11/05/2024 09:46 GMT+7

Mỹ trao trả kỷ vật chiến tranh cho Việt Nam

"Em ơi, em ơi về với chị" - bà Nguyễn Thị Dung (Thanh Hóa) khóc nấc, ngã người ra phía sau khi nhận được các kỷ vật của người em trai đã hy sinh năm 1969 nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.

Bà Nguyễn Thị Dung xúc động khi được trao lại kỷ vật liệt sĩ Nguyễn Phong Ba

Bà Nguyễn Thị Dung xúc động khi được trao lại kỷ vật liệt sĩ Nguyễn Phong Ba

Không ít lần trong lễ trao trả kỷ vật cho gia đình các cựu chiến binh và liệt sĩ Việt Nam do Đại sứ quán Mỹ tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-5 chứng kiến những giọt nước mắt.

Khoảnh khắc bà lão lưng còng chạm vào kỷ vật của người em liệt sĩ

Có gia đình phấn khởi vì những thông tin được nhận có thể sẽ giúp họ tìm thấy người đã khuất. Nhưng cũng có gia đình vẫn mòn mỏi chờ ngày ấy.

Hy vọng tìm được hài cốt người thân

Hàng chục món đồ - gồm nhật ký cá nhân, thư, giấy tờ tùy thân, sổ tay, giấy chứng nhận/bằng cấp và cả giấy báo tử - của hơn 10 cựu chiến binh và liệt sĩ Việt Nam đã được trao tận tay cho gia đình của họ hoặc chính bản thân họ tại buổi lễ. Năm tháng qua đi, chiến tranh lùi xa, chỉ có cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện và Phan Xuân Diệu là đến sự kiện hôm 10-5.

Họ đều bị lạc mất nhật ký chiến trường và qua nhiều kênh, nhiều cách cùng sự nỗ lực của Việt Nam lẫn Mỹ, những kỷ vật này đã được trở lại chủ cũ. Riêng ông Nguyễn Văn Thiện, người vào tháng 9 năm ngoái đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden, đến sự kiện để nhận một bức thư từ nhà lãnh đạo Mỹ. Cuốn nhật ký đã được trao cho ông trước đó, trước sự chứng kiến của Tổng thống Biden khi thăm Việt Nam tháng 9-2023.

Vượt hàng trăm cây số từ Thanh Hóa, bà Nguyễn Thị Dung đã xúc động mạnh khi được nhận lại kỷ vật từ người em trai quá cố là liệt sĩ Nguyễn Phong Ba.

Hai ba tuần qua, bà Dung không ngủ được vì hồi hộp, trông ngóng ngày lên Hà Nội. Những ký ức của bà về người em yêu dấu vẫn rõ nét dù năm nay tuổi tác đã cao.

"Nhận được kỷ vật của em trai, gia đình vui mừng khôn xiết nhưng xen lẫn trong đó là một nỗi buồn lớn khi chưa được nhìn thấy mặt em, hài cốt của em" - bà Dung nói với phóng viên bằng giọng đứt quãng, đưa tay quệt vội những giọt nước mắt chảy dài trên hai gò má nhăn nheo.

Mắt kém, bà không đọc được những dòng chữ của em trai ghi lại trong nhật ký những ngày tháng trên chiến trường, nhưng với bà, đó cũng là đã một điều an ủi.

"Hôm nay tôi đã được toại nguyện khi nhìn thấy những gì em trai để lại, ngày mai tôi có nhắm mắt xuôi tay thì cũng yên lòng. Nhưng mong mỏi lớn nhất của tôi và gia đình vẫn là tìm thấy được hài cốt của em mình", bà Dung trải lòng.

Cảm ơn các cơ quan chức năng của Việt Nam và Mỹ, ông Vũ Quốc Khánh, con trai của liệt sĩ Vũ Duy Hùng, bày tỏ niềm tin gia đình tìm thấy hài cốt của cha một ngày không xa.

Suốt hàng chục năm qua, trong lòng ông và gia đình vẫn trăn trở ngày cha hy sinh bảo vệ Tổ quốc để làm đám giỗ đúng ngày.

Những thông tin mà gia đình nhận được tại buổi lễ đã xác định đầy đủ và làm rõ hoàn cảnh hy sinh của liệt sĩ như đơn vị chiến đấu, ngày hy sinh, nguyên nhân hy sinh, nơi chôn cất, tọa độ chôn cất.

Đây là những thông tin quý báu, là "điểm tựa" để gia đình có thể tìm được hài cốt của liệt sĩ. Và ông tin rằng dù là người Mỹ hay Việt Nam, ai cũng đều có một mong mỏi lớn là được tìm thấy hài cốt người thân đã mất tích.

Người thân của liệt sĩ Vũ Duy Hùng đọc nhật ký được trao trả tại buổi lễ - Ảnh: D.LINH

Người thân của liệt sĩ Vũ Duy Hùng đọc nhật ký được trao trả tại buổi lễ - Ảnh: D.LINH

Nhóm nghiên cứu Harvard hỗ trợ

Buổi lễ ngày 10-5 là kết quả của sự phối hợp giữa Việt Nam và Mỹ vì mục đích nhân đạo, hàn gắn vết thương chiến tranh. Các kỷ vật được trao trả cũng đánh dấu nỗ lực tâm huyết của đội ngũ các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard, trong khuôn khổ Sáng kiến tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh (VWAI) do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ.

"Có những tài liệu rất mong manh về thông tin khi chỉ có một dòng thông tin" - tiến sĩ Nguyễn Hải (Đại học Harvard) chia sẻ sau sự kiện. Quá trình nghiên cứu rồi tìm kiếm thông tin liên quan đến liệt sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam thật sự rất khó khăn, bởi những tài liệu mà nhóm nghiên cứu có được đôi khi rất khó đọc do thu được từ cả nguồn Mỹ và đồng minh.

"Trong bối cảnh chiến tranh khi ấy, có những chữ rất khó để đọc, chưa kể còn dính máu, bùn và nhiều thứ khác. Bom đạn rơi, họ viết vội, viết tắt hay dùng phương ngữ nên có những tài liệu chúng tôi phải dịch từ tiếng Việt sang tiếng Việt trước rồi mới chuyển sang tiếng Anh. Các tài liệu này sau đó được dùng để đối chiếu với kho dữ liệu của Mỹ rồi chuyển cho Bộ Quốc phòng Mỹ trước khi họ chia sẻ với Việt Nam", ông Hải nói về những khó khăn trong việc xác định các kỷ vật chiến tranh.

Nhưng dù gian khó bao nhiêu, tiến sĩ Nguyễn Hải khẳng định nhóm nghiên cứu vẫn sẽ cố gắng hết sức, bởi so với các liệt sĩ, những người ngày xưa đi vào chiến trường gian khổ và ác liệt thì nỗ lực này không thể sánh được.

"Chúng tôi sẽ không bỏ sót một thông tin nào từ những tài liệu thu được trên chiến trường để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, hỗ trợ những gia đình Việt Nam có thể biết các thông tin liên quan đến ngày sinh hay nơi chôn cất", ông Hải khẳng định.

Những kỷ vật tại buổi lễ ngày 10-5 chỉ là một phần lý do giúp nhóm nghiên cứu của ông Hải có quyết tâm ấy. Dẫn ra trường hợp liệt sĩ Đặng Thành Tuấn gần 60 năm không xác nhận được đó là liệt sĩ hay không, ông Hải cho biết cuối cùng nhờ vào các tài liệu của nhóm nghiên cứu, Chính phủ Việt Nam, Bộ Quốc phòng Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cấp bằng Tổ quốc ghi công và chứng nhận liệt sĩ với ông Đặng Thành Tuấn.

Đại tá Thomas Jacob Bouchillon, tùy viên quốc phòng Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, chia sẻ tại với tư cách là một người lính cũng là một cựu binh, ông có sự tôn trọng lớn với những hy sinh và cống hiến của các cựu chiến binh, các liệt sĩ và gia đình họ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Ông Bouchillon cũng cho biết đây là năm thứ ba triển khai hoạt động theo khuôn khổ VWAI. Việc trao trả các kỷ vật chiến tranh chỉ là một phần trong nỗ lực quy mô lớn hơn, do biết phía Mỹ cũng tiến hành các hoạt động rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin và hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam.

Nền tảng thúc đẩy sự hòa giải

"Sự kiện này thật sự xúc động - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper chia sẻ sau buổi lễ - Tất cả phản ánh những nỗ lực của chúng ta nhằm giải quyết nhiều vấn đề hệ quả chiến tranh và đó là nền tảng thúc đẩy sự hòa giải, hiểu biết và xây dựng quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ như hiện nay".

Là con của một người đã từng tham chiến tại Việt Nam, Đại sứ Knapper nhấn mạnh sự thấu hiểu với các gia đình trong buổi lễ. Ông cũng bày tỏ sự cảm kích đối với Việt Nam vì những hoạt động nhân đạo tìm kiếm người Mỹ mất tích.

"Thật sự không thể diễn tả hết lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Mỹ, không chỉ đối với Chính phủ Việt Nam mà còn đối với các quan chức cấp tỉnh, người dân địa phương đã giúp đỡ trong nỗ lực này. Nước Mỹ vô cùng biết ơn và hy vọng rằng chúng tôi có thể làm điều tương tự cho các gia đình Việt Nam trong tương lai", đại sứ Mỹ bày tỏ với Tuổi Trẻ.

Chính phủ Mỹ, như ông Knapper chia sẻ, sẽ làm mọi thứ có thể để hỗ trợ Việt Nam xác định vị trí của những liệt sĩ mất tích hay các kỷ vật. Ủy ban Quốc tế về người mất tích, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ và các bên khác sẽ tiếp tục phối hợp để phát triển các công nghệ giúp xác định ngay danh tính người mất khi tìm thấy hài cốt, giúp họ sớm trở về với gia đình.

Kỷ vật chiến tranh - hành trình trở vềKỷ vật chiến tranh - hành trình trở về

TT - Kỷ vật chiến tranh - hành trình trở về - bộ phim tài liệu được đầu tư và chăm chút khá kỹ sẽ lên sóng trong chương trình VTV đặc biệt, lúc 21g30 ngày 25-7 trên VTV1.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên