Khi chủ nghĩa quốc gia cực đoan làm hại doanh nghiệp

NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/03/2024 05:40 GMT+7

TTCT - Tinh thần ái quốc quá đà ở Trung Quốc đang gây thiệt hại cho các doanh nghiệp quốc nội và khiến nhà nước cũng khó xử.

Ông Chung Thiểm Thiểm đang gặp rắc rối vì

Ông Chung Thiểm Thiểm đang gặp rắc rối vì "không đủ yêu nước". Ảnh: Bloomberg

Tôi vẫn còn nhớ năm 2008, anh bạn người Pháp trong lớp thạc sĩ chính trị quốc tế của tôi tại Đại học Phúc Đán hoảng hốt thông báo rằng anh không dám đi siêu thị Carrefour nổi tiếng của Pháp ở Thượng Hải nữa do luôn có nhóm người Trung Quốc biểu tình khá hung hăng trước cửa chuỗi siêu thị ngăn cản những người đi mua sắm.

Anh kể bị những người biểu tình doạ đánh nếu dám đi vào siêu thị. Mọi việc xuất phát từ việc người Pháp phản đối cách chính quyền Trung Quốc xử lý vấn đề Tây Tạng ngay trước thềm Thế vận hội mùa hè được tổ chức ở Bắc Kinh năm 2008. 

Cảm thấy lòng tự tôn dân tộc bị ảnh hưởng, những người Trung Quốc cực đoan phản ứng bằng cách tẩy chay hàng hóa hay phản đối những gì liên quan đến Pháp trên khắp Trung Quốc.

Không đủ yêu nước?

Cuối tháng 2-2024, tinh thần quốc gia chủ nghĩa (hay chủ nghĩa dân tộc theo cách gọi của nhiều người hiện nay) của Trung Quốc đã lên một mức mới khi những người Trung Quốc cực đoan không chỉ "bài ngoại", mà còn tẩy chay hàng hóa của chính người Trung Quốc sản xuất. 

Nạn nhân mới nhất cũng chính là người giàu nhất Trung Quốc hiện nay, ông Chung Thiểm Thiểm. Được báo chí mệnh danh là "con sói cô độc" của Trung Quốc, ông chủ của đế chế nước đóng chai Nông Phu Sơn Tuyền (Nongfu Spring), hiện đang phải đối mặt với làn sóng tấn công từ những người cáo buộc ông thiếu lòng yêu nước. 

Tấn công trên mạng nhưng hệ quả thì là thật.

Mọi việc bắt đầu vào ngày 28-2 khi ông Chung dự lễ tang của ông Tông Khánh Hậu, người sáng lập công ty nước đóng chai đối thủ Wahaha. Chuyện cũ nhớ lại, những người quá khích đã lan truyền các bài trên mạng cáo buộc ông Chung đã "ăn cháo đá bát" với ông Tông. 

Họ nhắc lại chuyện ông Chung từng làm cho công ty Wahaha khi còn thuở hàn vi và được ông Tông nâng đỡ. Nhưng không lâu sau đó, ông Chung tách ra riêng, thành lập Công ty Nông Phu Sơn Tuyền còn thành công hơn cả Wahaha, và trở thành công ty nước đóng chai số 1 Trung Quốc.

Vấn đề là ông Tông từng là niềm tự hào dân tộc của Trung Quốc vào thời kỳ đầu khi mới mở cửa. Ông được kính trọng vì từng đối đầu với sản phẩm nước đóng chai Danone của Pháp trong một vụ tranh chấp kinh doanh khoảng 20 năm trước và đã giành chiến thắng. Đó là một trong những lý do tại sao ông Tông được coi là "doanh nhân khởi nghiệp yêu nước", là người luôn cống hiến cho Trung Quốc và cội nguồn của mình.

Sự kiện ông qua đời làm dấy lên những so sánh không mấy tốt đẹp trên mạng xã hội giữa ông với ông Chung, người kinh doanh cùng lĩnh vực. Rất nhanh chóng, cuộc tấn công lan sang mọi thứ liên quan đến ông Chung và Tập đoàn Nông Phu Sơn Tuyền.

Ông Chung còn dính thêm một vấn đề nữa là con trai của ông, Chung Thụ Tử, có quốc tịch Mỹ. Đây là điều mà một số người theo chủ nghĩa quốc gia dân tộc trực tuyến cho là thể hiện sự thiếu trung thành với Trung Quốc. Theo CNN, một người dùng trên mạng Weibo của Trung Quốc đã viết: 

"[Con trai ông Chung] cuối cùng sẽ quản lý công ty với tư cách công dân Mỹ. Nhưng là người Trung Quốc, tôi chỉ ủng hộ thương hiệu quốc gia của mình"; còn một người dùng mạng xã hội khác viết: "Một người không có tình cảm với đất nước của mình… dù giàu đến đâu cũng không bằng một người bình thường có trái tim Trung Quốc".

Ông Tông Khánh Hậu (1945-2024) được nhiều người Trung Quốc coi là doanh nhân yêu nước. Ảnh: Yicai Global

Ông Tông Khánh Hậu (1945-2024) được nhiều người Trung Quốc coi là doanh nhân yêu nước. Ảnh: Yicai Global

Mất 2 tỉ USD vì "thân Nhật"!

Những người chỉ trích ông Chung còn moi móc các chi tiết trên sản phẩm của Nông Phu Sơn Tuyền mà họ cho rằng mang "yếu tố phong cách Nhật Bản", như bao bì trên nhãn nước trà gạo lứt của tập đoàn này có hình ảnh giống những chiếc tất gió koinobori hình cờ cá chép truyền thống của Nhật Bản. 

Hay hình một ngôi chùa được in trên nhãn một đồ uống trà xanh giống với chùa Sensoji ở Tokyo. (Tập đoàn Nông Phu cho biết các thiết kế là những sáng tạo nghệ thuật dựa trên một ngôi đền Trung Quốc).

Đây là những cáo buộc gây cảm xúc tiêu cực với những người theo tinh thần quốc gia ở một đất nước có tinh thần chống Nhật sâu sắc, do những di sản lịch sử của thời phát xít Nhật chiếm đóng Trung Quốc trước và trong Thế chiến II. Báo Anh The Guardian tường thuật: 

""Tôi là người yêu nước, nhưng bạn bán đồ Nhật này, tôi khinh thường bạn", một người ghét sản phẩm Nông Phu đứng bên ngoài một cửa hàng tiện lợi nói trong một video đăng trên mạng xã hội Weibo".

Cuộc tẩy chay lên đến đỉnh điểm mới khi những người sáng tạo nội dung trực tuyến bắt đầu đăng video quay cảnh họ đổ nước suối Nông Phu vào bồn vệ sinh. Rồi hai cửa hàng tiện lợi 7-Eleven ở Giang Tô tuyên bố không bán bất kỳ sản phẩm nào của Công ty Nông Phu Sơn Tuyền. 

Cuộc kêu gọi tẩy chay hàng hóa của tập đoàn đã làm giảm giá cổ phiếu công ty nước giải khát của ông Chung và có nguy cơ làm tổn hại nghiêm trọng đến doanh thu của công ty. Cụ thể, do cổ phiếu giảm giá, 2 tỉ USD đã bốc hơi khỏi tài sản cá nhân của ông Chung tính từ ngày 1-3, theo Chỉ số tỉ phú của Bloomberg. (Cũng theo chỉ số này, ông hiện có tài sản trị giá 64,5 tỉ USD và vẫn là người giàu nhất Trung Quốc).

Ông Chung cũng nhanh chóng phản ứng. "Lợi dụng cái chết của ông Tông Khánh Hậu, rất nhiều lời vu khống chống lại tôi và Nông Phu Sơn Tuyền đã xuất hiện trên mạng. Đây chắc chắn không phải là điều mà ông Tông muốn thấy", ông nói trong một bài đăng ngày 3-3 trên tài khoản WeChat của công ty ông. 

Ông kêu gọi cư dân mạng đừng bị "đánh lừa" bởi một số người có ảnh hưởng trực tuyến (KOL), những người mà ông cho rằng đã tìm cách gây chuyện. Ông nói: "Dù là Wahaha hay Nông Phu Sơn Tuyền, chúng tôi luôn nhấn mạnh vào một điều giống nhau - sản xuất sản phẩm tốt cho người dân".

Chai trà Nông Phu bị coi là có thiết kế "thân Nhật". Ảnh: Youniverse

Chai trà Nông Phu bị coi là có thiết kế "thân Nhật". Ảnh: Youniverse

Nobel văn chương cũng không thoát

Những làn sóng quốc gia dân tộc chủ nghĩa kiểu này ở Trung Quốc không hiếm gặp. Các "chiến dịch yêu nước" càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây, với nhiều công ty và các nhân vật của đại chúng đã trở thành mục tiêu. 

Điểm chung là những người này bị cáo buộc trên mạng là đã xúc phạm đến phẩm giá đất nước hay gây tổn thương tinh thần ái quốc. Một chiến dịch khác hiện đang nhắm vào nhà văn Mạc Ngôn, cáo buộc ông xúc phạm Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và bôi nhọ lãnh tụ Mao Trạch Đông, cũng như "làm đẹp" quân đội Nhật Bản xâm lược trong tiểu thuyết của ông.

Một blogger thậm chí đã kiện ra tòa đòi ông Mạc Ngôn xin lỗi tất cả người dân Trung Quốc, các liệt sĩ và Mao chủ tịch, cũng như bồi thường thiệt hại 1,5 tỉ nhân dân tệ (209 triệu USD), tức 1 nhân dân tệ cho mỗi người Trung Quốc. 

Đơn kiện còn yêu cầu loại bỏ sách của Mạc Ngôn khỏi lưu hành. Mạc Ngôn từng là niềm tự hào quốc gia của Trung Quốc khi là nhà văn đầu tiên mang quốc tịch Trung Quốc được trao giải Nobel Văn học năm 2012, nhưng danh tiếng đó cũng không giúp ông thoát được làn sóng dân tộc chủ nghĩa đang lên.

Nhà văn Mạc Ngôn. Ảnh: Spiegel

Nhà văn Mạc Ngôn. Ảnh: Spiegel

Lư Khiêu Lộ Vi, phó giáo sư về truyền thông tại Đại học Baptist Hong Kong, trả lời phỏng vấn Nikkei Asia cho rằng những vụ bùng phát trực tuyến như vậy không hiếm gặp ở Trung Quốc. 

"Việc can thiệp vào cuộc sống cá nhân và hoạt động kinh doanh bằng cách cáo buộc các cá nhân thân Nhật Bản là điều phổ biến ở Trung Quốc, điều này cho thấy có sự yêu thích chung với những nội dung như vậy trên mạng xã hội Trung Quốc, phù hợp với đường lối tuyên truyền chính thức". 

Một số công ty Trung Quốc quả thật đã được hưởng lợi trong những năm gần đây từ tinh thần quốc gia chủ nghĩa, khiến người tiêu dùng chuyển từ các thương hiệu lớn toàn cầu sang các sản phẩm nội địa.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với cách Nông Phu Sơn Tuyền và Mạc Ngôn đang bị tấn công. Một số người nói rằng cư dân mạng đang đi quá xa và một thiểu số lớn tiếng đang kiểm soát câu chuyện thịnh hành. 

Lời kêu gọi tẩy chay Nông Phu thậm chí còn gây lo ngại cho các cơ quan truyền thông nhà nước vào thời điểm Chính phủ Trung Quốc đang rất muốn thúc đẩy nền kinh tế dân tộc, cố gắng tập hợp doanh nghiệp tư nhân để hỗ trợ nhà nước trong tình cảnh kinh tế tăng trưởng chậm chạp. 

Tranh cãi về Nông Phu Sơn Tuyền cũng nêu bật cạm bẫy với ngay cả những công ty lớn nhất Trung Quốc: Ai cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công của những người nhân danh lòng ái quốc. ■

Ông Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, vốn có lập trường quốc gia chủ nghĩa rõ ràng, đã kêu gọi cư dân mạng hãy khoan dung hơn với giới doanh nhân và chú ý đến những đóng góp của họ cho nền kinh tế đất nước.

Trong một bài đăng trên Weibo ngày 11-3, ông Hồ viết rằng vụ việc xung quanh Nông Phu Sơn Tuyền cho thấy áp lực mà những người như ông Chung Thiểm Thiểm phải đối mặt: phải trở thành "thánh nhân" cho hợp với trí tưởng tượng của công chúng.

Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam, doanh nghiệp tư nhân chiếm 92% tổng số doanh nghiệp ở Trung Quốc và đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm. Với mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc dân (GDP) khoảng 5% trong năm nay, Bắc Kinh đã ưu tiên môi trường hoạt động cho các công ty tư nhân.

Nhưng nguy cơ doanh nghiệp tư nhân bị tinh thần quốc gia cực đoan gây hại sẽ khó có thể ngăn chặn với đường lối tuyên truyền hiện giờ ở Trung Quốc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận