27/11/2023 17:06 GMT+7

Lai Châu nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo người dân tộc thiểu số

ĐINH LAN
và 1 tác giả khác

Với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 84%, trong quá trình phát triển, Lai Châu xác định vai trò của cán bộ người dân tộc thiểu số là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ động viên các em học sinh người dân tộc thiểu số của tỉnh - Ảnh: ĐINH LAN

Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ động viên các em học sinh người dân tộc thiểu số của tỉnh - Ảnh: ĐINH LAN

Những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã.

Tỉnh vùng biên coi đây là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Nhờ bồi dưỡng, nhiều cán bộ trẻ người dân tộc thiểu số dám nghĩ dám làm

Xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu) có tới 93% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, xác định đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống chính trị của xã, Đảng ủy, UBND xã tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ, công chức tăng cường học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, đảm bảo các tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp cơ sở.

Từ năm 2021 đến nay, đã có 60 lượt cán bộ, công chức xã được tham gia các lớp học tập, tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ từ cao đẳng lên đại học, tham gia lớp trung cấp lý luận chính trị, quản lý Nhà nước…

Đến nay, trong tổng số 22 cán bộ, công chức xã thì có tới 15 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, 12/15 cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn đại học, 15/15 có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Nhờ vậy, nhiều cán bộ trẻ người dân tộc thiểu số của xã dám nghĩ, dám làm, thường xuyên sâu sát cơ sở, gần gũi với bà con.

Chị Giàng Thị Ca - phó chủ tịch HĐND xã Sùng Phài - cho biết trong quá trình công tác được cấp ủy, lãnh đạo cơ quan tạo điều kiện tham gia nhiều lớp học tập, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

"Từ năm 2016 đến nay, bản thân tôi được tham gia nhiều lớp như lớp trung cấp lý luận chính trị, tập huấn về công tác giảm nghèo, lao động, việc làm, nghiệp vụ thực hiện chế độ chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, người có công, người yếu thế, nâng cao năng lực, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở, bồi dưỡng nghiệp vụ đại biểu HĐND..." - chị Ca chia sẻ.

Chị Giàng Thị Ca - phó chủ tịch HĐND xã Sùng Phài (thứ 2 từ phải qua) - xuống cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con - Ảnh: ĐINH LAN

Chị Giàng Thị Ca - phó chủ tịch HĐND xã Sùng Phài (thứ 2 từ phải qua) - xuống cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con - Ảnh: ĐINH LAN

Lãnh đạo các huyện, thị đều có cán bộ dân tộc thiểu số

Những năm qua, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của địa phương, tỉnh Lai Châu đã đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Trong đó phải kể đến việc hằng năm, Tỉnh ủy dành 40% chỉ tiêu để tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện.

Hiện nay, có 60% sở, ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh có cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số. 8/8 huyện, thành phố trong thường trực cấp ủy, lãnh đạo HĐND, UBND có cán bộ là người dân tộc thiểu số và 49% các phòng, ban, cơ quan cấp huyện có cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số.

Chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện được nâng lên, tỉ lệ cán bộ có trình độ chuyên môn đại học đạt 99,75%, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 100%....

Nhiều cán bộ người dân tộc thiểu số đã được rèn luyện qua thực tiễn, sâu sát cơ sở, có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được phân công, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Những kết quả trên là nền tảng quan trọng để các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện thắng lợi nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy Lai Châu về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Làm bông lúa siêu to khổng lồ để định vị thương hiệu du lịch Lai ChâuLàm bông lúa siêu to khổng lồ để định vị thương hiệu du lịch Lai Châu

Với đặc sản gạo Séng Cù nổi tiếng, Lai Châu có thể làm biểu trưng bông lúa hay hạt gạo siêu to khổng lồ để định vị thương hiệu, thu hút khách du lịch.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên