20/09/2019 11:51 GMT+7

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 4: Đau đáu làng đóng tàu Cổ Lũy

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Nghề đóng tàu cá ở Cổ Lũy (thuộc hai xã Nghĩa An và Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi) nổi tiếng khắp cả nước.

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 4: Đau đáu làng đóng tàu Cổ Lũy - Ảnh 1.

Cổ Lũy giờ đã hiếm những con tàu lớn được đóng mới - Ảnh: TRẦN MAI

Đội thợ điêu luyện đóng tàu nghìn mã lực từng là nơi ngư dân khắp các tỉnh miền Trung tìm đến, tin tưởng trao sản nghiệp cả đời để đổi lại chiếc tàu khơi xa.

Vàng son một thuở

Năm năm trở lại đây, triền đà bỗng đìu hiu khi đại dương cạn kiệt cá tôm. Nhưng ở khắp triền đà vẫn còn nguyên mũi đục, nét bào. Những người thợ kiên trì giữ nghề, họ tin đến ngày những con tàu sản sinh từ Cổ Lũy sẽ lại lướt sóng ra khơi.

Triền đà Phổ An (xã Nghĩa An), chiều tháng 9, nắng đổ dài nơi cửa biển. Những chiếc tàu phai màu sơn và ván cũ được thay mới trở nên rực rỡ. Ông Cao Tuấn (60 tuổi) - người thợ già nhất triền đà Phổ An - chui xuống gầm tàu lắp lại khoang đông cá. Chiếc máy quạt cũ tạo tiếng kêu rè rè không đủ xua đi hơi nóng trong khoang và mồ hôi cứ thế đổ dài trên gương mặt người thợ già.

Đôi tay những người thợ đóng tàu như ông Tuấn trước đây chỉ tạo tác những "gã khổng lồ nghìn sức ngựa", nay lùi xuống khoang tàu làm việc giản đơn. Chỉ tay về khoảng đất trống thênh thang trước cây đa làng, ông Tuấn bảo rằng cách đây chừng năm năm triền đà chật kín gỗ. Vài chục trai tráng lực lưỡng chung sức với máy móc dựng những thân gỗ nặng cả tấn tạo bộ khung cho con tàu lớn, và thầy thợ bắt đầu biến gỗ thành đội tàu chinh phục đại dương.

"Dân Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình, kể cả Phước Tĩnh trong Nam... đến đây đóng tàu rất nhiều, bởi họ tin vào tay nghề chúng tôi. Chủ tàu có bất kỳ yêu cầu gì cho phù hợp với nghề biển, chúng tôi đều làm được. Triền đà lúc nào cũng có chục con tàu đóng mới" - ông Tuấn tự hào.

Thời vàng son Cổ Lũy trôi qua. Năm năm qua quá ngắn để kịp thích ứng với những đổi thay. Nhưng với ông Tuấn, nghề như sóng biển lúc này lúc khác, không thể thịnh mãi được. Và chính vào những lúc vàng phai như thế này, những người thợ già mới thấy được giá trị giữ nghề vượt qua dặm dài lận đận mà cha ông họ từng trải qua.

Đếm quanh triền đà Phổ An, có chục chiếc tàu đang sửa chữa. Phía bên kia sông, triền đà Nghĩa Phú (xã Nghĩa Phú) cũng có chừng ấy chiếc tàu cập bờ sửa chữa sau sóng gió. Ông Tuấn bảo rằng: "Như vậy đã là hạnh phúc lắm rồi. Nhân cơ hội này, chúng tôi sẽ cầm tay chỉ việc cho các cháu trẻ hơn từng công đoạn cụ thể, sau này thuần nghề nhanh hơn". 

Giữa tứ bề lao đao, họ vẫn giữ trong mình khát khao truyền nghề, và có những người trẻ vẫn ra triền đà học lấy nghiệp nghề tiên tổ để lại.

Chiều bình yên rải ánh vàng nơi kề giang cận hải. Nhóm thợ già trẻ ngồi quanh kể thuở vàng son của Cổ Lũy với những người đi vào huyền thoại đóng tàu. Ông Năm Xuân là một trong số đó - người thợ từng đưa trai tráng Cổ Lũy đi khắp nơi đóng tàu đã về thiên cổ ngót hai thập niên. 

Nhưng ai cũng thấy tự hào, dấu chân ông Năm Xuân đi đến đâu, đôi tay tài hoa của người thợ đóng tàu Cổ Lũy lại thi triển tài nghệ đến đó. Tổ quốc có thêm những chiếc tàu dọc ngang biển cả, khẳng định chủ quyền.

Nghe mọi người nói về "lão quái kiệt" Năm Xuân chẳng cần bản vẽ, máy móc, chỉ nhìn bằng mắt, canh chuẩn bằng thước nước (cái ống bên trong có nước) vẫn chỉ đạo anh em đóng con tàu đạt đến độ hoàn mỹ, ông Tuấn vui lắm. Ông Năm Xuân chính là cha ông Tuấn, người dạy nghề đóng tàu cho biết bao trai tráng xứ này. Và ông Tuấn cũng thừa hưởng tất cả tuyệt kỹ đóng tàu của cha chân truyền.

Những khoang tàu chứa nước biển, nuôi hải sản sống cả tháng trời trên biển thịnh hành chục năm gần đây đã từng được ông Năm Xuân bàn bạc thợ thầy nghiên cứu từ hơn hai thập niên trước. Ông Năm Xuân rời khỏi triền đà mãi mãi sau một trận đau tim. Lúc ông mất, biết bao thợ đóng tàu và chủ tàu khóc tiễn đưa. Họ thương người đàn ông dành cả đời mình vào những sáng kiến trên tàu, giúp ngư dân đánh bắt hiệu quả.

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 4: Đau đáu làng đóng tàu Cổ Lũy - Ảnh 2.

Những người thợ đóng tàu ở Cổ Lũy nổi tiếng giỏi nghề - Ảnh: TRẦN MAI

Chờ cuộc phục hưng

Bản hòa tấu của biển những năm gần đây trở nên khắc nghiệt. Sự tươi vui từ những phiên biển bạc tỉ thay bằng nốt trầm nợ nần. Cá tôm cạn kiệt, rồi khó khăn đến từ nhân tai trên từng mét nước chủ quyền ngày một nhiều hơn.

Ý chí biển khơi của người Việt trên biển còn đó, nhưng ngư dân không còn đủ sức gượng dậy sau những thất bại liên tục. Nghề biển oằn mình từ dưới nước lên tận bãi bờ. Những làng chài bạc tỉ ở Cổ Lũy đang đối diện với nợ nần. Những đôi tàu cả chục tỉ đồng nằm ở vũng neo đậu trở thành gánh nặng. Những ngôi nhà đóng cửa, chủ nhân bỏ đi lánh nợ ngày một nhiều. Mới đây nhất, ngư dân xã Nghĩa An gửi lá đơn kêu cứu trình chính quyền xem xét giãn khoản nợ đến hạn trả đang kéo nghề biển xa dần thời vàng son.

Chủ tàu Mai Văn Bích đưa chiếc tàu đánh bắt gần bờ lên triền đà sửa chữa, ông bảo chỉ cần nhìn các triền đà sẽ hiểu khó khăn của nghề biển bây giờ. Tàu càng to, tổn phí đi biển càng nhiều sẽ lỗ nặng. Câu chuyện của ông Bích đủ để lý giải những triền đà ở Cổ Lũy bây giờ chỉ toàn tàu nhỏ sửa chữa. "Tàu nhỏ tối đi sáng vào, kiếm được chục triệu đồng chia nhau, thế mà sống được. Triền đà nhờ những con tàu nhỏ này mà còn hoạt động", ông Bích nói.

Lay lắt với nghề đóng tàu thật sự là nỗi đau với Cổ Lũy. Cửa biển Cửa Đại y hệt hình cánh cung siết mạnh. Thời huy hoàng nhất quy tụ cả nghìn người thợ, họ làm ngày đêm để những chiếc tàu nhanh xuống nước, lướt sóng Biển Đông. Ông Minh - người thợ cả ở Cổ Lũy - nhìn triền đà Phổ An chỉ toàn những người thợ luống tuổi cầm tay chỉ việc cho vài người trẻ thở dài: "Tin là nghề sẽ thịnh trở lại nhưng chẳng biết cụ thể khi nào".

Ông Minh lấy tay vuốt mái tóc xơ cứng vì nắng gió, bảo rằng nghề đóng tàu ăn vào máu người Cổ Lũy, có gia đình chục đời theo nghề. Hiện nay nhiều thợ trẻ xứ này "đi Nam" mưu sinh là vạn bất đắc dĩ. Nhưng chiếc cưa, mũi dùi, mũi đục như vật gia bảo còn để lại nhà thì ngày trở về của thế hệ ấy chắc chắn sẽ đến. 

Ông Minh quả quyết: "Đám trẻ đi vậy thôi chứ có tàu đóng mới, chúng tôi điện thoại là lập tức trở về. Sản nghiệp, nghề tinh hoa của tổ tiên dễ gì ai bỏ được".

Những người như ông Tuấn, ông Minh còn ở lại triền đà. Tiếng máy cưa, máy bào không ồn ào được như xưa nhưng vẫn cố chạy đều. Họ vẫn tin biển mẹ sẽ đầy cá tôm trở lại khi ngư dân biết dưỡng biển. Rồi sẽ qua cơn bĩ cực, triền đà lại nhộn nhịp thợ thầy. Âm vang "1, 2, 3 lên, 2, 3 lên" sẽ dựng đứng thân gỗ, dần lộ ra bộ khung tàu đồ sộ.

Đôi tay người thợ Cổ Lũy sẽ lại phác nét tài hoa, kéo khát vọng chinh phục đại dương của vùng đất biển cả này hồi sinh. Và có lẽ đúng như ông Tuấn nói: "Sự kết thúc của hoàng hôn là khởi đầu cho bình minh. Nghề đóng tàu cũng như mặt trời sẽ lại tỏa sáng".

"Lúc tôi 20 tuổi bắt đầu theo cha đi Bình Định, Quảng Nam đóng tàu. Hồi đó chủ tàu đến làng mời thợ về tận nhà. Họ tiếp đãi rất chu đáo, còn chúng tôi ở lại cả nửa năm trời để đóng tàu. Sau mỗi phiên biển, chủ tàu đều ghé về Cửa Đại, biếu hải sản cảm ơn. Ngày ấy, dù tàu không được cả nghìn mã lực như bây giờ nhưng nghề rất huy hoàng" - ông Tuấn nhớ lại vàng son một thuở.

__________________________

Kỳ tới: Chàng thợ rèn lãng tử

Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 3: Một đời Lửa nghề truyền mãi ngàn sau - Kỳ 3: Một đời 'tứ tuyệt cầm'

TTO - 12h trưa, tiếng đục đẽo lách cách vẫn vang trong ngôi đình Châu Thới (xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, Bến Tre). Ông Chín Quý đầu bạc trắng ngồi xòa trên nền đất, cặm cụi gọt giũa tấm gỗ hương cho ra dáng cây đàn guitar.


TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên