07/11/2022 09:56 GMT+7

Làm công nhân may, Chi vẫn khao khát được đi học

DUY NGỌC
DUY NGỌC

TTO - Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, giấc mơ vào giảng đường của tân sinh viên Nguyễn Thị Cẩm Chi trở nên xa vời. Nhận được giấy báo nhập học từ hơn hai tháng nay, nhưng Chi phải tạm gác việc học để xin đi làm công nhân may.

Làm công nhân may, Chi vẫn khao khát được đi học - Ảnh 1.

Từ nhỏ, tân sinh viên Nguyễn Thị Cẩm Chi đã tự bươn chải lo cho bản thân - Ảnh: DUY NGỌC

Ở thôn Láng Me, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận), căn nhà cấp 4 của gia đình em Nguyễn Thị Cẩm Chi đã xuống cấp từ lâu, nằm ngay con hẻm nhỏ. 

Nhặt ve chai để nuôi "con chữ"

Trong khi nói chuyện, cô nữ sinh nghèo liên tục quay mặt đi lau vội những giọt nước mắt, giọng nói bỗng chốc nghẹn lại: "Từ lúc em còn nhỏ, ba mẹ đã đường ai nấy đi, gửi em lại cho ông bà nội nuôi.

Khi em học lớp 3, vì gia cảnh quá khó khăn nên bà nội với các cô, chú khuyên em nghỉ học. Lúc đó em không biết làm gì, đành một buổi đi học một buổi đi quanh xóm nhặt ve chai bán để phụ với ông bà nội.

Em nhặt ve chai đến hết lớp 5 thì các thầy, cô trong trường thấy tội nên đã giới thiệu em vào Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Thuận Bắc và tỉnh để tiếp tục học hết THCS và THPT".

Dù trải qua nhiều khó khăn, thử thách nhưng suốt 12 năm học, Chi luôn là học sinh khá, giỏi. Để có được kết quả cao trong kỳ thi cũng như qua từng năm học là sự nỗ lực không ngừng.

Im lặng khoảng vài phút, Chi tâm sự: "Ba em sau một vụ tai nạn giao thông tính tình bắt đầu thay đổi, nhậu say về lại chửi bới, nhiều lúc còn đánh ông nội và em. Giờ em chuyển ra ngoài thuê trọ ở riêng để vừa đi làm kiếm tiền, vừa tránh những lời chửi bới của ba…".

Làm công nhân may, Chi vẫn khao khát được đi học - Ảnh 2.

Bà Đặng Thị Kiên - bà nội Chi - sức khỏe yếu cũng cố chăm lo cho cháu - Ảnh: DUY NGỌC

Bà Đặng Thị Kiên (67 tuổi, bà nội Chi) cho biết từ nhỏ Chi sống với ông bà nội. Giờ ông đã mất, còn bà tuổi cao cũng nằm một chỗ không làm gì ra tiền nên mình Chi phải tự túc lo cho bản thân. 

"Từ nhỏ Chi rất mạnh mẽ, chưa bao giờ khóc hay từ bỏ việc học. Chi luôn cố gắng vượt qua khó khăn dù không có ba mẹ bên cạnh. Nhiều lần bản thân tôi kêu cháu nghỉ học ở nhà đi làm kiếm tiền nhưng Chi không nói gì, âm thầm đi làm kiếm tiền" - bà Kiên kể.

Ngồi trên chiếc võng cũ, bà Kiên đưa tay gạt nước mắt trên khóe mi nói: "Thấy cháu sống mà không được ba mẹ lo lắng tôi rất thương. Năm lớp 3 cháu đi nhặt ve chai để kiếm tiền học, nhiều người ngỏ ý muốn nhận nuôi để lo cho cháu nhưng cháu nhất quyết không chịu, chỉ muốn ở cùng bà".

Cánh cửa giảng đường còn nhiều chông gai

Nhận được kết quả đậu vào Trường cao đẳng Du lịch Đà Lạt - ngành quản trị khách sạn, thế nhưng cánh cửa giảng đường của tân sinh viên Nguyễn Thị Cẩm Chi đã tạm thời khép lại bởi gia cảnh quá khó khăn. 

"Nhận được giấy báo trúng tuyển, em thấy rất vui nhưng lo lắng lắm, bởi hoàn cảnh gia đình bây giờ khó để em thực hiện được ước mơ của mình" - Chi ngậm ngùi.

Chi tâm sự chọn học ở Đà Lạt là vì chi phí học tập thấp, và mọi chi phí sinh hoạt cũng không quá cao so với TP.HCM hay ở nơi khác.

Làm công nhân may, Chi vẫn khao khát được đi học - Ảnh 3.

Chi nói chỉ có việc học mới giúp tương lai tốt hơn - Ảnh: DUY NGỌC

Chi trải lòng: "Ngày 15-8 là đã nhập học rồi nhưng… em không đủ tiền để đi học nên em tạm gác việc học lại ở đây để xin đi làm công nhân may. Hơn hai tháng qua em có đi làm nhân viên bán hàng ở trong TP Phan Rang - Tháp Chàm, được 3 triệu đồng, không đủ chi phí sinh hoạt và tiền nhập học".

"Ước mơ lớn nhất của em bây giờ là có tiền để nhập học lại, vì chỉ có việc học mới giúp bản thân em và tương lai được tốt hơn. Việc học sẽ giúp em sau này có công việc ổn định hơn để lo cho bản thân và bà nội" - Chi nói nghẹn.

Trầm ngâm lúc lâu, Chi nói: "Em lo sợ đường vào giảng đường của mình không thực hiện được, bởi phía trước con đường kia chỉ có mình em...". Chi cũng thầm hứa nếu có cơ hội vào giảng đường, em sẽ vừa đi học vừa đi làm thêm kiếm tiền tự trang trải cho bản thân và việc học tập.

Tuổi Trẻ đang tiếp nhận đăng ký học bổng

Mùa học bổng Tiếp sức đến trường thứ 20 (năm 2022), báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn cả nước tìm kiếm và trao khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng với tổng số tiền hơn 15 tỉ đồng.

Chương trình đang tiếp nhận đăng ký của tân sinh viên và người giới thiệu. Vui lòng truy cập địa chỉ: https://tiepsuc.tuoitre.vn, làm theo hướng dẫn để đăng ký.

Năm 2022 còn có năm suất học bổng toàn phần (được cấp trong 5 năm liên tục) trị giá 375 triệu đồng, 50 laptop (hơn 600 triệu đồng) tặng tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập và 1.500 ba lô tặng sinh viên (230 triệu đồng)...

Từ nguồn hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ, đến nay đã có 22.370 tân sinh viên được "tiếp sức" với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.

Làm công nhân may, Chi vẫn khao khát được đi học - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đêm Quảng Trị yêu thương, Đêm Quảng Trị yêu thương, 'Tiếp sức đến trường' 100 tân sinh viên, mỗi bạn 15 triệu đồng

TTO - Tối 29-10, 100 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Quảng Trị được tiếp sức trong chương trình trao học bổng "Tiếp sức đến trường".

DUY NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên