31/03/2022 11:52 GMT+7

Xuất khẩu tôm, cá tra 'nhảy vọt', rau quả giảm

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Ba tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 2,4 tỉ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn xuất khẩu rau quả đạt khoảng 849 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu tôm, cá tra nhảy vọt, rau quả giảm - Ảnh 1.

Chế biến cá tra xuất khẩu - Ảnh: CHÍ QUỐC

Con số trên vừa được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố sáng 31-3. 

Quý 1-2022, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ như cao su, chè, gạo, hồ tiêu, sắn/khoai mì và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ. 

Cụ thể, giá trị xuất khẩu cà phê đạt khoảng 1,2 tỉ USD, tăng 50,4%; gạo đạt 715 triệu USD, tăng 10,5%; hồ tiêu khoảng 252 triệu USD, tăng 40,8%. Cá tra đạt 606 triệu USD, tăng 82%. Tôm đạt 929 triệu USD, tăng 39,7%. Mây, tre, cói thảm đạt 265 triệu USD, tăng 34,4%...

Những mặt hàng giảm gồm chè đạt 36 triệu USD, giảm 11,9%. Nhóm hàng rau quả đạt khoảng 849 triệu USD, giảm 12%; hạt điều ước đạt 630 triệu USD, giảm 5%.

Tính chung quý 1-2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước trên 12,8 tỉ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,4 tỉ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ; chăn nuôi ước đạt 75,6 triệu USD, giảm 22,4%,...

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kết quả xuất khẩu thủy sản khả quan chủ yếu nhờ cá tra vẫn đang đà hồi phục mạnh với các tín hiệu tích cực về nhu cầu ở các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, EU.

Với giá trị xuất khẩu tăng 88% so với cùng kỳ năm trước, cá tra đang lấy lại vị thế trong cơ cấu sản phẩm thủy sản xuất khẩu, đến nay chiếm 27% giá trị xuất khẩu thủy sản.

Tôm vẫn giữ tỉ trọng cao nhất với 37%, mang về hơn 345 triệu USD trong tháng 3, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng xuất khẩu tôm trong quý 1-2022 đạt trên 900 triệu USD, cao hơn 37% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu tôm ở các thị trường chính đều cao cùng với giá xuất khẩu trung bình tăng là những yếu tố giúp kim ngạch xuất khẩu tôm vượt xa năm trước.

Chiến sự Ukraine ảnh hưởng trực tiếp đến ngành khai thác thủy sản vì giá xăng dầu tăng quá cao, nhiều ngư dân cho tàu nằm bờ, thậm chí bán tàu bỏ nghề. Ngành chế biến hải sản vốn đã khó khăn về nguyên liệu lại càng thiếu hụt. 

Vì vậy, xuất khẩu hải sản trong tháng 3 chỉ giữ được mức tăng khiêm tốn dưới 3%, đạt 312 triệu USD. 

Nhìn chung xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính trong tháng 3-2022 vẫn duy trì tăng trưởng cao. Trong đó xuất khẩu sang Mỹ tăng 42%, sang Trung Quốc tăng 77%, sang EU tăng 37%, Hàn Quốc tăng 23%. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Nhật Bản chỉ tương đương so với tháng 3-2021.

Chiến tranh Nga - Ukraine khiến cho xuất khẩu thủy sản sang Nga giảm 86% trong tháng 3, chỉ còn 2,7 triệu USD và xuất khẩu sang Ukraine bị dừng hoàn toàn trong tháng 3.

VASEP nhận định xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 sẽ tiếp tục bị tác động bởi chiến sự Nga - Ukraine, nhưng vẫn có động lực tăng trưởng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, khi hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại đã trở lại trạng thái bình thường, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam lại tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế để kết nối và mở rộng khách hàng. 

Do vậy dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 vẫn duy trì tăng trưởng 25%, đạt 934 triệu USD. Theo đó xuất khẩu các loại cá biển có thể giảm 15%, nhưng xuất khẩu cá tra vẫn tăng 80% và tôm sẽ tăng 20%, cá ngừ tăng 18%, mực, bạch tuộc tăng 25%.

Xuất khẩu tôm Việt sang Mỹ đã hơn 1 tỉ USD Xuất khẩu tôm Việt sang Mỹ đã hơn 1 tỉ USD

TTO - Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), lần đầu tiên tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch hơn 1 tỉ USD, với gần 90.000 tấn, tăng 20% so với năm trước.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên