Kinh Thánh không chỉ là thánh kinh

NGUYỄN QUANG DIỆU 18/06/2023 04:50 GMT+7

TTCT - NXB Omega và NXB Tôn Giáo vừa cho in lại bản dịch Kinh Thánh của cố linh mục Giuse Nguyễn Thế Thuấn, bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt đầu tiên trực tiếp từ tiếng Hebrew, Aramaic và Hy Lạp.

Kinh Thánh từ lâu đã được xem là cửa ngõ để hậu thế đến gần với lịch sử và văn hóa phương Tây, nền văn hóa được xây dựng trên hai nền tảng văn hóa Do Thái và văn hóa Hy Lạp.

Ảnh: Quang Diệu

Ảnh: Quang Diệu

Kinh Thánh được chia thành hai phần: Cựu ước và Tân ước. Nói đến Cựu ước, phải nhắc đến hai Quy điển ("những văn thư được lấy làm quy luật cho đức tin và đời sống, bởi đã giữ lại lời mạc khải của Thiên Chúa"): Quy điển Hebrew (các sách viết bằng tiếng Hebrew) và Quy điển Hy Lạp (các sách dịch hoặc viết bằng tiếng Hy Lạp).

Bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn ngoài dịch từ nguyên ngữ, còn được dịch giả dụng công chú giải hai lớp (ở chân trang và bên lề mỗi trang sách) tỉ mỉ, nhằm liên kết các câu chuyện ở Tân ước với Cựu ước lại với nhau, đồng thời chỉ ra các đoạn trùng nhau hoặc song song nhau về ý tưởng. 

Dịch giả cũng kê cứu khảo dị những sự khác nhau, thiếu/đủ từng chữ, từng câu trên các văn bản - có lẽ là bản dịch khoa học nhất từng xuất bản bằng tiếng Việt.

Cựu ước và Tân ước là hai phần của tổng thể Kinh Thánh, để có một cái nhìn toàn diện phải đọc xuyên suốt, từ cái cũ đến cái mới. Cựu ước và Tân ước là sự bổ khuyết cho nhau, Cựu ước giúp Tân ước có phần mở đầu và trở nên đầy đủ. Để hiểu Tân ước một cách trọn vẹn, Cựu ước là một chỉ dẫn quan trọng.

Cảm hứng sáng tạo

Cựu ước có thể nói là một tác phẩm văn học truyền khẩu dựa trên khối dữ liệu truyền khẩu khổng lồ, viết về cuộc sống và thân phận con người, ẩn chứa trong đó những cái nhìn sâu sắc về cuộc đời, những lời hứa, tiên báo và loan báo, gồm thâu trong đó những kho báu khôn ngoan của nhân loại.

Lịch sử cổ xưa của nhân loại có thể được tìm hiểu qua Cựu ước, nhiều thành ngữ và điển tích phương Tây xuất phát từ Cựu ước, tri thức nhân loại và đạo đức con người có thể soi chiếu qua Cựu ước, và hình ảnh con người bị trục xuất khỏi Thiên đàng trong Cựu ước được xem là khởi đầu cho lịch sử loài người.

Tác giả Erich Fromm, trong tác phẩm Xã hội tỉnh táo, cho rằng toàn bộ Cựu ước là quá trình soạn thảo chi tiết nguyên tắc gia trưởng, tổ chức gia đình gia trưởng một cách nghiêm khắc kể từ sau "sự sa đọa", và kể từ đó "vị Chúa gia trưởng mới tuyên bố nguyên tắc đàn ông sẽ cai quản đàn bà".

Trong cấu trúc gia đình được mô tả trong Cựu ước, dân Israel là con cưng của Thiên Chúa, và bấy giờ những đứa con vốn bình đẳng trong mắt người mẹ trở thành thứ bậc trong mắt người cha. Khái niệm "được yêu thích" này có thể nhận thấy qua các câu chuyện Abel được yêu quý hơn Cain, Jacob được yêu quý hơn Esau,… 

Erich Fromm thỉnh thoảng dùng những câu chuyện trong Kinh Thánh để diễn giải những suy tư triết học của mình, ví như dùng câu chuyện trong Sách Xuất hành, ông viết: "Anh ta đã dựng nên một con bê vàng, và nói rằng 'đây là những vị thần đã mang ngươi ra khỏi Ai Cập'" để lý giải cho vấn đề mình đang bàn, về chuyện con người đã tạo ra một thế giới gồm những thứ nhân - tạo chưa từng tồn tại trước đó.

Nhiều tác phẩm văn chương cũng lấy cảm hứng và ít nhiều dẫn lại các chi tiết liên quan trong Cựu ước. Ví dụ trong tiểu thuyết Bạch vệ, nhà văn Mikhail Bulgakov trở đi trở lại với hình ảnh Thiên Chúa: "Tôi nói về kẻ tiên tri Mikhail Semenovich Shpolyansky, người có đôi mắt của rắn và tóc mai màu đen. Ông ta đi đến vương quốc của quỷ ở Moskva rồi, để ra tín hiệu và dẫn một đám ác nhân về Thành phố [tức Kiev] để trừng trị tội lỗi của cư dân ở đây. Như Sodom và Gomorrah…". 

Sodom và Gomorrah được Bulgakov nhắc chính là hai thành phố huyền thoại trong Kinh Thánh, bị Chúa trừng trị do những tội lỗi của dân trong thành. 

Câu chuyện về thành Sodom và hành trình đức tin cũng có thể tìm thấy thông qua tác phẩm văn chương Chuyện Kinh Thánh của nữ văn sĩ Pearl Buck.

Cũng trong Bạch vệ, Bulgakov nhắc đến đại văn hào Dostoevsky trong một lời thoại: "Chà, có quỷ biết chúng nghĩ gì. Tôi nghĩ rằng đó là đám nông dân thờ Chúa của Dostoevsky!". Lý do Dostoevsky được nhắc là vì ông cho rằng người Nga là "dân tộc thờ Chúa" và miêu tả nền văn minh của người Nga dựa trên Chính Thống giáo. 

Hình ảnh Thiên Chúa cũng trở đi trở lại trong các tác phẩm Gã khờ, Lũ người quỷ ám, Tội ác và trừng phạt, Anh em nhà Karamazov của Dostoevsky, phần nào cho thấy nền tảng đức tin của đại văn hào.

Cựu ước cũng trở thành nguồn cảm hứng cho William Shakespeare viết Hamlet và nhiều vở kịch khác, ít nhiều liên quan đến câu chuyện Cain và Abel - nhà thơ người Đức Heinrich Heine từng gọi kịch Shakespeare là "Kinh Thánh của thế tục". 

Vài đoạn thoại của Hamlet ẩn chứa trong đó những câu chuyện lấy từ Cựu ước: "Thật là vẻ đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài! Ấy thế mà đối với tôi, tính chất của cát bụi kia là cái gì? Đàn ông chẳng làm cho tôi vui được; không, cả đàn bà nữa cũng vậy"… Con người là bụi đất theo Cựu ước, "Bởi ngươi là bụi đất ngươi sẽ trở về đất bụi" (Kn, 3:19); hoặc, "Sao thằng khốn kiếp này lại ném mạnh nó xuống đất làm như thể nó là xương hàm của gã Cain là kẻ đầu tiên đã phạm tội sát nhân!".

Trong Cựu ước, Cain là kẻ phạm tội sát nhân đầu tiên trong lịch sử, giết chết em trai mình, "và xảy ra là khi chúng ở ngoài đồng, thì Cain đã xông vào Abel em nó mà giết đi" (Kn, 4:8).

Để hiểu hơn tác phẩm nghệ thuật

Abel và Cain trong Cựu ước cũng gợi cảm hứng cho nhà văn Jeffrey Archer viết tác phẩm nổi tiếng Kane & Abel (bản dịch Việt ngữ là Hai số phận). Nếu Archer lấy hình ảnh Cain và Abel làm nhan đề sách thì Tolstoy dùng ý tưởng Phục sinh để đặt tên cho tác phẩm - một suy tư và chiêm nghiệm về đạo đức con người. 

Nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz thì dùng một điển tích Cơ Đốc giáo qua câu hỏi kinh điển "Quo vadis Domine?" (Người đi đâu vậy, thưa Đức Chúa?) để viết nên tác phẩm bất hủ Quo Vadis.

Ở Việt Nam, nhà văn Nguyễn Việt Hà có lẽ là ví dụ điển hình cho cảm hứng văn chương từ Cơ Đốc giáo. Thông qua các tác phẩm Ba ngôi của người, Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn, Nguyễn Việt Hà đã xây dựng nhân vật dựa trên đức tin (nhiều hay ít) Cơ Đốc giáo, đặt trong không gian tôn giáo là phố Nhà Chung, đan cài trong đó những thuật ngữ và câu chuyện đậm chất tôn giáo.

Chúng ta cũng thấy hình ảnh lấy cảm hứng hay trích dẫn từ Kinh Thánh nơi các bức họa nổi tiếng "Chúa cứu thế" (Salvator Mundi) hay "Bữa tiệc ly" của danh họa Leonardo da Vinci.

Hay những bức họa "Judas trả lại 30 đồng bạc", "Ném đá Thánh Stephen", "Chúa Jesus trên thập giá", "Bữa tối tại Emmaus", "Người phụ nữ phạm tội ngoại tình"… của danh họa Rembrandt - người đã coi Kinh Thánh là nguồn cảm hứng của cuộc đời mình, cùng vô số họa sĩ tài danh khác.

Những dụ ngôn, điển tích, thành ngữ, biểu tượng… trong Kinh Thánh dần trở thành những tham chiếu hiển nhiên của giới nghiên cứu và sáng tác phương Tây suốt nhiều thế kỷ, được trích dẫn hay dùng lại một cách tự nhiên như thể mặc nhiên độc giả sẽ hiểu. 

Tuy nhiên, nhiều người đọc chưa vững hoặc thiếu một nền tảng cơ bản về tri thức Kinh Thánh sẽ khó lĩnh hội một cách sâu sắc, hoặc đôi khi bỏ sót những chi tiết đắt giá.

Độc giả Kinh Thánh phần lớn là độc giả truyền thống, tức độc giả sinh ra và lớn lên trong nền văn hóa và tôn giáo Cơ Đốc. Tuy nhiên, Kinh Thánh, như đã nói, là một tác phẩm rộng lớn bao quát nhiều lĩnh vực, nên cũng dành cho bộ phận độc giả phổ thông đông đảo, không kể tôn giáo gì. 

Trước Kinh Thánh, trong những tâm thế khác nhau, mỗi người sẽ nhặt cho mình những câu chuyện, kiến thức, ý tưởng, theo dòng suy tư và mối quan tâm của riêng. ■

Việc chuyển ngữ Kinh Thánh sang tiếng Việt bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, cách đây hơn 100 năm. Kể từ lúc linh mục người Đức Albertus Schlicklin tiến hành dịch và ấn hành Kinh Thánh (từ bản Vulgata - tiếng Latin) vào thập niên 1910 (in ở Hong Kong năm 1913-1916) đến nay, Kinh Thánh đã có hơn 10 bản dịch Việt ngữ, từ các nguồn ngôn ngữ khác nhau và theo phong cách khác nhau.

Người Việt đầu tiên dịch trọn bộ Kinh Thánh sang Việt ngữ là linh mục Trần Đức Huân, theo bản Phổ thông (tiếng Latin), xuất bản năm 1970, nhưng người đầu tiên dịch trọn bộ Kinh Thánh từ nguyên ngữ sang Việt ngữ là linh mục Nguyễn Thế Thuấn (trọn bộ xuất bản năm 1976, các môn đệ và thân hữu dịch bổ sung ba quyển Yob, Cách ngôn và Baruk).

Bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn được thực hiện trên các nguyên bản tiếng Hebrew, Aramaic và Hy Lạp, có đối chiếu với các bản dịch cổ xưa bằng tiếng Hy Lạp, Syria và Latin.

Mỗi bản dịch đều có những sắc thái ngôn ngữ, nét đặc sắc riêng. Bản Trần Đức Huân "không phải là bản dịch theo sát chữ […]; cũng không phải là bản dịch phóng tác cốt giữ lấy ý mà không nghĩ đến văn từ. Đây là một bản dịch theo nghĩa chính cống Kinh Thánh […] và theo lối văn thuộc sinh ngữ Việt Nam" (Nhận xét của tổng giám mục P. Nguyễn Văn Bình trong lời đầu sách).

Trong khi đó, bản phiên dịch thơ Thánh Kinh Tân ước (Tin mừng về Chúa Cha) của linh mục An Sơn Vị (dịch từ tiếng Hy Lạp, xuất bản năm 1983) lại lưu ý đến thể văn, tiết điệu, nhạc tính.

Dịch giả có đưa ra quan điểm và thái độ mới đối với việc dịch, nhằm giúp cho việc tìm hiểu lời Chúa được dễ dàng, đây là một bản dịch dễ tiếp cận và khá phù hợp với độc giả Việt Nam. Ví dụ: "Chồn cáo có hang, chim trời có tổ/Nhưng con người không chỗ gối đầu" (Mt, 8:20).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận