Leo núi Phú Sĩ

(RIG - VEDA) 21/08/2008 20:08 GMT+7

TTCT - 2g sáng trên đỉnh Phú Sĩ, tôi đẩy tấm cửa lùa bước ra khỏi trạm nghỉ Gansomuro nằm ở chặng thứ 8, cao 3.250m.

Phóng to
Đường lên đỉnh Phú Sĩ

Tôi ngước mắt nhìn trời khuya. Không chút trăng sao. Chầm chậm bước đến bờ vực, tôi tò mò nhìn xuống lũng sâu bên dưới. Tối đen và đặc quánh. Tôi nhắm mắt rồi từ từ mở ra. Vẫn một thứ bóng đêm dữ dội chẳng biết là vô hình hay hữu hình. Một thứ bóng đêm tuồng như che kín mắt người phàm khỏi một điều huyền bí. Cảm nghiệm sơ khai của con người về bóng đêm luôn gắn liền với cái chết.

Tự dưng tôi rùng mình liên tưởng đến bóng đêm trên đỉnh Phú Sĩ hệt như cái chết của một vị thần bị đọa đày nào đó mà tiếng gió rít lạnh lẽo nghe như hơi thở trối trăng từ lòng núi? Tôi thấy sợ, chân tự bước lùi, rồi lại đứng im trong lặng lẽ... Và khi cơn mưa sương tràn tới rét cắt da thịt, tôi nghiêng mình cúi chào bóng đêm rồi đành quay về trạm nghỉ ấm áp ánh đèn vàng.

Vùi mình vào lớp chăn, tôi duỗi nhẹ người để những người xa lạ đang... ngáy sát bên cạnh khỏi giật mình tỉnh giấc. Một đêm trú tại trạm nghỉ này có giá gần 5.400 yen (khoảng 800.000 đồng) cho một lần được nằm xếp lớp với các thần dân đi leo núi đủ loại quốc tịch, giống như những miếng sushi chen chúc trong hộp nhựa tôi mua theo để dành ăn tối. Thời tiết đêm nay “trở quẻ” với đầy đủ mưa sương cùng gió lạnh, khiến mọi người phải bỏ dở kế hoạch leo thẳng lên đỉnh và lui vào nơi đây hưởng chút hơi người.

Tôi dự tính nghỉ thêm một lát, đợi khi gió lặng mưa dừng sẽ vác balô leo tiếp để kịp đón mặt trời mọc trên độ cao 3.776m mà người Nhật đặt tên là goraiko (với từ go đứng đầu), thay vì dùng chữ hinode để chỉ bình minh. Đâu ngờ, sau sáu giờ leo núi mệt mỏi từ chặng 5, tôi ngủ thiếp lúc nào không hay.

Khi choàng tỉnh, tôi chạy vội xuống tầng trệt, mặt trời đã lên quá chân trời, chói lóa. Tôi cũng không có thời gian nuối tiếc để hụt mất giây phút ngắn ngủi buổi hừng đông được xem là kỳ ảo nhất xứ mặt trời mọc. Vì lúc đó ánh sáng vàng rực đã phà lên khuôn mặt ngái ngủ của tôi một nỗi hân hoan kỳ lạ. Có lẽ con người sống trong một tinh cầu mang tên Trái đất từ thuở hồng hoang đã biết đến niềm vui sướng được chiêm ngưỡng mặt trời, từ xa lơ xa lắc gần 150 triệu cây số, chắc chắn là xa lơ xa lắc nhất và chói sáng nhất trong số những nguồn sáng mà mắt thường nhìn thấy được, rồi bâng khuâng tự hỏi:

Phóng to
Miệng núi lửa
Đấng nào đã gây ra sự sáng tạo đẹp đẽ đó,
Là do vô tình hay hữu ý?

Tôi buột miệng “trời ơi”, và khi nhận ra mình, cũng chẳng biết vô tình hay hữu ý, cảm thán về một câu hỏi hóc búa nhất của con người bèn tủm tỉm cười...

Những sườn núi thoải dài tạo thành một hình nón hoàn hảo, kết quả của những lần phun trào núi lửa ngoạn mục từ cách đây 10.000 năm, để ngọn Phú Sĩ trẻ ngày nay trồi lên khỏi ngọn Phú Sĩ già và ngọn Komitake thượng cổ. Nhìn từ xa, những sườn núi ở độ cao này có màu xám xanh.

Nào ngờ, dưới ánh nắng sớm, chúng hừng lên màu nâu đỏ của đất đá núi lửa, hệt như trong những bức tranh khắc gỗ Ukiyoe của bậc thầy Hokusai, đặc biệt là bức số 2 mang tên “Phú Sĩ đỏ” của bộ “36 cảnh Phú Sĩ”. Một vệt băng trắng ngần nằm ở mạn đông bắc còn sót lại giữa mùa hè, cho kẻ thưởng ngoạn chút hình ảnh núi tuyết lấp loáng mùa đông. Núi Phú Sĩ hầu như ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm thụ thẩm mỹ của người Nhật, trong các tác phẩm nghệ thuật thị giác trưng bày ở bảo tàng cũng như trong thiên biến vạn hóa các chất liệu cuộc sống.

Từ chặng 8 lên đến đỉnh là quãng đường gian nan nhất đối với những tay leo núi tài tử. Lối lên được xếp đá cẩn thận, biển báo và cọc cắm giăng khắp nơi. Có điều, không khí bắt đầu loãng dần khiến người leo núi mau mất sức, hụt hơi. Các bác trung niên bắt đầu dùng đến bình oxy cầm tay. Cứ leo được chừng 10 phút tôi phải ngồi thở 2-3 phút, và phải khó khăn lắm tôi mới giương được máy hình lên chụp một tấm chiếu lệ.

Chẳng bù lúc mới khởi hành, từ chặng 5 lên chặng 6, khi đi ngang qua rừng tùng đẹp man dại tôi vừa dư sức chọn góc máy, canh ánh sáng, vừa nhẩn nha đọc thơ của Basho: “Ơ Tùng đảo, kia Tùng đảo, nọ đảo Tùng!”. Giữa chặng 6 đến chặng 7 tôi còn lẩn thẩn ngắm mấy bông hoa dại xinh xắn bừng nở trên nền đá nhám sì. Đến chặng 7 lên chặng 8 tôi nối đuôi theo một đám học sinh trung học và sẵn sàng hò hét, ca hát hay bắt chuyện để học lóm mấy câu tiếng Nhật.

Phóng to
Tác giả leo núi cùng các cụ già!

Cứ thế mà tiến dần lên. Và rồi từ xa xuất hiện cánh cổng torii (thường là cổng của đền thờ Thần đạo) đánh mốc chặng cuối mang ý nghĩa thanh tẩy của những kẻ leo núi trước khi chính thức bước vào khu vực thiêng: vành núi lửa Phú Sĩ. Tôi vừa chuẩn bị tinh thần để đón nhận không khí an lành trên đỉnh non ngàn này, thì lập tức bị dội ngược vì cảnh tượng nhốn nháo của một cái chợ trời, theo đúng nghĩa đen: dưới chợ trên trời! Hàng chục quầy hàng be bé, chộn rộn chen chúc với đầy đủ các mặt hàng lưu niệm thương mại hóa hình ảnh núi Phú Sĩ từ quạt nan cầm tay, móc khóa, bưu thiếp, quần áo, khăn cờ...

Những người bán hàng hô vang “irrashaimaseeee”, chào mời du khách mua sắm, nhộn nhịp chẳng kém cửa hàng bách hóa Mitsukoshi khu Ginza, Tokyo. Ở các quán ăn, dân tứ xứ kẻ đứng người ngồi say sưa húp rồn rột mì ramen hay udon bên cạnh các máy bán nước giải khát tự động vốn chiếm lĩnh mọi góc đường, hè phố của bất cứ đô thị nào ở Nhật.

Nhưng đông đúc nhất phải kể đến hai chỗ: một gian đền thờ nơi người người vào xin xăm cầu chúc may mắn, hóa giải tai ương; và trạm bưu điện sẵn sàng đóng vào bưu thiếp gửi người thân một cái mộc đáng để tự hào: đỉnh Phú Sĩ. Tôi lẳng lặng tìm một bục gỗ thông, kê balô làm gối và nằm dài ngắm một biển mây bay đẹp lạ lùng dưới chân núi. Có bao giờ tôi leo lên được độ cao đáng kể này để an nhàn thấy gió đùn mây bay dào dạt trong một bể ánh sáng hào sảng, sá chi giọng hát mèo con của một nữ hoàng nhạc pop Nhật trên nền nhạc điện tử rậm rật. Đây có phải là thiền không?

Phóng to
Ngăm nhìn mây trăng bay...

Phần lớn người Nhật đi hành hương đều dạo một vòng xung quanh miệng núi lửa, hình dáng kỳ dị cấu thành bởi những tầng trầm tích đất đá khác màu, trước khi xuống núi. Đường xuống khác hẳn đường lên. Những con dốc thoải xôm xốp đá magma vụn khiến nhiều người té giữa đường. Một cô bé con, bé nhất trong những em bé Nhật, hăng hái vác gậy leo núi mà tôi gặp đang ngồi thở hổn hển bên một dốc cua.

Em mệt đến nỗi không đi được nữa mà mẹ em cứ thúc em đứng dậy. Hằng năm, gần 400.000 người Nhật đi leo núi Phú Sĩ, trong đó trẻ em tiểu học cũng nhiều không kém các cụ già đến tuổi thượng thọ. Núi Phú Sĩ tương đối dễ leo, không cần trang bị các dụng cụ leo núi chuyên nghiệp, nhưng không dễ như gặm một miếng bánh rán! Tôi ngờ rằng người Nhật huấn luyện trẻ con tập leo trèo từ bé, để khi lớn lên các em dư sức chinh phục những ngọn núi khác hiểm nghèo hơn trên thế giới...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận