20/03/2024 09:23 GMT+7

Không quyết liệt hành động thì vài năm nữa sông Cầu sẽ trở thành 'dòng sông chết'

Sông Cầu đang chịu tổn thương rất lớn từ hoạt động xả thải công khai của con người. Chuyên gia cho rằng nếu không quyết liệt hành động từ hôm nay thì vài năm nữa sông Cầu sẽ trở thành dòng sông chết.

Kênh nước thải cạnh trạm bơm Vạn An (TP Bắc Ninh, Bắc Ninh) hòa vào sông Cầu - Ảnh: D.KHANG

Kênh nước thải cạnh trạm bơm Vạn An (TP Bắc Ninh, Bắc Ninh) hòa vào sông Cầu - Ảnh: D.KHANG

Phó giáo sư Đào Trọng Tứ - trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam - cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online trước thực trạng nhiều kênh nước thải ở Bắc Ninh vẫn đang đổ thẳng ra sông Cầu.

Tại sao các cơ quan vào cuộc mà sông Cầu vẫn bị xả thải?

Ông Tứ cho biết sông Cầu là một trong những lưu vực sông lớn của nước ta, nằm rất gần Hà Nội. Ngoài hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sinh kế của làng chài thì sông Cầu còn là nguồn nước mặt đầu vào cho nhiều nhà máy nước sạch.

Dòng sông xả thải sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của người dân, tác động gián tiếp đến các hoạt động khác.

"Hành lang pháp lý bảo vệ các dòng sông rất rõ vì đã thể hiện trong Luật Tài nguyên nước năm 2023, Luật Bảo vệ môi trường 2020. Rất lạ vì nhiều cơ quan từ địa phương đến cấp trung ương đã vào cuộc nhưng dòng sông vẫn bị xả thải.

Trách nhiệm không chỉ ở địa phương mà còn cơ quan ở cấp trung ương. Để dòng sông ngày đêm bị "đầu độc" bằng nước thải như vậy là điều rất đang buồn…", ông Tứ nói.

Bà Doãn Thị Thu (58 tuổi, phường Ninh Sơn, thị xã Việt Yên, Bắc Giang) cho biết bà và nhiều hộ gia đình khác vẫn chưa tin tưởng dùng nguồn nước lấy từ sông Cầu - Ảnh: D.KHANG

Bà Doãn Thị Thu (58 tuổi, phường Ninh Sơn, thị xã Việt Yên, Bắc Giang) cho biết bà và nhiều hộ gia đình khác vẫn chưa tin tưởng dùng nguồn nước lấy từ sông Cầu - Ảnh: D.KHANG

Theo ông Tứ, 6 địa phương có sông Cầu chảy qua cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp, tiếp tục đánh giá tổng thể lại nguồn thải, chất lượng nước cạnh nơi có nguồn thải. Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải thì lên ngay phương án khôi phục dòng sông.

GS Vũ Trọng Hồng (nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết sông Cầu là một trong những dòng sông đặc thù ở miền Bắc vì có lượng lớn dân cư sinh sống hai bên bờ.

"Trong những năm qua hai địa phương Bắc Ninh, Bắc Giang, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vào cuộc nhưng nước thải vẫn đổ ra sông Cầu. Cần quy trách nhiệm đến từng cá nhân, tổ chức nếu có hiện tượng buông lỏng quản lý, có dấu hiệu bao che cho xả thải trái phép.

Nếu không làm ngay từ bây giờ thì vài năm nữa sông Cầu sẽ biến thành dòng sông chết như sông Nhuệ, sông Đáy…", ông Hồng nói.

"Nguồn thải thì do nhiều nguyên nhân…"

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trước thực trạng nhiều kênh nước thải ở TP Bắc Ninh vẫn đang đổ thẳng ra sông Cầu, ông Hồ Nguyên Hồng - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh - cho biết đã giao lãnh đạo sở này đi kiểm tra.

"Anh em đang tập trung quyết liệt. Tôi đã giao anh Phương (ông Nguyễn Đình Phương - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh) đi kiểm tra, xử lý…", ông Hồng nói.

Khu vực trước cống tiêu Đặng Xá (TP Bắc Ninh, Bắc Ninh) chảy ra sông Cầu - Ảnh: D.KHANG

Khu vực trước cống tiêu Đặng Xá (TP Bắc Ninh, Bắc Ninh) chảy ra sông Cầu - Ảnh: D.KHANG

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Phương - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh - cho biết cống tiêu Đặng Xá và trạm bơm Vạn An thuộc quản lý, điều hành của UBND TP Bắc Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh.

Phóng viên Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: "Người dân cho biết nước thải chủ yếu đến từ nghề làng giấy Phong Khê (TP Bắc Ninh) và Cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du)?" thì ông Phương nói: "Để đánh giá cụ thể thì cần phải đi kiểm tra…".

"Nguồn thải thì do nhiều nguyên nhân, không chỉ là sản xuất. Liên quan đến cả nước thải sinh hoạt, chưa có xử lý tập trung. Nhiều khi không thể đổ hết cho doanh nghiệp đâu. Tỉnh Bắc Ninh đang chỉ đạo các huyện, thị, thành phố đầu tư xây dựng hệ thống xử lý", ông Phương cho hay.

Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Quang Huy - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang - cho biết để giải quyết dứt điểm ô nhiễm nguồn nước trên sông Cầu, tỉnh Bắc Ninh cần quyết liệt vào cuộc. Trong đó, cần phải kiểm soát nguồn thải tại một số làng nghề ở Bắc Ninh.

Trước tình trạng xả thải công khai ra sông Cầu, phóng viên Tuổi Trẻ đã liên hệ với lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tuy nhiên vẫn chưa nhận được phản hồi.

Ông Ninh (63 tuổi, ở phường Vạn An, TP Bắc Ninh) cho biết dù trồng rau cạnh cống tiêu Đặng Xá nhưng không dám lấy nước tưới - Ảnh: D.KHANG

Ông Ninh (63 tuổi, ở phường Vạn An, TP Bắc Ninh) cho biết dù trồng rau cạnh cống tiêu Đặng Xá nhưng không dám lấy nước tưới - Ảnh: D.KHANG

Ô nhiễm trên sông Cầu vẫn chưa có hồi kết!

- Năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết lưu vực sông Cầu có đến hàng ngàn nguồn thải. Trong đó, có nhiều nguồn thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra sông là tác nhân chính gây suy giảm chất lượng nước mặt sông Cầu.

- Cuối năm 2022, nước thải từ cống tiêu Đặng Xá và cửa xả Vạn An (TP Bắc Ninh, Bắc Ninh) xả công khai ra sông Cầu. Một dòng sông Cầu bị nhuộm màu đen kịt đã khiến nhiều nhà máy nước sạch ở thị xã Việt Yên (Bắc Giang) phải tạm dừng lấy nước trong thời điểm ô nhiễm.

- Liên quan đến việc mở cống xả nước gây ô nhiễm sông Cầu, UBND tỉnh Bắc Giang đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh giải quyết tình trạng này. Ngay sau đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản chỉ đạo tỉnh Bắc Ninh giải quyết dứt điểm ô nhiễm nguồn nước do hoạt động xả thải từ kênh Ngũ Huyện Khê ra khu vực thị xã Việt Yên (Bắc Giang).

- Đến tháng 3-2023, nhiều lồng nuôi cá của người dân xã Dũng Liệt (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) chết không rõ nguyên nhân.

- Cuối năm 2023, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cũng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh về tình trạng sông Cầu bị ô nhiễm rất nghiêm trọng.

Nước thải âm thầm ‘đầu độc’ sông CầuNước thải âm thầm ‘đầu độc’ sông Cầu

Nếu có sự cố môi trường xảy ra như làm cá chết thì còn nhận biết để khắc phục. Đằng này nước thải cứ âm ỉ chảy, âm thầm "đầu độc" sông Cầu mới đáng lo ngại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên