13/10/2023 06:26 GMT+7

Phải tìm cho ra nguyên nhân thất bại của thể thao Việt Nam tại Asiad 19

Dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương 2 kỳ SEA Games liên tiếp, nhưng thể thao Việt Nam chỉ xếp thứ 6 Đông Nam Á tại Asiad 19. Phải tìm ra nguyên nhân thất bại của thể thao Việt Nam.

Ông Hoàng Đạo Cương (bìa phải) - thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - chỉ đạo tìm nguyên nhân thất bại của thể thao Việt Nam - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Ông Hoàng Đạo Cương (bìa phải) - thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - chỉ đạo tìm nguyên nhân thất bại của thể thao Việt Nam - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Đó là khẳng định của ông Hoàng Đạo Cương - thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - trong cuộc trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ. Ông Cương cho biết dù hoàn thành chỉ tiêu huy chương nhưng thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19 chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân.

Hoàn thành chỉ tiêu nhưng chưa đáp ứng được mong đợi

* Xin ông đánh giá về quá trình chuẩn bị của đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19?

- Việc chuẩn bị lực lượng tham dự Asiad 19 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Kế hoạch chuẩn bị cho Asiad 19 được triển khai song song với quá trình chuẩn bị SEA Games 31. 

Ngay sau khi kết thúc SEA Games 32, bộ đã chỉ đạo Cục Thể dục thể thao (TDTT) rà soát, đánh giá lực lượng, tăng cường điều kiện đảm bảo tập luyện cho các đội tuyển chuẩn bị tham dự Asiad 19. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường tập huấn nước ngoài cho các đội tuyển và một số VĐV trọng điểm. Trong điều kiện cụ thể của nước ta, công tác chuẩn bị lực lượng VĐV cho Asiad 19 đã được quan tâm tối đa.

Kết thúc đại hội, đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đoàn giành 27 huy chương, trong đó có 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ, xếp 21/45 quốc gia và vùng lãnh thổ dự đại hội. Một số môn tuy không đạt HCV như: thể dục dụng cụ, bắn cung, bóng chuyền… song đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc.

Dù vậy, một số môn để lại sự tiếc nuối như VĐV Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Thị Tâm (boxing) bị chấn thương ngay trước thềm đại hội. Môn karate kỳ vọng ở VĐV Hoàng Thị Mỹ Tâm, Đỗ Thanh Nhân, Nguyễn Thị Ngoan... nhưng do gặp VĐV chủ nhà quá mạnh, phần vì xuất hiện nhân tố bất ngờ từ Triều Tiên và đặc biệt tâm lý thi đấu chưa tốt, căng thẳng nên VĐV không phát huy được năng lực bản thân.

Môn bắn súng, dù xạ thủ Phạm Quang Huy xuất sắc đoạt HCV nhưng cũng rất tiếc nuối khi Phan Công Minh, Hà Minh Thành, Trịnh Thu Vinh chưa giành được huy chương cá nhân. Cự ly 1.500m tự do của kình ngư Huy Hoàng cũng kỳ vọng đạt huy chương và chuẩn A Olympic Paris 2024. Trong tập luyện Hoàng đã bơi với thành tích dưới 15 phút, tuy nhiên vì quá quyết tâm đổi màu huy chương nên em không giữ được nhịp độ, tối ưu hóa hiệu quả khi quay vòng, thành tích không được như mong đợi.

Mặc dù đã đạt được chỉ tiêu huy chương đề ra trước khi lên đường tham dự Asiad 19, song thành tích tại đại hội lần này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ thể thao và nhân dân cả nước. Đặc biệt, với vị thế dẫn đầu toàn đoàn trong 2 kỳ SEA Games liên tiếp, nhưng thể thao Việt Nam xếp sau nhiều nền thể thao khu vực tại Asiad 19. 

Đây là điều rất cần phải tổng kết, rút kinh nghiệm để tìm ra nguyên nhân thất bại. Trong thời gian tới, Bộ VH-TT&DL sẽ chỉ đạo Cục TDTT tổng rà soát, đánh giá toàn diện để chuẩn bị cho các kỳ Olympic, Asiad tiếp theo.

VĐV Trần Thị Nhi Yến (bìa phải) tham dự cự ly chạy 100m, 200m Asiad 19. Dù rất nỗ lực nhưng cô không thể có huy chương - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

VĐV Trần Thị Nhi Yến (bìa phải) tham dự cự ly chạy 100m, 200m Asiad 19. Dù rất nỗ lực nhưng cô không thể có huy chương - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

* Ông có hài lòng về những gì các VĐV Việt Nam đã thể hiện và kết quả đoàn giành được?

- Asiad 19 là đấu trường rất quyết liệt, nơi quy tụ nhiều VĐV hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, trình độ không cách biệt quá xa so với trình độ Olympic. Bộ VH-TT&DL cũng đã xác định đây là kỳ Asiad có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vì một số môn, nội dung thi đấu thế mạnh của thể thao Việt Nam không có trong chương trình thi đấu. 

Các VĐV đến từ Trung Quốc, Triều Tiên là những quốc gia có nền thể thao rất mạnh nhưng không thi đấu quốc tế trong 2 năm. Ấn Độ là nước có tiềm lực và đang đầu tư rất mạnh cho thể thao. Bahrain nhập tịch các VĐV đến từ châu Phi - là những ẩn số tại đại hội.

Tôi thường xuyên theo dõi sự nỗ lực, vượt qua các đối thủ mạnh, xuất sắc giành huy chương về cho Tổ quốc của các VĐV. Những tấm huy chương đó dù là vàng, bạc, đồng đều là thành quả của cả quá trình tập luyện nỗ lực, hy sinh. 

Tất nhiên, kết quả chung cuộc của đoàn thể thao Việt Nam tuy đạt chỉ tiêu nhưng chưa làm hài lòng người hâm mộ, nhất là sau những chiến thắng (đứng thứ nhất toàn đoàn tại SEA Games 31 và 32).

VĐV Phùng Thị Huệ (bìa trái) giành HCĐ môn Jujitsu Asiad 19 - Ảnh: NAM TRUNG

VĐV Phùng Thị Huệ (bìa trái) giành HCĐ môn Jujitsu Asiad 19 - Ảnh: NAM TRUNG

Bất khả thi trong thực hiện nhiệm vụ Asiad, Olympic

* Trong hai kỳ SEA Games liên tiếp gần đây, thể thao Việt Nam đứng vị trí số 1 Đông Nam Á. Dù vậy khi ra đấu trường châu Á thì Việt Nam đứng thứ 6 của khu vực, vì sao?

- Thành tích cao tại Đông Nam Á chưa phải là đảm bảo chắc chắn để chúng ta lại đứng đầu khu vực của một giải đấu tầm châu lục. Mỗi đại hội có vai trò, ý nghĩa riêng.

Thể thao Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ ở đấu trường SEA Games và cũng đã đặt mục tiêu tập trung cho đấu trường Asiad, Olympic. Tuy nhiên trong điều kiện thực tế của đất nước hiện nay, mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, song nguồn lực của chúng ta dành cho thể thao thành tích cao còn hạn chế. 

Cơ sở vật chất, điều kiện tập luyện, lực lượng chuyên gia, HLV, ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao trong đào tạo VĐV trọng điểm ở nước ta còn thua kém so với nhiều nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, phải thừa nhận mặc dù đã có định hướng tập trung cho đấu trường Asiad, Olympic nhưng trong tổ chức thực hiện chủ trương đó trên thực tế chưa đạt yêu cầu.

HCB thể dục dụng cụ của VĐV Nguyễn Văn Khánh Phong (TP.HCM) là một trong những điểm sáng của đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19 - Ảnh: HUY ĐĂNG

HCB thể dục dụng cụ của VĐV Nguyễn Văn Khánh Phong (TP.HCM) là một trong những điểm sáng của đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19 - Ảnh: HUY ĐĂNG

* Chiến lược phát triển thể thao đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Chính phủ đặt mục tiêu từ Asiad 18 (năm 2018) trở đi thể thao Việt Nam phải đạt 10-15 HCV, xếp 10-15 châu Á. Olympic có từ 30-50 VĐV đạt chuẩn và có từ 2 huy chương trở lên trong mỗi đại hội (trong đó có 1 HCV). Mục tiêu này đến thời điểm hiện tại là không và khó có thể thực hiện được?

- So sánh chỉ tiêu trên với Asiad 19 là chưa đạt được. Chỉ tiêu có từ 30-50 VĐV đạt chuẩn tham dự Olympic cũng gần như bất khả thi trong điều kiện hiện nay. 

Ngoài nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của ngành TDTT, về khách quan cần thấy rằng mức độ cạnh tranh thành tích giữa các quốc gia tại những đại hội lớn như Asiad, Olympic ngày càng gắt gao. Các quốc gia đều đầu tư trọng điểm và có kế hoạch dài hơi để chuẩn bị cho từng đại hội.

Tại Asiad 19, hai quốc gia Đông Nam Á là Thái Lan và Indonesia đặt ra chỉ tiêu rất cao, nhưng cũng không hoàn thành trong bối cảnh đoàn thể thao Trung Quốc quá mạnh, sự cạnh tranh mạnh mẽ của các quốc gia Đông Á. 

Với thể thao Việt Nam, tuy có kế hoạch, có đầu tư, song sự đầu tư của chúng ta so với các quốc gia khác còn thua kém, thiếu trọng điểm. Đối thủ tiến bộ rất nhanh, ta cũng có những nội dung tiến bộ, nhưng có nhiều nội dung sa sút.

Thẳng thắn nhìn nhận rằng, một số chỉ tiêu tại Quy hoạch phát triển TDTT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cần phải điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế. Bộ VH-TT&DL đã chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó đã xác định lại các chỉ tiêu phát triển, phù hợp với bối cảnh Việt Nam và quốc tế.

Mục tiêu cụ thể là giành từ 5-7 HCV tại Asiad 2026, 7-9 HCV tại Asiad 2030 và phấn đấu có huy chương tại các kỳ Olympic. Tôi cho rằng chỉ tiêu như vậy là thực tế, để đạt được cũng cần phải có sự quyết tâm lớn, chuyển động rất lớn của ngành TDTT.

* Kết quả của thể thao Việt Nam tại Asiad 19 có thể hiện rằng thể thao thành tích cao Việt Nam đi xuống không, thưa ông?

- Với thể thao thành tích cao, kết quả là sự phản ánh quá trình nhiều năm chuẩn bị. Kết quả phụ thuộc vào các yếu tố khách quan, chủ quan, tính chu kỳ. Không phải giải đấu sau nào cũng có kết quả tốt hơn giải đấu trước.

Cử tạ ra về tay trắng tại Asiad 19 - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Cử tạ ra về tay trắng tại Asiad 19 - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Vẫn phải đứng tốp đầu SEA Games

* Theo Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, thành tích đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games phải xếp vị trí 1-2 toàn đoàn. Mục tiêu này hiện có còn phù hợp?

- Nhiệm vụ của thể thao Việt Nam tại các kỳ SEA Games đương nhiên vẫn phải giữ vững vị trí trong top đầu. Tuy nhiên lực lượng VĐV tham dự SEA Games sẽ tiếp tục được đầu tư những môn liên thông với nhiệm vụ tham dự Asiad, Olympic. 

Những nhóm môn không liên thông sẽ thực hiện chủ chương xã hội hóa, huy động nguồn lực địa phương trong công tác chuẩn bị lực lượng. 

Kết quả thi đấu tại Asiad 19 này cũng là một căn cứ quan trọng để Cục TDTT điều chỉnh lại kế hoạch, chương trình tập luyện của các đội tuyển quốc gia.

* Thiếu kinh phí là vấn đề cốt lõi của thể thao hiện nay. Bộ có giải pháp nào để huy động tài chính, tập trung các nguồn lực xã hội phát triển thể thao Việt Nam?

- Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ, Quốc hội ngày càng quan tâm đến công tác TDTT. Ngân sách (cả trung ương và địa phương) được bố trí cho lĩnh vực TDTT cơ bản đáp ứng theo đề xuất của các cơ quan quản lý. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, việc bố trí kinh phí đáp ứng đủ nhu cầu của ngành TDTT là chưa thể. 

Tuy nhiên, cái khó hiện nay chưa hẳn là kinh phí mà còn do một số cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực TDTT, nhất là trong thể thao thành tích cao, còn bất cập, đã lạc hậu, dẫn tới chưa có sự đột phá trong đầu tư cho đào tạo VĐV thành tích cao. 

Bên cạnh đó, việc cải tạo, xây dựng mới các công trình thể thao trọng điểm, đầu tư mua sắm, nâng cấp các trang thiết bị phục vụ đào tạo VĐV triển khai còn chậm, một phần là do trở ngại, vướng mắc về cơ chế, chính sách. 

Trong thời gian tới, Bộ VH-TT&DL sẽ chỉ đạo tăng cường rà soát, đề xuất điều chỉnh các quy định, chính sách đặc thù trong lĩnh vực thể thao thành tích cao. Xây dựng và triển khai các đề án phát triển lực lượng VĐV trọng điểm chuẩn bị cho Asiad, Olympic. 

Song song với đó là mở rộng xã hội hóa, phát huy vai trò, hiệu quả của Ủy ban Olympic Việt Nam và các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia.

Đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong việc bảo trợ, tài trợ cho các đội tuyển thể thao, các VĐV thể thao trọng điểm.

Cần phải đẩy mạnh quá trình chuyên nghiệp hóa, mở rộng các loại hình thể thao chuyên nghiệp để có được lực lượng VĐV nhà nghề, câu lạc bộ thể thao nhà nghề như cách làm của nhiều nước hiện nay. 

Đối với lĩnh vực đầu tư công, bộ đã có quy hoạch, kế hoạch trung hạn, dài hạn để tập trung ngân sách đầu tư nâng cấp, mở rộng các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, một số đơn vị sự nghiệp có tham gia trong chuỗi đào tạo VĐV, dần khắc phục những hạn chế về cơ sở vật chất.

Tiếp tục tranh thủ các mối quan hệ hợp tác quốc tế để tăng cường chuyên gia và cơ hội hợp tác quốc tế trong tập huấn, đào tạo VĐV ở nước ngoài. Đồng thời, mở rộng cơ chế khuyến khích, thu hút tài năng thể thao là người Việt ở nước ngoài về tham gia thi đấu cho các đội tuyển quốc gia.

Bóng chuyền nữ là điểm sáng của đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19 - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

Bóng chuyền nữ là điểm sáng của đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19 - Ảnh: QUÝ LƯỢNG

* Ngoài Liên đoàn Bóng đá, hầu hết các liên đoàn thể thao quốc gia hoạt động cầm chừng, đóng góp rất hạn chế. Bộ có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?

- Xu thế quốc tế cho thấy trình độ nền thể thao càng phát triển thì vai trò của các hội thể thao quốc gia trong quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động TDTT càng rõ nét. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã xác định cụ thể vấn đề này.

Tuy nhiên thực tế, phần lớn liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia hiện còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, dẫn tới chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, quyền hạn được giao.

Để phát huy thế mạnh của các tổ chức hội về thể thao trong thời gian tới, cần phải triển khai nhiều biện pháp như: Bổ sung, điều chỉnh các quy định pháp luật về quản lý hội để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của các hội thể thao; Ban hành mới các quy định pháp lý, quy định chuyên môn để tạo điều kiện cho các hội phát huy được quyền của hội; Mở rộng và đẩy nhanh quá trình chuyên nghiệp hóa thể thao, ngoài bóng đá, bóng rổ thì cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang cơ chế chuyên nghiệp đối với các môn bóng chuyền, MMA, boxing, golf...

Bóng đá Việt Nam đi thụt lùi ở Asiad 19Bóng đá Việt Nam đi thụt lùi ở Asiad 19

Asiad 19 được xem là kỳ tranh tài có thành tích thụt lùi của bóng đá Việt Nam ở cả nam và nữ so với 6 kỳ tham dự đại hội trước đây.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên