốn

Đêm và sáng 8-8, ở Mù Cang Chải (Yên Bái) tiếp tục có mưa, lũ từ các khe núi đổ về suối Nậm Kim, nước lũ dâng cao nên việc dọn dẹp đất đá, mở đường tiếp cận xã Hồ Bốn phải tạm dừng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên