Khi đặt chân đến những địa danh du lịch hay lịch sử, văn hóa có tuổi đời hàng trăm năm, hay thậm chí hàng ngàn năm và được sống, trải nghiệm vài ngày ngắn ngủi, tôi thường có một cảm giác lâng lâng kỳ lạ.

Hàng triệu người đã đặt chân đến như tôi rồi rời đi và lại có hàng triệu người sắp đặt chân tới để chiêm ngưỡng, nhưng vẻ đẹp cổ kính của một tòa thành, một tu viện, một cây cầu bắc qua sông vẫn đứng đó, bất chấp thời gian…

Những bước chân phiêu lãng từ trăm năm - Ảnh 1.

Một góc kiến trúc trong những ngôi đền ở Ấn Độ

Thứ quyến rũ tôi nhất mỗi chuyến đi luôn là những thành phố mang trong nó những trầm tích thời gian, hoặc là một cá tính độc đáo nào đó, đã từng đi vào văn chương, phim ảnh và âm nhạc chẳng hạn.

Là phong cảnh ngoạn mục "nín thở" (breathtaking) kiểu như Queenstown của New Zealand hay Edinburgh của Scotland; hay những thành phố mà lịch sử, văn hoá, kiến trúc, mỹ thuật cùng hoà quyện để tạo nên vẻ đẹp quyến rũ khó cưỡng, kiểu cả thành phố là một bảo tàng mở như Florence của Ý, Prague của Séc hay Budapest của Hungary;

Hoặc kiểu linh thiêng nhìn đâu cũng thấy đức tin, thậm chí trong từng viên đá lát đường như Jerusalem của Israel, Kyoto của Nhật, Bagan của Myanmar hay Luang Prabang của Lào.

Và còn nữa là sự phóng khoáng hiện đại trẻ trung kiểu như San Francisco, Seattle của Mỹ hay Melbourne, Sydney của Úc. Hoặc nữa kiểu gây sốc về văn hóa nhưng dần dần nhận ra sự độc đáo có một không hai của chúng, như Varanasi hay Jasailmer của Ấn Độ...

Những bước chân phiêu lãng từ trăm năm - Ảnh 2.
Những bước chân phiêu lãng từ trăm năm - Ảnh 3.
Những bước chân phiêu lãng từ trăm năm - Ảnh 4.

Ngay khi đặt chân đến Varanasi, tôi đã gặp cú sốc văn hóa. Sau những ngày yên bình ở Kathmandu, thành phố nghèo nhưng cổ kính yên bình nằm dưới chân dãy núi hùng vĩ Himalaya, Varanasi đón chúng tôi bằng sự hỗn loạn và nồng nặc một thứ mùi không thể diễn tả, tôi chỉ biết bịt mũi và nôn khan.

Càng vào trung tâm, cảnh hỗn loạn càng trầm trọng và tiếng ồn của các phương tiện giao thông cùng tiếng còi xe càng đinh tai nhức óc. Và mùi, bốc lên đến ngạt thở.

Mùi của những bãi phân bò đang rữa dày đặc trên đường, mùi bốc lên từ cống lộ thiên, mùi của một toilet công cộng bên đường, mùi cà ri của những quán ăn uống tạm bợ và tất nhiên là cả mùi người dưới cái nắng oi nồng.

Tôi sốc thực sự khi nhìn thấy một người đàn ông trần truồng, gày gò, người sơn phết đủ màu đi lại như chốn không người hay một chú khỉ chết được đặt trên một manh chiếu, cùng mấy loại đồ cúng, hương khói bốc nghi ngút. Tất cả đều diễn ra trên đường.

Thoát được con đường chính, ngõ nhỏ dẫn vào khách sạn cũng đầy phân. Bình thường, Varanasi đã đông đúc lắm rồi. Nhưng trong những ngày diễn ra một lễ hội lớn của người theo đạo Hindu, con số người đổ đến thành phố này còn đông gấp bội.

Những bước chân phiêu lãng từ trăm năm - Ảnh 5.

Buổi tối men theo dọc bờ sông Hằng, tôi chứng kiến những xác người chết đặt bên sông, đốt bằng củi chất cao thành đống. Mùi tử khí nồng nặc trong cơn gió nặng nề từ sông thổi vào. Sáng hôm sau, chúng tôi đi một chuyến "boattrip" đón bình minh trên sông Hằng, được xem là những khoảnh khắc có một không hai ở Varanasi.

Con thuyền trôi trong ánh sáng mờ ảo. Và khi ánh bình minh hửng, hàng trăm người tắm và cầu nguyện ngay dưới bến sông, bên cạnh là rác và xác hoa cúng tan rữa trôi từ đêm qua. Tro đốt xác của hàng chục xác người chết tối qua bắt đầu được đẩy xuống sông.

Hàng trăm con chim đen bay rợp trời, cả khúc sông ám mùi tử khí. Người lái thuyền kiêm hướng dẫn viên vừa chèo vừa kể, "ai sống tốt, không phạm tội lỗi trần gian thì xác đốt nhanh, ai là người xấu thì đốt rất lâu. Xác trẻ em, phụ nữ mang thai, thầy cúng không đốt mà để chìm xuống đáy sông"…

Những bước chân phiêu lãng từ trăm năm - Ảnh 6.

Khi đặt chân đến Ấn Độ năm 1896, Mark Twain đặt cho đất nước này hàng chục cái tên: "Xứ sở của dịch hạch, xứ sở của nghèo đói, xứ sở của những ảo giác khủng khiếp, xứ sở của những ngọn núi ngất trời…" và ông viết rằng:

Những bước chân phiêu lãng từ trăm năm - Ảnh 7.

"Mỗi khi bạn nghĩ là mình đã tìm hiểu hết những nét tính cách lạ lùng của nước này và muốn đặt cho nó một danh hiệu nào đó thì lại sớm phát hiện ra những tính cách mới và bạn thấy cần phải đặt những danh hiệu mới". 

Cuối cùng ông thấy tốt nhất là vứt bỏ mọi danh hiệu và gọi Ấn Độ là "Xứ sở của những điều kỳ diệu".

Vào những năm 50 của thế kỷ 20, nhà báo, nhà du ký kiệt xuất người Ba Lan Ryszard Kapuscinski cũng đến Ấn Độ, đất nước đầu tiên ông đặt chân đến ở bên ngoài biên giới đất nước mình và gọi đó là "Chuyến đi của định mệnh".

Trong tác phẩm xuất sắc "Du hành cùng Herodotus", sau những trải nghiệm kỳ lạ ở Ấn Độ, ông cũng viết rằng: "Đừng kết luận bất cứ điều gì ở đất nước này, bởi ngay từ khi bạn vừa đưa ra một câu kết luận thì bạn đã kịp nhận ra rằng đó là một nhận định sai lầm".

Không chỉ có Mark Twain và Ryszard Kapuscinski, tôi còn đọc thêm nhiều cuốn sách khác sau chuyến đi Ấn Độ mà trước đó nằm phủ bụi trên giá sách.

Cuốn sách cho tôi nhiều kiến thức và cảm hứng nhất là "Lịch sử Văn minh Ấn Độ" của sử gia nổi tiếng người Mỹ Will Durrant viết vào những năm 30 của thế kỷ trước hay những trang viết trong cuốn du ký "Phương Đông lướt ngoài cửa sổ" của một nhà văn người Mỹ khác là Paul Theroux với chuyến trải nghiệm bằng tàu hỏa khắp Ấn Độ vào những năm 70 của ông…

Những bước chân phiêu lãng từ trăm năm - Ảnh 8.

Tôi nhớ mãi cảm giác cuối cùng của mình khi rời khỏi thành phố. Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi ngồi uống trà ở một quán trà rất đẹp trên cao nhìn được toàn cảnh sông Hằng.

Trong ánh sương ban mai mờ ảo bay là đà trên sông đang tan dần bởi ánh nắng bình minh chiếu rọi, tôi nhìn thấy rất đông du khách, chủ yếu là người Âu Mỹ, nhưng cũng không thiếu những người dân địa phương - đang tập yoga và thiền định trước dòng sông, như một nghi lễ đầy linh thiêng của họ. Tôi đến Varanasi với một cú sốc văn hóa và rời đi với lòng biết ơn.

Những bước chân phiêu lãng từ trăm năm - Ảnh 9.

Đền Taj Mahal nhìn từ xa

Những bước chân phiêu lãng từ trăm năm - Ảnh 10.

Khác với chuyến bay đáp xuống Miami trước đó lướt qua một bãi biển xanh ngắt và những toà cao ốc chọc trời của xứ ăn chơi có tiếng của nước Mỹ, chuyến bay đáp xuống Havana, thủ đô của Cuba cùng múi giờ và cách Miami chỉ một tiếng bay - từ trên cao nhìn xuống như đáp xuống một cánh rừng nhiệt đới.

Những bước chân phiêu lãng từ trăm năm - Ảnh 11.

Bãi biển, xa xa là pháo đài El Morro de La Habana

Màu xanh bạt ngàn của rừng cây, bãi biển hoang vắng, chẳng có nhà chọc trời, báo hiệu một xứ sở cách biệt hoàn toàn với thế giới.

Sân bay quốc tế Havana bé như cái ga xép, internet không có, thủ tục rườm rà nhiêu khê dù khách đến từ Việt Nam không cần xin visa.

Ra khỏi sân bay, chúng tôi bắt một chiếc xe taxi cổ từ thập niên 50 để về trung tâm. Vậy là hành trình "Once Upon a Time in Havana" bắt đầu.

Căn hộ airb&b đặt trước nằm trong một chung cư cũ thuộc khu Vedado, một quận trung tâm và được xem là "new town" của Havana.

Từ lầu 8 của chung cư có thể phóng tầm mắt ra đại dương xanh ngắt bao quanh và những tòa nhà cổ kính nằm san sát gần đó.

Do internet chưa phát triển, chúng tôi phải định hướng trước những điểm đáng thăm thú trong ba ngày ở Havana và nhờ sự tư vấn nhiệt tình của chủ căn hộ airb&b, một kiến trúc sư đang làm việc tự do tại thành phố.

Từ Malécon, con đường bờ biển với bức tường đá dài hơn 8 cây số kéo dài từ Vedado đến Old Havana, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình thăm thú Havana bằng một chiếc taxi mui trần cổ màu đỏ giá 8 Cuc (đồng tiền dành cho khách du lịch nước ngoài để phân biệt với đồng peso dành cho dân nội địa).

Những bước chân phiêu lãng từ trăm năm - Ảnh 12.

Có lẽ những chiếc xe cổ đủ màu sắc từ thập niên 50 này là một trong những ‘đặc điểm nhận diện’ nổi bật nhất của Havana và khiến du khách khi đến thành phố này như được viễn du về miền quá khứ vàng son.

Những bước chân phiêu lãng từ trăm năm - Ảnh 13.

Một bữa ăn ở Habana

Một trong những quán bar nổi tiếng nhất ở Havana, nhất định phải đặt chân đến là El Floridita, bởi đơn giản đây là một quán bar lâu đời ở khu phố cổ và là địa điểm yêu thích của nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway, người dành rất nhiều thiện cảm cho đất nước Cuba qua những phóng sự báo chí, tiểu thuyết và cả kịch bản phim điện ảnh.

El Floridita dù được cải tạo và nâng cấp thành một nhà hàng, quán bar sôi động với những màn biểu diễn nhạc sống và những vũ điệu salsa bốc lửa để phục vụ du khách, nhưng ở đây vẫn còn nhiều dấu ấn của Hemingway, điển hình là bức tượng chân dung bằng đồng của ông và rất nhiều ảnh chụp ông được treo ở sân khấu chính.

Những bước chân phiêu lãng từ trăm năm - Ảnh 14.

Sau nửa ngày dạo bộ mỏi nhừ để chụp hình những tòa nhà có kiến trúc đẹp mắt, những chiếc xe cổ đủ màu sắc ở khu phố cổ và thưởng thức nhạc sống cùng li cocktail daiquiri ở quán bar El Floridita, tôi đi bộ dọc con phố Paseo del Prado để quay ngược trở lại Malécon để ngắm hoàng hôn bắt đầu buông dần xuống mặt biển.

Bức tường bằng đá ngăn cách đại dương và thành phố chạy dài dọc theo Malécon là địa điểm lý tưởng hẹn hò lúc chiều xuống. Hoàng hôn đỏ rực phía chân trời dát một lớp ánh sáng vàng lên mặt biển. Những đôi tình nhân ôm nhau hay trao cho nhau những nụ hôn nồng nhiệt.

Những bước chân phiêu lãng từ trăm năm - Ảnh 15.

Một trong những nơi mà ta có cảm giác "bị thế giới bỏ quên" nhất có lẽ là khu Centro Havana, nơi có những tòa nhà cổ tuyệt đẹp nhưng bị đổ nát bởi không có tiền trùng tu hay sửa chữa. Những tòa nhà cổ được xây từ thập niên 50 ngày càng cũ kỹ và đổ nát.

Ở đó, bạn có thể trải nghiệm đời sống thường ngày của người bản địa ở một khu chợ địa phương, nơi họ bán các loại nông sản hay trái cây nhiệt đới với giá rẻ giật mình hay những tiệm tạp hóa nhỏ bán vài món đồ lẻ tẻ mà trị giá của chúng cộng lại chắc không quá 20 USD.

Những bước chân phiêu lãng từ trăm năm - Ảnh 16.

Khu oldtown ở Habana

Quay ngược trở lại khu phố mới ở Vedado, tôi thấy một Havana khác. Havana của những tòa biệt thự lộng lẫy nằm giữa vườn cây nhiệt đới, những nhà hàng sang trọng phục vụ "fine dining" có nhạc sống hay những bảo tàng mỹ thuật, trung tâm Art factory trưng bày tranh, ảnh hay sân khấu trình diễn sống động và hiện đại.

Và nếu có thời gian, đừng quên ghé thăm khu nghĩa trang Colon - được xem là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất của Mỹ Latin...

Dù đã đi qua nhiều thành phố lớn trên thế giới, không hiểu sao Varanasi của Ấn Độ và Habana của Cuba để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu đậm nhất. Có lẽ một phần vì cái nghèo và sự hỗn tạp khiến tôi nhớ đến Việt Nam của một thời chưa xa.

Hoặc cũng có lẽ đây là những thành phố cổ xưa mà thời gian như ngừng lại. Đó cũng là nơi mà tôi cảm nhận được những bước chân phiêu lãng, từ trăm năm trước mà như mới vừa hôm qua…

Những bước chân phiêu lãng từ trăm năm - Ảnh 17.

Bãi biển Habana lúc hoàng hôn

LÊ HỒNG LÂM
VŨ KHÁNH TÙNG
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0