20/03/2015 09:21 GMT+7

​Sống trên đá chết vùi trong đá

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Câu nói “Sống trên đá chết vùi trong đá” là dành cho những đời dân đang sống bao đời nay trên cao nguyên đá Hà Giang.

Những TNXP treo mình trên vách đá Mã Pí Lèng - Ảnh tư liệu

Nhưng với những TNXP mở con đường Hạnh Phúc ngày ấy, câu nói đó càng chính xác đến tận cùng!

Những tài liệu được “giải mật”

Kỷ niệm 50 năm con đường Hạnh Phúc, trước tiền sảnh hội trường UBND tỉnh Hà Giang có một cuộc triển lãm tuy khiêm tốn và âm thầm nhưng với những người quan tâm tới câu chuyện của con đường, đấy là cuộc triển lãm chuyên đề “Quá trình làm đường Hạnh Phúc qua tài liệu lưu trữ” do Chi cục Văn thư lưu trữ Hà Giang và Trung tâm Lưu trữ quốc gia tổ chức.

Ngoài những công văn mật về tiểu phỉ, về việc bảo vệ an ninh cho tuyến đường, kế hoạch khánh thành, đón tiếp...của Công an Hà Giang những năm tháng đó, chúng tôi đã lặng người khi nhìn thấy trên những trang tài liệu ố mờ, nét mực máy chữ vẫn in đậm những trang báo cáo vô cùng chân thật về cuộc sống của TNXP ngày đó.

“Tình hình đời sống

Ăn: thì có thiếu, đói vì mỗi ngày bảy lạng (lương thực - nv) ở nơi khí hậu lạnh, làm việc nặng tiêu hóa nhanh, anh em kêu ca phàn nàn nhiều, xin đề nghị cung cấp thêm cho một lạng nữa là tám lạng một ngày hoặc ngô xay hoặc sắn cũng được, cung cấp có thể cho 30% là độn thì tốt, và không nên cung cấp nhiều gạo nếp ăn được ít, không no.

Mặc: Hiện nay lao động trên công trường là rất nặng, một năm cung cấp chỉ may được một bộ, chưa hết năm đã rách, xin yêu cầu xét cung cấp bán cho thêm mỗi công nhân sản xuất bốn thước nữa (vải xanh hoặc nâu, chủ yếu là vải xanh) để anh chị em mặc mới đảm bảo sản xuất.

Động viên giải trí: Suốt từ tháng 10-1962 tới nay không có một tối xi-nê (chiếu phim-nv) hoặc văn công nào. Xin đề nghị nên đặc biệt quan tâm đến công trường mỗi tháng nên có một lượt xem phim.

Chúng tôi xin báo cáo, rất tin tưởng và tha thiết đề nghị ủy ban hành chính tỉnh chỉ thị cho các ngành hữu quan có trách nhiệm tích cực thì mới xong, hoàn thành được nhiệm vụ tốt đẹp”.

Đấy là một trích đoạn trong bản báo cáo của Ty Giao thông vận tải Hà Giang với ủy ban tỉnh đề ngày 19-3-1963. Có hàng trăm tư liệu như thế nằm khiêm tốn ở góc nhỏ tiền sảnh hội trường UBND tỉnh, chỉ cần đọc là đủ cho chúng ta hình dung những gian nan khó nhọc mà những người mở đường đã chịu đựng. Chỉ xin thêm 1 lạng ngô cho mỗi ngày, chỉ xin giảm số lương thực độn xuống còn 30%.

Bây giờ hẳn nhiều bạn trẻ không hiểu nghĩa của từ ăn độn, không thể hiểu trong tiêu chuẩn “bảy lạng một ngày” ấy có bao nhiêu là gạo, bao nhiêu là sắn, ngô.

Tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang hiện lưu giữ rất nhiều hình ảnh, hiện vật lịch sử về con đường Hạnh Phúc, trong đó có một khối đá vừa được mang về từ điểm cuối cùng của con đường Hạnh Phúc (trung tâm thị trấn Mèo Vạc), và trên khối đá này có khắc rõ: “Nhằm giúp vùng núi tiến kịp miền xuôi, T.Ư Đảng, Khu ủy Việt Bắc quyết định mở con đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc.

Ngày khởi công: 10-9-1959.

Ngày hoàn thành: 15-3-1965.

Thành phần mở đường gồm 16 dân tộc các tỉnh Cao Bắc Lạng - Hà Tuyên Thái  - Nam Định - Hải Dương. Riêng dốc Mã Pí Lèng công nhân đã treo mình 11 tháng để mở đường”.

Đói ăn, thiếu mặc, đời sống tinh thần chỉ dám mong mỗi tháng nên có một lượt xem phim vì trong hơn một năm qua không có một đêm phim hoặc văn công nào. Cuộc sống như thế nhưng con đường vẫn phải mở. Khó mà nói hết những gì đã diễn ra trong suốt sáu năm đằng đẵng mở đường.

Cứ thế tiến từng chặng một, từ Hà Giang vào tới Quản Bạ, từ Quản Bạ lên Yên Minh, từ Yên Minh lên Đồng Văn và từ Đồng Văn đến Mèo Vạc.

Nếu không mở đường nhân dân của bốn huyện cao nguyên đá sẽ mãi bị giam hãm trong những bức tường núi đá, nơi có thể thoát ra để nối với thế giới bên ngoài được gọi là “Cổng Trời”. Cái cổng trời đầu tiên phải mở là ở Quản Bạ. Những năm tháng đó cả vùng Quản Bạ - Đồng Văn - Yên Minh - Mèo Vạc là nơi phỉ hoành hành.

Nghe Chính phủ mở đường cho ôtô vào, lãnh địa của mình bị đe dọa, bọn phỉ bắt đầu quấy nhiễu. Vậy mà hơn 1.200 TNXP của Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nam Định, Hải Dương đã bám trụ trên tuyến đường này.

Để sống và để chết...

Bác Thùy bảo hồi đó phỉ hoành hành nhưng không đáng sợ bằng sốt rét ác tính. Và sốt rét ác tính cũng không đáng sợ bằng công việc của đội cảm tử mở đường công vụ qua Mã Pí Lèng. Khi mở đoạn từ Đồng Văn qua Mèo Vạc, từ năm 1963 đến tháng 3-1965, công trường đã lập ra một đội cảm tử gọi là đội Cơ Dũng với 17 người ban đầu, sau tăng lên 30 người.

Những TNXP này phải treo mình trên cheo leo vách đá rồi dùng búa và xà beng mở một con đường rộng 0,4m vừa đủ để đặt bàn chân lên đó, có chỗ đặt chân rồi mới tính đến chuyện đục lỗ tra thuốc nổ đặt mìn phá đá. Bây giờ khi con đường qua Mã Pí Lèng đã thênh thang, thế nhưng khi đứng ở bao lơn nhìn xuống sông Nho Quế, nếu ngước lên vách đá Mã Pí Lèng ta vẫn còn thấy rợn ngợp, vậy mà hơn nửa thế kỷ trước những TNXP phải treo mình suốt 11 tháng trời ròng rã trên vách đá Mã Pí Lèng như thế.

Bác Thùy bảo: Khi thành lập đội Cơ Dũng này, ban chỉ huy công trường cũng đã đóng 11 cái... quan tài giấu ở cách quãng đường đang mở chừng hai cây số phòng khi hữu sự sẽ kịp lo cho anh em. Mỗi ngày trước khi leo lên vách núi, anh em đều đứng tuyên thệ.

Dù biết hi sinh là chuyện gang tấc nhưng ban chỉ huy công trường cũng tìm mọi cách để có thể đảm bảo an toàn cho anh em trong khả năng có thể. Hơn 2 tấn dây thừng được bao phủ như mạng nhện trên vách đá, dây này níu dây kia, nhỡ anh em có sa chân thì có nơi bám víu.

Dụng cụ là chiếc búa và mũi đục, một sợi dây bảo hộ níu mình vào đá. Từ sáng sớm đến tối mịt, đục khoét cho được một lỗ sâu để nhồi thuốc nổ và đặt kíp, sau đó kích nổ. Cứ tưởng tượng những con người treo trên vách đá Mã Pí Lèng, nắng trên đá như đổ lửa, hơi nóng từ đá tỏa ra. Ngán nhất là nhiều khi đang nắng vậy trời bỗng đổ mưa, anh em chỉ trân mình chịu ướt chứ không thể tụt xuống, bởi ở độ cao cheo leo ấy mỗi ngày chỉ một lần lên và một lần xuống.

Ám ảnh nhất là nước uống. Mùa khô mỗi ngày mỗi người chỉ được cấp một ca nước tiêu chuẩn. Nhà thơ Xuân Diệu lên thăm công trường đã cảm khái bài thơ mà giờ đây những cựu TNXP vẫn nhắc: Rửa mặt xong nửa ca nước đổ dồn/ Chiều rửa chân tay đem ra giặt/Giữ lại hôm sau đổ lỗ choòng...

Và rồi những cái chết trên công trường vẫn xảy ra, vẫn là những tai nạn từ đá, đúng với nghĩa đen của câu thơ “chết vùi trong đá”. 11 quan tài gỗ tạp đóng dự phòng cho anh em đội cảm tử mở đường công vụ qua đỉnh Mã Pí Lèng may mắn không dùng đến, vậy mà khi con đường chỉ còn một tuần nữa thông tuyến thì tai nạn xảy ra.

Hôm đó là ngày 4-3-1965, chừng một tuần nữa sẽ thông xe toàn tuyến, chuẩn bị khánh thành. Nhóm anh Đào Ngọc Phẩm (ở đại đội Thái Nguyên) đi kiểm tra lại đoạn vách 56-57 ở ngay Mã Pí Lèng. Gọi “vách 56-57” là tính theo chiều cao thẳng đứng của vách đá đoạn này lên đến 56m mà anh em đã đục. Đoạn vách này nguy hiểm nhất trên tuyến nhưng cả năm trời anh em trong đội cảm tử thi công an toàn. Vậy mà...

Sáng đó, đang kiểm tra tuyến thì anh Phẩm thấy một khối đá có dấu hiệu trượt xuống đường, chỗ vị trí đá sẽ lăn xuống lại có hai bố con người Mông đang đứng. Không kịp hô cho họ chạy, anh Phẩm lao tới đẩy hai bố con ra khỏi vị trí nguy hiểm. Viên đá trượt xuống, hai bố con người Mông thoát chết trong gang tấc, nhưng anh Phẩm vì cú xô quá mạnh để cứu hai bố con đã bị sẩy chân rơi xuống vực sâu ngay mép đường. Anh Phẩm là người TNXP cuối cùng hi sinh ngay trước ngày hoàn thành tuyến đường.

Con đường thông tuyến, những người nằm lại với con đường hầu hết đều chết ở bệnh xá Na Khê nên mảnh đất Yên Minh được chọn làm nghĩa trang cho những TNXP. Và sau 50 năm nghĩa trang TNXP này được đổi tên thành nghĩa trang liệt sĩ TNXP. Những ngày này gần 500 cựu TNXP đang về lại với con đường, thắp nén nhang cho đồng đội năm nào...

_____________

Kỳ tới: 50 năm hẹn một ngày...

 

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên