Hết thời "Oscar toàn phim chẳng ai xem"?

XUÂN TÙNG 24/03/2024 07:22 GMT+7

TTCT - Liệu Oppenheimer sẽ đánh dấu sự trở lại của thời phim bom tấn cũng là phim hay nhất?

Hết thời "Oscar toàn phim chẳng ai xem"?- Ảnh 1.

Liệu Oppenheimer sẽ đánh dấu sự trở lại của thời phim bom tấn cũng là phim hay nhất? Giới phê bình đặt câu hỏi trước Lễ trao giải Oscar lần thứ 96 hôm 10-3 (giờ Mỹ), tràn đầy tự tin rằng họ sẽ đoán đúng. Quả là vậy.

Với 7 giải thưởng trong đó có giải quan trọng nhất Best Picture (Phim xuất sắc nhất), bộ phim về bom nguyên tử của đạo diễn gạo cội Christopher Nolan đã "phát nổ", xuyên thủng tường thành định kiến của Viện Hàn lâm.

Doanh thu phòng vé và Viện hàn lâm

Với 958 triệu đô tại phòng vé toàn cầu, Oppenheimer là phim ăn khách đứng thứ 3 trong năm 2023. Đứng đầu danh sách này là Barbie của đạo diễn Greta Gerwig, với 1,4 tỉ đô phòng vé. Cả hai đều nằm trong danh sách đề cử phim xuất sắc nhất mùa giải năm nay.

Chiến thắng của Oppenheimer, tác phẩm gây tiếng vang ở cả phòng vé lẫn trên bàn bình luận chuyên môn, có lẽ đã được dự báo trước - hầu hết các trang tin và phê bình phim đều đặt niềm tin vào trước đêm công bố.

Điều bất ngờ là việc hội đồng bình chọn Oscar chọn tới hai bộ phim tỉ đô vào danh sách danh giá nhất của mình, và một trong số đó sau đó đã thực sự giành tượng vàng, bởi trong hơn chục năm nay, Viện Hàn Lâm thường xuyên ngó lơ các bộ phim ăn khách.

Lướt qua danh sách các phim thắng giải thưởng lớn của viện trong những năm gần đây, có thể kể đến những Nomadland, Spotlight và Birdman không lọt nổi top 50 doanh thu phòng vé trong năm, Moonlight chen được vào top 100, thậm chí đến CODA thì dù doanh thu bán vé tại thị trường Mỹ bằng 0 (do phát hành trực tuyến) vẫn hiên ngang nhận tượng vàng.

Ảnh: Vanity

Ảnh: Vanity

Nếu nhìn ngược về lịch sử Hollywood, sẽ thấy thói quen "đi ngược số đông" này của Viện Hàn lâm là rất mới. Từ thập niên 1920 xuyên suốt đến những năm 1950, có thể thấy tất cả những cái tên thắng giải Phim xuất sắc nhất đều là phim nằm trong top 10 bán chạy của năm tương ứng. 

Đến thập niên 1970-1980, tỉ lệ các phim ăn khách top 10 nhận giải thưởng lớn giản xuống còn 70%. Sang đầu thế kỷ, 2000 tỉ lệ này chỉ còn 30% (3 bộ phim Gladiator (2000), Chicago (2002) và Lord of the Rings: Return of the King (2003)), và tới những năm 2010 thì chẳng còn phim top 10 nào thắng giải.

Theo thống kê của Jason Fraley, một cây bút "chuyên trị Oscar" hiện là biên tập viên giải trí của Đài WTOP, bộ phim ăn khách cuối cùng thắng Best Picture tại Oscar là The King's Speech (2011), sau đó giải thưởng này dần thuộc về các phim có xu hướng art house (phim độc lập, ít yếu tố giải trí) như The Artist, Argo hay 12 Years A Slave (thắng giải lần lượt các năm 2012, 2013, 2014). 

Theo Fraley, doanh thu phòng vé của các phim này kém xa những Titanic (Oscar 1998), Gladiator và The Lord Of The Rings: The Return Of The King. Nôm na là trước The King's Speech, người ta còn có thể nói "à phim này mình xem rồi" khi nhìn vào danh sách đoạt Oscar, còn sau đó, như một người bức xúc hỏi trên Quora: "Vì sao Oscar lúc nào cũng trao cho phim chưa ai từng nghe? Sao không trao cho phim bom tấn nhỉ?". Vậy thì tại sao?

Làn gió đổi thay

Lời lý giải dễ thấy nhất cho xu hướng này không bắt đầu từ phía viện Hàn Lâm, mà có lẽ đến từ sự chuyển mình của bản thân ngành phim, theo The Economist. Từ thập niên 2000, các ông lớn của ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood nhận ra rằng việc đầu tư cho một bộ phim duy nhất là quá sức rủi ro. 

Sao phải chọn cửa rủi ro là làm phim mới, khi có thể lấy một nhân vật, kịch bản được yêu thích và làm thêm thật nhiều phần hậu? Sức nặng của câu chuyện dần nhường chỗ cho những cảnh quay đã mắt, hiệu ứng số liên tục khỏa lấp chiều dài phim.

Bắt đầu từ Harry Potter và Lord of the Rings, công thức thành công này được Hollywood nhân rộng, và thành công nhất không gì khác chính là vũ trụ Marvel. Từ Iron Man (2008), Marvel cho ra lò các bộ phim bom tấn mới đều như vắt tranh, liên tục dẫn đầu các bảng xếp hạng phòng vé. 

Với công thức bảo chứng phòng vé: Thân thiện với cả gia đình, hành động, hài hước, kỹ xảo và khuyến khích người xem đón chờ phần hậu, cũng không khó hiểu khi vũ trụ siêu anh hùng Marvel trở thành một thế lực không thể ngó lơ tại Hollywood, với lượng khán giả hâm mộ đông đảo.

Cũng vì Marvel, khoảng cách giữa dòng phim "bom tấn" và các dự án phim lẻ, dành cho các khán giả ngách và giới phê bình ngày một bị nới rộng. Cần nhớ rằng trong thập niên 1990-2000, các bộ phim chính kịch hay phim hài-tình cảm vẫn có thể gây sốt phòng vé, thì đến nay, chúng đã phải rút về mặt trận streaming, nhường màn ảnh rộng cho công thức siêu anh hùng bộc phá. 

Hết thời "Oscar toàn phim chẳng ai xem"?- Ảnh 3.

Dĩ nhiên, các series phim được kéo dài thuần vì mục đích thương mại như Marvel hay DC sẽ không có cửa được Viện Hàn lâm bầu chọn - xu hướng này mở ra cánh cửa cho các dự án nhỏ, độc lập hơn tại Hollywood cũng như trên thế giới tỏa sáng.

Một ví dụ cụ thể: Rất nhiều nhà quan sát và người hâm mộ đang dự đoán Best Picture của Oscar bằng cách nhìn vào lựa chọn Best Film của Independent Spirit, một giải thường dành riêng cho các nhà làm phim độc lập. 

Từ năm 2011 đến nay, Independent Spirit đã dự đoán phim thắng giải Oscar chính xác tới 7 lần, trong đó có Everything Everywhere All at Once, Nomadland, Moonlight, Spotlight, Birdman, 12 Years a Slave và The Artist. Đáng nói là, Independent Spirit từng được ví như phiên bản "ngầu" hơn của Oscar và xu hướng tung hô phim ăn khách của giải này trong quá khứ.

"[Việc chọn phim không ăn khách] làm mọi thứ dễ hơn 10 lần" - host nổi tiếng Jimmy Kimmel từng phát biểu trong show truyền hình của mình. "Nếu chưa ai từng xem bộ phim đó - chuyện này từng xảy ra trong những năm tôi dẫn lễ trao giải Oscar - bạn sẽ chẳng có điểm mốc nào để mà so đo phim".

... rồi gió lại đảo chiều

Thế nhưng, dù có biến động thế nào đi chăng nữa, giải Oscar vẫn luôn là sân khấu nơi điện ảnh Hollywood tôn vinh những giá trị mà nó tự gắn cho chính mình. Mới năm vừa rồi, chiến thắng bất ngờ của Everything Everywhere All at Once - một bộ phim tưởng chừng phá vỡ mọi công thức Oscar - đã cho thế giới thấy rằng ngành điện ảnh Mỹ vẫn có khả năng sản xuất những ý tưởng độc nhất vô nhị. 

Hay như lễ trao giải năm 2019 với sự lên ngôi của Parasite - có thể ví như một thông điệp rằng Oscars và Hollywood nay đã mở cửa cho điện ảnh toàn thế giới.

Nếu nhìn từ góc này, có thể thấy sự xuất hiện của Barbie, cũng như chiến thắng vang dội của Oppenheimer năm nay cũng có chăng là một thông điệp khác của Hollywood? Sau một năm đình công của diễn viên, biên kịch và toàn nhân lực Hollywood, cũng như các lùm xùm về AI thay thế sức lao động sáng tạo, toàn ngành phim và cả công chúng sẽ hướng mắt về lễ trao giải năm nay.

Giữa bối cảnh này, Barbie và Oppenheimer, hai bộ phim ra rạp cùng thời điểm, được (cộng đồng mạng) quảng bá cùng nhau nhận được tổng cộng 21 đều cử và 8 giải thưởng, có lẽ vì chúng đưa ra những thông điệp mà Hollywood đang rất cần. 

Barbie, dựa trên một nhân vật quen thuộc với văn hóa Mỹ, vẫn có khả năng khiến người xem bất ngờ nhờ có kịch bản và chỉ đạo tài tình của nữ đạo diễn Greta Gerwig. Oppenheimer đại diện cho một lối làm phim cổ điển, rất hào hoa Hollywood, nhưng đang dần mất đi chỗ đứng giữa thời đại streaming.

"[Đề cử này] xác nhận niềm tin của chúng ta vào năng lực mà các studio điện vẫn đã và đang sở hữu" - Nolan phát biểu với báo giới vào ngày 23-1, sau khi Oppenheimer được công bố trong danh sách đề cử Oscar. 

Với Nolan và Gerwig, có lẽ Viện Hàn lâm muốn gửi gắm rằng: Một khi bạn thu hút được khán giả đến rạp, cũng như cho họ ít nhiều suy nghĩ sau khi rời khỏi rạp, Viện Hàn lâm sẽ không ngó lơ bạn.

Sau mùa giải năm nay, có lẽ các ông lớn Hollywood cũng sẽ ít nhiều có thêm lý do để đưa ra các kịch bản thú vị mới - mà không cần xài lại siêu xe hay siêu anh hùng theo cách cũ.

Ở chiều ngược lại, không chỉ có các phim bom tấn làm lợi cho Oscar, mà bản thân các để cử Oscar cũng giúp doanh thu phòng vé của nhiều bộ phim. Hiện tượng còn gọi là "hiệu ứng Oscar" này đã diễn ra xuyên suốt lịch sử Hollywood, và trường hợp mới nhất có thể kể đến chính là Poor Things của đạo diễn người Hy Lạp Yorgos Lanthimos.

Với 11 để cử trong giải Oscar năm nay, trong đó có hạng mục Phim xuất sắc nhất, nữ chính xuất sắc nhất (cho Emma Stone) cũng như đạo diễn xuất sắc nhất, Poor Things được chiếu giới hạn tại 8 rạp ở Mỹ từ ngày 8-12 năm ngoái, thu về trung bình 73.470 USD mỗi rạp trong tuần đầu công chiếu - thành tích không quá tệ cho một phim art house.

Ngày 19-1, ngay trước khi Poor Things nhận đề cử Oscar được vài ngày, phim được nhân rộng suất chiếu lên 1.400 rạp. Từ đó, phim đều đặn thu về 1-2 triệu đô la mỗi dịp cuối tuần (đạt đỉnh 2,9 triệu trong 2 ngày cuối tuần 27 và 28-1, ngay sau khi đề cử Oscar được công bố), và vẫn còn đang trụ rạp cho tới hôm nay.

Đây một thành tích tương đối đáng nể trong thời đại streaming: Khi khán giả và cả nhà phân phối đều trông ngóng phim lên streaming chỉ khoảng hai tháng sau khi chiếp rạp, thời gian trụ lại màn ảnh rộng của phim (đặc biệt là phim art house) bị cắt ngắn hơn bao giờ hết.

Thành tích của Poor Things tại rạp cũng cho thấy sức ảnh hưởng của Oscar vẫn còn rất mạnh mẽ, và các phim nghệ thuật vẫn còn có cửa trụ rạp - vừa giúp tăng doanh thu, vừa giúp tạo sức nặng trên đường chạy đua đến Oscar.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận