25/10/2021 08:04 GMT+7

'Đến phở Minh như được về lại quê hương miền Bắc của mình'

LÂM MINH TRANG
LÂM MINH TRANG

TTO - Bước vào tuổi của bố mẹ mình ngày xưa, khi dùng bát phở Minh, chúng tôi mới hiểu, phở là một món ăn với người gốc Bắc như gia đình tôi nói riêng và với người Việt Nam nói chung không đơn thuần chỉ là một món ăn hợp khẩu vị.

Đến phở Minh như được về lại quê hương miền Bắc của mình - Ảnh 1.

Logo Phở Minh có từ ngày đầu mở quán

Gia đình tôi vốn gốc Bắc di cư, tất cả 5 anh chị em tôi đều sinh ra ở Sài Gòn, lại lớn lên ở một xóm toàn bà con Nam Bộ, nên ẩm thực “thuần Bắc” đã phai nhạt nhiều lắm. Vì vậy phở không phải là món ăn được chúng tôi thích nhất giống như ông bà, bố mẹ mình. Nhưng không hiểu sao, mỗi khi nhớ đến thời tuổi nhỏ, nhớ về ông bà, bố mẹ với những ký ức đầm ấm, chúng tôi lập tức lại muốn thưởng thức phở. Tiệm phở mà cả nhà chọn bao giờ cũng là Phở Minh.

Khi chúng tôi còn nhỏ, ngày hè, phở là món mẹ hay cho chúng tôi thưởng thức mỗi khi đưa các con đến cơ quan để "đỡ tay chân" cho ông bà tôi. Quán phở mà chúng tôi hay ghé là Phở Minh.

Khi lớn tuổi, ông bà tôi hay ngại ra ngoài, nhưng khi bố mẹ tôi mời đi Phở Minh, ít khi ông bà từ chối. Ông tôi hay nói: "Đến phở Minh như được về lại quê hương miền Bắc của mình". 

Ông kể, hai bác chủ tiệm Phở Minh vẫn luôn giữ được "nét phở" truyền thống mà ông bà và bố mẹ các cháu vẫn ăn ngày xưa. Bát phở kiểu chiết yêu, vừa ăn, không to quá như những hàng phở khác. Miếng thịt thái rất khéo, nạm ra nạm, nạc ra nạc. Nước dùng đặc biệt thanh, không nồng gắt vị hồi, quế. 

Hai bác lại chiều và rất nhớ khách. Ai có khẩu vị ra sao, dù quán đông người lui tới, mà vẫn không quên. Đến một lần thì lần sau hai bác luôn mang ra những bát phở đúng sở thích. 

Mẹ tôi còn nói thêm: Khi quán vắng khách, hai bác vẫn thường ra ngồi đàm đạo với ông bà nhà mình. Có lẽ đó là lý do sau này bố mẹ có mời ông bà đi dùng thử nhiều hàng phở khác, nhưng ông bà vẫn cứ thích nhất Phở Minh. Mọi người nói chuyện với nhau về quê hương, nhắc nhau từng nơi chốn quen thuộc. Mỗi lần vậy, đi về ông bà thích lắm.

Sau năm 1975, một thời gian rất lâu gia đình chúng tôi không ghé Phở Minh nữa. Rồi ông bà tôi khuất núi trước khi chúng tôi kịp lớn lên, có thể đưa ông bà quay lại hàng quán. Vì vậy, khi lãnh tháng lương đầu tiên, đứa nào cũng muốn mời bố mẹ tôi “đi tiệm”. 

Tôi nhớ chị ba tôi - là người đầu tiên đi làm trong nhà - lãnh lương tháng đầu tiên đã mời bố mẹ tôi đi ăn sáng, và tiệm ăn mà mẹ tôi chọn là phở Minh. Hôm đó hai chị em tôi chở bố mẹ trên hai chiếc xe đạp đến tiệm. 

Dừng ở ngay đầu con hẻm nhỏ xíu, tôi thấy mắt mẹ tôi đã ngấn nước. Vào lại tiệm, vừa ngồi xuống chưa kịp gọi thức ăn, hai bác chủ quán đã vồn vã chạy ra chào khách quen, rồi cứ thế, câu chuyện nở như ngô rang. 

Hai bác có chút bùi ngùi khi hay tin ông bà tôi đã khuất, nhưng lại vui mừng khi biết con trai mình lại là bạn học chung trường Trưng Vương với tôi. 

Bữa phở gọi là điểm tâm, nhưng lại kéo dài đến hơn 1 tiếng với bao câu chuyện không dứt. Đặc biệt, bố mẹ tôi khi nếm nước dùng phở, đã có hơi dừng lại, nhìn nhau và chưa vội dùng tiếp, không ngờ bác trai chủ quán đứng gần đó liền tiến tới, nói ngay một cách rất thấu hiểu nhưng có phần nuối tiếc: "Khách quen đi vợi rồi ông bà ạ. Giờ khách mới đến nhiều, họ góp ý nên chúng tôi phải thay đổi một chút, tuy vẫn cố gắng không “biến đổi” nhiều. Ông bà lâu không quay lại quán mà vẫn nhớ hương vị cũ, chúng tôi cảm động lắm!".

Mẹ tôi vội nói ngay, như để an ủi: "Dạ, chúng tôi thấy có chút thay đổi, nhưng vị phở vẫn rất ngon ạ!". Gương mặt bác chủ quán tươi lên thấy rõ, khi chúng tôi ra về, bác còn kín đáo gởi cho tôi và chị một gói bánh rán nóng hổi - cũng là một đặc sản của Phở Minh - với lời dặn: "Các cháu thắp hương ông bà hộ các bác nhé!".

Đến phở Minh như được về lại quê hương miền Bắc của mình - Ảnh 2.

Bát phở Minh vừa ăn, nước thanh, miếng thịt cắt rất khéo

Bố mẹ tôi giờ cũng đã khuất núi, nhưng bao năm nay, anh chị em chúng tôi vẫn giữ thói quen mỗi lần muốn ăn phở là tìm đến Phở Minh. 

Bước vào tuổi của bố mẹ mình ngày xưa, khi dùng bát phở Minh, chúng tôi mới hiểu, phở là một món ăn với người gốc Bắc như gia đình tôi nói riêng và với người Việt Nam nói chung, nó không đơn thuần chỉ là một món ăn hợp khẩu vị. Chuyên chở trong từng bát phở, từng vị phở, ngọn rau thơm, cọng giá, chút tương thêm… là cả một quá khứ đầm ấm mà mỗi người từng có với gia đình, với họ hàng, bạn bè thân yêu của mình. 

Đến Phở Minh bây giờ, ngoài tình bè bạn với anh chủ quán, chúng tôi còn hết sức cảm ơn quán vẫn cố giữ những nét truyền thống qua bát phở vừa ăn, bàn ghế cũ và cả bài trí gợi giúp chúng tôi nhớ về những năm tháng tuổi thơ được hạnh phúc, vui sướng đi cùng ông bà, bố mẹ mình đến đây. 

Đến phở Minh như được về lại quê hương miền Bắc của mình - Ảnh 3.

Bàn ghế của quán vẫn giữ từ xưa

Hướng đến Ngày của phở 12-12-2021, báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi viết "Phở trong tôi"

YÊU CẦU:

* Bài viết được viết bằng tiếng Việt, tối đa 1.000 chữ.

* Lưu ý: cung cấp thông tin cụ thể nhân vật trong bài (nếu viết về nhân vật).

* Những bài được chọn đăng đều được chấm nhuận bút.

* Bài dự thi chưa từng đăng tải nơi nào khác, tác giả chịu trách nhiệm về bản quyền, không chấp nhận sự trích dẫn tài liệu mà không ghi rõ nguồn gốc.

* Bài dự thi cuộc thi viết xin gửi về email theo địa chỉ: ngaycuapho@tuoitre.com.vn.

* Thời gian nhận tác phẩm dự thi: từ ngày 22-10 đến hết ngày 25-11-2021.

* Các giải thưởng sẽ được công bố tại gala chương trình Ngày của phở 12-12 diễn ra ngày 12-12-2021 tại TP.HCM, bao gồm:

* 1 giải nhất: trị giá 10 triệu đồng/giải

* 1 giải nhì: trị giá 5 triệu đồng/giải

* 1 giải ba: trị giá 3 triệu đồng/giải

* 5 giải khuyến khích: trị giá 1 triệu đồng/giải.

Các điều khoản khác, mời độc giả đọc thêm tại đây.

Ngoài ra, hướng đến Ngày của phở 12-12, báo Tuổi Trẻ đồng thời tổ chức hai cuộc thi khác: Đi tìm người nấu phở ngon 2021 dành cho những người yêu phở và biết nấu phở, và cuộc thi sáng tác video trải nghiệm phở trên Tiktok.

Trân trọng kính mời độc giả tham gia.

Thăm dò ý kiến

Sau giãn cách xã hội, bạn mong muốn ăn quán phở nào? Bạn có thể đề cử thêm bằng cách chọn "Ý kiến khác" để gửi mail về tòa soạn. Vui lòng giới thiệu thêm về quán phở yêu thích (tối đa 500 chữ)

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Thể hiện tình yêu Thể hiện tình yêu 'quốc hồn quốc túy' với cuộc thi viết 'Phở trong tôi'

TTO - Cùng với cuộc thi nấu ăn 'Đi tìm người nấu phở ngon 2021' và cuộc thi làm video clip trên TikTok, cuộc thi viết 'Ngày của phở' năm nay sẽ diễn ra ngay từ hôm nay.

LÂM MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên