Châu Phi 2023: Những vấn đề muôn thuở

DANH ĐỨC 19/12/2023 11:00 GMT+7

TTCT - 2023 là năm mà ở châu Phi nổ ra khá nhiều vụ đảo chánh. Sau cuộc đảo chánh hôm 26-7 ở Niger, Hãng tin TRT châu Phi của Thổ Nhĩ Kỳ hô hào: "Chính biến ở Niger: Giới tinh hoa châu Phi phải thức giấc".

Còn trên trang Culture Générale đầu tháng 12, 499 người đã tham gia bình luận câu hỏi đầy thao thức: "Châu Phi cần gì để được như châu Âu, châu Mỹ?".

Ảnh: The New Arab

Ảnh: The New Arab

Trong khung cảnh yên ổn đã lâu của chính trường châu Á, thật ái ngại khi đảo chánh vẫn diễn ra suốt ở châu lục khét tiếng với từ ngữ "vành đai đảo chánh" - để chỉ khu vực Tây Phi, Trung Phi và Sahel. Trong bối cảnh bất ổn chính trị dai dẳng đó, không khó hiểu thao thức trông mong một sự tỉnh thức chung, đặc biệt nơi giới "có ăn, có học" và cánh quân nhân, vốn đang nắm quyền lực ở đấy.

Ba làn sóng đảo chánh

Hôm 26-7, Tổng thống Niger Mohamed Bazoum bị chính lực lượng phòng vệ phủ tổng thống đảo chánh. Một tháng sau, hôm 30-8 một nhóm sĩ quan Gabon tuyên bố hủy bỏ kết quả bầu cử hôm 26-8, theo đó Tổng thống Ali Bongo Ondimba đã thắng, rồi đứng lên nắm quyền. 

Chỉ trong vòng một tháng mà châu Phi đã trải qua hai cú đảo chánh: một kỷ lục mới. Al Jazeera ngán ngẩm tổng kết: "Trong 486 vụ đảo chính quân sự, cả thành và bất thành, trên toàn cầu kể từ năm 1950, châu Phi chiếm số lượng lớn nhất với 214 vụ, trong đó ít nhất 106 vụ đã thành công".

Theo ISS Africa, có thể chia 70 năm đảo chánh đó thành ba giai đoạn. Đầu tiên là làn sóng đảo chánh giữa những năm 1960 và 1970 trong bối cảnh hậu độc lập. 

Đó chính là giai đoạn mà các siêu cường trong Chiến tranh Lạnh cạnh tranh khốc liệt, nên xáo trộn chính trị thường bị các phe "phò thực dân" trong nhóm sĩ quan quân đội cấp cao giựt dây chống lại các nhà lãnh đạo giải phóng đất nước có tầm nhìn chính trị và định hướng tư tưởng mâu thuẫn với lợi ích của các cường quốc thực dân.

Vấn đề càng trở nghiêm trọng hơn khi trong giai đoạn hậu độc lập, họ thường không đáp ứng được nguyện vọng kinh tế và phát triển của người dân, dẫn đến những bất đồng âm ỉ. 

Từ đó, để phòng vệ, họ thường chọn đường lối độc tài để rồi dẫn đến bị lật đổ. Đã có tới 12 nhà lãnh đạo mất mạng trong những cuộc đảo chánh đẫm máu song lại được ca ngợi vì đã xóa được chế độ độc tài và các nhiệm kỳ tổng thống mãn đời.

Làn sóng đảo chánh thứ nhì xuất hiện từ 1990 - 2021. Sau khi các lãnh đạo của làn sóng đảo chánh đầu tiên thất bại trong việc quản lý kinh tế, các sĩ quan quân đội cấp trung cảm thấy cần đứng lên sửa sai cho các đàn anh cũ. Làn sóng này đặc trưng là mức độ vi phạm nhân quyền liên quan đến đảo chánh giảm đáng kể và bớt khiến các lãnh đạo lớp trước đổ máu.

Làn sóng đảo chánh thứ ba bắt đầu kể từ năm 2021 với những vụ lật đổ ở Sudan, Mali, Guinea, Burkina Faso, Niger và Gabon. 

Động cơ đảo chánh nhìn chung khác với các cuộc đảo chánh trong những thập niên trước: lo ngại về sự thụt lùi của nền dân chủ, chủ yếu là việc thao túng hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ, gian lận kết quả bầu cử, sa sút an ninh và gia tăng tình cảm chống thực dân (Pháp) như có thể thấy qua các cú đảo chánh ở Niger và Gabon gần đây.

Ảnh: Lida Network

Ảnh: Lida Network

Sự thất bại của giới tinh hoa

Có thể thấy mỗi làn sóng đảo chánh đều nhằm "sửa sai" cho giới lãnh đạo "đàn anh", tức giới tinh hoa trước đó. Làn sóng thứ ba, tuy mới bắt đầu từ đầu thập niên này, song đã được nhiều học giả phân tích. 

Simon Taylor của Đại học North West University (Nam Phi) lần lại cội nguồn của nạn dịch đảo chánh trong bài phân tích trên Responsible Statecraft (Thuật lãnh đạo có trách nhiệm) hôm 20-9: 

"Khi Napoléon Bonaparte tổ chức một cuộc đảo chánh nhằm lật đổ chính quyền dân sự Tổng tài ở Pháp, ông biện minh cho hành động của mình là cần thiết để cứu lấy tinh thần của cuộc cách mạng. Quân đội, theo quan điểm của Napoléon, có nghĩa vụ trang trọng là bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa cả trong và ngoài nước".

Tác giả gọi xu hướng quân đội, với tư cách là người bảo vệ tinh thần quốc gia, có quyền nắm quyền lực nhà nước, là chủ nghĩa Bonaparte. 

Sở dĩ quân đội tự cho mình quyền đó là do quân đội, trong những lúc mà chính quyền dân sự gặp rối ren không hoạt động được nữa, tự cho rằng họ quản lý tốt hơn giới dân sự, và do "ở trên chính trị", quân đội có quyền ra tay cứu quốc. 

Đây chính là cơ sở lý luận mà một số quân đội ở châu Phi dựa vào để tiến hành đảo chánh. Trớ trêu thay, Simon Taylor nhấn mạnh, bất chấp những thông điệp "bài Pháp" của các nhà lãnh đạo đảo chánh ở châu Phi, nhiều người vẫn vận dụng tinh thần của chủ nghĩa Bonaparte này để "cứu quốc".

Còn Georja Calvin-Smith, với bài "Sự sụp đổ của ảnh hưởng Pháp ở Tây Phi", trong chương trình Paris Perspective số 40 của Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) hôm 25-9, đã nhìn lại tác động của các vụ đảo chánh từ đầu thập niên này ở châu Phi, theo "quan điểm Paris", như tên gọi của chương trình. 

Tác giả cảnh báo "hiệu ứng domino" tại khu vực Sahel khi các nước này rơi vào tay chính quyền quân sự trong ba năm qua, nhìn từ góc độ của người Pháp: 

"Các cuộc đảo chánh về cơ bản đều tuân theo cùng một kịch bản: Pháp bị lên án là kẻ vơ vét kinh tế, sau đó phe đảo chánh đình chỉ hợp tác quân sự với Pháp trong cuộc chiến chống lại các cuộc thánh chiến Hồi giáo cực đoan; các cơ quan truyền thông Pháp như Đài RFI và France 24 bị ngưng hoạt động tại các nước đảo chánh; các đại sứ quán và căn cứ quân sự của Pháp bị đám đông bao vây, những người biểu tình tố cáo chủ nghĩa thực dân mới của Pháp và kêu gọi quân đội Pháp rút lui".

Ảnh: Marxist.com

Ảnh: Marxist.com

Tác giả cũng trở lại câu chuyện "khai phá" của Nhà nước Pháp đối với các thuộc địa cũ: "Vai trò của Pháp trong việc "hướng dẫn" các quốc gia châu Phi trong những năm độc lập dường như đã bị từ chối thẳng thừng bởi một thế hệ đang phải đối mặt với thực tế chính trị mới và đang cảm thấy bị bỏ rơi. Một thế hệ người châu Phi mới đã xuất hiện, một thế hệ có khả năng tiếp cận thông tin và cả thông tin sai lệch - ở mức độ ngang nhau". 

Trong phát biểu này, giới tinh hoa châu Phi xuất hiện hai lần: lần đầu như là những nhà lãnh đạo các nước châu Phi hậu độc lập, lần sau là giới tinh hoa hiện nay đang chối bỏ ảnh hưởng Pháp. Giới tinh hoa cũ của hai làn sóng đảo chánh đầu tiên lụn bại quá, nên xuất hiện một lớp tinh hoa mới, muốn thoát ly hẳn khỏi ảnh hưởng Pháp, tức văn hóa phương Tây.

Cái bẫy "Tây hóa"

Cách đây đúng 10 năm, Fary Ndao viết trên trang "Châu Phi của các tư tưởng" (lafriquedesidees.org) về tác động của sự Tây hóa với giới tinh hoa châu Phi: "Sự Tây hóa vĩnh viễn giới tinh hoa của chúng ta là một thảm kịch thực sự. 

Quá trình Tây hóa này, mà chúng ta tưởng chỉ giới hạn trong thời kỳ hậu độc lập, trên thực tế đang lấy lại vị thế, đặc biệt nhờ vào việc mở cửa thị trường giáo dục trên quy mô toàn cầu".

Theo tác giả, "Tây hóa" là "việc sử dụng hay đúng hơn là sử dụng lại vĩnh viễn các khái niệm, phương pháp và chiến lược được tạo ra ở phương Tây, bởi người phương Tây, cho phương Tây và với thực tế văn hóa và lịch sử phương Tây". 

Điển hình là việc các nước này nhất định đi theo chế độ dân chủ "hiện đại", lấy cảm hứng từ "nền dân chủ Athens". "Bi kịch của quá trình Tây hóa giới tinh hoa của chúng ta nằm ở chỗ họ sẽ áp dụng điều đó vào bối cảnh và thực tế xã hội hoặc lịch sử điển hình của châu Phi", Ndao viết.

Tác giả gọi đó là "peroquettization" - bắt chước như vẹt - tức việc sử dụng "điên cuồng" các thuật ngữ phương Tây để gọi các mong muốn của người châu Phi về tương lai của lục địa. Trong số các thuật ngữ đó, nổi bật là từ "phát triển". 

Toàn bộ giới trí thức châu Phi sử dụng từ này và các biến thể của nó một cách bừa bãi mà không thực sự dành thời gian để suy ngẫm về nó. Hậu quả là sự "phát triển" dựa trên chủ nghĩa tư bản, dựa trên sự thoải mái vật chất và công nghệ đã làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên không thể tái tạo của châu Phi (như dầu mỏ) với tốc độ chóng mặt và thái độ không ngần ngại dùng những hình thức tàn ác nhất để kiểm soát thị trường hoặc tài nguyên. 

Giới tinh hoa châu Phi, quá Tây hóa do quan niệm phát triển theo chủ nghĩa tư bản thương mại, đã bỏ qua những nhu cầu đơn giản của con người là nhà ở, thực phẩm và nước uống... cùng thực tế 2,8 tỉ người sống với mức dưới 2 đô la/ngày. ■

Các số liệu đảo chánh quả là ác liệt, song chưa bằng số liệu 45/54 quốc gia lục địa đen đã trải qua ít nhất một cuộc đảo chánh kể từ năm 1950, cũng theo Al Jazeera trích dẫn. Theo Viện Nghiên cứu an ninh châu Phi (ISS Africa), "lịch sử đảo chánh" của châu lục bắt đầu với việc quân đội Ai Cập lật đổ vua Farouk vào ngày 23-7-1952. Kể từ đó, buồn buồn điều gì là mấy ông tướng tá lại nhảy ra đảo chánh. Hậu quả tột cùng là riêng tại Ai Cập, nước mở màn làn sóng đảo chánh, không một tổng thống nào rời nhiệm sở một cách tự nguyện, tất cả đều hoặc bị ám sát hoặc lật đổ. (The New Arab 22-7-2022)
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận