14/07/2016 09:46 GMT+7

Hãy hành xử 
như quân tử

 AN LÊ
AN LÊ

TTO - Điều gì phải đến đã đến. Ngày 12-7, Tòa trọng tài quốc tế (PCA) đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với những hành vi sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters
Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters

Và ngay lập tức, hai cơ quan quan trọng hàng đầu là Bộ Ngoại giao và Chính phủ Trung Quốc cùng một lúc đã ra tuyên bố phản bác - một hiện tượng hiếm thấy trong ngoại giao quốc tế.

Điều đó cho thấy “bên bị” đã dự cảm trước về chiều hướng phán quyết của tòa, cũng như những hệ lụy pháp lý và chính trị sẽ ập tới bất chấp chính sách “bốn không” (không công nhận tòa, không tham gia vụ kiện, không chấp nhận và không thực thi phán quyết).

Tòa mới ra phán quyết, bên bị mới có phản ứng ban đầu, còn cần thời gian để nghiên cứu, theo dõi diễn biến “hậu PCA” song rất cần mổ xẻ hai bản tuyên bố chính thức nói trên vì chúng chứa đựng quá nhiều điều gây nhiễu loạn thông tin.

Tuy luôn phản bác thẩm quyền của PCA phán xét vấn đề chủ quyền nhưng cả hai bản tuyên bố nhắc đi nhắc lại luận điểm sai trái rằng Trung Quốc có chủ quyền với các đảo “Nam Hải” (tức Biển Đông) bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo “Tây Sa” (tức Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa và quần đảo “Nam Sa” (tức Trường Sa).

Thậm chí người ta còn khẳng định rằng nhân dân Trung Quốc đã có 2.000 năm lịch sử hoạt động tại “Nam Hải”;

Trung Quốc là nước phát hiện, đặt tên và khai thác sớm nhất các đảo và vùng biển liên quan, là nước thực hiện chủ quyền và quyền tài phán sớm nhất, liên tục, hòa bình và hiệu quả các đảo và vùng biển liên quan ở “Nam Hải”, đã xác lập chủ quyền lãnh thổ và lợi ích liên quan tại “Nam Hải”!?

Chẳng cần tranh cãi với những điều xuyên tạc như vậy làm chi; chỉ cần nhớ lại trước năm 1974 ở quần đảo Hoàng Sa có bóng dáng người Trung Quốc nào ở đó đâu, họ chỉ đổ quân chiếm lĩnh từ năm đó mà thôi; còn ở Trường Sa trước năm 1988, 1989 bói cũng không ra một người Trung Quốc nào, và họ chỉ đổ quân chiếm lĩnh một số bãi ở đó từ các năm ấy.

Đã vậy mà các bản tuyên bố còn cao giọng “kiên quyết phản đối việc xâm chiếm bất hợp pháp bộ phận đảo, đá thuộc quần đảo “Nam Sa” của Trung Quốc và hành vi xâm phạm quyền lợi của Trung Quốc tại vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc của một số quốc gia”.

Sao có thể đổi trắng thay đen như vậy? Bên đáng bị “kiên quyết phản đối” là phía Trung Quốc mới đúng chứ?

Và nữa, các bản tuyên bố chẳng dám nhắc đến cái gọi là “đường chín đoạn” (tức “đường lưỡi bò”) dư luận thế giới vốn không công nhận và vừa bị PCA phản bác thẳng thừng, nhưng lại đánh vòng bằng cách khẳng định các đảo “Nam Hải” có nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải; có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; có quyền lợi lịch sử ở “Nam Hải” - những điều PCA vừa bác bỏ.

Thế thì làm sao khẳng định được rằng “lập trường trên của Trung Quốc phù hợp luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế liên quan”?

Với những luận điểm như vậy và với cách hành xử như vậy thì những lời kêu gọi “thông qua đàm phán hiệp thương giải quyết hòa bình tranh chấp liên quan tại “Nam Hải” liệu có thực lòng không?

Những sự xuyên tạc như vậy không có chỗ đứng trong một thế giới văn minh tồn tại và hành xử theo luật pháp được công nhận rộng rãi. Chỉ có hành xử theo tinh thần thượng tôn sự thật và pháp luật mới được thiên hạ nể trọng.

AN LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên