08/11/2013 16:36 GMT+7

Hàng giả chủ yếu sản xuất ở Trung Quốc

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TTO - “Hàng giả phần nhiều được sản xuất từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam dạng nguyên chiếc hoặc linh kiện, bao bì rời." - ông Phan Hoàn Kiếm, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM chia sẻ tại hội thảo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ngày 8-11.

KQ8353RM.jpgPhóng to
Lực lượng Quản lý thị trường Đà Nẵng ra quân kiểm tra chống hàng giả, gian lận thương mại. Ảnh: Hữu Khá

Ông Trương Quang Hoài Nam, cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết những năm gần đây hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước không thuận lợi do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Lợi dụng khó khăn trong nước, các đối tượng làm ăn phi pháp đã bất chấp qui định pháp luật, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để đẩy mạnh hoạt động sản xuất hàng lậu, gian lận thương mại, vận chuyển buôn bán hàng cấm, hàng giả không đảm bảo an toàn thực phẩm tung ra thị trường.

Theo ông Nam trong thời gian qua, hầu hết các tỉnh biên giới và vùng duyên hải điều xảy ra tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng nhập khẩu lậu. Sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng có mức độ và qui mô lớn hơn trước. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2013, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý hơn 57.000 vụ vi phạm, tổng số tiền thu nạp ngân sách 220 tỷ đồng.

Còn ông Phan Hoàn Kiếm, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM gởi tới hội thảo tham luận cho rằng tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn TP. HCM có nhiều diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi và đa dạng. Với kỹ thuật công nghệ hiện nay hình thức bao bì, tem giả nhãn giống hàng thật hơn, hiện nay tem chống hàng giả phản quang có đặc điểm riêng cũng bị làm giả. Đối tượng sản xuất hàng giả phần lớn là các cá nhân hoạt động riêng lẻ, kín đáo.

Hàng giả sản xuất trong nước do các đối tượng thuê nhà, mặt bằng nơi hẻo lánh, hẻm cụt, khu vực nông thôn mới lên thành thị vừa để ở vừa làm hàng giả, thời gian thuê ngắn rồi đổi địa điểm khác để tránh bị phát hiện. Hiện tại các mặt hàng may mặc, hàng dùng bằng da hoặc giả da như giày dép, va ly, đồng hồ, kính mắt, mỹ phẩm….là các mặt hàng giả chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các loại hàng giả đã được cơ quan chức năng phát hiện.” - ông Kiếm cho biết.

Theo ông Kiếm, nơi buôn bán hàng giả thường là cửa hàng kinh doanh cố định có đăng ký kinh doanh vừa bán hàng thật và cả hàng giả. Một số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh cũng sản xuất và buôn bán hàng giả. Địa bàn kinh doanh hàng giả phần lớn phân bố trên các quận 1, 5,6, Tân Bình, tại các chợ bán sỉ như Bến Thành, An Đông, Kim Biên, Bình Tây, Tân Bình.

Nhiều năm trước, hàng giả được làm trong nước, những năm gần đây thì hàng giả được sản xuất từ các nước chung quanh Việt Nam, giả đủ loại từ các nhãn hiệu phổ biến được ưa chuộng của Việt Nam cho đến các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài.

Hội thảo do Bộ Công thương tổ chức tại Đà Nẵng.

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên