Chuyện 10 ngày chụp ảnh chim ở Trung Quốc

HUỲNH THANH DANH (*) 12/01/2024 06:09 GMT+7

TTCT - 10 ngày, 5 tay máy đã đi qua nhiều vùng của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) rộng lớn, chụp ảnh hơn 90 loài chim khác nhau, trong đó có nhiều loài chim quý hiếm đang được bảo vệ nghiêm ngặt.

Phượng hoàng mỏ vàng (Yellow-billed Blue-magpie)

Phượng hoàng mỏ vàng (Yellow-billed Blue-magpie)

Những trải nghiệm thú vị quanh chuyện chụp chim ở xứ người lại dẫn về không ít ưu tư về chuyện xứ mình…

Ở Việt Nam, muốn đi chụp ảnh chim, chúng tôi thường phải vác máy lang thang trong rừng hoặc tự dựng lều vải để ngồi chờ chim, may mắn hơn thì ở vài vùng có được điểm ngắm chim không chuyên dựng sẵn vừa đủ chỗ cho 5-6 người.

Nhưng qua Vân Nam, mọi thứ khác hẳn.

Dù chỉ là một tỉnh ở phía tây nam Trung Quốc, giáp biên giới với Việt Nam, nhưng diện tích Vân Nam còn lớn hơn cả diện tích Việt Nam. 

Chúng tôi theo một hành trình di chuyển liên tục từ các thành phố Côn Minh, Đại Lý, Đức Hoành, trở về vùng núi Gaoliong, ghé hồ Jian ở Kiểm Xuyên, đến đỉnh núi Lão Quân lạnh giá, về Khu bảo tồn thiên nhiên Yila ở Shangri-La.

Từ Côn Minh tới Đại Lý hơn 500km, nhưng chỉ mất hơn 2 giờ ngồi trên tàu điện siêu tốc là đến. Các cung đường hầu như đều là cao tốc, rất đẹp và êm, chạy xuyên qua vùng đất nhiều đồi núi mượt mà nhờ cầu treo hoặc đường hầm xuyên qua núi.

Do đi tìm chim, chúng tôi phải đến những vùng rừng núi hẻo lánh. Nhưng nơi nào cũng có đường sá đẹp và sóng 5G, dù ở biên giới hay đỉnh núi cao.

Chim trĩ huyết

Chim trĩ huyết

Chúng tôi được dẫn vào một làng nhỏ ở lưng chừng núi gần biên giới với Myanmar để chụp chim. Thật choáng khi nơi đây có nhiều điểm chụp và ngắm chim khác nhau, mỗi chỗ cách nhau chỉ 5 phút xe chạy.

Các điểm này được dựng rất gần đường, chỉ cách khoảng 50 - 100m lội bộ. Trước mỗi ngã rẽ đều được đánh số thứ tự điểm chụp, với một tấm panô lớn in hình tất cả các con chim có thể có để các nhiếp ảnh gia chọn lựa.

Các điểm ngắm chim đều được xây dựng kiên cố, bố trí cả ghế ngồi lót nệm êm, đủ chỗ cho 20 khách cùng lúc. Các ô dựng máy được đánh số thứ tự để khách không phải tranh giành nhau. 

Mỗi lần cho chim ăn, các chủ điểm ngắm chim thường huýt gió, lũ chim nghe tiếng gọi là sà xuống. Giữa trưa, họ chuẩn bị cơm cho khách, không quên kèm theo một phích nước nóng cho khách pha trà.

Một điểm ngắm và chụp ảnh chim ở Đức Hoành.

Một điểm ngắm và chụp ảnh chim ở Đức Hoành.

Khi xuống ghe chụp chim nước ở hồ Jian, tôi thấy ông lái đò dùng chèo tay. Ra xa một đoạn, khi đang say sưa chụp các loài chim bay lượn, chiếc ghe của tôi vẫn lướt sóng rất nhanh, êm ru, tĩnh lặng. Nhìn kỹ lại mới biết ghe đã chuyển sang chạy bằng máy điện nên không gây tiếng ồn.

Cái áo phao tôi và ông lái đò mặc đều có màu xanh đen nhạt để cho chim khỏi sợ. Bất giác tôi chợt nhớ tiếng máy dầu nổ xình xịch ở Tràm Chim quê mình và những chiếc áo phao cứu sinh màu vàng cam chói lọi, ghe tới đâu chim vội vàng dáo dác bay tới đó.

Chim kim oanh tai bạc

Chim kim oanh tai bạc

Do giáp Việt Nam, nên hệ chim ở Vân Nam khá tương đồng với các khu vực ở miền Bắc nước ta. Điểm khác biệt là loài nào cũng rất nhiều và dạn dĩ hơn. Các loài chim trèo cây, gõ kiến, khướu đuôi đỏ… ở nước ta thường đậu rất xa để "né" người, nhưng chim ở đây không sợ ai cả, chúng thản nhiên cặm cụi tìm mồi trước mặt các nhiếp ảnh gia, mặc cho ai chụp ảnh thế nào thì chụp.

Khướu mỏ cong

Khướu mỏ cong

Trong quá khứ, Trung Quốc từng có chiến dịch sai lầm chấn động thế giới là tận diệt chim sẻ và các loài chim nhỏ, chuột, ruồi, muỗi… dẫn đến mất cân bằng sinh thái, gây nên những hậu quả trầm trọng. 

Nhưng giờ đây, quốc gia này là một trong những xứ sở có hệ sinh thái phong phú bậc nhất thế giới, là nơi sinh sống của một số lượng đáng kể các loài động vật hoang dã dễ bị tổn hại hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cục bộ do những tác động của con người.

Theo luật bảo vệ động vật hoang dã của Trung Quốc, chính quyền trung ương và địa phương được yêu cầu chỉ định các loài quý hiếm hoặc bị đe dọa để bảo vệ đặc biệt theo luật. 

Ai săn bắt các loài chim và động vật hoang dã nằm trong danh sách bảo vệ này đều bị các hình phạt tù rất nghiêm khắc, nên việc bắt và buôn bán chim hầu như không còn nữa.

Trèo cây trán đen

Trèo cây trán đen

Việc bảo tồn ở đây diễn ra một cách rất tự nhiên, không có bí quyết gì to tát phức tạp cả.

Ở Khu bảo tồn thiên nhiên Yila (thuộc Sangri-La), người dân vẫn thả ngựa, bò ăn cỏ, lập một số chòi canh trong cánh đồng, chung sống hòa bình với sếu đầu đen - loài được bảo vệ rất tốt ở đây nên vẫn đang tiếp tục sinh sôi. 

Sếu cổ đen

Sếu cổ đen

Công thức đơn giản của pháp luật nghiêm minh, bộ máy chính quyền thực thi nghiêm túc, người dân chấp hành triệt để đã giúp việc bảo tồn, phát triển chim và động vật hoang dã thành công.

Ngồi trên đỉnh núi Lão Quân, chúng tôi gặp được một con gà lôi tía đang đủng đỉnh tìm mồi. Nó nhìn chúng tôi bình thản, không chút sợ sệt e dè, có lẽ trong mắt nó loài người thật thân thiện chứ không phải là mối nguy hiểm tiềm tàng.

Gà lôi tía

Gà lôi tía

 Không khỏi ưu tư khi nhớ cách đây chưa đầy hai năm, khi con gà quý hiếm này được phát hiện ở Fansipan, giới nhiếp ảnh phấn khích lao đi chụp thì chỉ vài ngày sau nó đã bị lâm tặc bắn chết.■

(*) Dược sĩ, tay máy đoạt giải nhất Cuộc thi ảnh chim hoang dã VN lần đầu tiên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận