21/03/2015 11:24 GMT+7

​Năm mươi năm hẹn một ngày

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Chiếc xe chở 19 đại biểu là cựu TNXP mở đường Hạnh Phúc của tỉnh Bắc Kạn vừa dừng trước trụ sở Hội Cựu TNXP tỉnh Hà Giang thì các cựu TNXP Nam Định vừa lên trước cùng những cựu TNXP chủ nhà Hà Giang ùa ra chào đón, tay bắt mặt mừng vô cùng xúc động.

Những cựu TNXP và chuyến hành trình trở lại thắp nhang tại Nghĩa trang liệt sĩ TNXP ở Yên Minh (Hà Giang) - Ảnh: Ngọc Quang

Vui sao nước mắt lại trào...

Ông Trịnh Văn Đảm bắt tay một cụ bà lắc lắc: “Có nhớ ai đây không? Không nhớ à?”. Cụ bà cười móm mém:

“Ông Đảm ở “xê” (C-đại đội) Thái Nguyên chứ ai? Cái chi bộ ghép của ba “xê” Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn hồi đó chỉ có ba đảng viên là tôi với ông và ông Bế Thanh sao không nhớ được?”.

Cụ bà ấy là Triệu Thị Dần, một trong những nữ đại đội trưởng đầu tiên của công trường. Ở tuổi 77, nhiều điều đã lẫn quên đi vì tuổi già nhưng dường như ký ức của tuổi 20 đi mở con đường Hạnh Phúc vẫn tươi nguyên trong trí nhớ của bà. Và nhớ hơn cả vẫn là những đồng đội ra đi trong tay mình.

Chị Lý Thị Vân, ở đại đội Lạng Sơn, bị sốt rét quật ngã đến động kinh. Hôm đó đi làm về, cơn sốt quật chị ngã vào hầm nước gần lán trại mà không ai biết. Chính bà Dần là người đã vuốt mắt, thay quần áo cho chị Vân.

Cũng trong đoàn cựu TNXP Bắc Kạn, ông La Văn Sắt cứ bần thần nhấc chiếc mũ nồi đen đang đội trên đầu vò vò trong tay rồi lại đội lên.

Ông Sắt quê ở Yên Lạc (Na Rì, Bắc Kạn), năm 1960 khi nghe tin tuyển TNXP mở đường, ông chỉ vừa tốt nghiệp cấp II (hệ 10 năm). Mới 16 tuổi, ông đăng ký nhưng không được xét vì không đủ tuổi, nhưng sau đó công trường rất cần người biết chữ để vừa đi làm vừa dạy bổ túc văn hóa cho anh em trong đơn vị nên ông Sắt được công trường tuyển chọn.

Ở đại đội Bắc Kạn, ai cũng yêu quý chàng trai nhỏ nhắn trắng trẻo, ra công trường những việc nặng nhọc anh em giành hết, chỉ cho Sắt làm những việc nhẹ. Nhưng khi đêm đến, những người gánh đỡ công việc ban ngày lại trở thành học trò của Sắt với những chữ i, tờ bên ngọn đèn dầu.

Với trình độ cấp II, anh thanh niên người Nùng La Văn Sắt đã tận tụy dạy những học trò người Mông, người Dao trên công trường biết đọc biết viết. May mắn là suốt năm năm trên cung đường này, những trận sốt rét, những cam go nhọc nhằn đã không quật ngã được ông.

Con đường hoàn thành vào tháng 3-1965, những đại đội TNXP trở về quê cũ, một số anh em lại chọn Hà Giang làm quê hương thứ hai. Ông Sắt cùng với các thành viên trong đại đội về lại Bắc Kạn, ông đi học tiếp và thi đậu vào trường sư phạm Thái Nguyên rồi trở thành một thầy giáo dạy văn - sử như ước mơ thuở nhỏ.

Trên ngực áo của ông khi lên Hà Giang dự cuộc trùng phùng này là chiếc huy hiệu chiến sĩ TNXP đeo ngay ngắn đầy tự hào bên cạnh tấm huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục” do Bộ GD-ĐT trao tặng.

Và cho dù chặng đường từ Bắc Kạn lên Hà Giang không phải quá xa xôi nhưng đây là lần đầu tiên sau 50 năm kể từ khi con đường hoàn thành ông Sắt mới được quay lại, đi trên cung đường mà ông đã góp vào đấy năm năm trai trẻ của đời mình!

Ông Nguyễn Văn Toan (75 tuổi, quê Hải Quang, huyện Hải Hậu, Nam Định), một trong hai đội viên TNXP duy nhất của Nam Định trong “đội thanh niên dũng cảm Mã Pí Lèng” (còn gọi là đội cảm tử) 50 năm trước, bồi hồi nhớ lại: Theo tiếng gọi của Đoàn thanh niên lao động thời ấy, ông cùng 50 thanh niên khác của Nam Định lên xe (ngày 16-3-1963) thẳng tiến lên Hà Giang.

“51 người khi ấy có đến 1/3 là nữ TNXP. Ngay khi đến Hà Giang, chúng tôi được phân về đại đội mở đường từ Đồng Văn đi Mèo Vạc. Sau một thời gian ngắn làm việc, tổ chức chọn lựa và tuyển tôi cùng anh Nguyễn Dương Phả (sinh năm 1940, quê Trực Thái, huyện Trực Ninh, Nam Định) là hai người thuộc đại đội Nam Định vào “đội cảm tử”, vì chúng tôi có sức khỏe, làm việc nhanh nhẹn, hiệu quả”.

Bà Bạch Thị Liên không giấu được xúc động khi nhận tấm bằng Tổ quốc ghi công của em gái, liệt sĩ Bạch Kim Hiển - Ảnh: N.Quang

Ấm lòng người ở người đi...

Trở về hội ngộ với cung đường Hạnh Phúc không chỉ có những cựu TNXP. Bà Bạch Thị Liên không phải là TNXP làm đường Hà Giang nhưng em gái bà là nữ liệt sĩ Bạch Kim Hiển, thuộc đại đội Lạng Sơn, đang nằm ở nghĩa trang liệt sĩ TNXP. Nhận tấm bằng Tổ quốc ghi công của em gái mình, bà Liên khóc nức nở.

“Hiển là em út của tôi, hồi đăng ký đi TNXP nó giấu gia đình, mà khi đó chúng tôi chỉ có ba chị em, tôi là chị cả, đến Cảnh là em trai thứ hai, Hiển là út, bố mẹ mất sớm, ba chị em sống với nhau ở thị trấn Đồng Mỏ. Hiển mới 17 tuổi.

Hôm em mang cái giấy báo tập trung lên đường để đi Hà Giang, thoạt tiên tôi giận em lắm vì giấu tôi. Nhưng giận thì giận một chốc thôi, sau đó tôi vẫn thu xếp đồ đạc, gói ghém quần áo cho em lên đường.

Mới 17 tuổi, khi bố tôi mất em mới 4 tuổi, khi em lên 10 thì mẹ tôi mất. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, thương em út mồ côi sớm, tôi không muốn em xa nhà sớm. Đi được hơn một năm thì Hiển có về thăm nhà một lần duy nhất, sau đó em trở lại đơn vị, tết năm sau cũng không về, đến giáp tết năm 1963, đang mong em về ăn tết thì tôi nhận tin đơn vị báo về Hiển chết vì sốt rét!

Em tôi đi khi 17 tuổi, mất khi 20 tuổi, chưa có cả người yêu! Từ Lạng Sơn, tôi đi mất ba ngày đường mới lên tới đơn vị của em gái. Mọi người dắt tôi ra mộ em mình chôn gần bệnh xá H100 ở xã Na Khê (Yên Minh).

Hôm đó đã 28 Tết. Tôi thương em ngất lên ngất xuống. Sau đó tôi rời Lạng Sơn về sống ở Hải Dương. Hồi nghe tin đơn vị quy tập mộ phần các TNXP ra nghĩa trang Yên Minh, tôi và cậu em trai có lên thăm. Cho đến bây giờ mới được trở lại để cùng đồng đội của em vào thăm em” - kể đến đó, bà Liên lại khóc.

Trong nỗi niềm mừng tủi như bà Liên, anh Hoàng Văn Hiếu, cháu của liệt sĩ Hoàng Văn Việt, hay anh Dương Văn Chúc, cháu của liệt sĩ Dương Đình Sản cũng nói với chúng tôi rằng cùng với việc được truy nhận bằng Tổ quốc ghi công, việc tỉnh Hà Giang đầu tư gần 2 tỉ đồng tôn tạo nghĩa trang, xây lại mộ chí ở nghĩa trang TNXP trên cung đường Hạnh Phúc đã khiến gia đình ai cũng ấm lòng.

Sau cuộc hội ngộ trong đêm trao bằng Tổ quốc ghi công, hơn 340 cựu TNXP cùng lên xe trở lại hành trình cung đường Hạnh Phúc năm xưa, cùng đi qua những Bắc Sum, cổng trời Quản Bạ, thăm lại dinh thự Sà Phìn tức “nhà Vương”, nơi 50 năm trước ông Vương Chí Chư - em ruột “Vua Mèo” Vương Chí Sình - đã cho mấy đại đội TNXP mượn làm nơi tá túc. Thăm lại vuông sân đá, nơi đã từng tổ chức lễ cưới cho những đôi lứa nơi công trường.

50 năm, tham gia đoàn hành trình hội ngộ này, người trẻ nhất cũng hơn 70 tuổi. Mười năm nữa nếu có lần trở lại, chắc sẽ vắng đi nhiều cụ ông cụ bà hôm nay.

Quy luật của thời gian không ai thắng được, nhưng bóng dáng các cựu TNXP có vắng thì trên cung đường này sẽ có một tượng đài kỷ niệm TNXP xây con đường Hạnh Phúc được dựng ở Mã Pí Lèng, địa phận xã Pải Lủng.

Từ con đường khó nhọc 50 năm trước, cung đường Hạnh Phúc hôm nay là cung đường du khảo, cung đường của những mùa hoa nối tiếp, con đường của những cuộc đua xe đạp chinh phục “đệ nhất tứ đại đỉnh đèo”, con đường dẫn người Việt đi lên cực Bắc đất nước, và hơn hết là từ con đường khai thông 50 năm trước, những cư dân biên ải đã đổi đời...

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên