21/03/2018 23:54 GMT+7

Trồng lúa ở miền Tây: chịu mặn chi bằng 'né' mặn

CHÍ QUỐC (ghi)
CHÍ QUỐC (ghi)

TTO - GS.TS Nguyễn Thị Lang cho rằng, thay vì đương đầu với mặn thì chi bằng cho thay đổi cách canh tác để "né" mặn.

Trồng lúa ở miền Tây: chịu mặn chi bằng né mặn - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Thị Lang - Ảnh: VÂN TRƯỜNG

Là một trong những nhà khoa học sớm bắt tay vào nghiên cứu những giống lúa sinh trưởng trong điều kiện môi trường nhiễm phèn - mặn, GS.TS Nguyễn Thị Lang nói: "Trong điều kiện biến đổi khí hậu nhiệt độ tăng, mặn không đi một mình nó mà kết hợp với khô hạn. Đôi khi mặn cây lúa không chết mà do khô hạn, thiếu nước kết hợp thì lúa mới chết".

Những năm 2015-2016, nồng độ mặn đột ngột tăng cao lên, các địa phương "hoảng lên" và đã thay đổi nhận thức về lúa chịu mặn. Từ đó, nhiều tỉnh như Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang rất ủng hộ về giống lúa chịu mặn, đặt hàng và rất khao khát giống chịu mặn.

Mục tiêu là giống lúa phải chịu được mặn từ 4 đến 5 phần nghìn, kèm theo kháng rầy, kháng bệnh, năng suất cao, phẩm chất tốt. Kiên Giang còn đặt hàng giống chịu mặn lên 6 phần nghìn, nhưng muốn được thì phải có quá trình 5 đến 10 năm. Vì vậy, chuyện né mặn mới quan trọng, né để chúng ta sản xuất nhanh, tránh rủi ro, vì mặn nó kéo theo nhiều vấn đề.

Ở Tây Nam bộ còn có chương trình nghiên cứu tạo ra một số dòng chịu mặn có năng suất cao, đạt trên 5 tấn/ha.

Hiện nay không có ai nghiên cứu né mặn. Đối với người dân họ chỉ trồng theo phản xạ tùy vào nước triều, thời vụ họ dự đoán sâu bệnh tấn công… rồi có lịch thời vụ. Người ta chỉ nghĩ chịu mặn là do lúa kháng mặn. Nhưng bên cạnh vấn đề kháng mặn, tìm cách né mặn mới quan trọng hơn.

Tôi thấy ngành nông nghiệp các địa phương họ chưa chú ý vấn đề này mà đi sâu vào công tác bảo vệ thực vật. Còn vấn đề canh tác, né cho phù hợp thời vụ thì chưa được chú trọng. Giống lúa nào đó mặc dù kháng mặn, nhưng né được mặn thì năng suất cao hơn.

Bao giờ cũng vậy, đối với những giống chịu mặn ngắn ngày có nhiều tính trạng ổn định, bền vững thì xài khoảng 5 năm là được. Người dân mình lại muốn lâu dài, nhưng dùng lâu dài thì nó thoái hóa, lai chéo nên không như ban đầu nữa.

Quan điểm của người dân, cán bộ cũng vậy, họ tưởng làm giống một lần thôi là xài hoài, nghĩ vậy là không phải. Giống đó ra đời trong thời điểm đó từ 3 đến 5 năm là được, mình thay đổi, không thể giữ một giống xài hoài sẽ làm hạn chế chất lượng giống.

Vì vậy, trong quá trình canh tác cần thay đổi giống chịu mặn cho phù hợp.

CHÍ QUỐC (ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên