06/12/2018 19:57 GMT+7

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Du lịch Việt dám xung phong đi trước?

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Phải làm sao để ngành du lịch không chỉ đi cùng kinh tế mà phải đóng vai trò tiên phong để làm động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn. Liệu ngành du lịch có dám xung phong dẫn đầu?

Phó thủ tướng  Vũ Đức Đam: Du lịch Việt dám xung phong đi trước? - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra lời thách thức cho ngành du lịch và cũng là cho chính mình rằng du lịch Việt có dám xung phong đi trước để thúc đẩy cả nền kinh tế - Ảnh: NAM TRẦN

Đây là lời thách thức của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2018 tổ chức ngày 6-12 ở Hà Nội, gửi tới những người làm du lịch Việt Nam và có lẽ cũng chính là tới chính mình - người giữ trọng trách Trưởng Ban chỉ đạo du lịch Quốc gia.

Người đứng đầu Ban chỉ đạo du lịch Quốc gia bày tỏ xúc động, khi lần đầu tiên một diễn đàn cấp cao riêng về du lịch được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế (ViEF), do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phối hợp với Bộ VHTT-DL và Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia tổ chức. 

Diễn đàn thu hút hơn 1.000 đại biểu từ lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, chuyên gia, lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn trong ngành du lịch tham gia.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập chung thảo luận về các giải pháp trọng tâm phát triển du lịch Việt Nam chất lượng, bền vững tới năm 2030 .

Du lịch bền vững đừng chỉ là chiến lược truyền thông

Một nội dung được nhiều đại biểu quốc tế nói tới như một lời nhắn nhủ với lãnh đạo ngành du lịch Việt Nam đó là phải phát triển du lịch bền vững một cách thực chất.

Đại sứ Bruno Angelet - Trưởng Đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam - nói, du khách EU rất quan tâm tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường trong khai thác du lịch. Việt Nam muốn thu hút lượng khách du lịch cao cấp từ châu Âu thì không thể không phát triển du lịch bền vững.

Ông Brent Hill - giám đốc marketing Hội đồng Du lịch Nam Australia cũng có cùng lời cảnh báo gửi tới ngành du lịch Việt Nam. Ông cho biết xu hướng du lịch trong năm tới là tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo nên du lịch đại trà sẽ không thể hút khách.

Đặc biệt, bà Sunita Rajan - Phó Chủ tịch cao cấp kênh CNN quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương thẳng thắn đưa ra cảnh báo, Việt Nam cần làm du lịch bền vững một cách thực chất, coi nó như một triết lý, một chiến lược dài hạn chứ không phải chỉ là những thông điệp… suông.

Phó thủ tướng  Vũ Đức Đam: Du lịch Việt dám xung phong đi trước? - Ảnh 2.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi bên ngoài hành lang diễn đàn - Ảnh: NAM TRẦN

Việt Nam có chính sách thị thực thấp nhất trong khu vực

Một góp ý khác được hầu hết các đại biểu đưa ra cho Việt Nam đó là phải nới lỏng chính sách cấp thị thực.

Theo Đại sứ Bruno Angelet - Trưởng Đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam - nói chính sách visa hoàn toàn có thể cởi mở hơn mà không ảnh hưởng tới an ninh. Ông dẫn ví dụ, nước Anh có chính sách chặt để đảm bảo an ninh quốc gia nhưng cũng miễn visa cho 83 nước và có thể gia hạn visa 6 tháng, 5 năm, 10 năm.

Ông gợi ý Việt Nam có thể xem xét hướng này và đưa ra các chính sách visa cởi mở để tạo đà cho phát triển du lịch.

Ông John Lindquist - Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh cũng có chung góp ý này cho Việt Nam. Ông nói Việt Nam có chính sách thị thực thấp nhất với các nước trong khu vực và cho rằng nếu có sự nới lỏng visa hơn nữa sẽ có thể tạo cú hích về du lịch trong tương lai..

"Lời thách thức" của Phó thủ tướng

Phát biểu kết luận, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định du lịch là ngành tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều người. Vì vậy, Chính phủ có sự quan tâm rất lớn. 

Với tư cách là Trưởng ban chỉ đạo du lịch Quốc gia, ông nhận thấy mình đang phải đối mặt với một thách thức lớn đó là làm sao duy trì được tốc độ tăng trưởng du lịch rất tốt trong mấy năm qua, làm sao để tốc độ tăng trưởng này sẽ tiếp tục tăng lên chứ không phải là đã "chạm ngưỡng".

Tuy nhiên, trước những khó khăn không dễ khắc phục sớm của ngành du lịch hiện nay như hạ tầng giao thông, chính sách visa, nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, sản phẩm du lịch chưa đặc sắc…, sẽ rất khó khăn để đạt được tham vọng tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng du lịch.

Nhưng Phó thủ tướng mong muốn sẽ có sự phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà nước và từng người dân tốt hơn nữa, bởi việc phát triển du lịch cần đến sự chung tay của từng người dân. "Để du lịch Việt Nam không còn có những hạt sạn khiến du khách nước ngoài phải nhăn mặt như: ép giá, ăn cắp vặt, vệ sinh đường phố… thì chúng tôi cần sự góp sức của tất cả mọi người", Phó thủ tướng nói.

2 tỉ USD cho các hợp tác chiến lược

Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2018 cũng diễn ra nhiều lễ ký kết đầu tư với tổng trị giá các ký kết, hợp tác lên tới 2 tỉ USD.

Trong đó đáng kể là ký kết giữa tập đoàn Novaland cùng Công ty Greg Norman Golf Course Design, với tổng giá trị đầu tư hợp tác ước tính 100 triệu USD để phát triển 4 sân golf mang thương hiệu Greg Norman tại các chuỗi du lịch nghỉ dưỡng tích hợp của tập đoàn đang phát triển tại một số tỉnh thành. Sân golf đầu tiên sẽ được triển khai tại Phan Thiết (Bình Thuận) vào quý I-2019, sau đó là các tỉnh, thành như Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Đồng thời, Novaland cũng tiến hành ký kết hợp tác chiến lược cùng Tập đoàn toàn cầu Minor Hotels trong việc quản lý vận hành 7 khu khách sạn, nghỉ dưỡng của tập đoàn với tổng số hơn 3.500 phòng tại TP HCM, Vũng Tàu, Phan Thiết, Cam Ranh … Trong đó Avani Cam Ranh Resort & Villas là dự án sẽ chính thức được giới thiệu trong tháng 12/2018.

MỸ DUYÊN

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên