Những tấm ảnh chim hoang dã ở Việt Nam đều là kết quả của những hành trình theo đuổi kiên nhẫn, hoặc tìm kiếm vất vả nơi rừng sâu núi thẳm của giới nhiếp ảnh hoang dã - những người luôn canh cánh với nỗi lo lần đầu và lần cuối gặp loài chim ấy.

Giới chụp ảnh chim hoang dã Việt Nam phát triển khá mạnh trong vài năm gần đây, có thể tạm chia thành hai trường phái.

Có những người nghiêng về phần nhiếp ảnh, đôi khi chỉ cần một con bồng chanh (một loài chim bói cá) xuất hiện ở khu vực Kỳ Hòa giữa TP.HCM là cũng đủ để họ đắm đuối theo cả mấy tháng trời, chụp con chim nhỏ ấy với đủ kiểu ảnh, từ cảnh nó lao mình xuống mặt nước bắt cá đến đứng rũ lông trên một cành cây nhỏ.

Trường phái còn lại là lặn lội đi tìm kiếm những loài chim đặc hữu, quý hiếm trong rừng sâu núi thẳm. Với họ, mục tiêu là tìm kiếm chụp thật nhiều loài chim hoang dã để giới thiệu với cộng đồng yêu thiên nhiên.

Một cánh chim, một khoảnh khắc và một nỗi lo... - Ảnh 1.

"Sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng chụp ảnh chim hoang dã đã đóng góp rất nhiều trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn chim nói riêng, bảo tồn thiên nhiên nói chung" - ông Nguyễn Hoài Bảo, chuyên gia điểu học, giảng viên khoa sinh Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, nói.

Trong cuộc thi ảnh chim hoang dã Việt Nam lần đầu tiên (do Hội bảo tồn chim quốc tế BirdLife, Wildtour, Chi hội bảo tồn chim hoang dã Việt Nam và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh TP.HCM tổ chức), ông Bảo là một trong những giám khảo.

"Ngoài những tiêu chí cơ bản như đẹp, độ khó của tác phẩm… bức ảnh chim hoang dã phải có ý nghĩa về bảo tồn, ví dụ tấm ảnh chụp một con công đang bay.

Công là một loài rất khó chụp trong môi trường hoang dã vì nó chỉ bay men bìa rừng, rất nhát. Trên thực tế loài chim công chỉ còn được thấy nhiều trong… sở thú, trong tự nhiên còn rất ít, ở vào mức EN (Endangered - mức nguy cấp)".

Một cánh chim, một khoảnh khắc và một nỗi lo... - Ảnh 2.

Cuối tháng 3-2023, anh Nguyễn Ngọc Vinh - một nhiếp ảnh gia có thâm niên 10 năm chụp ảnh chim hoang dã - thu xếp đi Fansipan để tìm chụp ảnh một loài gõ kiến rất hiếm. Lên đến nơi thì nghe tin con gõ kiến đã bị bắn chết.

Trên đường leo đỉnh Fansipan từ phía bản Cát Cát, anh nghe tiếng lao xao của gà lôi tía (loài gà duy nhất thuộc nhóm Tragopan có xuất hiện ở Việt Nam) nhưng không chụp được vì cây cối quá rậm rạp.

Khi xuống núi để quay về, anh mới gặp và chụp được ảnh con gà lôi tía.

"Sau đó, anh em trong giới nhiếp ảnh chim hoang dã rần rần đổ về Fansipan để chụp ảnh con gà, và tất cả đều suy sụp khi biết nó cũng đã bị thợ săn bắn chết - anh Vinh kể - Tôi buồn kinh khủng, nhưng không giận những người đã bắn nó.

Cứ nghĩ mà xem, nhiều người ở thành phố lớn, đọc sách vở nhiều, hiểu biết luật pháp mà còn ăn động vật hoang dã hà rầm thì trách gì những người dân tộc sống trong bản sâu.

Nỗi buồn lớn nhất của tôi và anh em trong giới nhiếp ảnh động vật hoang dã là không biết đến bao giờ người Việt ở bất cứ đâu cũng có được nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của bảo tồn thiên nhiên".

May mắn nhất trong số những tác giả có ảnh đoạt giải là dược sĩ Huỳnh Thanh Danh (TP.HCM). Tháng 5-2023, anh được Bùi Đức Tiến - một hướng dẫn viên chụp ảnh chim hoang dã nổi tiếng ở phía Bắc - đưa đi Fansipan chụp.

Chuyến đi thất bại vì thời tiết xấu, họ di chuyển sang Mù Cang Chải (Yên Bái) dù tình hình ở đấy cũng không khá gì hơn do lúc mưa lúc nắng thất thường.

"Chúng tôi quyết định đi về, nhưng trên đường xuống núi, anh Tiến bỗng phấn khích giục tôi "chụp đi, chụp đi". Theo hướng chỉ của Tiến, tôi chỉ thấy một con chim rất đẹp, và phản xạ là đưa máy lên bấm liên hồi, vừa bấm máy vừa hỏi con gì thế…

Anh Tiến bảo cứ chụp đi, nói cho biết sau. Chụp được một lúc thì trời lại mờ mịt. Khi ấy, anh Tiến bảo tôi vừa trúng số độc đắc, vì đó là con chim trèo cây lưng đen…".

Trèo cây lưng đen (Beautiful Nuthatch) nằm trong Sách đỏ, ở mức VU (Vulnerable - sắp nguy cấp) và cũng rất khó chụp được ảnh nó.

"Trên thế giới, theo tôi biết chỉ tầm 100 người chụp được loài chim này, còn ở Việt Nam chắc không quá 10 người.

Vì đây là loài chim sinh sống ở vùng có độ ẩm cực cao, ở độ cao 950m trở lên, khu vực đó luôn mù mịt, ai may mắn lắm mới gặp được nó ngay đúng lúc trời quang mây tạnh để chụp.

Ở Việt Nam, loài này được ghi nhận ở Kỳ Sơn (Nghệ An), có nhiếp ảnh gia chụp được ảnh nó ở đấy nhưng cũng phải đi nhiều lần" - nhà điểu học Nguyễn Hoài Bảo nhận xét.

Một cánh chim, một khoảnh khắc và một nỗi lo... - Ảnh 3.

Một cánh chim, một khoảnh khắc và một nỗi lo... - Ảnh 4.

Một cánh chim, một khoảnh khắc và một nỗi lo... - Ảnh 5.

Một cánh chim, một khoảnh khắc và một nỗi lo... - Ảnh 6.

Một cánh chim, một khoảnh khắc và một nỗi lo... - Ảnh 7.

Một cánh chim, một khoảnh khắc và một nỗi lo... - Ảnh 8.

Một cánh chim, một khoảnh khắc và một nỗi lo... - Ảnh 9.

Một cánh chim, một khoảnh khắc và một nỗi lo... - Ảnh 10.

Một cánh chim, một khoảnh khắc và một nỗi lo... - Ảnh 11.

Một cánh chim, một khoảnh khắc và một nỗi lo... - Ảnh 12.

Một cánh chim, một khoảnh khắc và một nỗi lo... - Ảnh 13.

Một cánh chim, một khoảnh khắc và một nỗi lo... - Ảnh 14.

Một cánh chim, một khoảnh khắc và một nỗi lo... - Ảnh 15.

Một cánh chim, một khoảnh khắc và một nỗi lo... - Ảnh 16.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên