Kinh tế cuối năm: Những mục tiêu khả dĩ

TRUNG TRẦN 13/11/2023 10:53 GMT+7

TTCT - Nước rút, chiến dịch, quyết liệt… là những danh từ, tính từ đang xuất hiện rầm rộ trên mặt báo để chỉ cuộc chạy đua giải ngân đầu tư công, nói nôm na là tiêu tiền.

Ảnh: Bloomberg

Ảnh: Bloomberg

TP.HCM còn 60 ngày để tiêu hết 60% phần ngân sách đầu tư công, vì trong 10 tháng trước mới tiêu được 35%.

Cả nước, tỉ lệ giải ngân đầu tư công là 52% cho đến cuối tháng 10, tức trong 2 tháng cuối năm, mỗi tháng phải tiêu gần ngang 5 tháng - cho những công trình, dự án đã có kế hoạch thậm chí từ 5-10 năm từ trước. 

Công việc chính để đốc thúc những chiến dịch nước rút này vẫn quen thuộc: "Rà soát các vướng mắc, kiến nghị các giải pháp", và nay thấy thêm "điều tra xã hội học để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng". Ngành ngành, địa phương ra thông báo về phát động thi đua 90 ngày - 60 ngày chiến dịch giải ngân.

Đầu tư công là một khoa học

Tuy nhiên, đây là công việc mà bản chất của nó phải là khoa học, là PDCA: hoạch định - hành động - kiểm tra, rồi lại hành động tiếp (Plan - Action - Check - Action). Quy trình đấy bây giờ dường như được lược giản, để tới công đoạn cuối: hành động. Quyết tâm vẫn đang là thứ vũ khí tối hậu chúng ta hy vọng để giải quyết rốt ráo tốc độ giải ngân, dù đấy cũng là công cụ chính được hô hào ngay từ đầu năm.

Dù có rất nhiều phong trào phát động nói thẳng nói thật, nhưng sự thật về khả năng giải ngân đầu tư công, đáng buồn thay, rất nhiều người thấy nhưng lại rất ít người lên tiếng. Không đạt được chỉ tiêu dường như là kết quả đương nhiên, nhưng vẫn không đáng buồn bằng khoa học, lý tính và những lý lẽ dựa trên phân tích thực tế vẫn chưa được công bố.

Dường như các lý do để giải thích vì sao mục tiêu không làm được đang được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ hơn là đề xuất giải pháp mang tính khả thi. Làm thế nào có thể tin việc tăng tốc 300-400% toàn bộ các quá trình của một dự án, tỉ như đường sá, cầu cống - mà chất lượng dự án, cả về vật lý lẫn sổ sách, sẽ không bị ảnh hưởng? 

Chúng ta đã có đủ các bài học về dự án về đúng hẹn, sau đấy là ngừng vận hành để… thi công tiếp; hay cả những nhỡn tiền về việc dự án đã hoàn thành rồi vẫn không thể vận hành như kỳ vọng, như công trình bến xe lớn nhất nhì quốc gia: bến xe Miền Đông ở TP.HCM.

Nếu KPI quan trọng nhất của toàn bộ hệ thống công chức là phải tiêu tiền nhiều nhất có thể, trong hoàn cảnh hệ thống pháp lý chưa có gì đột phá, và công cuộc chống tham nhũng vẫn được đặt lên hàng đầu, động lực để công chức tận hiến cho chiến dịch này rất khó được hình thành thực chất. 

Bên cạnh những thẩm quyền pháp lý rõ ràng và vững chắc, cần tới cả thẩm quyền về năng lực - năng lực phán định, đưa ra giải pháp và dẫn đạo thực thi.

Câu chuyện đẩy kiến nghị của doanh nghiệp từ bộ này qua bộ khác và rồi vẫn được chỉ đạo là hãy "làm đúng quy định pháp luật" thật đáng báo động - bởi thế nào là đúng quy định có vẻ chưa bao giờ là trách nhiệm của một bộ ngành cụ thể. 

Đoạn trường "đúng và đủ" theo luật định thể hiện qua lĩnh vực chỉ mới đây thôi là điểm sáng đầu tư của Việt Nam, còn bây giờ là nỗi thống khổ của hàng trăm nhà đầu tư tư nhân: điện mặt trời. Khi một chính sách mang tính ưu tiên cấp thời hết tác dụng với một lĩnh vực đầu tư, nó nhanh chóng trở thành một mớ bòng bong.

Những số liệu đáng ngại

Một nghịch lý do tình trạng cầu thấp và khả năng hấp thu vốn của cả hai trụ cột đầu tư công và kinh tế tư nhân là cả ngân sách lẫn ngân hàng thương mại đều sẵn tiền nhưng đều không chi được. 

Ngân hàng thương mại nhận được các mệnh lệnh hành chính yêu cầu giảm lãi suất cho vay để kích cầu sản xuất, trong khi họ vẫn đặt an toàn tín dụng lên hàng đầu và do đó cần rất cẩn trọng đối với các khoản cho vay.

Và nhiều doanh nghiệp cho rằng điều ấy là đương nhiên, bởi họ đang rất thiếu đơn hàng, ngưng sản xuất hoặc phá sản. Rất khó để chỉ ra được một doanh nghiệp vừa hay lớn, FDI hay tư nhân, hàng đầu ở Việt Nam, dám tự tin giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng, hoặc khiêm tốn hơn, giữ được doanh số như năm 2022. 

Ngay cả trong quý 3, khi tốc độ tăng trưởng là cao nhất trong cả năm, số lượng người không có việc làm, theo Tổng cục Thống kê, vẫn tăng: "Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3-2023 khoảng 1,08 triệu người, tăng 6.300 người so với quý trước và tăng 22.100 người so với cùng kỳ năm trước". Trên cái nền tình hình "tư liệu sản xuất" như thế, các chỉ tiêu tăng trưởng cần phải được xem lại, ngay trong năm nay.

Việc chỉ tiêu tăng trưởng năm 2023 được hạ một cách dứt khoát từ 6,5% xuống 5% là quyết định mang tính thực tế. Nó cũng cho thấy dự báo tăng trưởng trước đấy có phần lạc quan hơi quá. 

Cái gọi là "làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam" đã không diễn ra như trông đợi của chúng ta. Thực tế một năm qua, nếu có sóng thì chỉ là sóng lăn tăn, không phải những con sóng lớn như nhiều chuyên gia hồ hởi. 

Không chỉ số lượng dự án dịch chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam không khả quan như ước tính, chỉ riêng việc người Trung Quốc chưa sẵn sàng đến Việt Nam dưới dạng khách du lịch cũng đã làm ngành du lịch của Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Nha Trang bị ảnh hưởng nặng nề.

Kỳ vọng vào một năm 2023 nhiều bật vọt nhờ nhu cầu nội địa lẫn viễn cảnh "điểm đến của cả thế giới" đã không còn nhiều cơ sở hiện thực. Điều tốt nhất có lẽ là nhìn thẳng vào thực tế, thấy rõ những kém cỏi đã kéo dài và nói thẳng về chúng thì mới thực sự tìm kiếm và thực thi những giải pháp có tính khoa học, lý tính hơn, tạo cơ sở cho một sự phục hồi thực chất.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận