Dự án kênh Phù Nam Techo: Vấn đề chia sẻ thông tin

THANH TUẤN 11/05/2024 09:34 GMT+7

TTCT - Dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia gây chú ý gần đây khi xuất hiện lo ngại dự án sẽ làm thay đổi dòng chính sông Mekong, tác động tới vùng lũ và sinh kế người dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Ảnh: Getty

Ảnh: Getty

Chỉ ngắn hơn kênh đào Suez 13km, dự án 180km này dự kiến nối thủ đô Phnom Penh của Campuchia với tỉnh Kep, giáp biên giới Việt Nam. 

Được coi là nỗ lực hồi sinh hệ thống sông ngòi lịch sử Campuchia, con kênh với bề rộng 100m và sâu 5,4m có thể phục vụ tàu 3.000 tấn vào mùa khô và 5.000 tấn vào mùa mưa.

Theo China Global South Project, con kênh sẽ kéo dài từ khu vực Prek Takeo của sông Mekong tới Prek Ta Ek và Prek Ta Hing của sông Bassac (sông Hậu) và đi qua bốn tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep, với ba hệ thống âu tàu, 11 cầu và 208km đường ven bờ được xây dựng bởi Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC) theo mô hình BOT. 

Thủ tướng Campuchia Hun Manet ủng hộ mạnh mẽ dự án, và nói nó không có tác hại gì tới môi trường, đặc biệt là tới dòng Mekong đi qua nhiều nước ASEAN.

Tối 5-5, trả lời báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói: "Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia theo tinh thần của Hiệp định Mekong 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mekong và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước". 

Về dự án kênh Phù Nam Techo, bà Hằng nói Việt Nam mong "Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong cùng các biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước và tài nguyên nước sông Mekong".

Cần tuân thủ hiệp định Mekong 1995

Một số chuyên gia lo ngại dự án không đảm bảo tuân thủ Hiệp định Mekong 1995 - được ký kết giữa Campuchia, Thái Lan, Lào và Việt Nam về cam kết hợp tác trong quản lý dòng sông. 

Ông Brain Eyler, giám đốc về nước và phát triển bền vững ở Trung tâm Stimson, nói Campuchia là thành viên của Hiệp định Mekong 1995 và cần tuân thủ các điều khoản quy định Ủy hội sông Mekong (MRC) sẽ điều phối các hoạt động xuyên biên giới.

Campuchia thực tế có thông báo với MRC hồi tháng 8-2023, nhưng "đã sai sót" khi nói con kênh chỉ là dự án trên nhánh phụ. Theo ông Eyler thì dự án này là ở nhánh chính, ảnh hưởng tới cả dòng chính Mekong và Bassac (sông Hậu). Vấn đề này quan trọng do liên quan tới câu hỏi có cần MRC đánh giá các tác động xuyên biên giới của dự án hay không.

"Nếu MRC có thể làm phần việc của mình chỉn chu, việc đánh giá tác động môi trường và xã hội của con kênh sẽ được công khai. Đánh giá của MRC cũng sẽ đưa ra những hướng dẫn giảm thiểu tác động", ông Eyler nói, và đánh giá con kênh sẽ có tác động về mặt môi trường xuyên biên giới, không chỉ với Campuchia, mà cả với Việt Nam. 

Vì vậy, đánh giá kỹ thuật tổng thể bởi MRC là cần thiết để "tạo ra dự án tốt hơn với ít ảnh hưởng hơn". Cho tới giờ, dù phía Campuchia nói có một loạt các nghiên cứu cho thấy "không có tác động về môi trường", nhưng các nghiên cứu này chưa được công bố công khai.

Ban thư ký MRC nói với Nikkei Asia là họ đã "yêu cầu và vẫn đang chờ thêm thông tin từ Campuchia".

Ảnh: logistics.gov.vn

Ảnh: logistics.gov.vn

Cắt đôi vùng lũ

Nhìn bản thiết kế hiện tại, nếu các cống và âu tàu được vận hành tốt, con kênh sẽ không lấy nước từ dòng chính sông Mekong. Tuy vậy, quan ngại của ông Eyler là việc con kênh sẽ cắt đôi vùng lũ lớn giữa Kandal và Takeo - vốn cũng chảy vào khu vực ĐBSCL của Việt Nam. 

Khu vực kết nối này tạo ra vùng nông nghiệp trù phú (một số loại gạo tốt nhất của Campuchia là từ đây) cùng nguồn lợi thủy sản mà môi trường sống có thể bị đe dọa. 

Theo ông, cách tốt nhất là tìm các phương án khác cho dự án như dọc các tuyến đường cao tốc và đường sắt hiện hữu tới cảng ở Sihanoukville. Nếu việc xây cảng là cần thiết thì điều quan trọng là tác động tới các tiến trình lũ tự nhiên cần được giảm thiểu, với cả Campuchia và Việt Nam.

"Con kênh sẽ tạo ra các vùng khô hạn về phía nam, bao gồm tỉnh An Giang và Kiên Giang của Việt Nam, trong khi tạo ra khu vực nhiều nước hơn ở phía Bắc - điều làm trầm trọng hơn lũ lụt ở Takeo và các vùng ngoại ô phía nam Phnom Penh", ông Eyler đánh giá. 

"Con kênh sẽ thay đổi dòng chảy tự nhiên của vùng lũ, vốn đang tạo ra những lợi ích kinh tế cho hàng trăm nghìn người dân ở Campuchia và hàng triệu người dân ở Việt Nam".

Một giải pháp có thể nghiên cứu là dịch chuyển con kênh lên phía bắc để thay vì cắt ngang vùng lũ hiện tại, nó sẽ đi qua vùng đất khô. Để đánh giá việc này, MRC là tổ chức tốt nhất. 

"Tôi lo ngại nhất về tác động tới vùng lũ và những hậu quả không lường trước được. Nếu có cách để di dời hoặc thiết kế lại quá trình giảm thiểu tác động của con kênh thì MRC có thể quyết định. MRC tham gia sẽ giúp công trình cuối cùng tốt hơn và giảm những lo lắng", ông Eyler nói.

Tại hội nghị tham vấn về kênh đào này ở Cần Thơ hôm 23-4, các chuyên gia đều đánh giá dự án có tác động đáng kể đến các quốc gia trong khu vực, nhất là vùng ĐBSCL của Việt Nam. PGS Lê Anh Tuấn, chuyên gia biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, nói: 

"Việc chuyển nước này liên quan đến dòng chính của sông Mekong, chứ không phải dòng nhánh hay phụ lưu gì cả, bởi nó lấy nước của cả sông Tiền, sông Hậu trước khi đến Việt Nam". 

Theo ông Tuấn, lượng nước xả qua âu thuyền là 3,6m3/giây, nhưng không nói cụ thể là trung bình năm, tháng hay ngày, và việc lấy nước thời điểm mùa khô hạn sẽ khác thời điểm mùa mưa.

Chuyên gia này giả định khi ĐBSCL vào mùa khô, lúc cần nước nhất, với mức xả như trên và thời gian vận hành trung bình là 10-15 giờ/ngày, thì lượng nước bị lấy đi là khoảng 7,6% tổng lượng nước sông Mekong. "Tính toán của Tổng cục Thủy văn gửi cho Ủy ban sông Mekong Việt Nam với con số (lượng nước bị lấy đi) dao động từ 6-10%, trong khi con số của tôi là 7,6%, tức con số này cũng đáng tin cậy", ông cho biết.

Ông Lê Anh Tuấn. Ảnh: NVCC/tuoitre.vn

Ông Lê Anh Tuấn. Ảnh: NVCC/tuoitre.vn

Tuy nhiên, vấn đề khiến chuyên gia này lo lắng hơn là khả năng lượng nước đi qua kênh Phù Nam Techo không chỉ phục vụ cho vận tải thủy như báo cáo của Campuchia, mà còn cho tưới tiêu trong mùa khô. Với mục đích này thì lượng nước sử dụng sẽ rất lớn. 

Theo tính toán, lượng nước cần sử dụng cho 1ha canh tác lúa trong mùa khô (tham chiếu số liệu của Việt Nam) là khoảng 5.000m3. 

"Khả năng nhu cầu sử dụng nước của Campuchia sẽ cao hơn, có thể lên đến 7.000-8.000m3/ha vì đất Campuchia là đất cát, khả năng giữ nước kém hơn ĐBSCL, nhưng chúng tôi lấy con số giả định là 5.000m3/ha giống như ở Việt Nam. Nếu trường hợp phục vụ cho tưới tiêu, khả năng kênh đào Phù Nam Techo sẽ lấy đi ít nhất 50% lượng nước sông Mekong vào mùa khô. Đây là con số đáng kể và ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến phía Việt Nam", ông Tuấn nhấn mạnh.

Kêu gọi minh bạch thông tin về dự án

Hiện cộng đồng quốc tế cũng kêu gọi thông tin minh bạch hơn từ Campuchia. "Người dân Campuchia - cùng người dân các nước láng giềng và khu vực - sẽ có lợi từ sự minh bạch trong bất cứ dự án lớn nào có ảnh hưởng tới quản lý nguồn nước, ổn định nông nghiệp và an ninh ở khu vực", đại diện sứ quán Mỹ ở Phnom Penh nói với Bloomberg.

Khmer Times trích lời Phó thủ tướng Sun Chanthol nói tại Hội nghị thượng đỉnh Campuchia - ASEAN 2024 đầu tháng 4: "Chúng tôi sẽ không lấy nước từ dòng Mekong như một số người lo sợ". 

Ông cho biết dự án được cân nhắc triển khai sau 26 tháng nghiên cứu chi tiết (hiện chưa công khai thông tin) và cho rằng nó sẽ tốt cho cả khu vực khi giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển hàng hóa. 

Các quan chức Campuchia cho rằng con kênh sẽ giúp thay đổi ngành vận tải nước này và có thể giảm chi phí vận tải thủy tới 30%, giúp Campuchia cạnh tranh tốt hơn trong các ngành như dệt may.

Bộ trưởng Giao thông Campuchia Peng Poneo thì nói dự án sẽ được khởi công vào năm nay, dù nghiên cứu khả thi của nhà thầu CRBC mới bắt đầu từ tháng 10-2023 và tới giờ vẫn chưa hoàn thành. 

Ở tỉnh Kep, điểm cuối dự kiến của dự án, hiện vẫn chưa có dấu hiệu gì dự án sắp triển khai. Ở đây dự kiến sẽ có một cảng nước sâu và một đặc khu kinh tế mọc lên trong vùng nay là cánh đồng lúa và bãi chăn thả gia súc.

Ngoài khả năng thay đổi lớn với mùa lũ tự nhiên, dự án này cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm mặn và thay đổi dòng chảy ở các vùng nông nghiệp, kinh tế ở ĐBSCL và đồng bằng Mekong nói chung. 

Tóm tắt đánh giá môi trường của Campuchia nộp cho ban thư ký MRC nói việc sử dụng ba hệ thống đập (âu tàu) dọc kênh sẽ giúp việc xả nước được "kiểm soát hiệu quả", tránh những thay đổi lớn với dòng Mekong.■

Chuyên gia Murray Hiebert của CSIS nhìn trên góc độ kinh tế vẫn tỏ ra nghi vấn khả năng dự án được tiến hành - nhất là với thời hạn 4 năm hiện nay và giữa khó khăn kinh tế của Trung Quốc. "Tôi chưa thấy con kênh có lợi cho Trung Quốc nhiều", ông nói với Nikkei. "Tôi không tin họ muốn chi 1,7 tỉ USD vào dự án này và có thể xây trong 4 năm".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận