17/01/2024 09:09 GMT+7

Hoàng Sa - ngàn đời khắc ghi: Gặp lại người 10 lần đi Hoàng Sa

Ông Trương Văn Quảng - cựu quân nhân kỹ thuật cơ khí tàu hải quân - được ghi nhận là người ra Hoàng Sa nhiều nhất với hơn 10 lần.

Nhà trưng bày Hoàng Sa với đại kỳ và hình ảnh con tàu lịch sử - Ảnh: B.D.

Nhà trưng bày Hoàng Sa với đại kỳ và hình ảnh con tàu lịch sử - Ảnh: B.D.

Tròn 50 năm trước, vào ngày 19-1-1974 lịch sử bi hùng, quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng thuộc chủ quyền Việt Nam phải tạm chia lìa Tổ quốc, nhưng trong tâm trí những nhân chứng cao tuổi lẫn thế hệ trẻ hôm nay và lớp lớp con cháu mai sau vẫn ngàn đời khắc ghi. Hoàng Sa vẫn mãi mãi ở trong trái tim từng con dân nước Việt.

Những ngày giữa tháng 1, ngôi nhà ông Trương Văn Quảng trên đường Hải Triều (TP Đà Nẵng) lại chộn rộn hơn. Ông là một trong những nhân chứng Hoàng Sa cuối cùng còn sống ở TP Đà Nẵng, là đầu mối cung cấp và đối chứng thông tin cho Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Trong số những người từng sống, làm việc ở Hoàng Sa trước thời điểm lịch sử bi tráng ngày 19-1-1974, ông Trương Văn Quảng - cựu quân nhân kỹ thuật cơ khí tàu hải quân - được ghi nhận là người ra Hoàng Sa nhiều nhất với hơn 10 lần.

Ba tôi chưa bao giờ làm cái gì mà háo hức, vui vẻ và quên ăn quên ngủ như thế. Cái góc bàn kia, ổng cứ ngồi miết từ sáng tới tối, ngày này qua ngày để hì hục viết hồi ký gửi cho báo Tuổi Trẻ và mong kết nối được với bè bạn từng đi Hoàng Sa.

Bà Trương Thị Thùy Trang (con gái ông Quảng)

Còn sống ngày nào thì còn nhớ thương Hoàng Sa

Ông Quảng giờ đã cao tuổi, mắt yếu và tai nghe kém hẳn. Nhưng mọi dòng chữ ông đã viết gửi Nhà trưng bày Hoàng Sa, từng tấm ảnh chụp chân dung trong các đợt huyện Hoàng Sa đi ghi hình nhân chứng, ông đều nhớ mãi.

Cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa từ ngày công bố tới nay đã tái bản, chỉnh sửa hai lần. Nhưng mỗi lần giở đến trang giấy có bức hình và dòng hồi ký của ông Trương Văn Quảng, người đọc phải dừng lâu hơn.

Trong nhiều trang giấy viết nắn nót bằng tay được trích đăng, hình ảnh một quần đảo hoang sơ từ bình yên đến ngày bão lửa nổi lên được thuật lại chân thực, đầy cảm xúc.

Nay đã 84 tuổi rồi, ông Quảng ngồi tâm sự mà nước mắt cứ ứa ra. Ông bảo rằng buồn, thương và tiếc nuối nghẹn ngào...

Bà Huỳnh Thị Kim Lập, cán bộ Nhà trưng bày Hoàng Sa, nói rằng trong những trang hồi ký nóng bỏng về Hoàng Sa, câu chuyện ông Quảng chiếm nhiều trang giấy và ông cũng là người ra Hoàng Sa nhiều nhất.

Ông tốt nghiệp Trường Kỹ thuật hải quân Nha Trang ngành cơ khí máy tàu và biên chế trên tàu HQ400 thuộc hải đội hải vận hạm, Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn năm 1958.

Giai đoạn này quần đảo Hoàng Sa còn thuộc sự quản lý của Việt Nam cộng hòa nên những chuyến tàu xuất phát từ Sài Gòn thường xuyên đi Đà Nẵng lấy hàng, đạn dược, nhu yếu phẩm rồi ra cung cấp kết hợp tuần tiễu ở quần đảo. Ông Quảng luôn có mặt trên những hải trình này và nhớ hết mọi hình ảnh về Hoàng Sa những ngày chưa phải rời xa Tổ quốc mình.

"Ấn tượng đầu tiên của tôi khi lên Hoàng Sa là cảnh hoang sơ, một cảm giác xa vắng trước nước trời mênh mông khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy cô đơn. Số nhân viên trên đảo được cung cấp thực phẩm, nước uống.

Điểm chung của mọi người lúc đó là dù thiếu thốn trăm bề về vật chất, tinh thần, nhất là thông tin đài báo, mọi thứ kham khổ nhưng cùng một ý chí bất khuất, quyết tâm bảo vệ vùng hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc", ông Quảng nhắc nhớ.

Người cựu quân nhân kỹ thuật này còn kể rằng mỗi lần ông cùng anh em thả hàng lên đảo, tàu lượn hai vòng tuần tiễu quanh Hoàng Sa thì luôn thấy rợp trời hải âu.

Anh em trên tàu thỉnh thoảng thả câu, tìm cái ăn thì mỗi lần kéo lên đều bắt được những con cá mú to bằng bắp chân.

"Cá, rùa biển, chim trời nhiều vô kể. Nước biển ở đó chảy rất xiết, mỗi lần chúng tôi thả dây câu xuống phải mất 60m mới tới đáy. Có lúc mồi bị cá mập ăn, mình buộc phải cắt dây câu. Cho tới giờ tôi chưa thấy bất cứ một nơi nào mà trù phú, giàu có tôm cá như vậy", ông Quảng tâm sự ký ức mãi mãi không quên.

Xây dựng bia chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa năm 1938 - Ảnh tư liệu

Xây dựng bia chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa năm 1938 - Ảnh tư liệu

Cố gắng sửa chữa tàu để ra lại Hoàng Sa

Do công việc vận hành máy tàu, ông Quảng nói rằng mình may mắn được nhiều lần ra Hoàng Sa. Mỗi chuyến đi như vậy thường kéo dài vài tuần, ông Quảng mang cho mình một thứ từ đảo để về đất liền nhưng thời gian đã làm lưu lạc, xóa dấu vết tất cả.

Có một chuyện mà ông Quảng cũng như nhiều nhân chứng từng có mặt ở Hoàng Sa đều kể là những năm trước 1974, dù chạm mặt nhau thường xuyên ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng các tàu Trung Quốc đều rời đi khi gặp tàu quân sự Việt Nam tuần tiễu. Đây là một trong những chứng minh rất rõ ràng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Sáng 19-1-1974, sau nhiều thời gian gầm ghè khiêu khích những người lính hải quân phía Việt Nam, đồng loạt các tàu chiến Trung Quốc đã khai hỏa và cưỡng chiếm Hoàng Sa. Ông Quảng xúc động tâm sự mình nhận được tin mất đảo khi đang lụi cụi sửa tàu trong xưởng máy gần bán đảo Sơn Trà.

"Khoảnh khắc bi tráng đó tôi vẫn nhớ như in. Mấy ngày trước đó thì có nghe chỉ huy thông tin tình hình ngoài đảo rất căng thẳng, đảo và tàu mình bị hăm dọa nhưng súng chưa nổ.

Lệnh chỉ huy yêu cầu toàn bộ xưởng phải tăng ca tốc lực, bảo dưỡng máy và sửa chữa lại toàn bộ tàu thuyền hư hại để sẵn sàng đợi lệnh.

Nhưng khi nhận tin Hoàng Sa mất thì tất cả đều sững sờ. Một cảm giác buồn, mất mát và tổn thương mãi tới giờ nhớ lại tôi vẫn muốn khóc", ông Quảng run run kể.

Ông Quảng kể rằng sau ngày đất nước thống nhất, ông về Đà Nẵng làm đủ nghề để nuôi bảy người con khôn lớn.

Với tấm bằng kỹ thuật máy tàu, ông từng làm công nhân kỹ thuật trong một công ty đóng tàu Đà Nẵng. Và trong lòng ông luôn canh cánh nỗi khắc khoải, nhớ thương Hoàng Sa, nơi mình đã trải qua ngày tháng tuổi trẻ trên đầu sóng ngọn gió, bãi cát vàng thiêng liêng của Tổ quốc.

"Tìm lại được Hoàng Sa" từ bài viết trên Tuổi Trẻ

Ông Trương Văn Quảng cùng cán bộ  Nhà trưng bày Hoàng Sa phối hợp làm tư liệu  về quần đảo này - Ảnh: B.D.

Ông Trương Văn Quảng cùng cán bộ Nhà trưng bày Hoàng Sa phối hợp làm tư liệu về quần đảo này - Ảnh: B.D.

Ông Quảng kể rằng 50 năm từ ngày tạm chia lìa Hoàng Sa, ông luôn tìm mọi cơ hội để kết nối những người đã từng là nhân chứng ở quần đảo như mình. Nhưng giai đoạn đầu các thông tin hầu như mờ mịt.

Một ngày cách đây chừng 10 năm, ông tình cờ đọc báo Tuổi Trẻ với bài viết hồi ức Hoàng Sa bi hùng từ nhân chứng.

"Tôi mừng vô cùng, gác bỏ hết mọi công việc, lấy giấy bút ghi lại hồi ức của mình rồi ra bưu điện gửi thư theo địa chỉ báo Tuổi Trẻ. Mấy ngày sau thì được phía Sở Nội vụ Đà Nẵng mời lên và bảo rằng lá thư tôi viết cho báo Tuổi Trẻ được tòa soạn chuyển ngược ra Sở Nội vụ với mong muốn kết nối nhân chứng", ông Quảng nhớ lại.

Từ câu chuyện dòng hồi ký của ông Quảng, TP Đà Nẵng đã có thêm đầu mối để kết nối, vận động hiến tặng tư liệu, tổ chức các chương trình gặp gỡ nhân chứng Hoàng Sa.

Thay vì phải tìm kiếm trong vô vọng, những nhân chứng từng ăn sóng nằm gió suốt thời trai trẻ ở vùng máu thịt thiêng liêng Tổ quốc được có nơi gặp gỡ, hội ngộ cùng nhau.

Mỗi năm có nhiều lần gặp gỡ nhưng dịp 19-1 luôn có những khoảnh khắc bùi ngùi, buốt đau trong câu chuyện của những người cuối cùng chứng kiến hình hài Hoàng Sa trước lúc rơi vào tay quân Trung Quốc.

(còn tiếp)

Thăm và tặng tập tư liệu quý hiếm cho các Thăm và tặng tập tư liệu quý hiếm cho các 'nhân chứng Hoàng Sa'

Thăm những người đã từng sống và làm việc tại quần đảo Hoàng Sa, UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) đã tặng tập Tư liệu Hoàng Sa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên