10/06/2012 07:09 GMT+7

Mỹ kêu gọi tự do hàng hải, hỗ trợ Philippines

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã có những kết quả khả quan. Washington bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ Manila và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ hiện đại hóa quân đội Philippines.

Xem hồ sơ tranh chấp Trung Quốc - Philippines ở biển Đông

1fCKP9Ah.jpgPhóng to

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Tổng thống Philippines Benigno Aquino tại Nhà Trắng - Ảnh: Reuters

Theo AFP, tiếp đón ông Aquino ở Nhà Trắng tối 8-6 (ngày 9-6 giờ VN), Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết cả hai đã thảo luận về “cách đảm bảo rằng chúng ta có một bộ luật và quy định quốc tế để xử lý các tranh chấp hàng hải trong khu vực”. Trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo “nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc đảm bảo tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và thương mại không bị cản trở”.

Ông Obama và ông Aquino cùng kêu gọi giải pháp ngoại giao để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông “mà không có sự o ép hay sử dụng vũ lực”. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ sự ủng hộ việc ASEAN nỗ lực thiết lập Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với Trung Quốc. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ca ngợi việc Philippines đóng vai trò chủ động trong việc giảm căng thẳng trên bãi cạn Scarborough.

Mỹ hỗ trợ quân sự

Bà Clinton cho biết Washington không đứng về phía nào trong tranh chấp ở bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên bà khẳng định nước Mỹ đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo tự do hàng hải và ổn định ở biển Đông. “Chúng tôi khuyến khích tiếp tục đối thoại ngoại giao và giải quyết tình hình một cách hòa bình” - AFP dẫn lời bà Clinton. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Mỹ luôn giữ nguyên tắc là phản đối bất kỳ các bên liên quan sử dụng vũ lực và o ép để khẳng định chủ quyền trên biển. “Chúng tôi sẽ theo dõi sát tình hình (ở bãi cạn Scarborough)”.

Tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama cam kết ủng hộ Philippines hiện đại hóa quân đội và xây dựng một nền quốc phòng vững mạnh hơn. Theo báo Daily Inquirer, Washington có thể sẽ nâng cấp tàu chiến, máy bay chiến đấu và các phương tiện trinh sát để giúp Manila cải thiện cả sức mạnh không quân và hải quân. Năm 2011, Mỹ đã cung cấp cho Philippines một tàu tuần tra biển và chiếc thứ hai sẽ về đến Philippines cuối năm nay.

Ngoại trưởng Clinton cũng cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ Philippines xây dựng và đào tạo lực lượng hoạt động tại Trung tâm giám sát bờ biển quốc gia của nước này. Ngoài ra, ông Obama và ông Aquino cam kết tăng cường các cuộc tập trận chung, tăng nỗ lực hợp tác trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, cứu trợ thảm họa, tăng cường nhận thức về lãnh hải...

Trước đó, trả lời phỏng vấn báo Washington Post, ông Aquino tiết lộ ông cũng muốn Mỹ triển khai máy bay do thám như P-3C Orion và Global Hawk trên biển Đông để giúp Manila giám sát dọc bờ biển. Ông nhấn mạnh Philippines đặc biệt quan tâm đến việc mua hệ thống rađa trên bộ có thể giúp giám sát mọi hoạt động trên biển Đông. Hãng tin AP dẫn lời một số quan chức Philippines tiết lộ Manila còn muốn Mỹ tuyên bố rõ ràng rằng sẽ bảo vệ Philippines trong trường hợp nước này bị tấn công.

Xung đột sẽ không dừng lại

Giới chuyên gia phương Tây cho rằng Bắc Kinh đang theo dõi sát từng động thái của Tổng thống Aquino trong chuyến thăm Mỹ lần này. Theo báo Daily Inquirer, hiện tại căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila đã có phần dịu đi khi cả hai bên đã rút bớt tàu thuyền ra khỏi khu vực ở bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, những xung đột tiềm ẩn giữa hai nước không dễ gì hóa giải một sớm một chiều.

Trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal, Tổng thống Aquino nhấn mạnh kể cả khi Philippines và Trung Quốc đạt được giải pháp về tranh chấp bãi cạn Scarborough thì nó cũng sẽ không giúp giải quyết các xung đột khác, bao gồm việc tiếp cận tài nguyên ở biển Đông. “Tranh chấp bãi cạn Scarborough chỉ là một phần nhỏ của toàn bộ cuộc xung đột” - ông Aquino nhấn mạnh.

Theo tổng thống Philippines, các nước khác trong khu vực cần đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ Philippines và Trung Quốc. “Nếu Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế, sẽ có rất nhiều quốc gia khác rơi vào hoàn cảnh giống như chúng tôi - ông Aquino nói - Họ sẽ phải đặt câu hỏi là sẽ duy trì mối quan hệ với Trung Quốc như thế nào”.

Trung Quốc hiện vẫn đang tiếp tục các động thái khẳng định chủ quyền trên biển Đông. Theo Đài truyền hình CCTV, mới đây Bắc Kinh tuyên bố có kế hoạch xử lý các vấn đề môi trường sinh thái trên biển Đông và các vùng biển xung quanh. Giới chuyên gia phương Tây lo ngại đây lại là một bước của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa “đường lưỡi bò” trên biển Đông cũng như đòi chủ quyền quần đảo Senkaku mà Nhật đang kiểm soát.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên