23/04/2024 10:12 GMT+7

Khó bay đã có tàu xe...

Vé máy bay liên tục tăng giá, dịp nghỉ lễ lại khan hiếm nhưng không vì thế mà người tiêu dùng phải "lụy đò". Bởi bên cạnh bay, người tiêu dùng quen dần với sự cạnh tranh khá thú vị từ tàu lửa, xe đường bộ.

Đi du lịch, có gì mà vội vã, ngồi xe được ngắm cảnh, thăm thú đây đó cũng là một ưu thế cạnh tranh - Ảnh: QUÂN NAM

Đi du lịch, có gì mà vội vã, ngồi xe được ngắm cảnh, thăm thú đây đó cũng là một ưu thế cạnh tranh - Ảnh: QUÂN NAM

Đó là cơ hội cho mọi người lựa chọn, thậm chí khám phá, trải nghiệm những dịch vụ vận chuyển tuy cũ mà mới như tàu lửa. Và cuộc chơi thị trường nghiệt ngã nhưng thú vị cứ liên tục tạo ra "nguy" và "cơ"...

"Nguy" của ngành này là cơ hội cho ngành khác. Còn nhớ, nhiều năm trước tàu lửa "xạch đụi", không còn nằm trong sự lựa chọn của người dân. Khi đó, hàng không lên ngôi. Nguy cho đường sắt và cơ hội cho hãng bay. Cứ ngỡ rằng ngành đường sắt đã "chết".

Nhưng có vẻ thị trường đã dạy cho ngành đường sắt những bài học "trên cả tuyệt vời": không kêu ca, không than khổ, phải đứng dậy, kể cả đứng dậy từ một ngành đường sắt lạc hậu, không được đầu tư.

Và có lẽ ngành đường sắt đã làm được. Họ không có đủ vốn để đầu tư nâng cấp hạ tầng, để có tàu chạy nhanh hơn, êm hơn, rộng hơn… nhưng họ cải tiến bằng chất lượng phục vụ, nội ngoại thất tàu tiện nghi, dễ nhìn và thoải mái hơn cho hành khách.

Tất cả đã được người tiêu dùng chấp nhận. Phần thưởng lớn là từ lỗ nặng, ngành đường sắt đã chuyển sang có lãi.

Và những tháng qua lại là khó khăn cho ngành hàng không khi tàu bay phải liên tục bảo trì, bảo dưỡng theo yêu cầu của cơ quan chức năng và nhà chế tạo.

Giá vé máy bay tăng cao nằm ngoài ý muốn nhưng cũng là một bước lùi khi hãng bay không thể làm hài lòng hành khách. Một bộ phận hành khách sẽ tìm đến những dịch vụ vận chuyển khác: tàu lửa, ô tô đường bộ…

Nếu hai loại hình vận chuyển này chinh phục được những hành khách đến từ hãng bay, biết đâu thị phần vận chuyển du lịch sẽ được chia lại.

Trong tương lai, trong danh sách di chuyển khi đi du lịch của họ sẽ có thêm tàu lửa, ô tô. Bởi đi du lịch, có gì mà vội vã, ngồi xe, ngồi tàu được ngắm cảnh, thăm thú đây đó cũng là một ưu thế cạnh tranh.

Nhẩm tính: gia đình thay vì chi 16 triệu cho vé máy bay khứ hồi TP.HCM - Đà Nẵng, vé tàu hết hơn 8 triệu đồng, tuy đi lâu hơn nhưng được "thu vào tầm mắt muôn trùng nước non".

Các hãng xe cũng tận dụng cơ hội khách khó bay với hy vọng bội thu dịp lễ. Ông Đào Viết Ánh, tổng giám đốc Futa Bus - xe khách Phương Trang, cho hay phải tăng cường thêm 50-70 chuyến mới đáp ứng nhu cầu khách đi riêng chặng TP.HCM đến Nha Trang, Bình Định.

Có lý do để người tiêu dùng chọn xe khách: xe mới, tiện nghi, WiFi, tivi, rồi xe khách giường nằm đôi, riêng tư giá cũng khá mềm, đường sá cũng dần tốt hơn…

Nhưng chắc chắn hãng bay cũng sẽ không chịu thúc thủ, hay chịu chia lại thị phần vận chuyển. Họ phải khắc phục tình trạng giá vé cao, thiếu máy bay, hoãn hủy chuyến...

Những khó khăn chẳng đặng đừng như nhiều máy bay nằm đất ở sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài để bảo dưỡng động cơ rồi sẽ qua đi. Rồi đây hãng bay sẽ trở lại như thế nào, một hình ảnh mới, chất lượng phục vụ mới và còn gì nữa…

Chắc chắn những động thái đó sẽ tạo thêm áp lực lên cuộc cạnh tranh với vòng tròn "nguy" và "cơ" cho tất cả thành viên tham gia thị trường. Không nhà vận chuyển nào có thể "chẹt" hành khách mãi.

Khó bay đã có tàu xe. Nhưng điều đó sẽ sớm thay đổi nếu nhà tàu, hãng xe không làm hài lòng hành khách. Cuộc đua, cạnh tranh mãi là vô tận.

Người Việt đổ xô du lịch nước ngoài, thị trường nội địa mất khách vì vé máy bay caoNgười Việt đổ xô du lịch nước ngoài, thị trường nội địa mất khách vì vé máy bay cao

Lượng khách Việt đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… liên tục tăng trong 3 tháng đầu năm. Nhiều công ty du lịch ghi nhận lượng khách đi Trung Quốc tăng 100%, trong khi sản phẩm du lịch nội địa hẩm hiu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên