Thay nét chữ, giữ nghìn cây

LÊ MY 04/05/2024 06:42 GMT+7

TTCT - Sách lưu trữ vô vàn tri thức và câu chuyện của nhân loại. Nhưng chỗ sách khổng lồ đó khiến chúng ta mất rất nhiều cây xanh.

Ảnh: Vitalii Bashkatov/iStock

Ảnh: Vitalii Bashkatov/iStock

Ngành xuất bản đang nỗ lực nhiều cách để giảm nhẹ tác động lên môi trường. Bởi họ biết rằng, từ những quyển sách thiếu nhi với màu sắc bóng loáng đến chỗ sách bìa cứng chưa bán được bao giờ, tất cả đều để lại "dấu chân carbon".

Việc đo đạc dấu chân carbon của ngành xuất bản vốn không đơn giản, bởi có hàng tá lựa chọn chi phối phép tính: phương thức vận chuyển của nhà máy, hay cách đóng gói sách của nhà bán lẻ... 

Đó là chưa kể đến các quyết định xung quanh nội dung - chẳng hạn như bao nhiêu cho đủ các tựa sách về khí hậu và đa dạng sinh học?

Sách giấy là… cây đã chết

Kể từ khi Johannes Gutenberg góp phần cơ giới hóa việc in ấn ở châu Âu vào thế kỷ 15, ngành sản xuất sách giấy đã bùng nổ trên toàn cầu, lan tỏa và lưu trữ vô vàn tri thức và câu chuyện của nhân loại. Nhưng chỗ sách khổng lồ đó khiến chúng ta mất rất nhiều cây xanh.

Sau đây là 2 con số giúp bạn đọc hình dung về số lượng cây đã "chết" để in quyển thứ 5 trong bộ truyện Harry Potter nổi tiếng của nhà văn J. K. Rowling. 

Cách đây 20 năm, báo The Guardian tính toán rằng: khoảng 110.000 cái cây đã ngã xuống "để mang câu chuyện mới nhất về cậu bé phù thủy đến với người hâm mộ trên khắp thế giới". 

Đến năm 2021, theo SaveOnEnergy.com, có khoảng 65 triệu trang Harry Potter và Hội Phượng Hoàng đã bán được trên toàn cầu, tương đương 5 triệu cây!

Thay nét chữ, giữ nghìn cây- Ảnh 2.

Làm sao để không "giết" cây? Một trong các giải pháp được bàn luận nhiều nhất là in sách từ giấy tái chế. 

Trong bài viết "Giảm thiệt hại môi trường của giấy trong ngành xuất bản" đăng ngày 11-2-2021 trên Book Riot, một cộng đồng trực tuyến về văn hóa đọc, Christine Ro đã phỏng vấn một số chuyên gia trong ngành xuất bản về cách mà họ đang "xanh hóa" sách giấy. 

Trong số này có Margo Baldwin, chủ tịch Chelsea Green - một nhà xuất bản nhỏ của Mỹ, chuyên in sách về lối sống bền vững từ năm 1985.

Sách của Chelsea Green có logo "WorthIt" ở mặt trước, báo hiệu rằng những sách này có thể đắt tiền hơn do chúng có trách nhiệm với môi trường. 

Baldwin giải thích rằng chi phí của giấy tái chế không phải lúc nào cũng cao, chênh lệch về giá giữa việc sử dụng 30% và 100% giấy tái chế là rất nhỏ. Tuy nhiên, in nhiều màu trên giấy tái chế sẽ đắt hơn so với in một màu.

Mỏng hơn để xanh hơn

Khi "ông lớn" Macmillan lần đầu tiên đào sâu vào lợi ích của bột giấy tái chế so với bột giấy nguyên sinh, phát hiện lớn nhất là "nguồn năng lượng để nghiền giấy", theo Bill Barry, giám đốc bền vững tại Macmillan.

Một nhà máy ở Arizona (Mỹ) tái chế báo cũ với tỉ lệ tái chế 100% nghe có vẻ ấn tượng, nhưng cường độ phát thải của cơ sở này cao gấp 18 lần so với một nhà máy ở Quebec (Canada), vốn nhờ vào thủy điện để chế biến bột nguyên sinh. Hầu hết chất xơ để làm ra loại giấy này đều đến từ phế liệu của xưởng cưa, về cơ bản là sản phẩm phụ của ngành công nghiệp gỗ xẻ.

Sách đóng tại cơ sở Quebec được gửi đến xưởng gần như hoàn toàn bằng đường sắt chứ không phải bằng xe tải. Barry thừa nhận: trong trường hợp này, giấy tái chế thực sự có thể tạo ra nhiều khí thải carbon hơn giấy được sản xuất mới.

Ảnh: Macmillan

Ảnh: Macmillan

Một cách khác để Macmillan giảm lượng chất xơ đi vào mỗi cuốn sách - đồng thời giảm khối lượng hàng hóa phải vận chuyển - là dùng giấy mỏng hơn. Giấy mỏng hơn thì… trong suốt hơn, nhưng ông tin rằng người đọc bình thường có thể sẽ không nhận thấy sự khác biệt. Vì vậy, đây là giải pháp đôi bên cùng có lợi: ít đốn gỗ hơn, ít chi phí vận chuyển hơn.

Khai thác gỗ bền vững cũng là một yếu tố trong việc lựa chọn bột giấy. Forest Stewardship Council - Hội đồng Quản lý rừng - là một tổ chức quốc tế độc lập chuyên cung cấp chứng nhận FSC cho thấy một sản phẩm giấy có nguồn gốc từ các khu rừng được quản lý bền vững. 100% sản phẩm giấy của Nhà xuất bản Penguin của Anh đã chứng nhận FSC vào năm 2019.

Tác động môi trường của hoạt động xuất bản còn bao gồm việc vận chuyển sách từ nhà máy in - thường là ở Trung Quốc - đến kho rồi đến nhà bán lẻ, cũng như việc sử dụng hóa chất trong những thứ như mực in, keo dán dùng để đóng sách bìa cứng…

Nét chữ cứu môi trường

HarperCollins - một trong bốn nhà xuất bản lớn nhất thế giới - đang giảm số lượng trang sách của mình bằng cách điều chỉnh font chữ và bố cục.

Bao lâu nay, các nhà thiết kế vẫn dành hàng giờ nghiền ngẫm từng yếu tố trên trang sách để tạo ra trải nghiệm đọc thú vị nhất. Leah Carlson-Stanisic, phó giám đốc thiết kế tại HarperCollins, kể với tạp chí Fast Company: Khi một bản thảo xuất hiện trên bàn cô, cô sẽ cân nhắc xem font chữ nào thể hiện nội dung tốt nhất. Tiểu thuyết lịch sử có thể hợp với một font chữ từ những năm 1800. Một tựa sách công nghệ có thể yêu cầu kiểu chữ sans serif (chữ không chân) mới mẻ.

Nhưng trong ba năm qua, các nhà thiết kế của HarperCollins đã vận dụng kỹ năng của mình vào một sứ mệnh mới: tiết kiệm giấy. Mục tiêu là đưa nhiều nội dung hơn vào mỗi trang giấy, mà vẫn đảm bảo các trang này dễ đọc. Cho đến nay, những tinh chỉnh tinh tế, khó nhận thấy của họ đã tiết kiệm được 245,6 triệu trang, tương đương 5.618 cây xanh.

Quyết định theo đuổi giải pháp này thoạt đầu đã gây ra xáo trộn. Tracey Menzies, phó giám đốc điều hành và sản xuất sáng tạo tại HarperCollins, chia sẻ: "Bạn lấy một thứ mà mọi người đã làm trong suốt sự nghiệp của họ và bảo họ hãy nghĩ về nó theo một cách hoàn toàn mới". 

Nhưng việc lựa chọn font chữ thông minh này, cùng với thiết kế bố cục chu đáo giúp giảm khoảng trắng, chừa không gian cho nhiều từ hơn trên mỗi trang giấy.

Ví dụ, font chữ Garamond Pro cho phép đặt nhiều từ hơn trên một trang so với Bembo, dù cả hai font chữ này khá giống nhau, với kiểu dáng serif (có chân) cổ điển. Menzies nói: "Mục tiêu là thực hiện những thay đổi này mà người đọc thậm chí không nhận thấy sự khác biệt".

Thay nét chữ, giữ nghìn cây- Ảnh 4.

Tuy nhiên, không có cuộc cách mạng nào đơn giản. Ví dụ, họ phải xem xét "độ nặng" của phông chữ. Với những chữ cái rất lớn, như ở tiêu đề phụ, mực có thể thấm qua giấy, gây khó khăn cho việc đọc trang tiếp theo, bất luận phông chữ đó có giúp tiết kiệm giấy như thế nào.

Ngoài ra, việc cắt các trang sách là một phép toán phức tạp. Ví dụ máy in sử dụng những tờ giấy rất lớn, sau đó được cắt và gấp lại thành những đoạn 16 trang. Vì vậy, khi cố gắng tiết kiệm giấy, các nhà thiết kế cần quan tâm đến bội số của 16!

Menzies lưu ý rằng: việc tiết kiệm tài nguyên không thể đánh đổi bằng trải nghiệm của người đọc. Nhưng nhóm nghiên cứu chứng tỏ rằng một thiết kế tốt để giảm số trang mà người đọc không hề nhận thấy là một việc khả thi.

Quyền năng của tác giả và bạn đọc

Các tác giả có thể góp phần tạo ra thay đổi. Tháng 4 năm ngoái, chiến dịch Tree to Me ở Anh ra đời nhằm khuyến khích các tác giả lên tiếng về việc giảm tác động môi trường của sách in. Nó đặt ra 10 câu hỏi mà các tác giả nên hỏi nhà xuất bản của mình về tính bền vững, bao gồm vật liệu nào được sử dụng trong sản xuất và đóng gói sách, cũng như tìm hiểu nguồn năng lượng nào được tiêu thụ.

Tại Đại hội phát triển bền vững toàn cầu ở Thuwal (Saudi Arabia) hồi giữa năm 2023, Rachel Martin, giám đốc toàn cầu về tính bền vững của Nhà xuất bản học thuật Elsevier, đã nói: trong vòng 5 năm tới, có khả năng tất cả sách in chính thống sẽ hiển thị nhãn trên bìa trước và/hoặc bìa sau, chỉ rõ trách nhiệm môi trường của họ.

"Trong tương lai gần, người tiêu dùng sẽ suy nghĩ nhiều hơn về chi phí môi trường của những gì họ mua. Bao nhiêu carbon được lưu trữ trong một cuốn sách sẽ là điều họ cân nhắc và là thứ ảnh hưởng đến những gì họ chọn đọc" - bà nói.

Martin đã đề cập một luận điểm hấp dẫn: ngành xuất bản có thể "sử dụng sức mạnh văn hóa của chúng ta" để truyền cảm hứng cho những người khác trong các lĩnh vực khác cùng hành động.

Thế giới văn học có thể đóng vai trò là một ngôi nhà của "những người kể chuyện carbon". Tiểu thuyết và sách phi hư cấu có thể là một phần của thông điệp quốc tế về việc giải quyết biến đổi khí hậu và các mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng của nó.

Gần 20 năm trước, tính từ máy đọc sách Amazon Kindle đầu tiên (2007), người ta bắt đầu nghĩ tới tương lai ebook thay thế sách in, và cứu môi trường. Giờ thì chẳng những sách giấy vẫn sống khỏe, mà hóa ra máy đọc sách chưa chắc thân thiện với môi trường hơn người anh em giấy trắng mực đen của nó.

Kindle hay máy đọc sách nào thì cũng là thiết bị điện tử - chúng cũng có tác động môi trường như laptop hay smartphone: khai thác tài nguyên thiên nhiên, tiêu thụ điện nước, chưa kể vấn đề rác thải điện tử. Việc sản xuất một máy đọc sách điện tử sẽ sử dụng khoảng 100 kilowatt giờ điện từ nhiên liệu hóa thạch và 300 lít nước, đồng thời thải ra 30kg khí carbon dioxide, theo Popular Science.

Trong một nghiên cứu xuất bản năm 2017, giáo sư Eri Amasawa (Đại học Tokyo) so sánh mức phát thải khí nhà kính của việc đọc sách giấy và sách điện tử. Kết quả cho thấy máy đọc sách chỉ phát huy tác dụng bảo vệ môi trường nếu được dùng đủ nhiều, cụ thể là ít nhất 15 quyển trong 3 năm. Nếu cả năm chỉ đọc 1-2 quyển trên Kindle thì không cắt giảm phát thải được bao nhiêu. Giải pháp vì thế là chọn phương tiện đọc theo "sức đọc": ai đọc ít thì mua sách in cũng được, còn dân chuyên thì chọn ebook sẽ tốt cho môi trường hơn.

Tất nhiên có người thích đọc song song cả hai định dạng (ít nhất 33% người đọc ở Mỹ, theo Amasawa). Lời khuyên cho nhóm này là đọc ebook, chỉ mua những quyển thực sự thích, và đọc xong thì đem tặng hay mang đi tái chế; nhưng tốt nhất là tích cực đi mượn (bạn bè, thư viện).

TỊNH ANH

Thay nét chữ, giữ nghìn cây- Ảnh 5.

Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận