20/10/2019 17:05 GMT+7

Góc tối đáng sợ của các trại voi 'mọc như nấm' ở Thái Lan

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Không ít chủ trại voi cũng chính là người mua bán voi. Những kẻ trung gian đặt hàng với bọn săn trộm theo đơn hàng từ chủ trại: 'Chúng tôi cần một con voi đực, voi cái hoặc voi con vài tháng tuổi'.

Góc tối đáng sợ của các trại voi mọc như nấm ở Thái Lan - Ảnh 1.

Thái Lan có khoảng 4.400 con voi nuôi nhốt, lớn hơn số lượng voi hoang dã hiện chỉ từ 2.500 đến 3.200 con - Ảnh: BANGKOK POST

Voi không chỉ là biểu tượng quốc gia mà còn đóng góp lớn cho ngành du lịch đang ăn nên làm ra của Thái Lan. Nhưng chúng đang được đối xử như thế nào trong những trại voi đang mọc lên như nấm ở nước này?

40% khách đến Thái muốn cưỡi voi

Kể từ khi lệnh cấm sử dụng voi nuôi nhốt để đốn gỗ được ban hành tại Thái Lan từ năm 1989, người ta bắt đầu đem voi phục vụ cho du lịch.

Voi trở nên thu hút khách du lịch đến nỗi một khảo sát năm 2017 cho thấy có tới 40% khách đến Thái Lan muốn thăm, cưỡi voi. Nhu cầu về voi phục vụ du khách bắt đầu tăng theo.

"Vào năm 1995 chỉ có 22 trại voi nhưng hiện tại đã có đến 223 trại", báo Bangkok Post ngày 20-10 dẫn lời bà Soraida Salwala, lãnh đạo Bệnh viện Những người bạn của voi châu Á ở Lampang.

Số lượng trại voi gia tăng đồng thời vấn đề về việc đối xử với voi cũng gây nhiều tranh cãi. Mang lại lợi nhuận khổng lồ nhưng lại thiếu quản lý và kiểm tra chặt chẽ, các trại voi bị tố hành hạ các con vật và cắt giảm chi phí quá đáng.

Hiện nay, Thái Lan chỉ có vài đạo luật về quyền lợi động vật để bảo vệ hơn 4.400 con voi nuôi nhốt và việc thực thi luật cũng rất yếu.

Góc tối đáng sợ của các trại voi mọc như nấm ở Thái Lan - Ảnh 2.

Một chú voi con bị nuôi nhốt - Ảnh: BANGKOK POST

Trại cứu hộ cũng đối xử tàn nhẫn với voi

Theo Bangkok Post, các trại nuôi voi tự nhận là "trại cứu hộ voi" nhưng nhiều nơi lại bị phát hiện đối xử tàn nhẫn hay bỏ mặc những con voi.

"Chúng tôi từng tiếp nhận một con voi bệnh rất nặng với những đốm trắng trên da nhưng chưa chữa bệnh xong thì chủ của con voi đã đến để đưa về, nói rằng họ cần nó tham gia một buổi lễ" - bà Soraida kể lại.

Sau đó, bà phát hiện một trại voi đã trả tiền cho chủ của con voi để đem nó về và khoe rằng họ đã "cứu" được nó. Điều đáng nói là những câu chuyện "cứu hộ" như vậy không phải hiếm nhằm gây mủi lòng để kiếm tiền từ khách du lịch nhân danh việc bảo tồn voi.

Nó cũng cho thấy một góc tối trong việc quản lý việc sở hữu, thuê voi. Một con voi được thuê thường không có người chăm sóc riêng và có thể bị buộc cõng khách 12 tiếng hoặc làm trò mỗi ngày.

Việc sử dụng móc nhọn để quản voi cũng đã bị những người bảo vệ động vật phản đối nhưng dù vậy nhiều người trong ngành cho rằng đây là cách cần thiết để khống chế những con vật khổng lồ.

"Chúng có thể giết người chỉ bằng một cú quật vòi" - ông Chatchote Thitaram, lãnh đạo tổ chức Asian Captive Elephant Working Group, giải thích.

Do lo ngại bị du khách phản ứng, nhiều trại voi bắt đầu cho quản tượng sử dụng bí mật những vật dụng nhỏ hơn như đinh, dao. Nhưng điều này được cho là còn nguy hiểm hơn cho những con voi.

Ngoài ra còn hàng loạt vấn đề khác bị phản ánh như xích voi trong không gian hẹp, cho phép du khách tự do cho voi ăn khiến nhiều con bị béo phì hay bắt chúng phải làm việc quá mức.

Góc tối đáng sợ của các trại voi mọc như nấm ở Thái Lan - Ảnh 3.

Những chú voi tham gia lễ hội Songkran ở Thái Lan - Ảnh: REUTERS

Hợp pháp hóa việc "rửa" động vật hoang dã?

Việc mua bán voi cũng sinh lời không kém việc làm du lịch. Một con voi cái thường có giá 1,5 triệu baht (khoảng 50.000 USD), nhưng một con voi đực có ngà có thể có giá đến 10 triệu baht (khoảng 330.000 USD).

"Không ít chủ trại voi cũng chính là người mua bán voi. Kẻ trung gian sẽ nói với bọn săn trộm rằng: chúng tôi cần một con voi đực, voi cái hoặc voi con vài tháng tuổi vì người ta thích nhìn voi con trong các trại voi" - bà Soraida kể.

Không chỉ mua bán giữa các trại voi, những kẻ săn trộm có thể tiếp cận thị trường mua bán voi hoang dã từ Myanmar vào Thái Lan. Ít nhất hai người đã bị giết khi cố vạch trần góc tối này.

"Sự tồn tại của những con voi nuôi nhốt hợp pháp giá trị cao này đe dọa mở đường cho thị trường buôn bán động vật hoang dã thông qua việc khuyến khích ‘rửa’ động vật hoang dã thành nuôi nhốt hợp pháp" - tổ chức Bảo vệ động vật thế giới từng lên tiếng cảnh báo.

Chưa kể, cũng có lo ngại rằng thị trường voi nuôi nhốt hợp pháp ở Thái Lan có thể tạo kẻ hở cho việc "rửa" ngà voi của những kẻ buôn lậu ngà voi từ châu Phi.

Quản tượng tốt, tìm đâu?

Một vài tổ chức như Asian Captive Elephant Standards đang tìm cách thúc đẩy các quy chuẩn đối xử với voi bằng một hệ thống đánh giá chung dựa trên thời gian làm việc của voi, chế độ ăn, sự an toàn…

Những trại voi không đáp ứng các tiêu chí đánh giá có thể bị phạt từ 1.000 đến 2.200 USD.

Bà Soraida Salwala, lãnh đạo Bệnh viện Những người bạn của voi châu Á ở Lampang, cho rằng việc đào tạo các quản tượng chuyên nghiệp, trả lương cho họ cao hơn sẽ góp phần giải quyết vấn đề.

"Họ tham gia làm du lịch voi vì tiền. Nếu một con voi có quản tượng tốt thì nó sẽ rất may mắn… Nhưng chỉ vài trại voi có thể làm được điều đó. Hiện nay, việc tìm một quản tượng tốt rất khó" - bà Soraida cho biết.

Ngày voi quốc gia Thái Lan: tắm, chơi và ăn rau quả Ngày voi quốc gia Thái Lan: tắm, chơi và ăn rau quả

TTO - Từ năm 2012, ngày 12-8 được kỷ niệm là Ngày voi quốc tế để nâng cao nhận thức về bảo vệ voi. Trong khi đó, Thái Lan vừa kỷ niệm Ngày voi quốc gia hôm 13-3, với hiều hoạt động tưng bừng mà nhân vật chính là các chú voi đã diễn ra trên cả nước.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên