13/08/2023 10:55 GMT+7

Nhớ bánh xèo xứ Quảng của má

Người em họ ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) gọi điện thoại bảo ngày cuối tuần có rảnh thì xuống nhà em chơi, ăn bánh xèo đúc kiểu xứ Quảng. Thú thật đã rất lâu rồi tôi chưa có dịp thưởng thức món bánh xèo xứ Quảng nên nghe em nói tôi liền đồng ý.

Những chiếc bánh xèo mang dư vị ấu thơ - Ảnh N.ĐƯỚC

Những chiếc bánh xèo mang dư vị ấu thơ - Ảnh N.ĐƯỚC

Ngồi ăn bánh xèo ở nhà em làm tôi nhớ đến da diết hồi nhỏ còn ở quê, vào những ngày mưa rả rích như tỉ tê, má ngồi trong bếp đúc bánh xèo cho mấy anh chị em tôi.

Hồi đó, cứ độ tháng 9 tháng 10 âm lịch, mỗi khi trời mưa rả rích kèm theo cái lành lạnh của tiết trời đầu mùa hầu như ở quê tôi nhà nào cũng đúc (từ địa phương người dân Quảng Ngãi quê tôi hay dùng) bánh xèo để ăn. 

Nhà tôi cũng vậy, hồi đó nhà tôi thuộc "hạng" nhà nghèo nhất nhì trong thôn xóm, nhưng mỗi khi mùa mưa đến má tôi cũng ráng cố đúc bánh xèo để cho mấy chị em tôi thưởng thức, đỡ thèm thuồng với con nhà người ta.

Tôi nhớ, hễ ngày mai má có ý định đúc bánh xèo cho mấy chị em tôi ăn là tối đó má lại nói như "báo tin vui" với mấy chị em tôi, má bảo: "Ngày mai trời mưa má đúc bánh xèo cho mấy đứa ăn nha...". Chỉ nghe má nói mấy từ đúc bánh xèo thôi là mấy chị em tôi nhảy cẫng lên vì vui sướng.

Thời ấy, mỗi khi thèm ăn bánh xèo thì cứ lấy gạo ra ngâm nước cho gạo mềm rồi mang đi xay bột để đúc bánh. Thường gạo để đúc bánh xèo má tôi phải ngâm trước nhiều giờ cho gạo mềm rồi mới mang đi xay nhờ.

Sáng ngủ dậy, tôi được má giao "nhiệm vụ" mang gạo đã ngâm lên nhà cô Thủ ở gần "chợ chùa" (hồi đó chợ ở xã tôi gần một ngôi chùa nên bà con trong xã thường gọi là chợ chùa cho dễ nhớ) để xay bột về làm bánh xèo. 

Cuộc sống của bà con trong xóm còn nhiều nghèo khó, nên tiền công xay bột để làm bánh xèo thường là được trả lại bằng gạo chứ không phải bằng tiền, xay gạo nhiều thì trả gạo nhiều, xay ít thì trả ít. Cô Thủ biết nhà tôi nghèo nên thường cô chỉ xay giúp chứ không lấy gạo, lấy công.

Bột nước gạo mang về, má thường cắt nhỏ một ít hẹ lá cho vào bột, cho ít nước nghệ vàng vào làm màu. Tôi nhớ hồi đó khuôn để đúc bánh xèo là những cái khuôn tròn được làm bằng gang, to hơn lòng bàn tay người lớn. Bánh xèo má đúc chỉ có nấm hái trong vườn nhà và có khi sang lắm là mấy con tép, con tôm cha tôi mò được khi đi làm đồng.

Ngồi trong gian bếp vào những ngày mưa se lạnh, tôi hay để ý cách má đúc bánh xèo. Hai cái khuôn tròn trên lò than đã nóng, má lấy khúc lõi của lá chuối đã được giập giập một đầu rồi quết mỡ vào xoa xoa đều lên khuôn. Khuôn đã nóng, má bắt đầu múc nước bột gạo đổ vào khuôn rồi cho giá đỗ, nấm vào và đậy nắp lại. Chừng vài phút là bánh xèo đã vàng rụm, thơm lừng.

Chị Hai trải manh chiếu trên nền đất giữa nhà, má dọn bánh xèo lên, cả gia đình cùng ngồi ăn. Vị béo ngậy, thơm ngon của bánh xèo cùng với chén nước mắm chua ngọt má làm khiến anh em tôi vừa ăn vừa hít hà, ăn đến no bụng mà vẫn còn thèm thuồng...

Bánh xèo bây giờ có đầy đủ nguyên liệu, thế nhưng với riêng tôi có lẽ sẽ chẳng có cái bánh xèo nào thơm ngon và chan chứa thật nhiều ký ức đẹp bằng những cái bánh xèo má đúc thời xa xưa đó.

Người miền Tây đổ bánh xèo ăn Tết Đoan ngọNgười miền Tây đổ bánh xèo ăn Tết Đoan ngọ

Ở miền Tây Nam Bộ, bánh xèo từ lâu gắn liền với dịp Tết Đoan ngọ. Đây cũng là món ăn hiện diện trong nhà nhà người dân miền Tây, mang ý nghĩa sum họp, hội tụ gia đình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên