09/09/2023 07:58 GMT+7

G20 trong bối cảnh mới

Hôm nay (9-9), lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn bắt đầu cuộc họp tại hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở New Delhi, Ấn Độ.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới, AFP - Trình bày: N.KH.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới, AFP - Trình bày: N.KH.

Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các lãnh đạo sẽ thảo luận nhiều thách thức mà thế giới hậu đại dịch đang đối mặt.

Các thách thức rất đa dạng từ biến đổi khí hậu cho tới khó khăn kinh tế toàn cầu giữa bối cảnh cạnh tranh địa chính trị và xung đột vũ trang.

Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của chúng tôi cố gắng thu hẹp những chia rẽ, dỡ bỏ rào cản và gieo hạt giống hợp tác nhằm nuôi dưỡng một thế giới nơi sự đoàn kết chiếm ưu thế trước bất hòa, nơi vận mệnh chung làm lu mờ sự cô lập.

Thủ tướng Ấn Độ NARENDRA MODI

Cải cách WB, IMF?

Điểm đáng chú ý nhất G20 năm nay là sự vắng mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đặc biệt là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là lần đầu tiên ông Tập không tham dự sự kiện thường niên này kể từ lúc đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc hơn 10 năm qua.

Người thay ông Tập dự sự kiện là Thủ tướng Lý Cường.

Sự vắng mặt của ông Tập đưa sự chú ý tập trung sang Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hãng tin AP dẫn lời các quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden sẽ cố gắng chứng minh Mỹ là nền kinh tế có thể cung cấp lựa chọn phát triển mới, với trọng tâm là việc cải cách và tăng cường nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Ngoài việc chia sẻ góc nhìn đối với các điểm nóng như tình hình kinh tế, năng lượng và cuộc xung đột Ukraine, hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ là thời điểm các nước thảo luận về việc cải cách WB.

Hôm 7-9, WB và IMF ra một tuyên bố chung hiếm hoi cam kết tăng cường hợp tác giữa hai tổ chức này nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, nợ công và việc chuyển đổi số của các nước.

Nhiều ý kiến khẳng định thông điệp quan trọng nhất của Mỹ tại G20 là chứng minh Washington có khả năng cung cấp một giải pháp thay thế cho sáng kiến "Vành đai và con đường" của Trung Quốc. Nói cách khác, G20 cũng là nơi các nước tiếp tục tìm giải pháp giữa cạnh tranh Mỹ - Trung.

Trong tháng 8, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói rằng WB và IMF là hai tổ chức "hiệu quả cao và minh bạch", là "giải pháp thay thế tích cực" cho "Vành đai và con đường".

Lời đáp của Trung Quốc được phản ánh trong một bài bình luận của tờ Global Times, khẳng định sự cải cách của hai tổ chức tài chính trên "không nên là một phần trong cuộc chơi của Mỹ".

Trung Quốc bớt hào hứng với G20

Trong số nhiều suy đoán quanh việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vắng mặt ở G20, một số nhà phân tích cho rằng chi tiết này có thể phản ánh thay đổi trong góc nhìn của Trung Quốc với hệ thống quản trị toàn cầu hiện nay.

Thay vì tiếp tục với G20 trong một cấu trúc bị Mỹ chi phối, Trung Quốc có thể chuyển ưu tiên sang các diễn đàn đa phương khác phù hợp hơn với quan điểm phát triển của Bắc Kinh.

Điều này có nghĩa bức tranh hợp tác trên thế giới đã thực sự thay đổi. Khi dư luận nói đến WB và IMF, họ sẽ không quên sự có mặt của khối BRICS - nhóm các nền kinh tế gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

BRICS được xem như đối trọng cho các sáng kiến hợp tác do phương Tây dẫn đầu, và Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của BRICS chính là tổ chức đối trọng với WB và IMF.

Sự cạnh tranh địa chính trị hiện nay đang khiến BRICS quay lại vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự, đặc biệt với mong muốn mở rộng tư cách thành viên trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 diễn ra hồi tháng 8 tại Nam Phi.

Các nước tham gia sự kiện trên đều thể hiện mong muốn tìm kiếm con đường hợp tác mới ngoài các sáng kiến hiện có của phương Tây, đồng thời tránh đối đầu.

Ông George Magnus, nhà nghiên cứu kinh tế tại Trung tâm Trung Quốc (ĐH Oxford, Anh), nhận định sự mở rộng BRICS là một ví dụ cho cấu trúc toàn cầu mà Trung Quốc muốn xây dựng, với mối quan tâm dành một số nền kinh tế quan trọng nhất trong nhóm các quốc gia đang phát triển.

Trong khi Trung Quốc có khả năng tỏ ra bớt hào hứng với G20, các thông điệp của Mỹ cũng được dự báo khó nhận sự hưởng ứng mạnh mẽ từ đa số các nền kinh tế tụ họp tại Ấn Độ, dù một nửa thành viên G20 là đồng minh và đối tác thân cận của Mỹ.

Trên tất cả, nhiều nước đã bày tỏ quan điểm muốn tìm kiếm hợp tác nhưng phải trung lập trong các vấn đề xung đột.

Khulu Mbatha, từng là cố vấn chính sách đối ngoại cho Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, nói: "Chúng tôi phải có khả năng vận động mà không cần chọn phe, cũng giống như trong trường hợp Ukraine".

Sẽ không dễ để các lãnh đạo G20 tìm thấy điểm chung trong mọi vấn đề. Điều này được thể hiện qua thực tế rằng các bên gặp khó khi đề cập tới một tuyên bố chung của sự kiện thượng đỉnh năm nay.

Trong nhóm các nền kinh tế lớn quyết không "chọn phe", Ấn Độ là minh chứng rõ ràng nhất, và việc tìm ra giải pháp hợp tác trong khi dung hòa được sự khác biệt cũng là dịp để Ấn Độ thể hiện tầm vóc của mình.

Tổng thống Biden không định gặp thủ tướng Trung Quốc ở G20Tổng thống Biden không định gặp thủ tướng Trung Quốc ở G20

Tổng thống Mỹ Joe Biden không có ý định gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Thượng đỉnh G20, dù từng nói thất vọng vì không gặp được ông Tập Cận Bình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên