10/10/2023 09:34 GMT+7

Để không phải lặp lại lời xin lỗi!

Khác với sự hồ hởi của 5 năm trước, dòng tin đầu tiên xuất hiện trên báo chí sau lễ bế mạc Asiad 19 của trưởng đoàn thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt là hai từ 'xin lỗi'.

Đội tuyển Olympic Việt Nam đã sớm phải về nước sau 2 trận thua Olympic Iran 0-4 và Olympic Saudi Arabia 1-3 - Ảnh: H.T

Đội tuyển Olympic Việt Nam đã sớm phải về nước sau 2 trận thua Olympic Iran 0-4 và Olympic Saudi Arabia 1-3 - Ảnh: H.T

Đêm 8-10, Đại hội thể thao châu Á (Asiad) 19 đã chính thức khép lại sau hơn hai tuần tranh tài. Khác với sự hồ hởi của 5 năm trước, dòng tin đầu tiên xuất hiện trên báo chí sau lễ bế mạc đại hội của trưởng đoàn thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt là hai từ "xin lỗi".

Ông Việt xin lỗi vì dù đạt số huy chương như mục tiêu đề ra 3 HCV (chỉ tiêu là giành từ 2-5 HCV) nhưng thành tích của đoàn thể thao Việt Nam đã không như mong đợi của người hâm mộ. Xin lỗi là vì từ Asiad 2002 Việt Nam đã từng giành đến 4 HCV, đứng trong tốp 15 châu Á, nhưng 21 năm sau lại chỉ có 3 HCV, đứng thứ 6 Đông Nam Á và 21 châu Á.

Ông Việt nhận lỗi là điều nên làm nhưng cũng không ai đổ hết lỗi cho ông - một giáo sư đại học và mới nhận nhiệm vụ "thuyền trưởng" của thể thao Việt Nam hơn một năm.

Thế nhưng sự thất vọng của người hâm mộ trước thành tích của thể thao Việt Nam tại Asiad 19 là có cơ sở. Bởi hai kỳ SEA Games gần nhất năm 2022 - 2023, đoàn thể thao Việt Nam từng đứng ở vị trí số 1 Đông Nam Á.

Thậm chí tại SEA Games 31 trên sân nhà, chúng ta giành đến 205 HCV - lập kỷ lục HCV trong một kỳ đại hội và bỏ xa đối thủ đứng thứ hai là Thái Lan (chỉ có 92 HCV). Tại Asiad 18 năm 2018 ở Indonesia, Việt Nam cũng giành được 4 HCV và đứng thứ 17 châu Á. Những con số đó đủ để khiến người hâm mộ hy vọng thể thao Việt Nam sẽ cải thiện thứ hạng tại Asiad 19 Hàng Châu. 

Thế nhưng thực tế không như kỳ vọng. Với 3 HCV, thể thao Việt Nam bị các đối thủ Đông Nam Á bỏ xa tại Asiad 19. Thái Lan giành đến 12 HCV, Indonesia 7 HCV, Malaysia 6 HCV, Philippines 4 HCV, Singapore 3 HCV (hơn Việt Nam về số HCB).

Từ chỗ số 1 Đông Nam Á, thể thao Việt Nam rơi tự do xuống thứ 6 Đông Nam Á tại Asiad không khỏi khiến người hâm mộ thất vọng. Phải chăng những gì chúng ta đã có là ảo?

Nhưng không có gì là ảo. Điều đó thể hiện thực tế rằng trong khi hàng thập niên qua, các nước Đông Nam Á đã không coi SEA Games là đấu trường quan trọng nhất mà từng bước chuẩn bị cho mục tiêu Asiad, Olympic thì thể thao Việt Nam vẫn đặt trọng tâm ở SEA Games. Chậm chuyển đổi chiến lược đầu tư từ khu vực sang châu lục, thiếu nguồn lực đầu tư khiến thể thao Việt Nam chậm chân và tụt xuống ở bảng xếp hạng châu Á.

Theo Bộ VH-TT&DL, ngân sách nhà nước chi cho thể thao năm 2023 hơn 900 tỉ đồng - phần lớn để nuôi ăn, ở, trả tiền lương, tổ chức giải đấu... cho VĐV. Ở các địa phương, năm 2023 TP.HCM cấp 710 tỉ đồng cho sự nghiệp thể thao. Bấy nhiêu cũng chỉ đủ lo tập huấn cho các VĐV, làm sao có... đột phá.

Không có cách nào khác, muốn thể thao Việt Nam thay đổi thì phải điều chỉnh từ chiến lược phát triển thể thao. Cần coi SEA Games là bước đệm để thực hiện mục tiêu vươn tầm Asiad và Olympic, tập trung cho những môn trọng điểm có khả năng vươn ra châu lục.

Trong khi phong trào tập luyện thể thao của người dân phát triển như vũ bão thì việc huy động sự quan tâm, nguồn lực xã hội phát triển thể thao thành tích cao rất hạn chế. Ngoài liên đoàn bóng đá làm việc hiệu quả, hàng trăm liên đoàn thể thao và ngay cả Ủy ban Olympic quốc gia cũng hoạt động cầm chừng, nhiều chỗ có cũng như không. 

Muốn không có thêm một Asiad thất bại, thể thao Việt Nam cần nhìn thẳng vào thực trạng, thay đổi, để không phải "xin lỗi" sau 4 năm nữa.

Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19: Xin lỗi người hâm mộ!Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19: Xin lỗi người hâm mộ!

Ông Đặng Hà Việt - trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19 - xin lỗi người hâm mộ cả nước vì thành tích của đoàn chưa được như mong đợi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên