04/07/2020 08:57 GMT+7

Du lịch miền Tây cần 'áo mới' thay vì những cảnh 'na ná' nhau

CHÍ QUỐC - CHÍ HẠNH
CHÍ QUỐC - CHÍ HẠNH

TTO - Các tỉnh miền Tây đều có cảnh sông nước “na ná” nhau, các sản phẩm du lịch tương tự nhau. Nếu muốn thu hút du khách, ngành du lịch các địa phương này phải ngồi lại với nhau, xây dựng các sản phẩm và tour tuyến mới hấp dẫn hơn.

Du lịch miền Tây cần áo mới thay vì những cảnh na ná nhau - Ảnh 1.

Du khách trải nghiệm và mua trái cây ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) - Ảnh: CHÍ QUỐC

Nhiều đại biểu tham gia hội thảo "Kết nối du lịch ĐBSCL", do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 3-7, đã khẳng định như vậy khi cho rằng dù có nhiều cảnh sông nước hữu tình nhưng ngành du lịch miền Tây thời gian qua vẫn chưa trở thành điểm đến thu hút du khách, do quanh đi quẩn lại vẫn là những sản phẩm du lịch "muôn năm cũ".

Hội thảo là sự kiện trong chuỗi chương trình "Ấn tượng VN 2020" do báo Tuổi Trẻ thực hiện với sự đồng hành của Vietjet, Vinpearl và Lữ hành Saigontourist.

Thay "áo mới" cho sản phẩm du lịch

Vừa công bố 5 tour mới về miền Tây nhưng để "thổi" vào các tour này những nét mới thế nào khi những cung đường miền Tây vốn quá quen thuộc, ông Nguyễn Hữu Y Yên - tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist - cho rằng dù đều có sông nước như nhau nhưng mỗi vùng vẫn có cái riêng là... món ăn. Danh lam thắng cảnh trong vùng có thể tương tự nhau, nhưng nếu đưa câu chuyện vùng miền vào tour, qua món ăn thì sẽ khác.

"Chẳng hạn, tháng 8 và 9 có thể đưa khách về vùng đầu nguồn An Giang ăn cá linh, hay tour về Long An và Đồng Tháp ăn cá lóc nướng bằng lá sen... Du lịch cả ngày, buổi trưa có thể phục vụ du khách những món ăn nhanh gọn, nhưng buổi tối cần có những món ăn đặc trưng của vùng hay ca hát gì đó là đặc sản của địa phương để cho du khách cảm nhận thì nó sẽ khác", ông Yên đề xuất.

Với tâm niệm phải "làm gì đó cho miền Tây", mà cụ thể là làm hồi sinh chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), ông Phan Xuân Anh - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Du Ngoạn Việt - chia sẻ du khách đã quen với tính thương mại của chợ nổi Thái Lan nên ngoài hỗ trợ phương tiện và các thứ khác, ông cũng chia sẻ với thương hồ hoạt động trên chợ nổi Cái Bè "bà con có gì trong vườn cứ đẩy ra bán thoải mái".

Đang "hoạt động ngon lành" với mấy chục xuồng của thương hồ, lại "đụng" dịch COVID-19 khiến hoạt động tại chợ nổi này phải bắt đầu lại từ đầu. Tuy nhiên, ông Xuân Anh vẫn lạc quan với cách làm thu hút này khi cho rằng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành sẽ giúp lượng khách đến tham quan nhiều hơn.

"Chính quyền cần tạo điều kiện, làm sao quản lý đăng kiểm, đào tạo đáp ứng an toàn trên sông nước nhưng không quá chặt để Cái Bè không rơi vào cảnh có sông nhưng không có đò", ông Xuân Anh nói.

Chia sẻ tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cũng cho rằng do tài nguyên du lịch ĐBSCL (sông nước) giống nhau nên sản phẩm du lịch các tỉnh thành như Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang và Cần Thơ đều na ná nhau.

"Do đó, Cần Thơ cần có sản phẩm độc đáo hơn để thu hút du khách. Đặc biệt, thành phố đã có quy hoạch làm các khu vui chơi giải trí cao cấp để tạo sự khác biệt so với các tỉnh trong vùng", ông Hiển nói.

Du lịch miền Tây cần áo mới thay vì những cảnh na ná nhau - Ảnh 2.

Khách thăm vườn quýt ở Lai Vung, Đồng Tháp - Ảnh: T.T.D.

Liên kết để tạo ra sản phẩm khác biệt

Kể lại câu chuyện sau khi xem clip về một bộ phim "đình đám" trên mạng của Mỹ về chiến tranh VN nhưng cảnh đồng quê, chợ nổi lại quay ở... Thái Lan, TS Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế) cho biết đã rất trăn trở bởi ngành du lịch VN đã vuột mất một cơ hội quảng bá với du khách quốc tế. Do đó, theo ông Hiệp, ngành du lịch ĐBSCL phải làm mới các sản phẩm, tour tuyến kèm theo các chương trình khuyến mãi, kích cầu để hấp dẫn du khách.

Thừa nhận có "những sản phẩm du lịch trùng lắp ở ĐBSCL" nhưng ông Hiệp cho rằng nếu biết làm mới sẽ không giống nhau. Chẳng hạn, đờn ca tài tử ở Tiền Giang sẽ khác ở Bạc Liêu hay các địa phương khác. Làm mới sản phẩm từ cái cũ, từ nhu cầu của du khách mà tạo ra sự khác biệt. Nhưng cũng có những cái đòi hỏi sự sáng tạo, như khi chủ tịch Câu lạc bộ Tottenham (Anh) về ĐBSCL và nói về ý tưởng đưa du thuyền theo dòng Mekong, kết nối miền Tây. Đó có thể là một sản phẩm mới.

"Tất nhiên tất cả những cái đó chúng ta hướng tới trọng cầu hơn trọng cung - phải hướng tới du khách thì mới sử dụng được, chứ làm cái gì chúng ta có là không được. Thị trường du lịch rất đa dạng, giống như ăn uống vậy. Có người thích vào nhà hàng hạng sang, có người thích ăn như kiểu gia đình, phải theo nhu cầu dịch chuyển, làm sao đáp ứng nhu cầu đó cũng là cách làm mới", ông Hiệp ví von.

Cũng tại hội thảo, ông Hà Văn Siêu, phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch), cho biết rất tâm đắc với quan điểm kết nối sẽ tạo ra cái mới.

"Chúng ta kết nối điểm đến các địa phương, kết nối các nhà cung cấp dịch vụ, ứng dụng công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch thông minh, nhiều sản phẩm du lịch có thể kết nối lại với nhau. Sự kết nối sẽ tạo ra những yếu tố mới. Chúng ta đang làm mới du lịch ĐBSCL bằng nhiều sản phẩm mới. Và thông qua việc kết nối để tạo ra yếu tố mới, hấp dẫn với du khách", ông Siêu chia sẻ.

Để làm được việc này, ông Siêu đề nghị chính quyền các địa phương ĐBSCL quan tâm, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tạo ra nhiều gói sản phẩm dịch vụ hấp dẫn. Những gói đó không chỉ hấp dẫn về giá mà ý tưởng sản phẩm mới, ý tưởng kết nối, tạo ra nhiều trải nghiệm, nhiều kỳ nghỉ thú vị, tạo ra ấn tượng lưu lại trong lòng du khách.

"Phải làm sao phát huy được tài nguyên, thế mạnh của vùng sông nước ĐBSCL, tạo ra sự đa dạng, không trùng lắp mới hấp dẫn được du khách đến với khu vực này", ông Siêu nói.

Góp phần vào thành công chương trình kích cầu

Báo cáo nhanh của Tổng cục Du lịch VN cho biết đến tháng 6-2020, du lịch nội địa cơ bản phục hồi, thậm chí một số điểm du lịch bãi biển vượt cả năm 2019. Một số hãng hàng không mở thêm chuyến bay như Vietnam Airlines mở 18 đường bay mới, Vietjet cũng vậy.

Đó là tín hiệu đáng mừng, nhờ thị trường 100 triệu dân với tinh thần yêu nước, đam mê du lịch của người VN. Ông Hà Văn Siêu đánh giá cao sự đồng hành của Vietjet, Vinpearl, Saigontourist và báo Tuổi Trẻ thực hiện các hoạt động "Ấn tượng VN", đồng thời cho rằng "chuỗi này sẽ góp phần vào thành công của chương trình kích cầu du lịch nội địa của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch".

Diễn đàn du lịch Ấn tượng Việt Nam do báo Tuổi Trẻ phát động tổ chức, với sự đồng hành của Vinpearl, Hãng hàng không Vietjet Air, Tổng công ty Saigontourist (Saigon Tourist Group). Diễn đàn gồm các chương trình truyền thông, cuộc thi Quê hương tôi dành cho bạn đọc và các sự kiện tại nhiều địa phương.

Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến hiến kế đóng góp, các bài dự thi của độc giả cả nước từ nay đến 15-8. Bài dự thi xin gửi về: antuongvietnam@tuoitre.com.vn.

Xem thêm các bài dự thi tại đây .

Du lịch miền Tây cần áo mới thay vì những cảnh na ná nhau - Ảnh 5.
Mở thêm đường bay nội địa, khuyến khích người Việt Nam đi du lịch Việt Nam Mở thêm đường bay nội địa, khuyến khích người Việt Nam đi du lịch Việt Nam

TTO - Ngày 3-7, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Sở Du Lịch TP.HCM, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cùng 3 đơn vị đồng hành là Vinpearl, Vietjet Air, Saigontourist tổ chức Hội thảo Kết nối Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.

CHÍ QUỐC - CHÍ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên