13/02/2015 11:00 GMT+7

​Phu trầm bước ra thế giới

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TT - Ông bảo rằng ngay cả trong giấc mơ ông cũng không nghĩ rằng có một ngày ông được ngồi trong cung điện lộng lẫy của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh để nói chuyện trước hàng trăm chuyên gia thế giới.

Ông Hồ Khanh và người bạn thân, chuyên gia hang động Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh Howard Limbert tại hang Sơn Đoòng - Ảnh: Howard Limbert cung cấp
Ông Hồ Khanh và người bạn thân, chuyên gia hang động Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh Howard Limbert tại hang Sơn Đoòng - Ảnh: Howard Limbert cung cấp

Ông cũng không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ ngồi ở sân Old Trafford (Manchester, Anh) để xem trận đấu giữa Manchester United gặp Chelsea. Và nay mai ông sẽ được qua Mỹ...

Phu trầm Hồ Khanh (45 tuổi, thôn Phong Nha, Bố Trạch, Quảng Bình) tâm sự rằng Sơn Đoòng không những làm thay đổi cuộc đời ông mà còn làm thay đổi cuộc đời của hàng trăm người dân ở Phong Nha.

Giấc mơ có thật

Đều đặn 7 giờ sáng, tại sân nhà trọ Ho Khanh’s homestay tấp nập người. Tây có ta có, tất cả hối hả như một phiên chợ vùng cao. Cái tên Hồ Khanh bây giờ đã vượt qua khỏi làng Phong Nha bé nhỏ và đi vào tiềm thức của những người say mê hang động trên khắp thế giới.

Chính vì sức hút kỳ diệu của cái tên đó nên homestay của ông không cần mời gọi mà lúc nào cũng ken kín người. Đa số là du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây.

Ngồi uống trà trong căn nhà gỗ xinh xắn, ông Khanh tâm sự công việc của ông lúc này khá bận rộn. Vừa tiếp khách tứ phương vừa lo cho gần 100 người lao động địa phương. Đa số là thanh niên chưa có việc làm, người nghèo, lâm tặc đã hoàn lương.

“Bây giờ mỗi ngày vài đoàn thám hiểm đến Phong Nha. Công việc của tôi là kêu gọi người địa phương làm porter (người vận chuyển) và phân công lịch cho họ, để làm sao ai cũng có việc làm, có thu nhập như nhau” - ông Khanh nói.

Ông Khanh bây giờ là cầu nối chính giữa Công ty du lịch Oxalis Adventure Tours và porter. Cứ mỗi đoàn khoảng 10 người thám hiểm vào hang động thì ít nhất có khoảng 15 porter mang lương thực và các dụng cụ đi kèm.

Từ ngày Sơn Đoòng nổi lên, du khách về đây rất đông, người dân địa phương không còn phải tha phương tứ xứ tìm việc. Họ quay về quê hương phục vụ chính trên mảnh đất của mình. Những chuyển biến mà chính người trong cuộc cũng không bao giờ mơ tới.

Nguyễn Văn Dậu, 24 tuổi, người làng Phong Nha, kể cách đây ba năm Dậu phải vào tận các cánh rừng ở Quảng Nam để làm lâm tặc thuê cho các ông chủ gỗ. Công việc nặng nhọc, khi bị bắt, lúc bị thương do cây đè, vậy mà mức lương chỉ 1,6 triệu đồng/tháng. Dậu quyết định quay về quê làm người cõng chuyến cho ông Hồ Khanh.

“Bây giờ thu nhập của tôi ít nhất 6 triệu đồng/tháng. Công việc rất vui. Hãnh diện nhất là ngày nào cũng gặp du khách, còn biết nói tiếng Anh chút chút nên thú vị lắm” - Dậu tâm sự.

Dậu bảo bây giờ mình không thể phá rừng được nữa, một tàn thuốc, một bao nilông cũng không vứt lại rừng, một cành cây cũng không dám chặt. Không những Dậu mà hàng trăm porter ở đây cũng ý thức được điều đó. Mọi thứ đổi thay rất ngỡ ngàng.

Ông Hồ Khanh kể những năm 1986-1987, ông cùng hàng trăm thanh niên trong làng vượt núi tìm trầm khắp các dãy núi đá vôi ở Quảng Bình. Việc phát hiện Sơn Đoòng cũng là điều ngoài tưởng tượng.

Ông kể: “Khi lạc bước vào trong hang tôi như bị hút vào một thế giới khác, cứ thẫn thờ trong đó đến mấy ngày trời. Hang to nhất trong các hang tôi gặp có nơi rộng 140m, cao hàng trăm mét, dài đến hơn 8km. Có một bức tường cao 100m chắn ngang. Ngày đó chẳng có dụng cụ gì, tôi vào động với bản năng của người đi rừng. Khi đó chỉ biết ngắm thôi, cũng không biết ngày đó, cuộc gặp đó là cả một cơ duyên sau này”.

Mọi thứ bắt đầu đổi thay khi Howard Limbert, chuyên gia Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, xuất hiện. Theo lời người dân trong làng chỉ dẫn, Howard tìm đến Hồ Khanh, cuộc thám hiểm của hai con người yêu hang động bắt đầu vào năm 2006.

“Khi đó tôi phải tìm đến hai lần mới ra miệng hang. Vì hang Sơn Đoòng là hang giấu miệng nên nhìn bên ngoài chẳng thấy” - ông Khanh nói. Sau khi thông tin về việc phát hiện hang Sơn Đoòng được công bố làm thế giới ngỡ ngàng, cái tên Hồ Khanh cũng bay bổng khỏi những cánh rừng Phong Nha bé nhỏ.

Ông Hồ Khanh và những người bạn thám hiểm - Ảnh: Tấn Vũ
Ông Hồ Khanh và những người bạn thám hiểm - Ảnh: Tấn Vũ

“Đại sứ” của Sơn Đoòng

Nhấp chén chè xanh, ông Khanh hồ hởi kể năm ngoái ông được Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh mời sang thăm chơi và nói chuyện 20 ngày.

“Khi tôi bước vào khán phòng, hàng trăm người đứng bật dậy. Họ vỗ tay liên tục thật lâu chào mừng. Tôi kể về câu chuyện tìm ra hang cho họ nghe. Hãnh diện vô cùng khi chủ tịch Hiệp hội Hang động thế giới đến bắt tay và trao hoa cho mình” - ông Khanh kể.

Những ngày ở Anh ông Khanh được chuyên gia dẫn đi khắp các thành phố, các cung điện, các cây cầu để thăm thú.

“Lang thang trên các con phố hiện đại, các khách sạn sang trọng bỗng dưng tôi nhớ lại những ngày mình lang thang trong rừng. Rồi cảm thấy thương người quê mình đang lam lũ đâu đó trong các cánh rừng già để mưu sinh” - ông Khanh tâm tư.

Ông đưa tôi những tấm ảnh chụp khi ngồi ở sân vận động Old Trafford để xem trận đấu giữa Manchester United và Chelsea. Ông bảo mình choáng ngợp trước những gì chứng kiến. Những thứ lọt vào mắt ông trong chuyến đi cứ như giấc mơ quanh quẩn hằng đêm.

Sau chuyến đi Anh về, được sự giúp đỡ của vợ chồng Howard, ông Khanh quyết định tu sửa nhà mình để làm homestay. Nói về ông Khanh, Howard Limbert không tiếc lời: “Tôi và Khanh đã là bạn 10 năm nay. Có lẽ ông ấy là người bạn quý giá nhất của tôi ở VN. Tôi muốn nhìn thấy mọi thứ ở đây đổi thay, không những cá nhân Khanh mà cả người dân trong vùng” - Howard nói.

Nhiều năm qua, hàng chục đoàn làm phim về thám hiểm Sơn Đoòng trên thế giới đã tìm đến ông. Như một “đại sứ” của Sơn Đoòng, ông Khanh là nhân vật chính trong hầu hết bộ phim về khám phá thiên nhiên của Nhật, Đức, Pháp, Ý, Thái Lan và Mỹ...

“Họ đến và tìm tôi phỏng vấn. Mình vui vẻ dẫn họ đi. Có đoàn làm phim 10 ngày, có đoàn quay cả tháng. Công việc không nặng nhọc như những ngày tìm trầm và niềm vui thì không tả hết” - ông Khanh hồ hởi nói.

May mắn của ông Khanh chưa dừng lại ở đó.Trong chuyến mạo hiểm của chúng tôi mới đây, Peter James Lenahan, doanh nhân người Mỹ, chính thức có lời mời ông Khanh qua Mỹ ngay trong năm 2015 này để tham quan, nói chuyện về hang động.

“Tôi nghĩ khi bước vào hang động xinh đẹp như Sơn Đoòng, mỗi du khách phải biết thầm cảm ơn Hồ Khanh. Bởi không có ông chúng tôi không có cơ hội đến được những nơi đáng đến nhất trong cuộc đời mình” - Peter nhận định.

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên