"Sao cứ thấy cô ta đi với các sếp?"

TRỌNG NHÂN 13/03/2024 11:25 GMT+7

TTCT - Vì sao tiếng xì xào vô duyên vô lý này lại phổ biến công sở?

Ảnh: iStock

Ảnh: iStock

Để thăng tiến ở chỗ làm, cần quen biết với người quyền cao chức trọng. Đó là quan niệm phổ biến chốn công sở và là "lời khuyên tốt", theo nhiều nghiên cứu. Nhưng chỉ tốt cho nam giới. Với phụ nữ, chiến lược này thậm chí còn tác dụng ngược.

Nói cách khác, nữ giới chịu nhiều điều tiếng hơn nếu họ đang "quen" với những sếp lớn, những người có vị thế, nhất là ở trong môi trường làm việc. Chữ "quen" ở đây hoàn toàn trong sáng - thuật ngữ chuyên môn gọi là networking. Vấn đề là, nhiều người trong công ty nhìn thấy một đồng nghiệp nữ thường đi chung hay nói chuyện thân mật với các sếp thì lại suy diễn đủ chuyện không mấy tốt đẹp về cô.

Đây không phải kịch bản "drama văn phòng" thường thấy trên phim. Siyu Yu và Catherine Shea - hai nhà nghiên cứu từ Đại học Michigan và Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) - đã tiến hành ba nghiên cứu ở Trung Quốc và hai nghiên cứu ở Mỹ trên 2.800 người, bao gồm sinh viên, người lao động để xem họ đánh giá ra sao chuyện xây dựng các mối quan hệ công việc qua lăng kính giới tính.

Theo kết quả công bố trên tập san Organizational Science tháng 11-2023, những phụ nữ có mối quan hệ với nhiều nhân vật "VIP" thường ít được các thành viên trong công ty, tổ chức tôn trọng và ngưỡng mộ. Ngược lại, những nhân sự nữ không chơi với các nhân vật có địa vị cao trong công ty lại được đồng nghiệp yêu mến nhiều hơn.

Nhóm nghiên cứu rất ngạc nhiên khi thấy xu hướng này. Họ nói trước đây nhiều khảo sát đã chỉ ra một người có mạng lưới quan hệ càng sâu rộng thì càng định hình được địa vị tích cực cho chính mình. Nhưng rồi họ nhận ra vấn đề nằm ở chỗ các khảo sát trên chủ yếu thực hiện trên hình mẫu nam giới rồi "bắc cầu" nghĩ những tác động này cũng sẽ tương tự với nữ giới.

"Thực tế thì khi thấy phụ nữ hình thành mạng lưới quan hệ với các đồng nghiệp có địa vị cao hơn, các đồng nghiệp thường phản ứng tiêu cực vì những thành kiến về cách phụ nữ nên cư xử. Đàn ông không chịu tai tiếng khi quan hệ với các đồng nghiệp cấp cao. Rào cản định kiến đã khiến nhiều phụ nữ mất đi địa vị trong mắt người khác" - bộ đôi tác giả nghiên cứu nói trong một bài viết cho Wall Street Journal hồi đầu năm.

Thật ra không chỉ là chuyện có mối quan hệ với những người có địa vị cao, ngay cả những phụ nữ đang ở địa vị cao cũng chịu thiệt thòi so với nam giới. Tiến sĩ Eun Young Song từ Đại học Quốc gia Úc đã xem xét các phản hồi từ hai cuộc khảo sát đối với nhân viên làm việc trong dự án tàu điện ngầm lớn ở London vào năm 2014 và 2015. 

Bà kết luận phụ nữ ở các vị trí cấp cao lại ít được đồng nghiệp tin tưởng. Ngược lại, nam giới khi đảm nhận những chức vụ cao lại càng được tin tưởng nhiều hơn. "Điều này thực sự ngăn cản phụ nữ dám nhận các vị trí cao" - tiến sĩ Song nói.

Những định kiến về giới còn lan sang giới khoa học. Một nghiên cứu của các giáo sư từ Trường Quản trị và công nghệ châu Âu (ESMT Berlin, Đức) và Đại học Old Dominion (Mỹ) đã thu thập dữ liệu về cách các chuyên gia trong những trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của 42 công ty dược phẩm lớn hình thành các mối quan hệ trong khoảng thời gian 25 năm (1985 - 2010).

Một trung tâm R&D sẽ có một hoặc một vài nhà khoa học có uy tín, vị thế cao nhất, gọi là nhà khoa học "ngôi sao", thường thì các đồng nghiệp sẽ rất muốn kết nối với họ. Trong khi các đồng nghiệp nam thường dễ kết nối trực tiếp với các nhà khoa học "ngôi sao", phụ nữ phải đi đường vòng, thông qua một bên thứ ba giới thiệu.

Viết trên Wall Street Journal, Yu và Shea nhấn mạnh nghiên cứu của họ không nhằm khuyên phụ nữ đừng mở rộng kết nối với người quyền cao chức trọng, đấy thực sự là điều cần khuyến khích. "Chúng tôi hy vọng rằng bằng một số chiến lược và thay đổi về mặt tổ chức, phụ nữ có thể vượt qua các định kiến khi xây dựng mối quan hệ để có thể tận hưởng trọn vẹn lợi ích của việc có các mối quan hệ cấp cao".

Một trong những chiến lược đó, theo giáo sư Gianluca Carnabuci từ ESMT Berlin, là các công ty, tổ chức có thể tổ chức các sự kiện kết nối nội bộ, chẳng hạn bữa trưa thân mật nơi các nhân viên có thể ngồi ăn chung và trò chuyện với nhân sự cấp cao, giúp giảm bớt áp lực định kiến hơn với những nhân sự nữ. Tất cả nhân viên, dù nam hay nữ, đều có cơ hội bình đẳng khi tiếp cận các mối quan hệ có địa vị cao.

Một cách làm khác là nhấn mạnh giá trị của nhân viên. Công ty thường xuyên ghi nhận và khen thưởng những đóng góp của tất cả mọi người, bất kể giới tính hoặc mối quan hệ của họ. Cách hành xử tích cực từ đó sẽ dần được hình thành trong công ty, góp phần tạo ra một không gian làm việc bình đẳng hơn cho mọi nhân viên.

Ít nhất, công ty cũng bớt đi những tiếng xì xào vô duyên vô lý kiểu "Sao cứ thấy cô ta đi với các sếp?". 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận