VCK U23 châu Á: 23 có còn là trẻ?

HUY ĐĂNG 26/04/2024 09:53 GMT+7

TTCT - Vòng chung kết U23 châu Á là một giải đấu lạ lùng, và có vẻ đi ngược xu hướng về bóng đá trẻ.

Cho đến nay, chỉ còn lại hai liên đoàn châu lục tổ chức các giải U23 là châu Á và châu Phi. Lý do là về cơ bản, làng bóng đá đỉnh cao từ lâu đã không còn xem độ tuổi 23 là giới hạn hợp lý cho cầu thủ trẻ nữa.

VCK U23 châu Á chẳng thu hút mấy khán giả. Ảnh: REUTERS

VCK U23 châu Á chẳng thu hút mấy khán giả. Ảnh: REUTERS

Nghịch lý làng túc cầu

Trong quá khứ, UEFA từng tổ chức giải U23 cho các đội châu Âu, nhưng chỉ 3 lần từ xa lắc: 1972 đến 1976. Từ năm 1978, UEFA chuyển giải U23 sang giải U21, và tổ chức 2 năm/lần cho đến nay. Trong khi đó, Nam Mỹ (CONMEBOL), Bắc Mỹ - Caribbean (CONCACAF) và châu Đại Dương (OFC) chưa bao giờ tổ chức giải U23.

Vậy tại sao châu Á lại tổ chức giải U23 với mật độ 2 năm/lần? Olympic là một lý do. Môn bóng đá ở Olympic (dù chẳng mấy cuốn hút) cần giai đoạn vòng loại, và các liên đoàn châu lục cần tổ chức giải đấu tuyển chọn. 

CONMEBOL, OFC tổ chức riêng một giải vòng loại cho Olympic, trong khi châu Âu sử dụng kết quả ở giải U21 (diễn ra trước Olympic 1 năm) làm vòng loại. CONCACAF thậm chí dùng luôn cả thành tích ở giải U20 để tuyển chọn cho tiện. Chỉ mình Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và châu Phi (CAF) là vẫn tổ chức hệ thống giải U23 rầm rộ.

Lời giải thích là phải tổ chức giải U23 để chọn đội dự Olympic thực ra không thuyết phục, bởi nếu vậy các giải U23 chỉ cần tổ chức 4 năm/lần như Olympic. 

Cũng vì vậy mà U23 châu Á trở thành giải đấu tréo ngoe, khi kỳ giải này cạnh tranh rất cao, nhưng kỳ sau lại chẳng ai buồn để ý. Năm 2018, Việt Nam lập nên kỳ tích lọt vào chung kết, nhưng năm đó không xét thành tích Olympic. 

Sang năm 2020, thầy trò ông Park Hang Seo lại dừng chân ngay từ vòng bảng, khi mà nhiều đại gia châu Á thực sự nghiêm túc với sân chơi này.

Chưa hết, để tổ chức VCK U23, AFC phải tổ chức thêm một vòng loại riêng, khiến hệ thống giải đấu của họ trở nên cồng kềnh, rối rắm, và xung đột với lịch thi đấu của các câu lạc bộ. 

Nhiều HLV hàng đầu thế giới như Jurgen Klopp hay Pep Guardiola từng chỉ trích FIFA và UEFA khi liên tục đẻ ra những giải đấu mới. Nhưng các giải như UEFA Nations League thực sự mang lại nguồn thu nhập lớn, nâng cao giá trị thương mại của bóng đá và thu hút được khán giả. 

Lượng khán giả trung bình của UEFA Nations League 2022-2023 là gần 20.000 người/trận. Con số đó của VCK U21 châu Âu 2023 cũng là 10.400 người/trận.

Còn VCK U23 châu Á thì sao? Chủ nhà Qatar đã liệu trước chuyện giải đấu chẳng thu hút được bao nhiêu khán giả nên chủ yếu tổ chức ở các sân nhỏ như Abdullah Bin Khalifa (sức chứa 10.000 người) và Jassim Bin Hamad (15.000 người). 

Nhưng rồi vẫn chỉ có 1.300 người đến xem trận khai mạc giải giữa Úc và Indonesia. Ngay cả khi chủ nhà Qatar ra sân, số khán giả trung bình cũng chỉ là 8.000 người. Tính cả 2 lượt trận vòng bảng, lượng khán giả trung bình không tới 3.000 người mỗi trận.

23 tuổi không còn là cầu thủ trẻ

Tổ chức một VCK U23 chỉ để phục vụ cho việc giành vé đi Olympic là không cần thiết, càng không phù hợp khi xét đến nhu cầu phát triển bóng đá trẻ. Từ rất lâu, làng bóng đá đỉnh cao đã xác định giới hạn của bóng đá trẻ là 21, thay vì 23.

Năm 2018, Việt Nam tạo nên chiến tích lịch sử với gần phân nửa số cầu thủ dự VCK U23 thực ra đã là tuyển thủ, thậm chí là trụ cột, của tuyển quốc gia, như Bùi Tiến Dũng (trung vệ), Đỗ Duy Mạnh, Vũ Văn Thanh, Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng... 

Đội U23 Việt Nam năm đó chẳng khác là bao so với đội tuyển quốc gia, càng cho thấy U23 khó thể coi là "bóng đá trẻ" nữa?

Một tiêu chí khác: Kopa Trophy, giải thưởng dành cho cầu thủ trẻ xuất sắc nhất thế giới trong năm do tạp chí France Football (đơn vị tổ chức giải Quả bóng vàng) trao, có tiêu chí cầu thủ xét giải là U21. Tương tự, Golden Boy, một giải thưởng uy tín khác cho cầu thủ trẻ, cũng quy định người được xét giải từ 21 tuổi trở xuống.

Với bóng đá đỉnh cao, ngưỡng 21 tuổi được xem là ranh giới tiêu chuẩn để phân định cầu thủ trẻ. Dusan Vujicic, "cò cầu thủ" người Serbia từng sang châu Á để tuyển trạch cầu thủ, nhận xét: 

"Cầu thủ ngày nay hầu hết trưởng thành từ các học viện bóng đá trẻ. Họ vào học viện thậm chí từ lúc khoảng 10 tuổi, nên đến 20 tuổi, hầu hết đều đã phát triển đầy đủ về thể chất, tư duy, chiến thuật... Nhiều CLB lớn ở châu Âu ngày nay xác định nếu một cầu thủ do họ đào tạo khi đến 22-23 tuổi vẫn chưa đủ sức chơi cho đội một, thì sẽ phải chuyển đến một CLB trình độ thấp hơn".

Trong top 10 cầu thủ được Transfermarkt định giá cao nhất thế giới hiện tại, có đến 4 người trong độ tuổi U23, và 3 người nữa mới 23 tuổi. Jude Bellingham, ngôi sao đắt giá nhất thế giới hiện tại (180 triệu euro), mới 20 tuổi. 

Anh đã khoác áo đội tuyển quốc gia Anh từ năm 2020, khi mới 16 tuổi! Một ví dụ khác: Ở Olympic 2020, ngay cả đội vô địch Brazil vẫn thi đấu với đội hình gồm hầu hết cầu thủ còn vô danh đang thi đấu ở quốc nội.

Ở đẳng cấp tương ứng, Nhật Bản hay Hàn Quốc đã không gọi những ngôi sao trong độ tuổi U23 tham dự VCK U23 châu Á. Với tuyển Nhật Bản, đó là tiền vệ Takefusa Kubo hay thủ thành Zion Suzuki. 

Còn Hàn Quốc không gọi Kim Ji Soo, Park Kyu Hyun hay Oh Hyeon Woo - những tuyển thủ dưới 23 tuổi đang thi đấu ở châu Âu. Lý do một phần bởi lịch thi đấu của giải trùng với giai đoạn nước rút của mùa giải cấp CLB ở châu Âu. Thật khó thuyết phục một ngôi sao như Kubo rời La Liga để trở về tham dự một giải trẻ.

Cũng vì vậy, cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc đều không được đánh giá là ứng viên số 1 ở giải năm nay, mà là Saudi Arabia. Đội này có lý do khi mang đầy đủ lực lượng mạnh nhất đến Qatar: toàn bộ tuyển thủ quốc gia của họ đều chơi ở giải quốc nội. 

Trong khi đó, Iraq - dù không hẳn là đại gia của châu Á, cũng không triệu tập các ngôi sao U23 đang chơi ở châu Âu như Zidane Iqbal, Youssef Amyn, hay Hussein Ali.

Nhiều nền bóng đá nhỏ như Indonesia và Việt Nam thậm chí còn phải lùi cả giải quốc nội để tập trung cho VCK U23 châu Á, một quyết định đi ngược lại xu thế của bóng đá đỉnh cao. Và cuối cùng, Iran - nền bóng đá hùng mạnh nhất nhì châu lục với hàng loạt ngôi sao đang chơi bóng ở châu Âu - thậm chí đã không thể giành vé dự VCK U23 châu Á.■

Trong quá khứ, môn bóng đá nam ở Olympic không giới hạn tuổi. Nhưng từ năm 1992, FIFA và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) thống nhất với nhau rằng việc tồn tại cùng lúc 2 giải đấu đều với các đội tuyển quốc gia sẽ không tốt cho đôi bên. IOC bèn quyết định ra giới hạn độ tuổi U23 dành cho môn bóng đá nam. Cũng cần biết rằng cho đến nay Olympic vẫn tồn tại với tôn chỉ là một kỳ đại hội thể thao không dành cho VĐV nhà nghề.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận