28/03/2018 19:43 GMT+7

Miền Tây chống ngập lụt lẫn hạn mặn

NGUYỄN HỮU THIỆN
NGUYỄN HỮU THIỆN

TTO - Những diễn biến xấu của môi trường khiến vùng ĐBSCL đối diện những thách thức, buộc vùng đất này vào thế lựa chọn quá trình chuyển đổi cho tương lai.


Miền Tây chống ngập lụt lẫn hạn mặn - Ảnh 1.

An Giang mùa nước lũ - Ảnh: THUẬN VÕ

Những mối nguy

ĐBSCL đang có nhiều thách thức. Sạt lở khắp nơi, hạn hán lịch sử (2016), mặn xâm nhập sâu, mặt đất sụt lún chìm nhanh trong khi nước biển ngày càng dâng lên. Nhiều hội nghị, hội thảo đã đưa ra nhiều lời cảnh báo, lo âu.

Thách thức của đồng bằng thì nhiều, nhưng có thể gom lại thành ba nhóm là biến đổi khí hậu kèm theo là nước biển dâng (đến nay khoảng 3mm/năm, diễn ra dần dần), thủy điện, nguồn nước (sông ngòi ô nhiễm, dân chuyển sang sử dụng nước ngầm gây sụt lún nhanh gấp 10 lần nước biển dâng) và những vấn đề tự gây ra.

Vùng nước biển bao quanh ĐBSCL có liên hệ chặt chẽ với đất liền về sinh thái và kinh tế, cũng bị bỏ quên trong quy hoạch phát triển nên bị cắt đứt liên lạc sinh thái với sông ngòi nội địa và nhận nước thải nông nghiệp, thủy sản từ đất liền xả ra.

Miền Tây chống ngập lụt lẫn hạn mặn - Ảnh 2.

Đồng bằng cần làm gì?

Tháng 9-2017 tại Cần Thơ, hội nghị "Diên Hồng" của Chính phủ về ĐBSCL đã đưa ra Nghị quyết 120/NQ-CP 2017 về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu có những định hướng chiến lược đúng đắn để giải quyết những nguy cơ lớn trên:

1. Phát triển đồng bằng theo hướng thích ứng thuận thiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên.

2. Chuyển tư duy nông nghiệp từ "tăng gia sản xuất" sang làm kinh tế nông nghiệp chú trọng chất lượng, hiệu quả kinh tế.

3. Quy hoạch tích hợp, tổng thể cho toàn đồng bằng; đổi trật tự ưu tiên sang thủy sản, trái cây, rồi mới tới cây lúa.

4. Xem nước mặn, nước lợ là tài nguyên (tức là có nghĩ tới biển).

Theo tinh thần trên, ĐBSCL sẽ chuyển sang sản xuất nông nghiệp sạch hơn, chú trọng chất lượng. Cụ thể:

1. Giảm thâm canh nông nghiệp, không mở rộng diện tích thâm canh ba vụ lúa trong năm.

2. Đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp phụ trợ nâng cao giá trị.

3. Đầu tư vào phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, tạo điều kiện và khuyến khích người dân tham gia vào chuỗi giá trị để có việc làm và thu nhập thay thế cho thu nhập bị giảm do giảm thâm canh.

4. Đầu tư vào hệ thống logistics để cải thiện điều kiện vận chuyển, thương mại. Phục hồi khả năng hấp thu lũ của các vùng trũng đầu nguồn Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.

5. Thay đổi trật tự ưu tiên theo thứ tự thủy sản, trái cây và lúa. Kết hợp biện pháp công trình và phi công trình, nên theo nguyên tắc "không hối tiếc" (từ hối tiếc thấp, hối tiếc trung bình, hối tiếc cao - biện pháp cuối cùng khi không còn chọn lựa nào khác).

Quá trình chuyển đổi

Việc phát triển hi vọng mang lại những lợi ích cụ thể sau:

1. Nông sản chất lượng cao hơn, thực phẩm an toàn hơn, vươn tới thị trường cao cấp hơn, giá bán cao hơn.

2. Giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu, giảm chi phí canh tác, tăng lợi nhuận.

3. Độ màu mỡ, dinh dưỡng của đất được tiết kiệm, đà suy thoái đất giảm khi giảm cường độ thâm canh.

4. Sông ngòi dần được phục hồi do giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu. Giảm nhu cầu đầu tư vào các công trình lớn (đê bao khép kín ở vùng lũ, công trình ngăn mặn ven biển)...

5. Giảm tốc độ sử dụng nước ngầm, giảm sụt lún đất, đồng bằng sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn đối với nước biển dâng. Tăng hấp thu và trữ nước ở các vùng trũng đầu nguồn, giảm ngập lụt ở các đô thị vào mùa lũ và giảm tác động của hạn hán và xâm nhập mặn ven biển vào mùa khô.

Quá trình chuyển đổi sẽ gặp phải những trở ngại đáng kể. Hệ thống đê bao đã xây dựng ở vùng ngập lũ sâu Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười khó có thể xả lũ vào trở lại được vì nhà cửa, vườn, ao bên trong các ô đê bao khép kín được xây dựng thấp, sẽ bị thiệt hại nếu xả lũ vào.

Đối với vùng ngọt hóa đã và đang canh tác 3 vụ lúa, việc phục hồi lại chế độ 6 tháng ngọt - 6 tháng mặn luân phiên như trước đây sẽ gây xáo trộn một lần nữa.

Vậy nên, quá trình chuyển đổi nên diễn ra dần dần, theo lộ trình chặt chẽ, không nên "giục tốc" để tránh "bất đạt".

NGUYỄN HỮU THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên