17/09/2019 19:30 GMT+7

Người gìn giữ 'thiên cổ đệ nhất trà' ở Hà thành

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Lặng lẽ mà cháy bỏng đam mê, họ là những người đang âm thầm gìn giữ ngọn lửa nghề truyền thống trân quý cho đời sau...

Người gìn giữ thiên cổ đệ nhất trà ở Hà thành - Ảnh 1.

Hơn 90 tuổi, cụ Dần vẫn mải mê bên hoa sen - Ảnh: HÀ THANH

Từ 1.000 hoa sen, trải qua năm lần ướp, sấy kỳ công mới làm ra 1kg trà thượng hạng được mệnh danh "thiên cổ đệ nhất trà". Suốt bảy thập niên giữa lòng Hà Nội, có một cụ bà đến tuổi xưa nay hiếm vẫn tâm huyết gìn giữ cách làm trà sen độc đáo này.

1.000 hoa sen, 1kg trà

Những ngày đầu tháng 6 âm lịch, ngôi nhà nép mình bên con phố Tô Ngọc Vân (Tây Hồ, Hà Nội) tỏa hương thơm thanh dịu.

Trong căn nhà nhỏ, ba thế hệ tay chân thoăn thoắt. Cô con gái phân loại hoa sen, cô cháu gái tách cánh hoa, còn cụ bà tóc trắng như cước khéo léo tách nhị sen, lẩy từng hạt gạo thơm tinh túy.

70 năm gắn bó với giống sen quý Tây Hồ, nghệ nhân Nguyễn Thị Dần (95 tuổi) là một trong số ít người còn sống chứng kiến bao đổi thay của nghề làm trà sen nổi tiếng. Mỗi năm một mùa, cụ Dần nhẩm tính sen bung nở thơm nhất từ "tháng 4 ta" đến hết "tháng 6 ta" (âm lịch).

Để làm ra loại trà thượng hạng, cụ "bật mí" phải hái những bông hoa chúm chím nở từ sáng sớm, sau đó đem về tách nhị hoa, lẩy ra hạt gạo ướp với loại trà Thái Nguyên đặc sản.

"Làm sen kể khó thì không khó lắm đâu nhưng vất vả, cần tỉ mỉ, lâu công. Khó với những người không biết chứ tôi làm quen rồi, không khó nữa" - bước sang tuổi 95, nghệ nhân Nguyễn Thị Dần vẫn minh mẫn chuyện trò cùng con cháu, trong lúc tay cụ không ngơi nghỉ tách nhị sen.

Cầm hoa sen trên tay, cụ nói hàng trăm cánh hoa ôm trọn thế này nhưng phải bỏ hết tất cả, chỉ giữ lại phần hạt quý giá.

"Mỗi một cân trà sen phải làm từ 1.000 bông hoa sen, nếu 1.000 bông không đủ thì 1.200 bông. Sau đó trải qua năm lần ướp - sấy mới làm ra loại trà sen thơm ngon. Cho nên làm trà sen cầu kỳ lắm, hoa đã đắt, công làm còn đắt hơn, nhưng tôi vẫn làm để truyền lại cho con cháu đời sau" - cụ Dần tâm niệm.

Người làm trà sen ở Tây Hồ nhiều nhưng không phải ai cũng làm cầu kỳ, tinh tế như nghệ nhân Nguyễn Thị Dần. Không có bất kỳ máy móc hiện đại nào trong căn nhà, trà sen được làm ra từ chính đôi tay khéo léo của những người dân Hà thành.

Cụ khẳng định: "Quan trọng nhất là khéo léo tách nhị không làm dập hạt gạo, hương sẽ đạt chất lượng tốt nhất. Kế đến là khâu sấy phải vừa đủ nhiệt để sen không quá khô gây cứng trà, hay non nhiệt quá sẽ bị mốc".

Cũng bởi sự tỉ mẩn, kỳ công đó nên giá thành của "thiên cổ đệ nhất trà" khá "chát", dao động 7-10 triệu đồng/kg.

Người gìn giữ thiên cổ đệ nhất trà ở Hà thành - Ảnh 2.

Ba thế hệ cùng say đắm nghề làm trà sen - Ảnh: HÀ THANH

Đời người, đời hoa

Cụ Dần nhớ rất rõ, tuổi đôi mươi quàng đôi quang gánh gánh sen đi khắp phố phường Hà Nội. Năm 25 tuổi, cô thiếu nữ bắt đầu học cách làm trà sen. Ngày đôi chân còn dẻo dai, mắt còn tinh anh, cô tự tay ra hồ hái sen đi bán, tự mình ướp trà và pha lấy ấm trà sen thưởng thức hương vị thanh mát.

Từ đôi quang gánh đến thời đạp xe rong ruổi khắp các chợ, đến nay cũng ngót hơn bảy thập kỷ cụ Nguyễn Thị Dần gắn chặt với nghề. Sen gắn bó từ đời ông bà, đời cha mẹ cho đến đời mình, cụ Dần luôn tâm niệm: "Các cụ mất hết rồi, tôi còn sống thì tôi giữ nghề này, thứ nghề gắn bó với tôi từ tuổi trẻ cho đến bây giờ".

70 năm trôi qua, cụ vẫn lưu giữ cách làm thủ công từ thời trước, chỉ có điều tuổi càng cao sức khỏe yếu dần nên việc hái hoa sen cụ nhờ con cháu hỗ trợ. Còn công đoạn tinh tế nhất là tách nhị sen, ướp trà đòi hỏi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân.

"Người ta sấy bằng điện hay bằng gì tôi không biết, nhưng nhà tôi sấy thủ công bằng tay hết. Đây cô xem, "công nhân" nhà tôi này: con gái tôi, con dâu, cháu nội tôi, toàn "công nhân" người nhà thôi" - cụ Dần dí dỏm.

Người gìn giữ thiên cổ đệ nhất trà ở Hà thành - Ảnh 3.

Đôi tay tỉ mẩn khéo léo của cụ Dần tách từng hạt gạo sen - Ảnh: HÀ THANH

Nối nghiệp làm sen

Trong căn nhà ngập tràn hương sen, tiếng cười nói rộn vang khiến những vị khách đến chơi vui lây. Cụ Dần khoe "chiến tích" là mủng (thúng nhỏ) gạo sen trắng vừa mới tách được: "Đây, tôi vẫn làm đây này".

Con cháu ngồi vây quanh hùa nhau bông đùa: "Cụ mà không làm thì ai cho cụ ăn bây giờ", rồi cả nhà cười phá lên xua đi không khí oi bức của ngày hè tháng 6.

Con cháu học theo cụ mỗi người một công đoạn từ hái sen, tách vỏ, tách nhị đến ướp trà. Mỗi ngày làm nghề, cụ đều nhắc nhở con cháu "trước làm thế nào thì sau phải làm vậy".

Phần mình nay bước sang tuổi 95, cụ vẫn luôn tay luôn chân với hoa sen, con cháu kể có hôm cụ ốm nhưng hễ ngửi được hương thơm là gắng gượng dậy làm cùng con cháu.

"Bố mẹ tôi làm rồi truyền cho tôi làm, nay truyền lại cho con cháu. Tôi dặn dò con cháu có tiền của cũng không để làm gì, có gìn giữ nghề truyền thống này mới bền lâu" - cụ Dần nói.

Ông Nguyễn Ngọc Đính (45 tuổi, cháu nội cụ Dần) là người lẽo đẽo theo bà học làm trà sen từ thuở bé. Tính tình nền nã, ông thật thà nói có lẽ tính cách của mình giống với cốt cách của hoa sen nên mới gắn bó được lâu đến vậy.

Ông tâm sự đàn ông hay phụ nữ làm trà sen chẳng khác nhau là bao, trà sen đòi hỏi tỉ mẩn, khéo léo thì những người đàn ông như ông cũng có hoa tay khéo léo nâng niu từng bông sen thơm ngát.

"Đàn ông làm trà sen cũng nhiều lắm chứ, đàn ông có hoa tay còn khéo léo hơn phụ nữ ấy chứ" - ông Đính dí dỏm nói vui. Cũng nhờ làm "nghề tay trái" này mà mỗi năm đến mùa sen, thu nhập của gia đình ông Đính tăng lên đáng kể.

Còn cô cháu gái Nguyễn Thị Trang (16 tuổi) năm nay lẽo đẽo theo cụ Dần xin học nghề. Vốn yêu hoa sen, Trang nói làm trà sen dù khó đến đâu hay ngồi học lâu đến mấy cũng chịu được.

"Học lâu mới thành nghề vì nhiều công đoạn rất tỉ mỉ, nhưng khó mấy cũng phải kiên trì để rèn nghề. Đầu tiên em học công đoạn tách cánh to, cánh bé, khó nhất là tách hạt gạo vì không khéo sẽ bị dập nát" - Trang chia sẻ "lộ trình" theo đuổi nghề.

Hiện nay không chỉ làm trà sen thượng hạng, gia đình cụ Dần còn làm thêm "trà xổi" ướp trực tiếp trong hoa sen bán với giá 30.000 đồng/búp.

Yêu sen trọn cả đời người, niềm hạnh phúc lớn nhất của nghệ nhân Nguyễn Thị Dần là ngày ngày thấy con cháu quây quần vui cửa vui nhà.

Cụ nhẩm tính Hà Nội có 12 mùa hoa chứ riêng nhà cụ tháng giêng ướp hoa bưởi, tiếp đến ướp hoa nhài, hè đến hoa sen, rồi đến hết mùa sen thì hoa nhài tiếp tục nở rộ. Bởi vậy nhà cửa lúc nào cũng tấp nập đông vui.

Cả một đời trăn trở với sen, nghệ nhân mong muốn vùng đất Tây Hồ tiếp tục mở rộng thêm nhiều đầm sen, để những người làm nghề như gia đình cụ có nguồn hương hoa đất trời mà lưu truyền mãi trà sen tinh túy.

Một đời gắn với sen, cụ Dần “bật mí” bí quyết là “làm tử tế, không trà trộn” mới giữ được nghề bền lâu. Người nghệ nhân tâm niệm rằng hoa sen có nhân có nhị tức “có nghĩa, có tình”, do đó mỗi một ngày làm nghề phải làm đến nơi đến chốn.

“Bây giờ người ta làm muôn hình muôn vẻ lắm, hàng giả trộn lẫn nhiều. Mình cứ giữ nghề của mình mà làm. Sen nhà tôi đây, trà tôi làm đây” - cụ tâm sự trong lúc đôi tay thoăn thoắt tách từng nhị sen.

Nghề... Nghề... 'xỏ lá' giữa Hà thành

TTO - 13 năm trước, cứ 3 ngày chăm chỉ đan lát lá dừa ước chừng anh Nguyễn Mạnh Thắng kiếm về 2 chỉ vàng, nay chăm chỉ cũng thu tiền triệu/ngày. Nhưng với anh, niềm vui thích nhất là truyền được thú chơi độc đáo này cho những đứa trẻ ham mê sáng tạo.


HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên