18/01/2024 09:50 GMT+7

Mãi nhắc nhớ Hoàng Sa của nước Việt

Mỗi năm cứ đến ngày 19-1, UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) đều gặp gỡ các nhân chứng lịch sử chủ quyền quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đảo xa ngoài khơi như thật gần Tổ quốc trong nỗi niềm vọng nhớ không nguôi.

Cụ Trần Ngọc trò chuyện cùng ông Lê Phú Nguyện, phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, trong dịp thăm nhân chứng Hoàng Sa - Ảnh: B.D.

Cụ Trần Ngọc trò chuyện cùng ông Lê Phú Nguyện, phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, trong dịp thăm nhân chứng Hoàng Sa - Ảnh: B.D.

Trong ký ức họ, Hoàng Sa vẫn được kể lại như bao năm nhưng luôn dạt dào cảm xúc thiêng liêng.

Ở đó, họ có thời trai trẻ trên bãi cát vàng mà bao lớp cha anh đã xông pha gìn giữ chủ quyền Tổ quốc. Trong cuộc gặp gỡ chứng nhân đó luôn có những cái siết tay gửi gắm người trẻ về nghĩa vụ và trách nhiệm với biển đảo của tổ tiên mình.

Tháng 1 vì Hoàng Sa

TS Lê Tiến Công nhận nhiệm vụ giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa từ năm 2017 - thời điểm địa chỉ thiêng liêng này được thành lập.

Những năm qua, ông là gương mặt thân quen của các nhân chứng, nối tiếp các thế hệ cán bộ lãnh đạo UBND huyện Hoàng Sa như ông Đặng Công Ngữ, ông Võ Ngọc Đồng...

Các cuộc kết nối, hội ngộ với nhân chứng Hoàng Sa, ông Công đều có mặt, lắng nghe, chắt lọc thêm thông tin quý giá từ những người từng làm việc trên quần đảo này.

Theo ông Công, chương trình kết nối, thăm hỏi nhân chứng Hoàng Sa bắt nguồn từ nhiều năm trước.

Sau khi Đà Nẵng được giao nhiệm vụ quản lý vùng lãnh thổ đặc biệt này thì UBND huyện Hoàng Sa đã xây dựng đề án tăng cường quản lý nhà nước đối với quần đảo.

Một trong những công việc quan trọng là sưu tầm tư liệu, kết nối các nhân chứng lịch sử Hoàng Sa.

Thông qua nhiều hoạt động kêu gọi hiến tặng tư liệu, kỷ vật, UBND huyện đã kết nối được nhiều nhân chứng từng sinh sống, làm việc tại Hoàng Sa.

Đến nay, hoạt động này như sự kiện đặc biệt nghĩa tình, gây xúc động mạnh mẽ và lan tỏa rộng rãi. "Tuy không chính thức nhưng ngày 19-1 hằng năm vẫn được xem như là ngày Hoàng Sa.

Vào dịp này, UBND huyện thường gặp mặt nhân chứng, tổ chức các cuộc nói chuyện, là dịp để các nhân chứng được hồi cố về những ngày trên đảo.

Mọi người nhìn nhau và thắt nghẹn khi xem clip chiếu về hình ảnh Hoàng Sa. Mỗi năm những nhân chứng cao tuổi lần lượt mất đi, những cuộc gặp gỡ cũng vì vậy thêm ngậm ngùi, xúc động", ông Công trải lòng.

Những ngày đẹp nhất của đời người

Các nhân chứng bồi hồi nhắc nhớ rằng hồi ấy họ còn trẻ, chẳng ngại gì sống chết, cứ nhận lệnh là hăng hái lên đường để canh phòng Hoàng Sa.

"Ra giữ đảo lúc đó lâu lâu có những thuyền đánh cá bị trôi dạt vào xin nước ngọt. Nhiệm vụ anh em trên đảo là tuần tra, đưa tin báo về đất liền, người không gác thì tìm cần đi câu cá, bắt ốc, bắt vích.

Nhớ nhất là những buổi sinh hoạt hát hò. Lúc nghỉ ngơi, anh em nằm ngửa mặt lên trời nhìn trăng sao như vô tận rồi kể cho nhau nghe những câu chuyện về gia đình, về người yêu mà chẳng cần biết có ai thèm nghe hay không.

Kệ! Ai cũng giành kể, mục đích là cho vơi nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu. Nhưng mỗi lần được vô đất liền là lại thèm ra lại", một cựu binh Hoàng Sa hồi tưởng ngày tháng khó quên tại cuộc gặp mặt chứng nhân.

Cụ Trần Ngọc (ở Quế Sơn, Quảng Nam) kể rằng cụ ra Hoàng Sa ba tháng. Đó là những ngày đẹp nhất, ý nghĩa nhất đời người. "Lúc đó chưa vợ con, cứ nghe nói được ra Hoàng Sa là thích! Ra mới biết đảo của mình đẹp lắm.

Nước thì trong veo, cá thì nhiều vô kể. Bọn tui lính trẻ, sau giờ tuần tra là ra biển tắm, bắt cá, bắt ốc. Nhiều vỏ ốc lạ và đẹp rực rỡ mà chưa ai từng nhìn thấy. Ngoài đảo đặc biệt nhiều rùa biển, những con rùa lớn có khi bằng tấm chăn", cụ Ngọc xúc động hồi tưởng.

"Tiếc là hồi đó không có ý thức sưu tầm. Tui lấy ít chứ mấy đứa đi cùng đợt, đứa mô cũng lấy mấy bao, nào cá khô, nào vỏ ốc làm quà. Mấy người đi nhiều lần họ có kinh nghiệm phơi cá trên đảo Hoàng Sa", cụ Ngọc kể với nỗi luyến tiếc.

Trưng bày tư liệu, hiện vật chủ quyền Hoàng Sa ở Nhà trưng bày Hoàng Sa tại Đà Nẵng - Ảnh B.D.

Trưng bày tư liệu, hiện vật chủ quyền Hoàng Sa ở Nhà trưng bày Hoàng Sa tại Đà Nẵng - Ảnh B.D.

Để chữ Hoàng Sa bên chỗ nằm

Trong 25 nhân chứng Hoàng Sa, ông Trần Hòa (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) từng là nhân viên y tế trên Hoàng Sa, được xem là người kể chuyện vui và nhớ được nhiều chi tiết nhất.

Mỗi khi đoàn Hoàng Sa tới thăm thì hình ảnh gây nghẹn ngào nhất cho anh em cán bộ huyện là dáng ông lòm khòm đứng ngóng đợi từ đầu con hẻm cũ.

Sự ngóng đợi của ông như bao con dân nước Việt đang ngày đêm trông ngóng Hoàng Sa trở về với Tổ quốc mình. Con đường nơi ông Hòa ở cũng mang tên Hoàng Sa, và dù chỉ cái tên nhưng cũng giúp ông được ủi an, vơi bớt nỗi nhớ Hoàng Sa.

"Nhiều lần đài truyền hình muốn nhà trưng bày liên hệ với ông Hòa để tới nhà riêng phỏng vấn thì ông đều sẵn sàng.

Ông còn nói đường vào nhà khó đi, để ông ra Đà Nẵng nhân tiện thăm các bác nhân chứng luôn. Còn thăm nhau được thì thăm chứ không biết ngày mai thế nào, cũng rơi rớt hết nhiều", TS Lê Tiến Công cảm động kể.

Sự hiện diện của nhân chứng Hoàng Sa qua mỗi năm lại một ít luôn gây nỗi ngậm ngùi cho người ở lại.

Ông Công tâm sự trong một lần đến thăm cụ Võ Như Dân, nhân chứng Hoàng Sa, dù cao tuổi, rất yếu, cụ Dân vẫn bắt anh em phải cho cụ tiễn đoàn ra tới cổng.

"Cụ nắm tay anh Lê Phú Nguyện (hiện là phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng) hỏi han, tâm sự còn dài hơn cả khi ngồi trong nhà.

Đến hai lần sau, chúng tôi đến cụ đã yếu lắm nhưng lúc đó vẫn còn nhận biết mọi người xung quanh, cụ cố gắng gượng dậy rồi bảo cô con gái lấy cuốn kỷ yếu Hoàng Sa nơi có in hình cụ và các đồng đội cũ. Thế rồi những hình ảnh đó chỉ còn là kỷ niệm.

Hằng năm, đoàn đều đến thắp hương, trên góc nhỏ tủ thờ vẫn còn đó cuốn kỷ yếu Hoàng Sa", ông Công bùi ngùi.

Gần nhất, trường hợp cụ Trần Văn Hảo, một nhân chứng Hoàng Sa, cũng đã qua đời. Cụ đã yếu nhiều năm nhưng mỗi lần đoàn đến thăm thì dù nằm trên giường cụ đều cố gắng lắng nghe, trò chuyện, cung cấp thông tin cho đoàn.

"Thương nhất là cụ dặn dò con cháu phải để lại hộp quà có chữ Hoàng Sa bên chỗ nằm. Năm nay nhà trưng bày có làm bộ tư liệu Hoàng Sa và dự tính đến thăm để tặng cụ, nhưng tư liệu chưa kịp in thì cụ đã qua đời" - bà Huỳnh Thị Kim Lập, cán bộ Nhà trưng bày Hoàng Sa, xúc động kể.

Những nhân chứng Hoàng Sa và câu chuyện của họ vẫn thắp lửa cho hành trình thiêng liêng.

Tuổi thanh xuân trên đảo của họ đã trở thành biểu tượng về sự hiện diện có tính kế thừa của tổ tiên đối với chủ quyền Hoàng Sa.

Bao lớp người Việt đã ra, đã sống, đã bảo vệ Hoàng Sa; có những người được sử sách ghi tên, có những người may mắn trở về, nhưng có những người mãi nằm lại trên sóng nước như câu dân ca mặn chát Hoàng Sa đi dễ khó về.

TS LÊ TIẾN CÔNG (giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa)

Ký ức một đảo trưởng Hoàng Sa

Cựu đảo trưởng Hoàng Sa Nguyễn Văn Đức vẫn rưng rưng xúc động nhắc nhớ quần đảo của Tổ quốc - Ảnh: QUỐC VIỆT

Cựu đảo trưởng Hoàng Sa Nguyễn Văn Đức vẫn rưng rưng xúc động nhắc nhớ quần đảo của Tổ quốc - Ảnh: QUỐC VIỆT

Ông Nguyễn Văn Đức, đảo trưởng Hoàng Sa phiên thứ 38, nhớ lại: "Tháng 10-1969, tôi nhận sự vụ lệnh ra làm đảo trưởng Hoàng Sa bốn tháng, cùng đi có 34 người được đặt tên trung đội Hoàng Sa".

Chiều 14-10-1969, trung đội Hoàng Sa lên chiếc tàu HQ - 402 Lam Giang rời cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Đêm biển động, hôm sau biển trời lại êm ả. Những người lính reo vui trước cảnh cá voi phun nước bơi ngang qua tàu.

15h, tàu đã thả neo Hoàng Sa. "Lên đảo tôi nhận bàn giao từ phiên đồn trú 37 trước đó. Người đến kẻ về, cảm giác rất xúc động, thân tình.

Anh em lên tàu vào đất liền, chúc chúng tôi ở lại mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ canh phòng. Họ còn chỉ bày kinh nghiệm sống trên đảo cho người mới ra lần đầu", ông Đức kể.

Hôm sau, ông Đức làm lễ cúng đảo - nghi lễ bất thành văn mà tất cả phiên đồn trú trên Hoàng Sa đều thực hiện. Không khí trang nghiêm thành kính.

Đảo có ngôi cổ tự thờ Phật Bà Quan Âm, có một nhà nguyện Thiên Chúa giáo và khoảng 20 nấm mộ cùng nhiều công trình, đồ vật chứng minh người Việt đã liên tục bảo vệ chủ quyền ở quần đảo...

Thăm và tặng tập tư liệu quý hiếm cho các Thăm và tặng tập tư liệu quý hiếm cho các 'nhân chứng Hoàng Sa'

Thăm những người đã từng sống và làm việc tại quần đảo Hoàng Sa, UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) đã tặng tập Tư liệu Hoàng Sa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên