01/08/2023 08:59 GMT+7

Vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc: Bài học lớn trước thời tiết bất thường

Quan trọng nhất hiện nay trong phòng chống sạt lở là phải tôn trọng thiên nhiên. Đây cũng là một trong nhiều bài học để các địa phương rút kinh nghiệm trong ứng phó với sạt lở đất.

Toàn cảnh hiện trường vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc  - Ảnh: C.TUẤN

Toàn cảnh hiện trường vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc - Ảnh: C.TUẤN

Hôm qua (31-7), Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã trực tiếp kiểm tra tại hiện trường vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc. Cũng trong ngày, sau khi phóng viên các báo điện tử có ảnh chụp toàn cảnh khu vực sạt lở trên đèo Bảo Lộc, cho thấy vị trí sạt lở nằm ngay dưới chân một mé đồi trồng sầu riêng, dư luận đặt vấn đề đây có phải là nguyên nhân chính dẫn đến vụ sạt lở hay không?

Hình ảnh cảm động các chiến sĩ CSGT lăn đá thông đèo Bảo Lộc ngay trước lúc hy sinh

Tuổi Trẻ đã đi tìm câu trả lời từ cơ quan chức năng và các chuyên gia cho thấy hiện chưa có cơ sở để kết luận cụ thể vụ việc. Tuy nhiên, vụ việc này là một bài học lớn cho tất cả các địa phương có địa hình tương tự trong thời gian sắp tới.

Việc sạt lở này không phải đất trống mới sạt mà ngay cả các khu vực có nền địa chất yếu cũng sẽ xảy ra. Do đó xây nhà cửa, công trình phải tránh nơi sườn dốc quá dốc, các khu vực dễ xảy ra lũ quét.

PGS.TS NGUYỄN VIỆT KỲ

Nguy cơ mới, cần quyết liệt hơn

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh với Tuổi Trẻ rằng vụ sạt lở này là một bài học mới, nguy cơ mới cần phải quyết liệt hơn và giải pháp tích cực hơn trong ứng phó với sạt lở đất. 

Theo ông Hiệp, một trong những nguyên nhân sạt lở ở đèo Bảo Lộc là do mưa quá lớn, lượng mưa 380mm trong bốn ngày liên tục, gấp bốn lần so với bình thường hằng năm.

Vấn đề đặt ra là tỉnh Lâm Đồng đã có dự kiến di dời Trạm cảnh sát giao thông Madagui vì có khả năng không an toàn. Tuy nhiên, trong các điểm có nguy cơ sạt lở cần di dời thì có nhiều điểm khác cần di dời gấp hơn nên tỉnh đã và đang tập trung các điểm có nguy cơ cao. 

Đáng tiếc, điểm cũng phải di dời nhưng chưa xung yếu như khu vực Trạm cảnh sát giao thông Madagui thì lại xảy ra sạt lở trước. Điều này cho thấy mưa lũ, sạt lở đất do tác động của biến đổi khí hậu rất khó đoán định.

"Câu chuyện phòng chống sạt lở đất tới đây cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn và bản đồ sạt lở cũng phải tính toán đầy đủ các yếu tố, đặc biệt về địa chất. Nếu chỉ căn cứ vào yếu tố lịch sử chưa chắc đã đúng mà phải căn cứ vào địa chất thực tế và lượng mưa để tính toán các điểm sạt lở cần di dời gấp", ông Hiệp nói.

Từ hiện trường vụ sạt lở là khu vực đất trồng sầu riêng, ông Hiệp nhấn mạnh bất cứ thay đổi nào do tác động của con người thì thiên nhiên sẽ có những thay đổi. Với điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lũ bất thường như hiện nay thì tất cả tác động của con người đều có thể gây ra hậu quả. 

Quan trọng nhất hiện nay trong phòng chống sạt lở là phải tôn trọng tự nhiên, tôn trọng thiên nhiên. Đây cũng là một trong nhiều bài học để các địa phương rút kinh nghiệm trong ứng phó với sạt lở đất.

Lực lượng chức năng tháo dỡ căn nhà nơi xảy ra vụ sạt lở - Ảnh: C.TUẤN

Lực lượng chức năng tháo dỡ căn nhà nơi xảy ra vụ sạt lở - Ảnh: C.TUẤN

Nhà khoa học nói gì?

PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ (nguyên giảng viên bộ môn địa kỹ thuật, khoa địa chất và dầu khí, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM) đưa ra nhận định: với vụ sạt lở đèo Bảo Lộc, tại vị trí sạt lở đã trồng sầu riêng, tức lớp che phủ của rừng bên trên đã bị mất. Đã gọi là vườn thì cỏ cũng thưa, cây ít nên mưa xuống thì ngấm thẳng vào đất chứ không được phân tán. Nước mưa nhiều ngấm vào đất làm trọng lượng tăng lên thì lớp phủ sẽ có xu hướng trượt xuống vùng thấp là thung lũng bên cạnh.

Về cụ thể địa chất khu vực này, thạc sĩ Bùi Thanh Hoàng (chuyên gia môi trường) cho rằng đất bazan ngậm nước nhiều sẽ dễ sạt hơn các loại đất khác. Cụ thể, liên quan đến địa chất thủy văn, địa chất công trình thì mưa liên tục sẽ gây ra hiện tượng đất ngậm nước rồi dẫn tới bão hòa nước. Từ đó tăng tải trọng và giảm sự liên kết gây ra nguy cơ trượt, nhất là nơi có độ dốc lớn và lớp phủ bên trên như cây cối không có. Đặc biệt là tại nơi xảy ra có vách ta luy ven đường giao thông, nhà cửa.

"Riêng vụ sạt lở đèo Bảo Lộc thì địa chất Tây Nguyên là đất đỏ bazan, khả năng ngậm nước cao, thoát nước kém so với các loại đất khác. Do đó khi mưa thì tình trạng sạt lở rất dễ xảy ra", ông Hoàng nhận định. 

Ngoài ra, khu vực này là nơi chuyển tiếp giữa đồi núi và đồng bằng nên có thể địa chất cũng không ổn định. Nếu gặp nơi vị trí đứt gãy địa chất thì có nguy cơ mất ổn định cao và cụ thể tình trạng này có ở các vị trí nào thì cần phải có nghiên cứu cụ thể.

"Việc xây dựng công trình tại nơi có đồi núi cao thì nên lựa chọn vị trí thoát nước tốt, nền địa chất ổn định, góc dốc mái ta luy ở góc an toàn. Các vụ sạt lở gần đây tại Lâm Đồng đều xảy ra ở vách dốc khá dựng đứng, thoát nước cũng không tốt. Do đó khi xây dựng phải tránh các vị trí trên hoặc nếu xây dựng thì phải có thoát nước trên đỉnh, duy trì mái ta luy ở góc an toàn", ông Hoàng chia sẻ thêm.

Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Bách Tùng (trưởng văn phòng đại diện Công ty TNHH Khoa học tự nhiên - Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh việc phải giữ mảng xanh.

Ông Tùng nhận định ở vụ sạt lở này có hiện tượng mưa kéo dài. Đặc biệt, mưa kéo dài sau nhiều ngày nắng nóng làm lượng nước được tích tụ trong đất tăng lên dẫn tới phá vỡ mối liên kết của đất và đá ở cấu trúc địa hình sườn dốc hay dựng đứng. Các mối liên kết giữa đất với đất, giữa đất và rễ cây không đủ bền chắc để có thể giữ được lớp đất đá ở địa hình sườn dốc dẫn đến việc sạt lở.

"Đối với các công trình nằm dưới chân đồi trong điều kiện mưa lớn kéo dài cần chủ động đề phòng sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khi có hiện tượng bất thường cần di dời ngay đảm bảo an toàn cho người... Đồng thời để phòng tránh cần tăng cường trồng cây xanh, hạn chế khai thác dẫn đến đồi trọc. Ngoài ra, phải lên phương án di dời hoặc kiên cố lại các vị trí có hiện tượng xung yếu xảy ra sạt lở", ông Tùng đưa ra ý kiến.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang kiểm tra, chỉ đạo tại hiện trường vụ sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc - Ảnh: M.V

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang kiểm tra, chỉ đạo tại hiện trường vụ sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc - Ảnh: M.V

Phải có kịch bản ứng phó lâu dài với sạt lở

Sáng 31-7, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và các bộ, ngành liên quan tới phòng chống thiên tai, sạt lở trên địa bàn tỉnh nói chung và hệ thống đường sá nói riêng.

Vụ sạt lở xảy ra trong thời điểm mưa lớn và kéo dài liên tục hơn ba ngày. Đây là vụ sạt lở nghiêm trọng nhất trong 20 năm trở lại đây trên tuyến đèo Bảo Lộc. Tỉnh Lâm Đồng buộc phải đóng đèo để đảm bảo an toàn.

Ba ngày tới Bảo Lộc còn mưa lớn

Tại hiện trường, ông Trương Minh Dương, giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, báo cáo với phó thủ tướng rằng lượng mưa tập trung ở đèo Bảo Lộc quá lớn, gấp bốn lần lượng mưa trung bình của tỉnh Lâm Đồng.

Ở các khu vực lân cận, lượng mưa tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể nói thời điểm này, vùng Bảo Lộc và lân cận có lượng mưa tăng đột biến và kéo dài. Tác động của thời tiết đã khiến đèo Bảo Lộc, ngay chốt đèo Bảo Lộc sạt lở đất gây ra vụ tai nạn.

Ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết thêm lượng mưa quá lớn và bất thường, nền đất bazan vốn yếu, dễ sạt trượt, khi bị tích nước liên tục nhiều ngày đã gây đứt gãy kết cấu dẫn đến sạt lở đất nghiêm trọng.

"Trong ba ngày tới, mưa lớn còn tiếp tục xảy ra. Lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng đang đánh giá toàn bộ các điểm có nguy cơ sạt lở cao để sớm xử lý, đề phòng", ông Hiệp báo cáo phó thủ tướng.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang sau khi tham khảo ý kiến các bộ, ngành và lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra các chỉ đạo. "Trước mắt, sự cố này có thể xem là tai nạn và tỉnh Lâm Đồng đã xử lý tốt. Có thể xây dựng thành một kịch bản ứng phó nếu có tình huống tương tự, không chỉ ở Lâm Đồng mà còn ở các tỉnh thành khác", Phó thủ tướng nói.

Cũng theo Phó thủ tướng, với những điểm có nguy cơ đã xác định và đang tiếp tục rà soát, phải có cách ứng phó không để xảy ra tai nạn. "Nếu xảy ra, nếu có hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý trách nhiệm. Vì đã có chuẩn bị mà vẫn để có hậu quả nghiêm trọng là lỗi chủ quan", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Về lâu dài, Phó thủ tướng cho rằng năm nay mưa quá nhiều, quá lớn và không thể chắc trong tương lai mưa ít hơn. Thời tiết càng lúc càng mưa nắng cực đoan, phải có phương án thích ứng, phương án cho biến đổi khí hậu. Vì thế, cần phải có những thay đổi trong hoạt động quản lý để phát triển ổn định, bền vững và thích ứng.

Liên quan đến nguyên nhân vụ sạt lở, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo mời các chuyên gia địa chất xác định nguyên nhân vụ sạt lở, đồng thời đánh giá địa chất toàn bộ tuyến đèo Bảo Lộc và các tuyến đèo quanh tỉnh Lâm Đồng để có giải pháp lâu dài. "Phải tính những phương án, những kịch bản dài hơi. Không được để xảy ra chuyện sự cố chồng sự cố", Phó thủ tướng chỉ đạo.

Nâng mức ưu tiên đường cao tốc

Ông Trần Đức Quận, bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, cho biết toàn tỉnh hiện đang có 163 điểm sạt lở đất và có nguy cơ cao. Trong bối cảnh giao thông Lâm Đồng bị chia cắt vì những tuyến đường có tính chất độc đạo, ông Quận đề nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm bảo trì, bảo dưỡng các tuyến đường do bộ quản lý.

Cạnh đó, đề nghị Phó thủ tướng quan tâm thúc đẩy các bộ, ngành tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy dự án cao tốc. Trong năm qua, vì liên quan đến vấn đề giao thông mà tỉnh Lâm Đồng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Trao đổi về đề xuất tháo gỡ vướng mắc để triển khai đường cao tốc nối liền TP.HCM - Đồng Nai - Đà Lạt (Lâm Đồng), Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định đây là đề xuất thỏa đáng.

"Tôi sẽ có kiến nghị với Thủ tướng để có ưu tiên phù hợp. Trong sáu tháng đầu năm nay, Lâm Đồng đón 4 triệu lượt khách du lịch. Nhưng nếu chuyện tương tự như thế này xảy ra, tuyến đường độc đạo bị chia cắt liên tục thì con số du khách đến Lâm Đồng không còn là hàng triệu nữa mà sẽ ít hơn rất nhiều", Phó thủ tướng chia sẻ.

Về đường cao tốc, Phó thủ tướng gợi ý phải có những thay đổi trong thiết kế để thích ứng. Có thể là thay đổi kết cấu nền đường, cống thoát và hệ thống dẫn nước. Không để chuyện đường cao tốc, tuyến đường của phát triển mà mưa ngập như vừa xảy ra (trên đoạn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết như Tuổi Trẻ đã phản ánh - PV).

Làm rõ những thông tin về vườn sầu riêng

Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết toàn bộ diện tích trồng sầu riêng phía sau lưng chốt cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc là đất lâm nghiệp, do người đàn ông tên Bi (cơ quan chức năng đang xác minh) cư trú trong miếu Ba Cô trồng từ năm 2019.

Toàn bộ diện tích của chốt cảnh sát giao thông hơn 500m2, và một phần nhỏ đồi sầu riêng phía sau (nối liền với khuôn viên trạm) là đất ngoài lâm nghiệp. Phần trồng sầu riêng của ông Bi có diện tích khoảng 1ha. Ông Bi dẫn nước từ các con suối về để tưới vườn sầu riêng, chứ không khoan giếng như nhiều thông tin trước đó.

Trao đổi liên quan đến có phải khu vườn sầu riêng phía sau trạm là nguyên nhân chính gây sạt lở, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng không có cơ sở. Sạt lở là tổ hợp nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính do kết cấu đất bazan và mưa lớn cực đoan gây biến đổi kết cấu chung trong khu vực.

Về tính pháp lý của vườn sầu riêng trên đất rừng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Trong quá trình làm rõ vụ tai nạn, tác động của vườn sầu riêng đến vụ sạt lở đất cũng sẽ được chú ý.

Đồi sầu riêng sạt lở trên đèo Bảo Lộc: Nhiều câu hỏi cần được trả lờiĐồi sầu riêng sạt lở trên đèo Bảo Lộc: Nhiều câu hỏi cần được trả lời

Những tấm ảnh chụp từ flycam về đồi sầu riêng nhiều hecta bị sạt lở làm ba cảnh sát giao thông và một người dân thiệt mạng trên đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng, đã đặt ra nhiều câu hỏi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên