17/03/2024 22:08 GMT+7

Nước thải âm thầm ‘đầu độc’ sông Cầu

Nếu có sự cố môi trường xảy ra như làm cá chết thì còn nhận biết để khắc phục. Đằng này nước thải cứ âm ỉ chảy, âm thầm "đầu độc" sông Cầu mới đáng lo ngại.

Dòng nước đen kịt trước cống tiêu Đặng Xá (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) vẫn âm ỉ chảy ra sông Cầu - Ảnh: D.KHANG

Dòng nước đen kịt trước cống tiêu Đặng Xá (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) vẫn âm ỉ chảy ra sông Cầu - Ảnh: D.KHANG

Ông Phạm Văn Sơn - giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) - cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online trước thực trạng nhiều kênh nước thải ở Bắc Ninh vẫn đang đổ thẳng ra sông Cầu.

Ô nhiễm nghiêm trọng trên sông Cầu đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ở Bắc Giang, Bắc Ninh suốt nhiều năm qua. Đặc biệt nguồn nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu, nuôi cá lồng…

"Nước sạch chủ yếu để rửa xe, tưới vườn"

Dù đã lắp đặt đường ống nước sạch từ lâu nhưng bà Nguyễn Thị Hạnh (49 tuổi, phường Ninh Sơn, thị xã Việt Yên, Bắc Giang) nói vẫn chưa tin tưởng dùng nước sạch của nhà máy.

Bà Hạnh cho biết gia đình bà dùng nước sạch nhiều nhất thời điểm làm nhà mới, nhưng đến nay rất ít bơm để sử dụng.

Bà Hạnh cho biết đến nay nhiều người dân vẫn cho rằng nước giếng đảm bảo hơn - Ảnh: D.KHANG

Bà Hạnh cho biết đến nay nhiều người dân vẫn cho rằng nước giếng đảm bảo hơn - Ảnh: D.KHANG

"Gia đình tôi chủ yếu dùng nước giếng khoan nấu ăn. Thú thật nước sạch về tận ngõ chúng tôi rất vui nhưng thi thoảng nhìn thấy sông Cầu bị ô nhiễm khiến dân lo lắng lắm…", bà Hạnh nói.

Cách nhà bà Hạnh không xa, gia đình ông Đoàn Văn Thắng (57 tuổi, phường Ninh Sơn) cũng đã lắp đường ống dẫn nước sạch lên tận bể chứa. Tuy nhiên, ông Thắng cho biết: "Nước sạch nhà tôi chủ yếu để rửa xe, tưới vườn, vẫn chưa dùng cho việc ăn uống".

"Nhà tôi cũng lắp đường nước sạch lâu rồi, trước do giếng khoan hỏng nên mới sử dụng 3 tháng liên tục. Nếu sau này giếng hết cũng phải quay lại dùng nước sạch từ nhà máy nhưng thật sự chúng tôi rất lo", bà Doãn Thị Thu (58 tuổi, phường Ninh Sơn) cho hay.

Chính quyền cũng trăn trở

Trao đổi với phóng viên, ông Tường Duy Cúc - phó giám đốc Nhà máy nước sạch Việt Yên (thuộc Công ty cổ phần Cấp nước và môi trường đô thị 206), trụ sở tại phường Ninh Sơn - cho biết hiện nhiều nhà máy đang lấy nguồn nước sông Cầu xử lý, cấp nước cho khách hàng.

"Trước có thời điểm bị ảnh hưởng, do nước thải từ kênh Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh) chảy vào sông Cầu, công ty đã phải tạm dừng. Ngay sau đó chúng tôi ký với một đơn vị đối tác để lấy nguồn nước từ nơi khác về xử lý", ông Cúc nói.

Bà Hiền, người lái đò đưa khách qua lại giữa TP Bắc Ninh với thị xã Việt Yên, cho biết nước thải đổ ra sông Cầu có ngày thối nhức mũi - Ảnh: D.KHANG

Bà Hiền, người lái đò đưa khách qua lại giữa TP Bắc Ninh với thị xã Việt Yên, cho biết nước thải đổ ra sông Cầu có ngày thối nhức mũi - Ảnh: D.KHANG

Ông Cúc cho biết thêm: "Với nguồn nước trên sông Cầu, hiện nhà máy đang lấy nước cách cống tiêu Đặng Xá - vượt khỏi điểm xả thải - khoảng 4km để xử lý, cấp cho người dân. Công ty có phòng hóa nghiệm nên trước khi đưa nước vào xử lý đã phải kiểm tra rồi. 

Ngoài ra còn được nội kiểm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Bắc Giang kiểm tra".

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trước thông tin có nhiều hộ gia đình chưa dám sử dụng nước sạch và tình trạng ô nhiễm trên sông Cầu, ông Nguyễn Đại Lượng - chủ tịch UBND thị xã Việt Yên - cho biết: "Tôi rất trăn trở và chỉ đạo rất nhiều".

Tuy nhiên, theo ông Lượng, việc phân vùng cấp nước do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh Bắc Giang.

Chất thải đổ ra sông Cầu sẽ hủy hoại môi trường sinh thái?

Ngày 17-3, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Văn Sơn - giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) - cho biết xu hướng của các nước phát triển thường không quy hoạch khu công nghiệp có nước thải độc hại cạnh sông, suối… nhằm mục đích kiểm soát tốt nguồn nước.

Theo ông Sơn, sông Cầu đang bị "đầu độc" bằng nước thải sẽ có nhiều tác động trực tiếp, gián tiếp đến nguồn nước và người dân hai bên bờ. Tác động trực tiếp là chất thải sau khi từ kênh chảy ra sông Cầu có thể sẽ làm nhiễm độc nguồn nước thô trên phạm vi liên tỉnh.

Tác hại gián tiếp là hàng loạt các vấn đề như nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp... có khả năng không đảm bảo an toàn do sử dụng nước ô nhiễm. Chất thải sẽ làm giảm lượng cá tự nhiên, hủy hoại môi trường sinh thái, có thể gây hậu quả rất lâu dài, không đo đếm được.

Kênh nước thải ở phường Hòa Long (TP Bắc Ninh) đổ thẳng ra sông Cầu - Ảnh: D.KHANG

Kênh nước thải ở phường Hòa Long (TP Bắc Ninh) đổ thẳng ra sông Cầu - Ảnh: D.KHANG

Theo ông Sơn, nhiều người dân ở Bắc Giang chưa "tin tưởng" nước sạch khai thác từ nguồn nước sông Cầu vì nhiều lý do. Trong đó có lý do sự cố nguồn nước đầu vào của Nhà máy nước sạch Sông Đà bị nhiễm dầu thải năm 2019 đã gây tác động không nhỏ đến việc lựa chọn nguồn nước sạch của người dân.

"Để đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn sức khỏe người dân, môi trường sinh thái, chính quyền tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang trong thời gian tới cần phải quyết liệt hơn nữa kiểm soát nguồn thải từ các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, đặc biệt nước thải từ làng nghề…", ông Sơn nói.

Nhà máy nước sạch từng phải tạm dừng do hoạt động xả thải công khai ra sông Cầu

Trước tình trạng các kênh nước thải ngày đêm "đầu độc" sông Cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng hai địa phương Bắc Ninh, Bắc Giang đã vào cuộc trong suốt nhiều năm qua.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2021 trên lưu vực sông Cầu có hàng ngàn nguồn thải.

Đáng chú ý, nước thải từ nhiều cống tiêu, cửa xả ở TP Bắc Ninh đổ thẳng ra sông Cầu khiến nhiều nhà máy cấp nước sạch cho người dân phải tạm dừng.

Còn đâu Còn đâu 'sông Cầu nước chảy lơ thơ', giờ nước thải thối nhức mũi

Sông Cầu - đoạn chảy qua hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh - đang bị ‘đầu độc’ nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên